Phật Học Online

Cải hoá Dũng “Hồng Bàng”:
Chuyện cải hóa một giang hồ cộm cán đất Cảng

Là kẻ giang hồ cộm cán, khét tiếng ở đất cảng Hải Phòng, nghiện ma tuý đến tiều tụy xác thân, nhưng nhờ được một cựu chiến binh cải hoá nên Dũng “Hồng Bàng” đã từ bỏ con đường lầm lỗi.

Thậm chí, người cựu chiến binh ấy còn gả con gái cho Dũng. Câu chuyện tưởng như không có thật trên đời này hiện vẫn khiến nhiều người ở xã Nam Thái, huyện Nam Trực (Nam Định) trầm trồ kinh ngạc.

Ông Kiên kể về những tháng ngày gian khó của đời mình.

Triết lý “sống là nghĩa là cho”

Mọi người gọi ông là “Phật sống”. Chẳng biết họ gọi vậy có quá không nhưng ở làng Phú Hào, hễ nhắc đến ông thì ai nấy đều nức lời khen ngợi. Họ bất ngờ bởi không hiểu vì sao trên đời này lại có người sống chỉ biết đến cho chứ không nghĩ là sẽ nhận!

“Phật sống” ấy tên đầy đủ là Nguyễn Trung Kiên. Ông lý giải, các cụ thân sinh đặt cho ông cái tên ấy với mong muốn ông sẽ là người kiên định, sống chết với lý tưởng của mình.

“Tôi thì sinh ra ở nông thôn, lớn lên đi bộ đội rồi lại về quê vác tù và hàng tổng. Lý tưởng thì ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng thấy có gì to tát. Ngẫm ra thì chỉ có cái lý tưởng làm người” - ông mở đầu câu chuyện về đời mình như vậy.

Ông sinh năm 1950. Năm 1972, chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt, ông giã từ quê nghèo lên đường tòng quân. Đất nước thống nhất, năm 1977, quê xưa đất cũ lại đón ông về.

Thời gian ấy vợ dại con thơ, nhưng với suy nghĩ “sống là cống hiến” ông nhận làm tất thảy những trọng trách mà dân tin, dân bầu. Từ đội trưởng dân quân, rồi công an viên và bây giờ là Chi hội trưởng Nông dân.

Tuy nhiên, theo ông Kiên thì “nghiệp làm quan xóm” của ông cũng có một thời gian đứt gánh. Ấy là quãng thời gian đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, như bao gia đình ở miền quê nghèo này, nhà ông lao đao bởi cái đói hành hạ.

Đông con (5 người con) nên ông đành gác việc làng, theo đám phu vàng phiêu bạt vào Đà Nẵng, rồi lên tận Tây Nguyên để tìm may mắn. Thế nhưng, vàng chẳng thấy đâu, những ngày sống nơi rừng thiêng nước độc ấy đã khiến căn bệnh sốt rét rừng từng hành hạ ông từ những ngày quân ngũ tái phát. Thấy sức mình không trụ được, ông lếch thếch trở về quê cũ.

Cho đến tận bây giờ, ông Kiên vẫn cho rằng quyết định vào chùa hầu hạ đức Phật của mình, là một quyết định không thể chuẩn xác hơn.

Về nhà, vẫn nguyên gánh nặng mưu sinh, bệnh sốt rét vẫn không thôi hành hạ, sức khoẻ của ông ngày càng suy kiệt. Gần làng ông có một ngôi chùa không có sư. Buồn nản bởi bạo bệnh bám riết, cứ nghĩ duyên trần của mình đã cạn, sau một thời gian dài suy nghĩ, ông quyết định vào chùa nương nhờ cửa Phật.

Ông xin chính quyền địa phương làm thủ từ, đảm trách việc khói hương, trông nom chùa. Từ ngày “hầu hạ đức Phật”, ông thấy lòng mình bỗng dưng nhẹ nhõm, thảnh thơi. Và, lạ kỳ hơn, chứng bệnh sốt rét từng làm ông khốn khổ, kiệt quệ cũng bỗng dưng tiêu tán. Cũng chính tại thiền môn ấy, ông đã “viết nên” câu chuyện cảm động có một không hai ở cõi nhân gian này.

Đại gia lạc bước

Cách đây chừng 20 năm, nếu những cái tên như Cu Nên, Lâm Già, Dung Hà… khiến các tay anh chị có máu mặt ở Hải Phòng bạt vía kinh hồn thì Nguyễn Văn Dũng, còn gọi là Dũng “Hồng Bàng” cũng có “lãnh địa” riêng, cũng xưng hùng xưng bá chẳng ngại bất cứ “đại ca” nào.

Dũng kể, nhà Dũng có 5 anh em, 3 trai, 2 gái. Thời ấy, ở đất Cảng, nếu gia đình nào không có con cái khoác lên người tiền án, tiền sự thì coi như đại phúc. Nhà đông con, bố mẹ mải mưu sinh nên như nhiều thanh niên khác, mấy anh em Dũng (trừ 2 cô con gái) đều “trưởng thành” từ “môi trường xã hội”.

Học hết lớp 7, chán, Dũng bỏ để lêu lổng với đám bạn bụi đời. Lang bạt kỳ hồ, Dũng là mối lo, là mầm hoạ lớn nhất của cả gia đình. Tuổi đôi chín, gia đình Dũng đã thở phào nhẹ nhõm khi hắn có giấy gọi nhập ngũ. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi giải ngũ Dũng vẫn chứng nào tật ấy, thích cuộc sống phóng khoáng, coi nhà mình chẳng khác gì nhà trọ.

Dũng khởi nghiệp bằng nghề buôn sắt vụn. Nghe có vẻ đây là nghề của những kẻ hết kế sinh nhai nhưng lại là nghề thời thượng, kiếm bộn tiền lúc bấy giờ. Sau một thời gian ngắn ra nghề, nhờ những mối quan hệ xã hội trước đây, lại thêm sự liều lĩnh, Dũng đánh thẳng hàng từ Hải Phòng sang Trung Quốc qua đường Móng Cái.

Không biết khi đó dân buôn Trung Quốc gom sắt vụn, đồng nát làm gì mà mua với giá rất cao, bao nhiêu hàng chuyển sang cũng gật. Nói là sắt vụn chứ thực tế thì hàng Dũng đưa sang Trung Quốc toàn ray đường tàu và tôn dày được tuyển lựa kỹ. Kiếm tiền vô khối, anh em Dũng sống xa hoa, ăn chơi như những ông hoàng. Có tiền, chịu chơi, đương nhiên mấy anh em Dũng đều dính vào ma tuý.

Bây giờ, ngẫm lại Dũng bảo, dường như số phận của con người đều do trời quyết định. Và, số trời đã không cho Dũng được… sướng. Khi bập sâu vào ma tuý thì cửa làm ăn ở Trung Quốc cũng sập. Chỉ mấy chuyến hàng bị cơ quan chức năng thu giữ, Dũng đã trắng tay.

(Còn nữa)

Cải hoá Dũng “Hồng Bàng” - Bài 2  »» Thiện duyên sau cánh cửa thiền

Đào Thanh Tuy (Dân Việt)




© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage