Phật Học Online

Một trường hợp tái sinh ở Vụ Bản
Thích Tâm Hiệp

Như bao nhiêu lần về Bắc khác, mỗi khi ghé thăm Nho Quan là chúng tôi lại lên chơi ở Vụ Bản. Vụ Bản, một thị trấn nghèo thuộc vùng núi tỉnh Hòa Bình, cách Nho Quan 40 km. Thị trấn nằm trên trục đường Tây bắc - quốc lộ 12, nối từ ngã ba Gián Khẩu lên các tỉnh Điện biên - Lai châu…

Như bao nhiêu lần về Bắc khác, mỗi khi ghé thăm Nho Quan là chúng tôi lại lên chơi ở Vụ Bản. Vụ Bản, một thị trấn nghèo thuộc vùng núi tỉnh Hòa Bình, cách Nho Quan 40 km. Thị trấn nằm trên trục đường Tây bắc - quốc lộ 12, nối từ ngã ba Gián Khẩu lên các tỉnh Điện biên - Lai châu…(Trích Hương Hiếu Hạnh-số đầu của Am Thụy Ứng) 

          Chúng tôi đến đó vào một chiều cuối tuần tháng 2 âm lịch. Lâu ngày gặp nhau, Thầy trò, anh em quây quần bên tách trà, ngồi ngắm dòng sông hàn huyên trò chuyện. Chúng tôi lại nói đến Thiền sư Nhất Hạnh và chuyến hoằng hóa của Ngài. Câu chuyện về trai đàn chấn tế. Và thế là đề tài dẫn đến chuyện người quá cố, chuyện oan khúc, kẻ còn người mất. Nhân đó anh Toàn thuật cho chúng tôi nghe một trường hợp đang gây xôn xao ở Vụ Bản. Chuyện một đứa bé chết cách đây 10 năm, nay tái sinh và đòi về với cha mẹ kiếp trước.

       Không xa nơi chúng tôi đang ngồi bên dòng sông là  chỗ đứa bé chết đuối khi lên năm tuổi. Anh Toàn kể, em trai tôi kể, ở đó mọi người đều biết và chứng kiến câu chuyện tái sinh của cháu bé.

   Câu chuyện thật xúc động và hấp dẫn gây sự  tò mò muốn tìm hiểu. Tôi ngỏ lời muốn anh Toàn dẫn chúng tôi đến gặp cháu bé và bố mẹ cháu. Khẽ gật đầu, anh nhắc điện thoại… và thế là năm phút sau chúng tôi thấy một người trạc tuổi anh Toàn bước vào. Anh Toàn giới thiệu với chúng tôi:

   - “Đây là anh Tân chồng chị Thuận bố mẹ của bé Tiến "kiếp trước".

   Sau khi chào hỏi xã giao tôi ngỏ lời muốn được anh thuật cho chúng tôi nghe chi tiết hơn về câu chuyện con anh, cháu bé sinh ra ở gia đình khác nay nhận anh chị là bố mẹ.

      Ngồi bên dòng sông yên ả của  buổi chiều núi đồi bao phủ chúng tôi cùng hướng mắt nhìn về một xóm Bản tộc Mường sinh sống bên kia sông. Anh Tân chỉ cho chúng tôi hay là nơi đó con anh đã sinh lại lần này, và ngồi thuật chuyện.  Anh kể:

  • "Chuyện đến tai anh là qua mấy cô giáo. Ngày trước họ dạy bên này, lớp mà con anh đi học. Nay đổi về dạy bên đó. Chính mấy cô giáo qua đồn đại của xóm giềng, đã quan sát và nhận ra tính tình của bé Tiến giống cậu học trò trước đó con tôi”.

   Chuyện là như vậy. Anh nghe mà không tin, nên không thèm dò xem thực hư thế nào. Nhưng vì một hôm nhớ lại lời thầy xem quẻ năm nào, vì đau đớn lúc con mất mà anh đã chạy đi tìm thầy. Anh nói:

  • Thầy xem - phán: "Con anh sẽ không đi đâu xa mà buồn. Nó sẽ trở lại với anh".

   Coi thì coi nhưng anh không tin. Anh cho thầy bói nói nhảm, vì nghỉ, chết rồi thì làm gì có chuyện trở lại?"

     Thế mà lời bói năm xưa đã có tác dụng. Anh nhắc lại với vợ và quyết định đi thử. Anh chở vợ, hỏi thăm nhà và dễ dàng tìm ra nơi sinh sống của gia đình cháu bé. Họ hoàn toàn xa lạ nhau. Cũng câu chuyện mời chào xã giao, nhưng anh Tân dấu không cho đôi vợ chồng kia biết anh là cha mẹ kiếp trước nơi đứa bé muốn tìm về. Đóng vai người tò mò đi xem chuyện, anh nói là muốn gặp và thăm đứa bé. Chủ nhà cho người đi tìm, hơn 30 phút sau trở về mà không tìm thấy cháu. Lại nhờ một người khác, lần này là cô giáo đi tìm. Té ra cháu không đi chơi xa, gặp cô giáo cháu nói:

  • "Biết rồi, thấy rồi. Hồi nãy thấy hai người đi vào".

   Kể  từ khi sinh ra vào gia đình khác - năm năm - nó chưa bao giờ gặp cha mẹ kiếp trước. Vậy mà hồi nãy nhìn hai người đi xe máy vào nhà nó đã nhận biết (Cái biết bằng linh cảm của cái biết kiếp trước còn lại hiện hữu trong nó). Nên khi gặp, (trong lòng nó gợi lên cảm giác phạm lỗi của ngày trước do bỏ đi chơi mà chết đuối) khi về nhà nó không vào cửa trước mà vào cửa sau, và bẽn lẽn đứng trong phòng nhìn ra. Anh Tân phải dỗ ngọt và dụ ra chơi bằng cách cho nhiều bi, nó mới chịu ra và chạy ùa đến bên anh chị như chưa bao giờ xa lạ. Anh nói:

  • “Linh cảm đã cho tôi biết đây là đứa con tôi. Nhưng tôi vẫn giữ thái độ bình thường để thử”.

     Một đứa trẻ lên năm, giữa bản Mường, cha mẹ Mường nói tiếng Kinh không rõ. Vậy mà nó phát âm tiếng Kinh rõ mồn một. Bố mẹ nó - Anh Hoan và chị Dự kể rằng:

  • “Lúc vừa biết nói, nó đã nói tiếng Kinh và luôn miệng đòi về nhà cha mẹ”. Nó nói:
  • “Cho con về nhà bố mẹ con, con không phải người Mường - con là người Kinh”.

     Ban đầu cứ nghĩ con trẻ nói bậy. Nhưng lâu ngày buộc phải chú ý vì sợ mất con. Nó đã dọa:

  • "Không cho con về lại nhà bố mẹ con, con sẽ chết".

   Và  đã một lần nó đau nặng vì bố mẹ không chịu mang nó đi tìm nhà nó. 

     Bố mẹ đẻ nó kể rằng:

  • “Một hôm cháu một mực đòi bố mẹ đem đi về nhà cháu bằng được”. Cháu bảo:
  • “Đi đi con sẽ chỉ đường”

     Nhà cháu xóm bên kia sông, mạn dưới, muốn đi là phải qua cầu Vụ Bản, rẽ trái. Từ cầu đi đến sân vận động có một đường rẽ phải vào một xóm khác. Mẹ cháu thử, bảo: 

  • "Rẽ lên đây?  cháu không chịu và bảo tiếp tục đi.

     Đó là trục đường chính quốc lộ 12 chạy dọc theo sân vận động. Đi khoảng 100m có một khúc quanh bao sân vận động theo hướng lên trung tâm bưu điện của Thị trấn, và một hướng chạy thẳng là xuống đập nước ngăn sông Vụ bản.  Mẹ nó mới bảo:

  • “Rẽ phải lên hướng bưu điện. Nó lại bảo:
  • "Phải đi thẳng, đi qua nhà ông Lai mới đến nhà con"

     Đi một đoạn, chính cháu đã chỉ ra nhà ông Lai và tự tìm ra nhà mình ngày trước. Nhưng rủi một điều hôm đó anh Tân và chị Thuận đi vắng. Ngồi chờ một lúc chị Dự phải cho đem cháu về, một phần vì ngại người ta nghĩ mình lợi dụng … 

    Trở lại thời điểm anh Tân đến nơi cháu sinh ra (Nhà anh Hoan). Anh Tân xin phép bố mẹ  nó được đưa cháu về nhà chơi, và họ vui vẻ chấp thuận. Trên đường đi anh cũng thử khi đèo cháu về nhà. Gần đến nhà mình, anh chỉ một ngôi nhà cao tầng gần đó và bảo cháu:

   - Nhà bác đó cháu vào đi.

   Cháu không chịu và tự mình chạy tìm đến đúng nhà. Và chính cháu cũng chỉ ra nhà ông Lai cạnh nhà cháu. Anh chị vừa mở cổng là cháu chạy ùa vào tự mở cửa, rồi chạy lục lọi khắp nơi. Từ phòng anh chị xuống bếp và khắp các ngỏ nghách. Thấy cháu tìm kiếm như vừa đánh mất cái gì hay để quên món gì đó ưa thích lắm. Anh mới ngạc nhiên hỏi:

     - Cháu tìm gì vậy? Cháu bảo:

  • Con tìm chiếc máy bay và mấy chiếc xe con hay chơi. Anh mới bảo:
  • “Bác đem đốt đi rồi, sợ để lâu ngày hỏng”.

   Đến khi bố mẹ cháu xin đưa cháu về, cháu không chịu và chạy đên bên anh Tân gọi bố. Từ đó cháu nhất mực không chịu về nhà nữa. Anh Hoan mới dọa:

   - "Nếu con không về thì bố mẹ sẽ đi vào Nam làm ăn và ở trong đó luôn" (anh Hoan thường đi làm ăn xa). Cháu bảo:

   -  Thì cứ đi, con tìm được  bố mẹ rồi, con không đi đâu nữa cả.  

      Sau khi về nhà anh Tân mấy hôm, anh tiếp tục ngạc nhiên và thêm tin cháu Tiến chính là con mình ngày trước tái sinh. Đó là vào một hôm, anh dẫn cháu về thăm bà nội (mẹ anh) ở đó rất xa. Vừa vào cháu đã gọi bà. Tất nhiên là mẹ anh không dễ dàng tin liền. Cũng giống như một lần trước khi chết cách đó 10 năm. Anh dẫn cháu về thăm, cháu đòi bà đem cháu ra quán uống nước, lần đó cháu đòi uống bia. (Vì thói quen mỗi lần uống bia có cháu bên cạnh, anh thường cho cháu hớp bia nên lâu ngày thành quen). Lần này cũng vậy nhưng bà lại thử: Cháu muốn uống thì dẫn bà đi, chứ bà không biết có quán nào quanh đây cả. Thế mà Cháu đã dẫn tay bà tới đúng quán ngày trước. Ra đến đó cháu buột miệng nói:

  • Đây là quán ngày trước bà dẫn cháu ra, và bà cho cháu uống bia đó.

     Thế là bà ôm chầm lấy cháu ngẹn ngào…….. 

    Câu chuyện làm cho không gian chiều càng thêm sâu lắng. Mọi người ngồi bất động chú mục vào anh theo dõi. Tôi đặt câu hỏi:

  • Khi cháu mất anh có làm 49 ngày, 100 ngày và hết tang cháu không? Anh trả lời đã làm đủ cả.

    Câu chuyện hấp dẫn và lôi cuốn khi nghe anh kể lại lời cháu thuật khi cháu chết. Giật mình và thêm ngạc nhiên, chúng tôi mời anh uống nước rồi tiếp tục câu chuyện.

    Anh bảo:

  • Cháu nó nói với tôi có người đạp lên mặt con. Cháu đã chỉ ra người đó. (khi người ta hạ quan tài, thường có người đứng lên nắp quan tài để lấp đất và họ đã dẫm đạp lên nắp quan tài giống như đạp lên mặt nó. Hành động cứ nghĩ là bình thường, vì dưới kia là xác chết không còn hay biết).

     Chính cháu bảo:

  • "Đêm đó con về nhà nhưng không vào cửa được, vì có một ông to lớn dưới đập nước lên chặn đường không cho con vào cửa - Trong cơn hoảng sợ, lúc đó có người (anh Hoan) đi đâu về ngang qua chỗ con, thế là con bám theo cho đỡ hoảng sợ”. Và cháu ở gia đình anh Hoan  cho đến khi đầu thai.

    Giờ thì bé Tiến đã lớn tròn 5 tuổi và ở hẳn với gia đình anh Tân. Cháu đòi đi học bên này, chính cháu đã nói tên trường mà ngày trước cháu đi học. Đi học cháu không chịu bọn trẻ cùng lớp gọi mày tao với cháu, mà cho là mình đã mười mấy tuổi rồi và xưng bạn bè với những đứa trẻ ngày trước cùng học.

Tôi hỏi  anh là cháu còn nhớ thêm gì nữa không, anh nói:

   -Dạ, tất nhiên trí nhớ cháu có giới hạn. Cháu chỉ nhớ chừng ấy thôi, chỉ nhớ những gì lúc cháu lên năm. Tôi hỏi:

   -Anh có thay đổi cách nhìn, cách sống thế nào không khi câu chuyện này là sự thực và anh là người trong cuộc? Anh chỉ trả lời:

   -Tất nhiên là có thay đổi.

   Chúng tôi yên lặng, mỗi người miên man nghĩ ngợi theo cách nhìn và hiểu của mình. Bóng đêm xuống dần, quán bên sông đã bắt đầu có người vào. Chúng tôi chia tay anh Tân. Dòng sông vẫn lặng yên, tôi đưa mắt nhìn về xóm bên kia sông mà mong lung nghĩ ngợi…. Bởi theo lời mọi người, ở đó có lắm chuyện ''Con lộn" như vậy. "Con lộn" là một từ địa phương vùng đó, nhằm chỉ những trường hợp con mình chết rồi sinh ra vào nhà người khác mà còn nhớ kiếp trước. Đó là sự tái sinh mà nhà Phật gọi khi con người đi đầu thai. Tôi mỉm cười suy nghĩ: chúng ta không là "Con Lộn" chắc. Khác chăng là chúng ta mê muội hơn nên không còn nhớ được gì khi đi đầu thai.

      Rời Vụ Bản, tôi thầm cảm ơn chuyến về  này đã may mắn cho tôi biết được trường hợp cậu bé Tiến, để xác tín thêm về niềm tin lời Phật dạy, niềm tin về nhân quả luân hồi. 

Viết tại Nho Quan, tháng giữa xuân Ất Dậu

    Thích tâm Hiệp


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage