Phật Học Online

Tăng Ni sinh cần phát huy năng lực

 Khi nói đến những người xuất gia nói chung và Tăng, Ni sinh nói riêng, người ta thường biểu lộ một tình cảm tôn kính và trân trọng. Lòng tôn kính ấy phần nào đánh giá được giá trị đích thực của những người tu phạm hạnh.

Trên bước đường giải thoát giác ngộ, Tăng Ni sinh không ngừng phấn đấu tu học, thực hành nếp sống phù hợp với những lời dạy của đức Từ Phụ. Trong phạm vi hoàn cảnh của một trường Phật học uy tín có điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng tiềm tàng vốn có, không ai khác hơn mỗi Tăng - Ni sinh phải nắm lấy thời cơ đeå bày tỏ tấm lòng của mình bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả nhất.

Có thể nói khi đặt chân vào Học Viện Phật Giáo, mặt bằng trình độ về Phật học không phải là thấp. Nói cách khác, Trí lực của Tăng-Ni sinh Học viện có thể trợ giúp Giáo hội một số công việc nào đó. Vấn đề đặt ra là mỗi thành viên phải vượt qua bức tường rụt rè, e sợ, thậm chí thành kiến để cùng nhau đóng góp khả năng của mình vào công việc chung, công việc học pháp và hành pháp. Mỗi vị ý thức được điều đó tức là đã góp phần vào phong trào sinh hoạt và học tập, làm cho không khí học tập thêm sinh động và phấn khởi. Phương thức sinh hoạt này không phải là mới mẻ maø nó đã tồn tại từ lâu và đem lại nhiều thành quả khả quan ở rất nhiều trường đại học. Như vậy, tại sao chúng ta không vận dụng và phát huy ?

Ở độ tuổi thanh xuân, thể lực của Tăng-Ni sinh có thể thực hiện tất cả những chương trình sinh hoạt. Mỗi vị tự hoạch định cho mình một thời khóa tu học, vui chơi thích hợp sẽ tạo cho mình một tâm thế thoải mái, một sức khoẻ cường tráng. Những phiền muộn đôi khi xảy ra làm suy yếu tinh thần cần phải được khắc phục bằng sự nỗ lực tự thân và sự giúp đỡ của đồng môn pháp lữ. Sức khoẻ tốt sẽ tạo cho con người vui tươi và hoạt động có hiệu quả.

Một đặc điểm dành riêng cho người xuất gia là tâm lực. Tâm lực của Tăng-Ni sinh ở cấp độ đại học là tương đối vững chãi. Tuổi tác và môi trường tu học phần nào tạo nên những đức tính tốt của người tu phạm hạnh. Nhờ nó chúng ta có thể đi lên một cách tự tin và vững chắc. Mặc dù những chướng ngại luôn rình rập, ngăn cản, nhưng với ý chí và sự định hướng đúng đắn chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua chúng. Tuy nhiên, đạo lực ấy phải luôn luôn được bồi đắp hàng ngày, hàng giờ.

Có lẽ còn một thuận duyên maø ít có môi trường nào đáp ứng đầy đủ. Ðó chính là chư Tôn đức Giảng sư uyên thâm Phật pháp và chư  vị Giáo sư kinh nghiệm tận tụy trong công việc giảng dạy. Không những chúng ta học kiến thức qua sách vở mà còn học đươïc kiến thức sống động từ kinh nghiệm của chư vị; không những chúng ta học qua khẩu giáo mà còn trực tiếp học qua thân giáo. Oai nghi đĩnh đạc ấy phần nào ảnh hưởng đến nếp sống của chúng ta.

Từ những thuận lợi trên, Tăng-Ni sinh có thể phát huy năng lực của mình trong học tập cũng như trong sinh hoạt tập thể. Trước hết về học tập, mỗi vị phát huy môn học sở trường của mình để một mặt nâng cao trình độ, một mặt làm tư liệu cho những vị đồng học cùng nhau tham khảo, học hỏi. Ðây là cách học hữu hiệu và đúng với câu tục ngữ “học thầy không tày học bạn”. Chính sự trao đổi như thế mới tạo nên một tâm thế ham học, thích học và vui học. Tất nhiên hiệu quaû rất cao. Sinh viên không thể thụ động chờ đợi chư vị Giáo sư rót kiến thức xuống. Sinh viên phải chủ động tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau, sẵn sàng đưa ra câu hỏi khi chưa hiểu vấn đề một cách tường tận.


Bên cạnh học tập trực tiếp từ sách vở. Tăng-Ni sinh có thể học qua các cuộc sinh hoạt dã ngoại. Có thể nói chính sinh hoạt giúp cho Tăng-Ni sinh tiếp cận thực tế, vận dụng kiến thức vào từng hoạt động cụ thể. Vừa học tập vừa vận dụng làm cho họ cảm thấy phấn chấn, hăng say học tập và lao động. Nếu không có môi trường để sử dụng những gì đã học thì chúng ta dễ dàng lãng quên vô ích. Trong khi học tập giao lưu phải thể hiện tính khách quan thoải mái, không nên đặt nặng hình thức gò bó làm cho Tăng-Ni bị ức chế, thậm chí mặc cảm.

Bất cứ hoạt động nào cũng có những thuận lợi và khó khăn của nó. Tuy nhiên chúng ta phải tận dụng những thuận lợi và hạn chế khó khăn để phát huy vai trò của mình. Mỗi chúng ta phải có trách nhiệm đóng góp vào công việc chung, trong đó có chúng ta, để đạt được những thành tựu nhất định.

Thích Hạnh Chơn
(Theo Nội san Vạn Hạnh Khóa V - HVPGVN)

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage