Phật Học Online

Đi ngang trời thái không


Kho tàng kinh điển, thi kệ của Đạo Phật truyền lại cho nhân gian biết bao châu ngọc để suy ngẫm, tu tập, thưởng thức, mài giũa … tùy căn cơ, nhu cầu và cảm quan nhận thức của mỗi người.
Có hành giả đang thối chí, tụng một bản kinh đúng tâm trạng mình, bỗng như chạm được vào bàn tay phải, luôn buông thõng xuống của Đức Phật A Di Đà trong ngụ ý sẵn sàng cứu vớt, độ những ai cầu được độ. Hành giả ấy bỗng lấy lại sự tinh tấn, khiến tiếng chuông ngân vang lảnh lót hơn, nhịp mõ khoan nhặt rộn rã hơn, phiền muộn như lớp vỏ sần sùi vừa lột sạch, trái ngon, hạt chín thơm tho hiển bầy.
Có kẻ đang khổ đau, tình cờ nghe, hay đọc một câu kệ, bỗng cảm thấy như câu kệ này Chư Phật, Chư Bồ Tát nói cho riêng mình vì rất đúng với những khổ đau đang vò xé tâm can. Kẻ ấy chợt như tỉnh cơn mộng dữ, như được Phật xoa đầu thọ ký, ân sủng vô bờ, liễu ngộ ngay một giai thoại mà trước đây đã khó tin. Kẻ ấy từng được nghe, khi xưa, tại tu viện Trùng Các trong rừng Mahavana, có lần Đức Phật cúi nhặt một hòn đất nhỏ, rồi hỏi các đệ tử của Ngài:
- Này các vị tỳ-kheo, hòn đất này so với ngọn núi thì cái nào lớn hơn?
Đệ tử của Ngài đều thưa:
- Bạch Đức Thế Tôn, hòn đất này thật chẳng đáng gì được mang so với ngọn núi vì nó quá nhỏ.
Đức Phật điềm đạm chỉ dạy:
- Đúng thế, này các vị tỳ-kheo, sự khổ đau của người có trí tuệ, có tu tập so với sự khổ đau của kẻ vô trí cũng giống như mang so sánh hòn đất và ngọn núi. Người có trí tuệ, có thiền định, quán chiếu về sự giác ngộ, nếu trên đường đi mà gặp phải chông gai, phiền não thì sự khổ đau đó cũng nhờ năng lượng tu tập mà dễ dàng vượt qua, vì nó quá nhỏ, như hòn đất. Trong khi, cũng những phiền não, chông gai đó, đối với kẻ vô trí, không từng tu tập, sẽ to như ngọn núi, chẳng bao lâu sẽ bị ngọn núi đó đè bẹp.
Lại có những người chẳng ác, chẳng thiện, tuy không làm hại ai nhưng cũng chẳng chia xẻ, chẳng giúp ai, chỉ lo riêng mình. Ấy thế mà suốt đời tất bật, chỉ “chạy” mà chưa từng biết “đi” vì cái tâm vị kỷ, vun vào cho mình bao nhiêu cũng sợ là không đủ, như một văn hào Pháp từng nói: “Kẻ có quyền lực lớn nhất lại chính là kẻ không bao giờ cảm thấy mình có đủ quyền lực!”. Loại người này, nếu đủ duyên, tình cờ trong lúc “chạy” lại lạc vào một thiền viện, thấy trên những thân cây có giòng chữ “Bộ bộ thanh phong khởi” nghĩa là, mỗi bước chân chánh niệm sẽ khởi lên ngọn gió mát. Kẻ ấy sẽ chạy chậm lại, và thắc mắc “Bước chánh niệm là bước thế nào? đã lỡ lạc vào đây thì cũng thử xem sao” À, bước chánh niệm là biết mình đang bước, chân mình đang chạm đất, mắt đang nhìn mây bay, tai đang nghe chim hót, mình đang thở, mình đang sống, mình đang có phút giây hiện tại này để nhận biết như thế. Mình bước rất thảnh thơi, mây rất trong xanh, chim hót rất hay, hơi thở mình rất điều hòa, khỏe mạnh. Lạ thật, trước đây mình cũng bước, cũng thấy, cũng nghe, cũng thở nhưng sao mình không cảm nhận sự an lạc này? À, thì ra, mình chỉ vác quá khứ, chạy đuổi tương lai mà không biết bước đi thong dong trong hiện tại ! Trong khi, hiện tại này rồi sẽ là quá khứ và cũng chính là tương lai. Có người từng nhắc mình là Thiền-sư Lâm Tế đã nói “ phép lạ là biết mình đang đi trên mặt đất chứ phép lạ có là gì ghê gớm đâu!”
Thật là mầu nhiệm, khi ta không cần gián đoạn sinh hoạt, chỉ cần nhận biết giây phút hiện tại ta đang làm gì, nói gì, nghe gì, thấy gì, rồi sẽ hành xử thế nào với những hiển hiện trong phút giây hiện tại ấy. Khi đã biết dừng lại, ta mới nhận diện được những sai lầm đối với mình, với người mà trước đây, vì chỉ nhắm mắt chạy, ta đã chẳng nhận diện được chúng!
Khi những tri thức sai lầm đã được nhìn ra rồi, ta sẽ biết thương mình, thương người, vì vô minh che lấp mà để tâm vị kỷ, sân hận dẫn dắt đi, khiến chúng ta tưởng là thương yêu nhau mà thực ra đang tạo nghiệp, gây đau khổ cho nhau!
Khi biết đủ thì chén cơm hẩm cũng no; mà không biết đủ thì mâm cao cỗ đầy cũng vẫn đói!
Thật là mầu nhiệm, khi những câu thơ ngày xưa đã thuộc vì đến trường thì phải học, chứ chẳng hưởng được gì từ ý nghĩa sâu sa:
“Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây
Chuông trưa vẳng tiếng, người không biết
Trâu thả sườn non, ngả gốc cây” (*)
Ngôi chùa là vật vô tri, còn thanh thản ở lẫn cùng cây đá, huống là Sư Cụ, đã buông xả hết vướng bận thế gian, tâm-từ nhẹ hẫng mới có thể “nằm chung với khói mây”. Hạnh phúc này, tâm ai có chiêu cảm thì đều nhận được, chẳng phân biệt giầu nghèo sang hèn. Vua trong cung mà tham sân, tất bật cũng chẳng thấy, nhưng chú bé mục đồng nhận được thì chăn trâu dù nghèo hèn vất vả nhưng tâm thức thênh thang “trâu thả sườn non, ngả gốc cây”, đánh một giấc ngủ nam-kha ấy, nào ai biết chú mục đồng đã lên tới cung trời Đao Lợi?
Nếu cứ quán chiếu từng bước như thế, nhân gian tất bật, sân si sẽ trở thành hành giả lúc nào không hay! Thảng hoặc như tôi, kẻ vô minh lần mò trong bóng tối sân hận, đọc lại câu kệ từng đọc nhiều lần, bỗng lóe chút ánh sáng từ một NIỆM chân thực, nên chợt hình dung rõ chữ Niệm của Hán-tự gồm chữ Kim ở trên và chữ Tâm ở dưới. Niệm là mang tâm mình về với phút giây hiện tại. Phút giây này, thật thấm thía khi tôi niệm bài kệ đã từng thuộc mà trước đây chẳng hiểu gì! Bài kệ như sau:
“Bồ Tát thanh lương nguyệt
Du ư tất cảnh không
Chúng sanh tâm cấu tận
Bồ Đề ảnh hiện trung”
Bài kệ rất phổ biến nên đã có nhiều bản dịch từ nhiều dịch giả.
Trong phút bất chợt chiêu cảm này, tôi để lòng mình thanh thản, buông lơi và bắt gặp nhân dáng nhu hòa, lời giảng nhẹ nhàng, thâm trầm nhưng rất uyên bác của vị giảng sư tôi từng quý trọng. Đó là Thượng Tọa Thích Phước Tịnh.
Khoanh chân ngồi bán già trước bàn thờ Phật, tại Cốc Thảnh Thơi, tôi hình dung rất rõ vị giảng sư hiền hòa đang từ bi đọc bài kệ bằng Hán-tự, rồi giảng bằng bài dịch của thiền sư Nhất Hạnh:
“Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời- thái- không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần”
Chỉ thế thôi! Như-thị, như-thế thôi! “Bụt là vầng trăng mát. Đi ngang trời thái không” Nếu “ Hồ tâm chúng sanh lặng” để đi theo được bước chân Bụt, nghĩa là “Đi ngang được trời thái không” thì sẽ bắt gặp bản tâm trong sáng của chính mình.
Vậy, làm thế nào để tâm thế gian xuẩn động như tôi đi ngang được trời- thái-không? Chắc chắn, trời-thái-không trong bài kệ này không phải là bầu trời mà nhục nhãn thế nhân vẫn thường nhìn thấy vì bầu trời đó vẫn còn cái giới hạn mơ hồ gọi là “chân trời”, hàm ý, tới cái điểm chân trời đó là hết bầu trời!
Trời còn có điểm tới là chân trời, vậy, biển cả mênh mông chắc là rộng lớn hơn? Không đâu! Biển, tưởng là vô bờ bến nhưng vẫn còn nơi gọi là “Góc biển”.
Chỉ những phương trời trăng sao đến không chờ, đi không hẹn mới vô thỉ, vô chung, không có bắt đầu, không có kết thúc. Cuối đêm là đầu ngày, hay ngày là đêm không tận? Phương trời đó sẽ hiển hiện khi tâm thế gian không còn hận thù, nợ nần, vay trả … Nhưng Phật dạy, còn chúng sanh là bởi vòng luân hồi còn quay, nghiệp thiện nghiệp ác do chúng sanh tạo ra còn theo nhau như bóng với hình nên chẳng thể hết tìm nhau để ân đền oán trả; trừ khi, do việc lành tích tụ, phước đức vun bồi, tin và nhận là có nhân có quả, biết sợ nghiệp báo mà hết lòng sám hối, gạn lọc thân tâm để được tâm như tâm Phật, hạnh như hạnh Phật mới mong độ mình, độ người, vượt thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Vậy, đi tìm trời-thái-không là đi đâu để tìm?
Chắc chắn, muốn đến khung trời này không thể đi bằng đôi chân mà phải đi bằng tâm nhiệt thành, ý phát nguyện, tìm cầu hướng thượng, không thôi không nghỉ, thế nào cũng có phút cảm nhận an lạc tràn đầy, như căn nhà triền miên tăm tối, bất chợt, một ngọn nến rực rỡ thắp lên, bóng tối lập tức bị đẩy lui, biến mất.
Khi ấy, đâu cũng là trời-thái-không vằng vặc bóng trăng soi tỏ nơi hồ tâm chúng sanh đã trong veo, tĩnh lặng.
Huệ Trân


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage