Thiền: tâm thân thông suốt=chân hạnh phúc
Trong chương trình trước đây, khi đề cập đến vấn đề chăm sóc sức khoẻ
tinh thần, cựu Giám đốc Viện Y học Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, Bác
sĩ Trương Thìn đã đưa ra lời khuyên về một trong những biện pháp nhằm
giúp tâm trí được yên ổn thư dãn là, nên tập Thiền. Ông nói:“Muốn tập
cho cái tâm yên thì phải tập thiền. Tập thiền có nghiã là xoáy những ý
nghĩ của mình vào một chuyên đề gì đó mà mình rất thích. Từ đó mình sẽ
đạt được một trạng thái bình yên trong đầu óc của mình. Khi mình chú ý,
mình thích làm một công việc gì thì toàn bộ thế giới sẽ như bị xoá đi.
Tất cả sẽ yên lặng, bởi vì chúng ta chỉ còn tập trung vào mỗi chuyện đó
mà thôi. Đấy là những phút thiền định. Đấy là một phương pháp mà tôi
đã áp dụng rất hay.”
Thiền định là gì mà lại có được một huyền năng như vậy. Đối với
nhiều người Thiền được hiểu là ngồi yên, trầm tư mặc tưởng. Đôi khi
người ta cứ nghĩ rằng ngồi yên, nhắm mắt và giữ cho trí óc không suy
nghĩ gì cả để tâm trí được thanh thản thoát ra được các vấn đề, đó là
Thiền. Thật sự, theo các chuyên gia về Thiền định, cả hai cách hiểu này
đều chưa hoàn toàn đúng với ý nghiã đích thực về Thiền. Theo cách giải
thích đơn giản nhất của những người am hiểu về Thiền, thì đó là một sự
rèn luyện tinh thần để giúp con người đi tới sự tư duy bình thường mà
đạt được một trạng thái ý thức sâu, đồng thời với sự thấu hiểu là thư
dãn. Điểm cốt lõi của Yoga và Thiền định rất đơn giản, đó là tìm thấy
chân hạnh phúc.
Vào đầu thế kỷ 20, những thiền sư bắt đầu thử nghiệm thực hành Thiền
để tâm lắng đọng và tâm – thân được thông suốt. Mặc dù Thiền có nguồn
gốc từ những hoạt động tâm linh có từ thời cổ đại nhưng ai cũng có thể
tiếp cận những hướng dẫn tập Thiền để được hưởng những lợi ích to lớn
từ nó. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Thành phố Hồ
Chí Minh đưa ra một định nghiã về Thiền định như sau:“Thiền định
chính là tự thưởng thức bản thân, nếu chúng ta đi sâu vào bên trong thì
chúng ta sẽ nhận ra, là tất cả những gì mà con người tìm kiếm trong
cuộc đời này như: sự thanh khiết, bình an, tình yêu thương, hạnh phúc,
niềm vui, sức mạnh, quyền lực đối với chính mình, sự thông thái nội tại.
Tất cả đã có sẳn ở bên trong chúng ta nhưng chúng ta không trải nghiệm
được trạng thái thật của mình, cho nên chúng ta đi ra bên ngoài tìm
kiếm nó trong mọi phương tiện khác nhau, nhưng cái tìm kiếm ở bên ngoài
là giả tạo, không phải thật. Cái mất là cái mà chúng ta đánh mất ở bên
trong mình – trạng thái bình an, đầy hạnh phúc, đầy an lạc ở bên
trong. Mà chúng ta đi tìm kiếm nó ở trong thức ăn, trong công việc,
trong game, trong du lịch, ở trong mọi thứ khác ở bên ngoài. Đương
nhiên những thứ đó chỉ là tạm thời mà thôi bởi vì nó không phải là
thật.”
Trong trạng thái này chúng ta được thư dãn hoàn toàn, và trí thông
minh đặc biệt cao, khi chúng ta ở trong trạng thái sóng não chậm, BS
Kim Hưng nói
Với kinh nghiệm mỗi ngày đều dành thời gian để ngồi Thiền Bác sĩ Kim
Hưng đưa ra lời khuyên :“Cho nên nếu chúng ta muốn nghỉ ngơi thật sự
thì chúng ta phải đi vào bên trong chúng ta. Ai cũng có khả năng đi vào
bên trong mình, phần tỉnh lặng, đi vào ốc đảo nội tâm của chúng ta ở
nơi tỉnh lặng chúng ta sẽ nhận được những sức mạnh, những điều chúng ta
cần trong cuộc đời này. Đi sâu hơn nữa chúng ta có thể trải nghiệm
trạng thái bất tử của mình. Thực ra con người chỉ tìm kiếm cái gì mình
đã từng biết, từng trải nghiệm. Chúng ta không bao giờ đi tìm kiếm cái
gì mà ta hoàn toàn không biết cả. Cho nên Thiền định là những phương
pháp nghỉ ngơi thật sự tuỳ từng mức độ khác nhau, từ cái thư dãn, nghe
nhạc, tập thở sâu. Đây là một cuộc hành trình khi chúng ta thực hành
Thiền đi vào thế giới bên trong của chúng ta. Lúc đầu chúng ta sẽ nhận
được trạng thái thư dãn, nghỉ ngơi rồi càng ngày sẽ càng sâu hơn nữa. Ở
trạng thái Thiền sâu, sóng não của chúng ta là trạng thái delta, tức
là giống như khi chúng ta ngủ rất sâu. Trong trạng thái này chúng ta
được thư dãn hoàn toàn, và trí thông minh đặc biệt cao, khi chúng ta ở
trong trạng thái sóng não chậm”
Thiền và Yoga
Một vấn đề mà nhiều người hay thắc mắc là, việc luyện tập Yoga có
liên quan gì đến các tư thế Thiền định hay không. Swami Sita của Tổ chức
Sivananda Yoga ở tiểu bang California cho rằng đối với Yoga cổ điển
thì các tư thế tập Yoga và Thiền định không khác nhau mấy, việc luyện
tập Yoga cổ điển cũng giúp chuẩn bị tốt cho buớc kế tiếp là ngồi Thiền.
Bà giải thích rằng:“Tại vì tư thế Thiền định là tư thế cao nhất của
những tư thế Yoga, vì lúc đó mình có thể ngồi thăng bằng được, tức là
cũng thăng bằng về nội tâm nữa. Theo văn chương của Yoga thì nói rằng
đó là khí của mặt trời, và khí của mặt trăng thăng bằng trong con người
mình. Cho nên thì lúc đó mình ngồi, mới tịnh được, rồi mới kéo tinh
thần của mình vô trong được, mình mới hướng nội được. Vì tinh thần của
mình lúc nào cũng hướng ngoại, chạy bên ngoài, rồi bị những cảm giác
bên ngoài làm bị xúc động, làm cho bị mất năng lượng, lo âu. Quan trọng
là mình phải ngồi yên, thẳng thắn không bị đau lưng, không bị nhức mỏi
thì lúc đó mình mới tập trung được. Tập trung rồi thì lúc đó mình mới
có thể Thiền định được.
Mà con đường Thiền định giúp cho mình có được sự sảng khoái, hoan lạc
của tâm linh, của tinh thần và của thể xác, tại vì thể xác và tâm
linh, thể xác với lại tinh thần lúc nào cũng gắn bó, không thể chia cắt
ra được. Nếu tinh thần của mình bị xáo trộn quá thì lúc đó mình không
thể tìm thấy chính thân của mình là ai, vì lúc đó mình không thể Thiền
được, không tịnh được. Quan trọng nhất là mình phải Tịnh, Tịnh rồi mới
Thiền được, rồi lúc đó mới thấy được chân lý của cuộc đời.”
Tuy nhiên, không nhất thiết phải luyện tập Yoga trước rồi mới bắt đầu
tập Thiền Định. Ông Nguyễn Hạnh, người có quá trình tập Thiền hơn 10
năm, hiện nay ngoài việc luyện tập cho bản thân ông cũng tham gia hướng
dẫn cho những người mới bắt đầu thực hành môn này tại Trung tâm Thực
Tập Chánh Niệm ở Quận Fairfax, thuộc Tiểu bang Virginia, cho rằng yếu
tố quan trọng nhất trong Thiền định là tập cho tâm được bình yên. Ông
Hạnh giải thích:“Ví dụ một người nuôi ngựa thì phải huấn luyện con ngựa
trước khi cưỡi. Nếu là con ngựa hoang thì càng phải huấn luyện nó
nhiều hơn nữa, vì nếu không nó chạy rất nguy hiểm. Thì cái tâm của mình
cũng tương tự như vậy, nó thường chạy lung tung, nó nhảy từ ý này qua ý
khác liên miên bất tuyệt như vậy. Nhưng điều quan trọng là mình thường
lầm lẫn những lăng xăng lộn xộn của tâm ý trong đầu, và cho đó là mình
rồi theo nó. Thành ra mình rất bất an rất xao xuyến. Từ cái sai lầm đó
thì mình tạo ra rất nhiều cái phiền, cái khổ cho mình và cho những
người khác. Do đó tập Thiền là cách để mình nhận diện được những cái
lăng xăng, những cái náo động trong cái tâm của mình để từ đó mình có
thể thuần phục được những ý nghĩ trong cái tâm của mình.”
Sức khoẻ của trí não
Xuất phát từ kinh nghiệm tập Thiền của bản thân, và thông qua việc
hướng dẫn giúp đỡ những người bắt đầu tập luyện ông Hạnh cho biết những
lợi ích mà việc tập Thiền có thể mang lại cho sức khoẻ tinh thần của
con người:“Muốn có sức khoẻ thì chúng ta phải biết cách ăn uống, dinh
dưỡng, nghỉ ngơi. Ngoài những yếu tố vừa đưa ra, con người thường bệnh
là vì có thêm sự rối rắm, bất ổn trong cái tâm của mình, đo đó tập
Thiền là cách để giúp mình hồi phục lại được sự yên tỉnh, êm lắng và
hài hoà trong tâm của mình. Thiền có thể giúp cho mình có sự sáng suốt,
giúp giải toả những căng thẳng, lo lắng, bất an trong con người, giúp
cho mình vượt qua những ám ảnh về tâm lý gây ra bởi những biến cố,
những chấn thương mà mình đi qua trong quá khứ, hoặc có thể hoá giải
những thói quen tiêu cực trong chính bản thân mình – những cách suy
nghĩ, những cảm xúc tiêu cực, hoặc trong cách mình ứng xử với người
khác.”
Thiền, bản thân từ ngữ này đã toát ra một sự huyền bí, như vậy làm
thế nào để chúng ta có thể đến với thế giới Thiền định. Đây cũng là một
vấn đề mà nhiều người băn khoăn trước khi nhập môn. Bằng sự trải
nghiệm của chính bản thân ông Hạnh cho biết:“Thật ra muốn tập thiền
chúng ta không cần phải biết ngồi theo thế bán già hoặc kiết già như
mình thường thấy trong số những người tập Thiền chuyên môn; mình có thể
ngồi trên ghế hoặc nằm buông thư. Điều cần thiết là làm sao để mình có
thể nhận ra những ý nghĩ trong đầu mình, những ý kiến, những quan điểm
của mình về đời sống, về những người khác, không phải là những cái gì
tuyệt đối đúng, hay là sự thật. Mình có ý muốn vượt ra khỏi những khó
khăn, căng thẳng mà mình đang gặp phải. Mình chỉ cần tập theo lời hướng
dẫn của người dạy Thiền là mình có thể làm được.”
Việc tập Thiền ngoài tác dụng giúp cơ thể thư dãn, đầu óc được nghỉ
ngơi, nó còn có khả năng giúp cho trí tuệ được sáng suốt minh mẫn do
giải toả được những vấn đề căng thẳng nên tạo thêm sức mạnh tinh thần
để tiếp tục công việc "Tập Thiền có tác dụng giúp cho mình thư dãn về
tinh thần giải toả những căng thẳng trong nội tâm mình. Ngoài ta tập
Thiền còn giúp cho mình có khả năng nhạy bén trong chuyện giải quyết
những công việc ở Sở làm. Vì tập Thiền sẽ làm cho sự chú tâm của mình
rất cao, giúp cho mình có khả năng tập trung vào vấn đề. Đối với một
người làm việc thì điều này rất quan trọng. Thành ra tập Thiền sẽ giúp
mình biết cách giải quyết những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ
vì trong công việc đôi khi mình gặp những vấn đề, nhưng mình không biết
sẽ giải quyết như thế nào thì Thiền tập giúp cho mình tìm ra được giải
pháp bởi sự tập trung vào vấn đề, và cách tìm ra những giải pháp mà nó
không nằm trong sách vở. Theo như mình biết, có những vấn đề không nằm
trong sách vở, bởi vì nếu nó nằm trong sách vở thì đương nhiên người
khác cũng biết. Thành ra Thiền tập giúp cho mình phát minh được những
cách làm việc mới, những giải pháp để giải quyết vấn đề rất hay.”
Một điều cần lưu ý, mặc dù Thiền định có thể dùng để chữa một số căn
bệnh hoặc làm giảm bớt những vấn đề căng thẳng, nhưng những người tập
Thiền để chữa bệnh cũng cần tham vấn với các bác sĩ chuyên môn. Ví như
một người bị trầm cảm lâu ngày không thể chỉ áp dụng phương pháp Thiền
để chữa bệnh, mà phải làm việc với các bác sĩ tâm thần để điều trị.
Thiền hành giúp người tập tìm thấy sự thư dãn tinh thần, sự bình yên
trong tâm hồn. Bạn có thể tập Thiền vì những lý do như vừa kể hoặc để
gia tăng các giá trị tinh thần và cá nhân, hay đơn giản là để có một
tâm hồn rộng mở trước mọi sự trên thế gian.
* Tất cả đã có sẵn ở bên trong chúng ta nhưng chúng ta
không trải nghiệm được trạng thái thật của mình, cho nên chúng ta đi ra
bên ngoài tìm kiếm nó - BS Nguyễn Thị Kim Hưng, chủ tịch Hội thiền định, TP/HCM
* Quan trọng nhất là mình phải Tịnh, Tịnh rồi mới Thiền được - BS Kim Hưng
* Thành ra tập Thiền sẽ giúp mình biết cách giải quyết những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ - ông Nguyễn Hạnh, người hướng dẫn Thiền, Fairfax, VA, USA
Theo RFA