Chuyện đời thì như thế, nhưng
trong chuyện đạo thì nghe âm vang nhiều người nói rằng đừng nên nghĩ nhớ
chuyện cũ, và đừng nên mơ tưởng suy tính chuyện tương lai, và rằng chỉ
nên sống với hiện tại thôi. Có thực rằng sống đạo phảỉ là sống “một kiểu
hiện sinh” như thế? Có thực rằng cần phải xóa sổ những ngày hôm qua, và
phải dẹp hết những bữa hôm kia trong đầu... mới gọi là tu? Có thực rằng
cần phải dẹp bỏ mọi suy tính về ngày mai, về tuần sau, về năm sau...
mới gọi là tu?
Người ta có thể dẫn ra bản kinh Nhất Dạ
Hiền Giả do HT.Thích Minh Châu dịch... và nói rằng thôi hãy bỏ hết
chuyện của hôm qua và ngày mai đi, chỉ nên sống với hiện tại thôi.
Trong nhiều diễn đàn Phật giáo và tuổi
trẻ cũng nghe âm vang những lời khuyên tương tự. Cách viết tuy khác biệt
chút ít, nhưng tư tưởng kể như là một. Sau đây là cách diễn đạt ở ba
diễn đàn Tuổi trẻ Phật giáo:
- Đừng nhớ chuyện quá khứ, đừng mơ chuyện tương lai, hãy sống vì hiện tại.
- Đừng gặm nhấm quá khứ. Đừng vọng tưởng tương lai. Hãy sống tốt ở hiện tại.
- Đừng nuối tiếc quá khứ, đừng quá lo lắng cho tương lai, và hãy sống tốt ở hiện tại.
Có thực rằng, đức Phật đã dạy đơn giản
như thế không? Chắc chắn là có những gì nhầm lẫn nơi đây. Nếu không nghĩ
nhớ quá khứ, tại sao nhiều lần đức Phật kể chuyện tiền thân của Ngài và
của nhiều vị Tăng Ni? Nếu không nghĩ nhớ quá khứ, tại sao đức Phật nhớ
tới 5 người bạn đồng tu ở vườn Lộc Uyển, nên đã tìm lại để thuyết Tứ
diệu đế và độ 5 vị trở thành các đệ tử đầu tiên? Nếu không nghĩ nhớ quá
khứ, vậy thì những gì thuộc về ký ức và trí nhớ để làm chi? Nếu không
nghĩ nhớ chuyện quá khứ, tại sao chư vị A la hán hơn hai ngàn năm trước
đã mấy lần kết tập kinh điển, đã cùng vận dụng trí nhớ để tụng đọc lại
lời đức Phật dạy trong quá khứ và bây giờ chúng ta còn có giáo pháp là
nhờ khả năng “nhớ chuyện quá khứ” tuyệt vời của các vị Thánh Tăng thuở
đó?
Mặt khác, nếu không bàn chuyện tương
lai, tại sao đức Phật tiên tri về đức Di Lặc sẽ lên cõi trời Đâu Suất,
tiên tri về các thời mạt pháp tương lai, tiên tri về tuổi thọ chúng sanh
đời vị lai? Nếu không dặn dò chuyện tương lai, tại sao đức Phật dạy
trong kinh Di Giáo: “Các thầy Tỳ kheo, sau khi Như Lai diệt độ phải trân
trọng tôn kính tịnh giới...” (bản dịch của HT.Trí Quang).
Có thực rằng đức Phật dạy là chỉ nên tập trung vào giây phút hiện tại hay không?
Câu trả lời nên là không đúng hoàn toàn như thế.
Đọc lại Trung Bộ kinh, bài kinh thứ 131,
đúng là đức Phật có nói gần như thế. Bản dịch từ tiếng Pali sang Anh
ngữ của thầy Thanissaro dịch với nhan đề là Bhaddekaratta Sutta: An
Auspicious Day, và Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là kinh Nhất Dạ Hiền
Giả.
Bản Anh ngữ của thầy Nanananda lại dịch
là “Bhaddekaratta Sutta: The Discourse on the Ideal Lover of Solitude.”
Cả hai đều là một kinh thôi.
Đây là một bài kinh dạy pháp thiền quán
tuyệt vời. Khi đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng đức Phật nơi đây đã dạy
pháp an tâm, trong đó tâm sẽ hoàn toàn không dính mắc, không trụ vào bất
kỳ pháp nào - cho dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại.
Trong kinh, đức Phật dạy, “Quý vị không nên theo đuổi quá khứ và mơ tưởng tương lai.”
Bản của thầy Thanissaro dịch là, “You
shouldn't chase after the past or place expectations on the future.” Bản
của thầy Nanananda dịch là, “Let one not trace back the past or yearn
for the future-yet-to-come.” Bản HT.Minh Châu dịch là, “Quá khứ không
truy tìm, tương lai không ước vọng.” Tất cả chỉ có một nghĩa: giữ tâm vô
sở trụ, đừng dính mắc tâm vào quá khứ hay tương lai.
Hoàn toàn không có nghĩa là đừng nghĩ
tới quá khứ hay đừng nghĩ tới tương lai. Thực tế, ngay khi bạn suy nghĩ
tới quá khứ thì lập tức hành động suy nghĩ là việc của hiện tại; tương
tự, ngay khi nghĩ chuyện tương lai, hành động nghĩ đó chính là cái hiện
tiền trước mắt và trong thân mình.
Bản kinh này ghi rõ thêm lời đức Phật
rằng, học nhân đừng nên để tâm nuối tiếc các niềm vui gì về sắc, về thọ,
về tưởng, về hành, về thức của quá khứ.
Kế tiếp, kinh này ghi lời đức Phật dạy
rằng, học nhân đừng nên mơ tưởng các niềm vui gì về sắc, về thọ, về
tưởng, về hành, về thức của tương lai.
Bản kinh Nhất Dạ Hiền Giả trong khi dạy
pháp an tâm, sau khi phá bỏ các trường hợp học nhân dính mắc tâm vào
pháp quá khứ, và sau khi phá bỏ cách dính mắc pháp tương lai, liền tiếp
theo là yêu cầu phá bỏ luôn các tâm dính mắc vào pháp hiện tại.
Đặc biệt, đây cũng là một pháp đốn ngộ.
Có một trường hợp tích truyện Pháp Cú, sau khi nghe đức Phật nói là hãy
buông “bỏ quá, hiện, vị lai...” chàng diễn viên nghề xiếc có tên là
Uggasena còn đang lơ lửng đứng trên đầu cột hát xiếc giữa phố đã lập tức
đắc quả A la hán và được thần thông, khi chưa hết màn biểu diễn xiếc.
Không hề trải qua thời gian tu học hay ngồi thiền nào? Đúng vậy, theo
kinh thì như thế. Có nghĩa rằng, đức Phật đã dạy pháp môn phá bỏ tâm quá
khứ, phá bỏ tâm vị lai, phá bỏ tâm hiện tại. Hoàn toàn không có nghĩa
gì như chúng ta thường nghe là đừng nghĩ quá khứ, đừng nghĩ tương lai và
hãy nghĩ hiện tại...
Như thế, kinh này cũng gợi nhớ tới một
công án về Thiền sư Đức Sơn (782-865) chuyên giảng kinh Kim Cang, không
tin chuyện các sư dạy pháp thiền đốn ngộ, nên đã về phương Nam để tìm
tranh luận. Khi tới Lễ Châu, gặp một bà già bán bánh rán, mới hỏi mua ăn
cho đỡ đói. Thấy sư gánh bộ Thanh Long Sớ Sao, bà già nói là sẽ hỏi một
câu, nếu sư trả lời được thì bà sẽ cúng bánh.
Sư Đức Sơn đồng ý, bà liền hỏi: “Trong
kinh Kim Cang có nói 'Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc,
tâm hiện tại bất khả đắc.' Vậy thầy muốn điểm tâm nào?”
Sư Đức Sơn lặng thinh, không đáp được. Bà già mới chỉ sư đến tham vấn Thiền sư Long Đàm.
Câu chuyện về sư Đức Sơn cho thấy các
thiền sư cổ thời đã không để dính mắc một tâm nào hết, dù là tâm hiện
tại. Trong khi đa phần lời khuyên thời nay lại bảo là chỉ nên nghĩ
chuyện hiện tại; rõ ràng là ngộ nhận lớn.
Nơi đây, chúng ta sẽ trích bản kinh Nhất Dạ Hiền Giả do ngài Thích Minh Châu dịch, các đoạn văn đức Phật dạy về ba tâm này:
“... Và này các Tỷ-kheo, thế nào là truy
tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: "Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ", và
truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ",
và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là tưởng của tôi trong quá
khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là hành của tôi trong
quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy, "Như vậy, là thức của tôi
trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các
Tỷ-kheo, là truy tìm quá khứ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không ước
vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: "Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi
trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy; "Mong rằng như
vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong
ấy; "Mong rằng như vậy sẽ là tưởng... sẽ là hành... sẽ là thức của tôi
trong tương lai, "và không truy tìm hân hoan trong ấy. Như vậy, này các
Tỷ-kheo, là ước vọng trong tương lai.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không bị
lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị Ða văn
Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập
pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc chân nhân, thuần thục pháp các bậc
chân nhân, tu tập pháp các bậc chân nhân. Vị này không quán sắc là tự
ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không
quán tự ngã trong sắc; không quán thọ... không quán tưởng... không quán
hành... không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không
quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các
Tỷ-kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại...”
Trong kinh Pháp Cú, nơi kệ ngôn 348, đức
Phật cũng đã dạy cho chàng cư sĩ Uggasena tương tự. Và ngay khi vừa
nghe, trong còn lơ lửng trên đầu cột biểu diễn xiếc, chàng Uggasena lập
tức đắc quả A la hán và được thần thông.
Bản dịch từ tạng Miến Điện bởi ngài Daw
Mya Tin mà ta có thể dịch là: “Bài kệ 348: Buông bỏ quá khứ, buông bỏ
tương lai, buông bỏ hiện tại. Đạt tới bờ bên kia (Pali: bhavassa paragu:
người qua bờ bên kia, kết thúc sanh hữu, tức A la hán), với tâm giải
thoát mọi pháp dính mắc, con sẽ không còn sinh tử nữa.”
Bài kệ này trong bản Hán Văn của Pháp sư
Thường Bàn Ðại Ðịnh là: “Xả tiền, xả hậu, Xả gian-việt hữu. Nhất-thiết
tận xả, Bất thụ sinh tử.”
Tới đây, chúng ta có thể thắc mắc, rằng
vì sao trong các bản kinh xưa, đức Phật dạy xả ly tất cả các pháp dính
mắc ở ba thời quá, hiện, vị lai... mà bây giờ bỗng nhiên trở thành cách
nói đầy hiện sinh kiểu như “Đừng nghĩ chuyện quá khứ, đừng nghĩ chuyện
tương lai, chỉ nên nghĩ tới hiện tại tuyệt vời...”
Ai đã biến hóa lời dạy của đức Phật trở
thành lời khuyên kiểu thế gian như thế? Ai đã xóa đi lời dạy của đức
Phật rằng phải qua bờ bên kia, rằng phải xả ly buộc ràng ngũ uẩn (trong
quá, hiện, vị lai), rằng phải thoát khỏi sanh già bệnh chết... để rồi
dính mắc vào cái hỷ lạc của tâm hiện tại?
Mới biết, không dễ gặp những bà già bán bánh như thời Thiền sư Đức Sơn.