Phật Học Online

Bình an một chút cơm chay

Trong xã hội hiện đại, ăn chay không chỉ dành cho các nhà tu hành mà trở thành một trào lưu, nhất là trong giới trí thức và doanh nhân. Bên cạnh khái niệm tâm linh, người ta còn ăn chay để tâm hồn nhẹ nhàng hơn, để tìm kiếm một điều gì quen thuộc nhưng đang còn thiếu vắng.

Trong Phật giáo, ăn chay để nuôi dưỡng pháp thiện, tăng trưởng can lành và mở rộng tình yêu thương đối với muôn loài. Con người sinh ra không được sát sinh, Phật giáo coi con vật cũng có đời sống riêng, cũng vui, buồn, suy nghĩ và đau đớn. Không thể lấy đau đớn của người này làm niềm vui cho người khác.


Do đó, nguyên liệu chế biến món chay hoàn toàn từ thực vật, nhưng nếu bạn được một lần thưởng thức cỗ chay chắc chắn sẽ bất ngờ về sự phong phú, đa dạng, mặn có gì, chay có đó, thậm chí vô cùng tinh tuý trong cách trình bày cũng như chế biến.  Nhiều món thực sự mang lại một trải nghiệm mới về văn hoá chay.

Ngày rằm, mùng một, tôi thường tìm đến chùa Duệ Tú, một ngôi chùa nằm khiêm tốn trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội) để lễ Phật, nhưng đằng sau còn ẩn chứa niềm vui nho nhỏ là được thưởng thức một bữa cơm chay do các phật tử chế biến. Các món chay ở đó có đủ cả cá rán, thịt kho, tôm rang, cho đến giò, chả, nem… được chế biến từ đậu xanh, đậu phụ, giá đỗ, chuối xanh, nấm hương… Nhưng tài tình là thịt giống thịt, tôm giống tôm cả về hình dáng lẫn mùi vị. Nhắm mắt vào mà thưởng thức thì chẳng khác gì những món ăn mặn ở các quán ăn khác.

Đặc biệt hơn cả là ở đây có cơm gạo lứt ăn với muối vừng. Thứ gạo càng nhai càng ngọt quyện với vị bùi của muối vừng khiến ta ăn một lại muốn ăn hai. Được thưởng thức cơm chay trong một không gian thiền tịnh, như thực, như hư, tôi cứ ngỡ mình đang ăn cao lương mỹ vị.

Cơm chay nhà chùa dân dã, thuần khiết bao nhiêu thì cơm chay nhà hàng cầu kỳ, tinh tế và phong phú bấy nhiêu. Thực đơn nghe qua đã đánh thức trí tưởng tượng của mỗi người. Nào gà om ngũ vị, súp bát tiên, vịt tiềm Bắc kinh, chả rươi, lươn cuốn, nem công… Rất nhiều món mà xưa kia chỉ có trong cung đình thì nay được tái hiện và nâng lên tầm nghệ thuật qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp.

Cách bài trí của các nhà hàng cơm chay thường mang đậm chất Phật giáo với hình ảnh hoa sen, lá bồ đề và ngập tràn giai điệu du dương, siêu thoát của kinh Tây Tạng. Thực khách bỗng chốc thấy mình như được tẩy rửa bụi trần, tuyệt nhiên không có cảnh xô bồ, ồn ào nơi quán chợ. Thái độ kính cẩn, động tác khoan thai của người phục vụ càng khiến thực khách thấy lòng nhẹ bẫng, thanh thản lạ kỳ.

Cơm chay không phải ai cũng muốn làm và càng không phải ai làm cũng được. Chị Thuỷ Hà, chủ cửa hàng cơm chay An Lạc ở 15 Hàng Cót (Hà Nội) tâm sự, chị mở hàng cơm chay là để tri ân một nhà tu hành đã chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho cha chị, phần lớn số tiền lãi của nhà hàng được dùng để làm từ thiện.

Chị Bùi Thanh Huyền, chủ nhà hàng Cơm chay Aziđà toạ lạc ở 270 Nghi Tàm là một doanh nghiệp lớn với chuỗi nhà hàng cao cấp suốt từ Nam ra Bắc, sau một thời gian ăn chay, chị thấy sức khoẻ của mình được cải thiện rõ rệt. Cảm thấy cần phải phổ biến cho nhiều người, chị quyết định đi học nấu cơm chay và chuyển đổi tất cả nhà hàng của mình thành nhà hàng cơm chay.

Đến với loại ẩm thực thanh tao này, mỗi người có một con đường riêng, lý do riêng nhưng đều gặp nhau ở điểm, đó là cái tâm sáng luôn hướng về điều thiện.

Ngoài giá trị về tinh thần, ăn chay còn là liệu pháp tuyệt vời để chữa bệnh và thanh lọc cơ thể, giúp tâm an và trí óc sáng suốt. Người thường xuyên ăn chay hoặc ăn chay định kỳ ít khi mắc bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, béo phì, huyết áp… Với trẻ nhỏ còn hàm ý giáo dục, yêu thương thiên nhiên, tính nhân văn và tấm lòng rộng mở, từ bi với cuộc sống. Điều này khiến cho giá trị của việc ăn chay nhân lên gấp bội lần.


Theo bài Phạm Thu Hà; ảnh: Quý Đoàn - DVT


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage