Phật Học Online

Nhìn về mùa Phật đản PL2555 ba miền

Mặc dù đó đây làm Phật đản rất hùng tráng, trang nghiêm; nhưng vẫn còn chỗ nọ chỗ kia làm Phật đản cầm chừng, và tự lấy dây trói tay mình một cách hết sức vô lý. Nhìn theo từng cụm, từng vùng thì có điều vui mừng. Nhưng, nhìn trên tổng quát của một tôn giáo của dân tộc, chúng ta vẫn cảm thấy có gì đó bất ổn cho sự đồng lòng và đồng thuận của Giáo hội trong Phật sự trọng đại này.

Phật tử và quần chúng các giới đang dõi mắt trông theo Phật giáo, và đều tỏ ra xứng đáng là người con Phật. Tiếc thay, các cấp Giáo hội đây đó còn thụ động, bàng quan trước dòng sinh mệnh Phật giáo, thờ ơ với ngày Đại lễ Phật đản.

Có ba cách nhìn và 3 cách đánh giá theo ba miền Bắc-Trung-Nam:

Tại miền Trung

Thông qua mùa Phật đản, chúng ta vui mừng và phấn khởi khi thấy Phật giáo miền Trung đã và đang là ngọn cờ tiên phong của Phật giáo, vì ở đấy Phật sự luôn được nối tiếp truyền thống lịch sử chấn hưng Phật giáo, luôn được tính toán vẹn toàn trên hình thức và nội dung.

Trang nghiêm tuyệt đỉnh, hùng tráng ngất trời. Truyền thống ấy năm này qua năm nọ, giai đoạn này qua giai đoạn kia chỉ có hơn lên chứ không hề giảm sút.

Bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù thuận dù nghịch, vẫn luôn rắn rỏi với niềm tin vào Phật đà và Tam bảo. Có lúc tạm đứng yên để lấy sức bước mạnh hơn nữa. Dù thế, Phật giáo miền Trung ấy chưa bao giờ chịu để mình đứng im, mà họ chỉ đứng im Phật sự này để khởi động Phật sự khác.

Với Phật giáo miền Trung, trong sự bế mạc cái này thì vẫn luôn tiềm ẩn khai mạc cái khác.

Đặc biệt nhất, các tỉnh miền Tây Nguyên đầy khó khăn như Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai vẫn có mùa Phật đản tràn ngập cờ hoa, hân hoan. Nhưng cũng đáng tiếc là Phật giáo Lâm Đồng lại tụt hậu một cách trầm trọng.

Phật giáo miền Trung lấy cái tâm "trụ tín Tam bảo" để thể hiện uy danh của lịch sử Phật giáo hơn 2000 năm trên đất nước này.

Tại miền Bắc

Kinh đô ngàn đời của dân tộc Việt, trải qua các khúc quanh của lịch sử, Phật giáo tại đấy gắn mình với sự thịnh suy của dân tộc.

Bao thời gian vì hoàn cảnh khách quan, con người xứ ấy và xã hội nơi ấy phải chịu đựng những sự thụt lùi mọi mặt vì những cơ chế, thời thế giao thoa khi hòa bình lập lại. Cả đất nước đều như thế, nhưng miền Bắc lại bị nặng và lâu hơn cả. Phật giáo miền Bắc cũng nằm trong sự thụt lùi ấy.

Trong hơn 20 năm đầu, kể từ khi thành lập Giáo hội vào năm 1981, Phật giáo tại Bắc một lá giáo kỳ cũng thấy lẻ loi hiu quạnh. Chúng ta vẫn nhớ, vào đại hội Phật giáo toàn quốc lần 4 tại cung hữu nghị Việt - Xô, sự tranh luận để treo cho được giáo kỳ là cả vấn đề gay cấn.

Chính quyền cho rằng, lá giáo kỳ ấy không có đại biểu Giáo hội tham dự. Một lập luận còn non kém, vì Giáo hội thành lập sau khi giáo kỳ đã có mặt trên thế giới trước đó hơn 50 năm. Mọi khúc mắc được tháo gỡ, sự cảm thông giữa Nhà nước và Giáo hội được thiết lập.

Bỗng chốc, Phật giáo miền Bắc cựa mình vươn vai trên mọi Phật sự. Sự vươn mình ấy đã cho ra những con Rồng lâu năm đang ngọa tàng, mà hiện tại nay và cụ thể nhất là TT. Thích Bảo Nghiêm, hay ĐĐ. Thích Tiến Đạt, TT. Thích Minh Hiền (Hà Nội), TT. Thích Quảng Tùng, TT. Thích Thanh Giác (Hải Phòng)… cùng nhiều chư Tăng Ni trẻ khác ở Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng…

Ngay lập tức, các Ngài hành động thiết lập sợi dây kế thừa lịch sử. Thế là, các chuyến quay về các chốn Tổ, tìm gặp chư Tôn Hòa thượng trưởng lão - chứng nhân sống của lịch sử, để 4 chúng đồng khâm và đồng thuận dưới 3 ngôi Phật – Pháp - Tăng.

Những gì cần làm đã làm xong. Sợi dây kế thừa lịch sử đã ló dạng.

Có phải thế hay chăng, mà sao bỗng dưng già trẻ lớn bé, Tỳ kheo -Tỳ kheo ni - Ưu bà tắc - Ưu bà di, nhất là giới trẻ đồng loạt dấn thân để "tỏ ra mình là Phật tử". Và họ rất xứng đáng với sự "tỏ ra" đó, khi Phật đản vừa qua, không ít nơi làm cho cả nước ngơ ngác và mừng vui với nhiều Phật sự không thể nghĩ bàn.

Năm 1963, Phật giáo cựa mình đứng lên, trực diện với tử sinh, và bỗng sáng lòa, làm cho cả thế giới phải dõi mắt trông theo và bắt đầu khởi công tìm hiểu về sức sống bền dai của dân tộc này, cũng như sự ngọa tàng bấy lâu của Phật giáo trong lòng dân Việt.

Phật đản năm 2010, rồi 2011, Phật giáo miền Bắc vươn vai trỗi dậy để khẳng định "dân tộc này vẫn còn cái ấy" trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch. "Cái ấy" làm cho Phật giáo đồ cả nước bỗng giựt mình ngỡ ngàng hoan hỷ vô biên.

Xin đê đầu đảnh lễ chư Tăng Ni Bắc Việt. Xin tỏ lòng tri ân đồng bào Phật tử các giới tại Thủ đô nói riêng, tại miền Bắc nói chung. Xin bày tỏ hoan hỷ với liệt vị có thiện cảm với Phật giáo.

Tại miền Nam

So với hai miền kia, Phật giáo và xã hội miền Nam gặp đầy đủ mọi thuận duyên trên tất cả các lãnh vực. Thế nhưng! Trớ trêu thay, không ít nơi Phật giáo tại đây lại tự đánh mất mình.
Đánh mất trên hai phương diện:

Phương diện thứ nhất là tính vay mượn.

Một số Phật sự diễn ra đều vay mượn hình thức của xứ người, nên nhìn vào hình thức của một số Phật sự này tại miền Nam, chúng ta không thấy đâu là văn hóa người Nam Việt. Văn hóa không ở đâu xa, nó ở ngay trên miếng ăn, y phục và nhà cửa.

Không ít y phục chư Tăng hầu như rinh về từ Đài Loan, Trung Quốc. Chùa chiền xây dựng, trang trí theo Trung quốc, Đài Loan. Tượng Phật không ít là nhân dạng ngoại quốc. Lạy xong, ngước nhìn cứ ngỡ mình đang ở quê người xứ lạ. Kể cả có nhiều pháp môn tu hành cũng rập khuôn ngoại quốc từ hình thức đến nội dung.

Phương diện thứ hai đánh mất mình là sự thụ động, rời rạc, nhưng lại ngấm ngầm tự phụ bởi lý luận kiêu căng.

Trong khi ấy, Phật giáo đồ tại đây lại dư thừa vật chất, và đầy đủ tâm nguyện "tài thí" cho Phật sự ngày thêm hùng tráng, uy phong. Một số vị dư biết điều này, nhưng bởi tính sự cục bộ nên thà mất lòng tin với quần chúng, chứ không thể "với tay, góp chân" làm Phật sự cho ra hồn ra vía.

Chỉ tội nghiệp cho quần chúng Phật tử, phải dõi mắt trông qua xứ khác để làm lễ sinh nhật đức Thích ca. Và thật oan uổng quá không, khi mà tại xứ ấy, trong quá khứ, có một Phật đản làm cho chế độ tàn khắc phải lụi tàn, và một vị "không chỉ vĩ nhân mà còn là siêu nhân" đốt thân mình để bảo toàn Phật giáo. Lịch sử ấy nằm ở đâu và tại điểm nào ở một số nơi tại Phật giáo miền Nam hiện nay? Và có phải vì biết thế chăng, đây cũng là nơi trỗi dậy mạnh mẽ nhất của tôn giáo mạnh gạo bạo tiền?

Rất may là ở cấp cơ sở, không ít chùa đã nỗ lực tự tân vận động tổ chức những hoạt động kính mừng Phật đản sáng bừng tinh thần dấn thân của người con Phật như chùa Viên Giác, chùa Hải Quang, chùa Từ Tân, chùa Kim Cương, chùa Hoằng Pháp, chùa Vĩnh Nghiêm, Giác Tâm, Phật giáo quận 5, Phật giáo huyện Hóc Môn (TP.HCM), chùa Phật Quang (Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu)...

Kết luận

Khi vinh dự vì biết mình có vị Thầy cao cả là Phật, thì phải tỏ ra cho hết mình vào ngày sinh của vị Thầy ấy. Khi biết Phật giáo và dân tộc này là một như nước hòa với sữa, thì hãy cố gắng hơn nữa mà giữ gìn cái dân tộc tính ấy.

Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni Phật.

Mộng Du


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage