Trong văn học Phật giáo các Ngài được ví như rừng tùng (tùng lâm), trụ đá (thạch trụ).
Cây tùng, họ thông là một giống cây khỏe chịu rét, khỏe chịu thời
tiết khắc nghiệt, và sống rất thọ. Tùng mà sống với nhau thành rừng thì
môi sinh nơi đó lành mạnh khỏe khắn, muôn thú cũng luôn được chở che bảo
bọc, an lành.
Còn thạch trụ là trụ đá thì có sợ gì nắng gió bão giông, có sá gì sự bào mòn của thời gian, thời tiết.
Các Ngài có thể không giỏi, không bằng cấp, nhưng có đạo lực có tu, có đạo đức vô hành.
Chính điều đó mới quan trọng, mới là chỗ nương tựa cho bầy chim đệ tử mỗi khi mỏi mệt xơ xác bay về ẩn náu.
Rừng tùng không còn nữa, bầy chim gặp nạn biết về nương tựa nơi đâu?
Thạch trụ không còn chỉ còn trụ gỗ với giác nhiều lõi ít, trụ gỗ đó làm
sao gánh đỡ nỗi giàn mái nặng oằn với xiên trính đòn tay xiêu vẹo.
Sự sụp đổ của mái nhà Phật pháp là cố nhiên.
Cũng chỉ mới đây thôi, ngày tôi thọ giới lớn (năm 1980) tại Đại Giới
Đàn chùa Báo Quốc – Huế, các Ôn các Ngài còn đầy đủ: Hòa Thượng Đôn Hậu,
Hòa Thượng Trí Thủ, Hòa Thượng Mật Hiển, Hòa Thượng Thiện Siêu, Hòa
Thượng Huyền Không, Hòa Thượng Hưng Dụng, Hòa Thượng Chánh Pháp, Hòa
Thượng Thiện Trí (Huế), Hòa Thượng Trí Quảng (Huế), Hòa Thượng Đức Tâm,
Hòa Thượng Thiện Bình……
Tam Sư thất chứng truyền giới cho tôi tại Đại Giới Đàn Báo Quốc năm
1980, bây giờ chỉ còn Hòa Thượng Thiện Bình ở Nha Trang, các Ôn đã về
cõi Phật.
Thế hệ tùng lâm thạch trụ của Huế đã viên tịch gần hết, Huế trở nên lỏng lẻo, rời rạc.
Thế hệ chư tôn đức thay thế các Ôn kế thừa các tổ đình đã không còn vang danh uy đức như Thầy Tổ của mình.
Tôi chỉ mới kể các Ôn trong tam sư thất chứng giới đàn mà tôi thọ
giới, ngoài ra còn có các Ôn Long Tượng lương đống cho ngôi nhà Phật
Giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Huế nói riêng nữa như: Tổ Nhất
Định, Ôn Đệ nhất Tăng Thống ( chùa Tường Vân), Ôn đệ nhị Tăng Thống
(chùa Thuyền Tôn), Ôn Tây Thiên, Ôn Vạn Phước, Ôn Linh Quang, , Ôn Thanh
Quý (Từ Hiếu), Ôn Thiện Minh, Ôn Thiên Ân, Ôn Mãn Giác, Ôn Minh Châu,
Sư Ông Làng Mai, Ôn Mật Nguyện……
Huế là vậy. Bình Định quê hương tôi cũng không khác: Thế hệ cao tăng
thạc đức như các Ngài: Quốc Sư Phước Huệ, Hòa Thượng Huệ Chiếu (Thập
Tháp), Hòa Thượng Huệ Chiếu (Thiên Đức), Hòa Thượng Bạch Sa, Hòa Thượng
Minh Tịnh, Hòa Thượng Kế Châu, Hòa Thượng Tâm Hoàn, Hòa Thượng Giác
Tánh, Hòa Thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Đồng Thiện, Hòa Thượng Bửu
Quang……..
Thế hệ chư tôn đức kế thừa gánh vác các ngôi Tổ Đình của Bình Định
hiện nay cũng không truyền đăng sáng rỡ bằng thế hệ Thầy Tổ của mình.
Giáp ranh tỉnh Bình Định là tỉnh Phú Yên, Phật Giáo nơi này cũng tương
tự: Kể từ Tổ Liễu Quán, rồi tới các Hòa Thượng thời cận đại như Hòa
Thượng Phúc Hộ, Hòa Thượng Bát Nhã (Trí Thành), Hòa Thượng Từ Quang, Hòa
Thượng Hương Tích…….. thế hệ chư tôn đức trụ trì các Tổ Đình ở Phú Yên
hiện nay vẫn không tiếp nối rạng rỡ như thế hệ Thầy Tổ của mình.
Ở Gia Lai, nơi tôi đang làm Phật sự tình hình Phật Giáo cũng y hệt tình hình Phật giáo các tỉnh bạn.
Chúng tôi có các Hòa Thượng tùng lâm thạch trụ: Như Hòa Thượng Giác
Ngộ ( tân viên tịch), Hòa Thượng Giác Đạo (đã viên tịch), Hòa Thượng
Giác Phúc (đã viên tịch), Hòa Thượng Đổng Quang (86 tuổi) sức khỏe rất
yếu, Hòa Thượng Từ Hương (82 tuổi) hiện là Trưởng Bạn Trị Sự Phật Giáo
Tỉnh Gia Lai….
Phật giáo Gia Lai mà được ổn định phát triển như ngày hôm nay là nhờ ở
đức tu, ở sự hy sinh vô bờ bến cho giáo hội , cho đoàn hậu tấn của các
Ngài.
Thế hệ chúng tôi có người có bằng cấp rất cao, có người xây chùa rất
to đẹp, có người gánh vác nhiều trọng trách trong giáo hội, ngoài xã
hội, có người viết lách rất giỏi, có người rất giỏi công nghệ thông tin,
internet, có người ứng phó đạo tràng danh vang trong, ngoài nước….
Nhưng chúng tôi không thể nào theo kịp đức tu, đức kham nhẫn, đức quyền biến thời cuộc của thế hệ các Ôn các Ngài.
Với đạo đức vô hành các Ôn, các Ngài tưởng như vô sự làm biếng, nhưng
thực ra các Ôn, các Ngài đã cống hiến rất nhiều cho đạo pháp. Các Ôn
các Ngài luôn sống trong giới trong định trong tuệ, do vậy mới có thanh
giới truyền trao cho chúng tôi, các Ôn các Ngài luôn sống đời phạm
hạnh, cho nên phật pháp mới tồn tại đến ngày hôm nay.
Kính lễ Chư Tôn Thiền Đức, Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa: Từ quá khứ đến hiện tại !
Chúng con biết mình, chưa làm được gì nhiều cho Phật pháp, nhưng mà cũng
có một chút đóng góp. Rồi đây thế hệ tiếp nối chúng con, gánh vác phật
sự cũng sẽ lỏng lẻo rời rạc , như chúng con đã từng lỏng lẽo rời rạc
thời còn trẻ, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra.
Chùa viện ngày nay thì hoành tráng nguy nga, bề thế hơn ngày xưa.
Giới Tăng sĩ thì đi tu nhiều hơn ngày xưa, trường lớp đào tạo chính quy
và cũng nhiều hơn ngày xưa.
Nhưng sống đời phạm hạnh, dấn thân phụng sự đạo, phục vụ quần chúng
Phật tử thì ít hơn ngày xưa. Hình thức thì phình ra, mà nội dung thì teo
tóp lại, điều đó có đáng lo không?
Con hơn cha là nhà có phúc, tại sao Phật Giáo Việt Nam lại không được
như thế? Nhớ đến những ân tình, sự hiến dâng hy sinh cho đạo của các Ôn
các Ngài, những cao tăng áo vải ăn khoai ăn sắn tham thiền, niệm Phật
trên núi cao tịch lặng, trong phố thị trần lao.
Quên thân quên thế, coi danh lợi như bụi bay vào mắt, nhìn thinh sắc như hoa trồng trên đá, lòng chúng con bồi hồi xúc động.
Và cũng chỉ mới đây thôi, mới chưa đầy một tháng, Tăng Ni Phật tử
chúng con đã mất đi một chỗ tựa nương vững chải nhất trong đời tu của
mình. Phật giáo Gia Lai đã mất đi một tòng lâm thạch trụ chở che chúng
con suốt một thời gian dài trong giông bão cuộc đời, đó là Hòa Thượng:
trên là chữ Giác , dưới là chữ Ngộ, viện chủ chùa Bửu Thắng – Gia Lai
Tưởng nhớ Hòa Thượng, nghĩ về câu tục ngữ: “Con hơn cha là nhà có phúc”con ngồi viết những dòng này để tưởng niệm Hòa Thượng.
Cầu nguyện Hòa Thượng chuyển kiếp trở lại cõi Ta Bà để giáo hóa dìu
dắt chúng con, để chúng con có Bi, có Trí, có Dũng, có tinh tấn, có hy
sinh, có chân cứng đá mềm vững bước trên con đường phạm hạnh. Cùng nhau
giữ gìn gia tài vô gía mà Đức Thế Tôn đã để lại.