Phật Học Online

Du lịch xứ Phật
Đoàn Trung Còn

Âu Á giao thông, hoàn cầu đã thành như một cái nhà chung của anh em trong nhân loại. Nhưng về phần riêng, chỉ có một mình xứ Tây Tạng là không dự đến các việc tiếp xúc ở ngoài thôi, mà ở các nước cũng không có một người nào được vào đến kinh thành Lhassa, là nơi phòng vệ rất nghiêm và là nơi trung tâm của nền Phật giáo hiện thời. Đạo lý của Phật tổ hiện nay dồn về xứ Tây Tạng với những kinh điển cao siêu, với những nhà chùa tráng lệ, với những vị sư đắc đạo hiện tiền.

Ở xứ Tây Tạng, tạo hóa và dân sự dường như bảo nhau mà giữ không cho kẻ lạ bước vào! Núi cao chập chùng lên tận mây xanh có tuyết phủ trọn cả năm này sang năm kia, khí hậu rất lạnh, phần nhiều là những quãng đồng hoang, không cỏ, không hoa, chỉ có một đôi cụm cỏ để làm vật thực cho những bầy nai, cừu nơi đó thôi. Lúa mạch trồng được nhiều và trong những khoảng đất ấy cũng có nhiều mỏ kim quý mà đến nay mới vừa khai phá. Dân cư rải rác từng khu vực nhỏ, phần đông đều là dân trôi dạt cùng với những đoàn cừu rày non mai núi, thong dong giữa trời.

Ở nơi thị tứ, có những dinh thự đền đài phần đông thuộc về giới tu sĩ, vì trong nước giới này nắm quyền chấp chính một cách mạnh mẽ lắm và choán hết một phần tư trong số toàn dân. Giới này lại ghét ngoại quốc, mỗi khi nghe có người ngoại quốc tới thì liền ra lệnh trục xuất ngay đi.

Ở khoảng giữa là kinh đô Lhassa, có hoàng thành rất đồ sộ. Hoàng đế, đức Dalai Lama vừa là người đứng đầu trong nước vừa là vị lãnh đạo cao nhất của giới tu sĩ, được dân chúng tôn trọng như Phật, nên thường gọi ngài là Phật sống.

Người ngoại quốc muốn đến kinh thành thì phải gặp biết bao nhiêu nổi khổ niềm nguy trên những còn đường trắc trở cam go, đầy hầm hố chông gai, trên những quãng đồng mênh mông đầy những tuyết sương, phải chịu những cảnh chiếu đất màn trời và phải nhịn đói ngày nọ qua ngày kia. Và dầu có trải qua những nổi ấy thì vừa đến nơi cũng chẳng khỏi bị người truy tầm ra mà trục xuất liền.

Có một đôi người nhờ kiên chí nên chịu được khổ nhọc mà vào tận Lhassa, nhưng ở không được mấy ngày thì lại bị người biết ra mà buộc phải trở về. Trong số người bước chân được tới xứ Tây Tạng thì có ông W. W. Rockhill, người Mỹ và ông R. P. Huc, người Pháp, đến tận thành Lhassa vào năm 1844, ở được lâu và có viết ra quyển sách nhan đề: Souvenirs d'un voyage dans la Tartarie, le Thibet et la Chine (Hồi ký về cuộc du hành đến Tartarie, Tây Tạng và Trung hoa). Kế vào năm 1917, có bà Alexandra David Néel, người Pháp, vào được xứ Tây Tạng, bèn giả ra hành khất trong nước, mà sang đến Lhassa, có đem theo một nhà sư Tây Tạng làm con nuôi. Trong hai tháng bà ở Lhassa, không ai biết rõ mà truy tầm, nên bà khảo cứu được nhiều điều hay, sau về nước có viết ra quyển sách Moderiesme Bouddhiste (Phật giáo hiện đại) và nhiều quyển khác có giá trị cũng đều khảo cứu về Phật giáo Tây Tạng...

Tuy xứ Tây Tạng có đôi khi được người khảo luận về tôn giáo, phong tục, chính trị, nhưng thực ra hiểu xứ Tây Tạng thì không mấy người hiểu cho rõ ràng. Sự thật là, xứ Tây Tạng không mở cửa cho người ngoại quốc vào, người Tây Tạng cũng không qua ngoại quốc mà du học, mà giao thông, quyền chính trong nước lại thuộc về các tu sĩ, mà ở các nước khác bị cho là lạc hậu rồi. Như vậy mà gần đây xứ Tây Tạng được tiến bộ một cách lạ thường làm cho những người hay quan tâm về chính trị và kinh tế không thể làm ngơ đi được! Sự duy tân cải cách của xứ Tây Tạng mường tượng như của nước Nhật mới rồi. Cách đây vài mươi năm thì xứ Tây Tạng hãy còn thuộc về nước Trung Quốc, cách đây vài mươi năm thì xứ Tây Tạng có một đội binh chỉnh đốn theo lối hiện đại. Mà ngày nay thì đã thành ra một nước độc lập và tự do, lại có quân binh hùng mạnh, hàng ngũ chỉnh tề và dùng toàn vũ khí hiện đại mua ở Châu Âu hay là làm tại Lhassa.

Trong mấy tỉnh thành có sở điện tín, tại kinh đô bây giờ lại cũng có dùng điện thoại, và tiền giấy cũng được dùng để mua bán trong nhân dân.

Ngày nay, xứ Tây Tạng được cải cách, được duy tân, thì theo lẽ sẽ chấp nhận người ngoại quốc vào nước. Nhưng không, Tây Tạng tiến bộ chừng nào thì lại dường như gắt gao thêm chừng ấy! Khi trước người Trung Quốc vào ra được thong thả và thường hay lui tới thành Lhassa, nay cả người Trung Quốc cũng không được bước chân vào. Còn ngoài biên thùy có cả đường dây điện tín chạy đến kinh đô, nếu có người Châu Âu gần đến thì cả nước được hay biết liền!

Như thế thì qua xứ Tây Tạng, đến thành Lhassa, chẳng phải là một câu chuyện dễ thường nghe thấy.

Một người nước Anh là W. Montgomery Mc. Govern có ý muốn viếng xứ Tây Tạng, vì ông là một nhà cách vật học (Antropologiste), có đọc sách về Tây Tạng mà sanh mối quan tâm đối với dân tình, tập tục, tôn giáo, văn chương và lời ăn tiếng nói của người Tây Tạng. Hơn nữa, ông còn có dịp khảo cứu về những vấn đề cải cách và duy tân ở Đông Phương, càng được biết thì càng mong mỏi được viếng qua xứ Tây Tạng.

Trước, ông có khảo cứu được rõ rệt về lời nói, cùng là cách ăn ở sinh hoạt của người Tây Tạng, có hy vọng rằng một ngày nọ mình đến nơi thì sẽ được lợi ích vô cùng. Ông cũng được may mà đem những điều khảo cứu ấy ra thực hành, và khi sang Tây Tạng thì gặp những mùa đông, tuyết xuống bít cả những triền núi, những đường đi, cho đến nỗi ngay người trong xứ cũng không thể dời chân được.

Khi qua đến Tây Tạng, ông bèn đổi dạng, giả làm một lao công rất hèn, mặt mày lưng ngực đều thoa một loại hóa chất (chất teinture diode) để hóa trang. Lại không dám ăn ngon, không dám mặc đẹp, không dám ngũ yên... còn người giúp việc đi theo lại đổi ra làm bậc phú thương cưỡi ngựa tốt, mặc đồ sang trọng...

Khi đi gần đến kinh đô, chính phủ hay được liền sai quan quân đi tìm kiếm trong mỗi làng.

Mấy người giúp việc và ông đều bị xét nhiều lần nhưng không một ai nhìn ra được. Sau rốt, ông đến Lhassa. Bấy giờ người Tây Tạng mới hay ra ông là người ngoại quốc, thì những nhà sư hăm dọa quyết không tha. Nhưng nhờ chính phủ muốn che chở, bèn bắt ông giam tạm cho đến khi sự việc êm dịu đi.

Ông ở Lhassa, được sáu tuần lễ, kế được phép trở về Ấn Độ (hồi đó còn thuộc Anh) với một đội binh, là vì sợ ông đi một mình e tánh mạng không toàn. Bấy giờ ông ra khỏi thành Lhassa, nhưng đã được thỏa chí nguyện, được đọc nhiều kinh sách có giá trị, được hầu chuyện với những hạng thượng lưu, và nhất là được biết qua cuộc sống, sinh hoạt của dân tộc Tây Tạng.

rongmotamhon.net


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage