Phật Học Online

Mỗi bước tiến tu đều đem lại an lạc
Bài giảng của HT Thích Thanh Từ tại Tu viện Hoa Nghiêm Hoa Kỳ



Tất cả chúng ta tu Phật, từ hàng tại gia cho tới những vị xuất gia đều muốn đạt được những lợi ích thiết thực trong cuộc sống. Vì vậy hôm nay tôi sẽ nói đề tài Mỗi bước tiến tu đều đem lại an lạc cho mình và mọi người.
Nhiều Phật tử tu năm mười năm, lại than tu càng lâu phiền não càng nhiều. Những lời than đó khiến mọi người ngạc nhiên. Lý đáng tu lâu thì phiền não nhẹ, sao tu lâu phiền não lại nhiều?
Âu là tại chúng ta không nắm bắt được nền tảng của sự tu hành.Vì không nắm bắt được nên trên đường tu cứ chạy theo hơn thua, phải quấy, được mất, rốt cuộc tăng trưởng phiền não. Nếu tu đúng với tinh thần Phật dạy thì không như thế, mà mỗi bước tiến tu đều là mỗi bước an lạc cho bản thân và cho mọi người.

Phật tử đến với đạo Phật đều phát nguyện qui y Tam Bảo. Qui y Tam Bảo được sự an lạc, vui vẻ gì mà chúng ta qui y? Đó là bước thứ nhất người vào đạo phải biết. Trong những buổi qui y, quí Hòa thượng thường nhắc: “Qui y Phật rồi khỏi đọa địa ngục. Qui y Pháp rồi khỏi đọa ngạ quỉ. Qui y Tăng rồi khỏi đọa súc sanh.” Như vậy chúng ta bước chân vào đạo là đã tiến lên một bước trên đường thoát khổ. Phật dạy chúng sanh luân hồi trong lục đạo, trong lục đạo có ba đường ác và ba đường lành. Ba đường ác là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Ba đường lành là người, a-tu-la và trời. Khi bước chân vào đạo Phật, qui y Tam Bảo, Phật tử tu tập đúng theo lời Phật dạy sẽ tránh được ba đường ác.
Tại sao qui y Phật rồi khỏi đọa địa ngục? Vì Phật là bậc giác ngộ sáng suốt, khi Phật tử đã phát tâm qui y Phật, nguyện từ đây cho tới cuối đời, đi theo con đường Phật đi là con đường giác ngộ, sáng suốt. Địa ngục là chốn u minh tối tăm, chúng ta qui y Phật thì đang đi trên con đường sáng nên không rơi vào chỗ tối tăm. Người phát tâm qui y Phật có một định hướng tiến lên con đường giác, không tuột xuống chỗ mê lầm tối tăm nữa. Đó là ta chọn được một con đường đem lại sự an lạc cho mình.
Kế đó, qui y Pháp khỏi đọa ngạ quỉ. Ngạ quỉ là loài quỉ đói. Tại sao qui y pháp rồi khỏi đọa vào loài quỉ đói? Vì trong kinh Phật nói, đức Phật từng thấy những loài quỉ lang thang khổ sở nơi này chốn nọ, không có trụ xứ nào an ổn hết. Trong kinh A-hàm kể, một hôm ngài Mục-kiền-liên đang đi, Tôn giả liền dùng thiên nhãn quán sát trong hư không, thấy có những chúng sanh thân hình to lớn mà bị ghẻ lở, côn trùng đục khoét nên họ phải la lên trong hư không. Thấy vậy Ngài về bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, con thấy những chúng sanh khổ đang lang thang ở trong hư không.” Phật nói: “Ta cũng thấy như vậy, nhưng không nói vì nói không ai tin.” Không biết thì không tin. Bởi nhìn thấy như vậy nên sau này tìm mẹ, Ngài thấy mẹ đang đọa vào loài quỉ đói, lang thang khổ sở ghê lắm.
Nhưng tại sao lại sanh làm ngạ quỉ? Trong kinh Phật nói ai có tâm gian tham, bỏn sẻn, hiểm độc là nhân của loài quỉ đói. Chúng ta qui y pháp là pháp từ bi, pháp đưa đến sự giác ngộ. Tiến trên con đường từ bi giác ngộ, nhất định khỏi đọa làm loài quỉ đói lang thang. Đó là kết quả thứ hai khi qui y.
Đến thứ ba, qui y Tăng khỏi đọa làm súc sanh. Súc sanh như trâu, bò, lợn, dê, ngựa v.v… những con đó hiện tại mắt chúng ta thấy biết được. Trong ba đường khổ chúng ta thấy được loài súc sanh, còn quỉ đói và địa ngục mắt phàm phu không thấy.
Khi qui y với Phật, Pháp, Tăng rồi chúng ta tránh được ba đường ác: địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh. Chỉ bước đầu tiến lên con đường tu, quí vị thấy đã cứu vãn cho mình khỏi rơi vào ba đường khổ, đem lại sự an vui cho bản thân. Nếu lỡ rơi xuống địa ngục khổ biết mấy hay làm loài ngạ quỉ khổ tới bậc nào. Phật tử bước vào đạo, chỉ cần phát nguyện qui y Tam Bảo là đã vươn lên một bước, giảm bớt đau khổ trong những con đường hiểm nguy.
Như vậy qui y Tam Bảo là việc quan trọng hay tầm thường? - Rất quan trọng. Có người nào muốn xuống địa ngục đâu, vì địa ngục là chỗ đáng sợ nhất, đáng ghê gớm nhất. Không muốn tới địa ngục thì chúng ta phải theo Phật, đi đường giác ngộ sáng suốt mới không rơi vào chỗ tối. Điều này rõ ràng, không có gì phải nghi ngờ.
Qui y Pháp là pháp từ bi giác ngộ, tâm không còn bỏn sẻn, hiểm độc thì không rơi vào loài ngạ quỉ. Qui y Tăng, Tăng là những vị tu hành thanh tịnh, Phật tử sẽ được chư Tăng hướng dẫn, chỉ dạy cho biết đạo lý chân thật không còn mê lầm. Quí Phật tử được nghe phân tích rõ cái gì thiện, cái gì ác, cái gì tội, cái gì phước, cái gì tà, cái gì chánh… nên hết si mê, khỏi đọa làm súc sanh.
Bước đầu chúng ta tu là qua được ba con đường hiểm nguy. Nếu không khéo tu, ba con đường đó sẽ làm chúng ta đau khổ chẳng những năm mười năm, hai ba mươi năm, mà cả một kiếp ngạ quỉ. Làm ngạ quỉ tuổi thọ dài hơn con người. Tuổi thọ con người chưa tới một trăm tuổi, tuổi thọ ngạ quỉ cả ngàn tuổi, khổ dài đằng đẵng. Cho nên bước vào đạo, qui y chân chánh, Phật tử đã vượt qua ba ải hiểm nguy rồi. Như vậy có phải chúng ta đang đi trên con đường an lạc không? Đó là một lẽ thật, lâu nay quí vị ít quan tâm.
Sau khi qui y, chư Tăng sẽ dạy Phật tử giữ năm giới. Giới thứ nhất không được sát sanh. Sát sanh đối với cư sĩ là không được giết người trong ba trường hợp: tự tay giết, dùng miệng xúi bảo kẻ khác giết, thấy nghe người ta giết mình vui mừng. Đó là phạm tội sát sanh. Giữ được giới không sát sanh, trong xã hội gặp nhau mọi người đều an ổn, không ai sợ ai cả. Chúng ta giữ giới này, khi lên phi cơ chắc ít bị xét, vì không có gì để sợ. Còn bây giờ khó khăn là tại vì có những người phạm tội sát sanh đáng sợ.
Người tu Phật không bao giờ giết người, chẳng những không giết người mà còn cứu người. Tại sao? Bởi vì người Phật tử đặt sanh mạng chúng sanh lên trên, không nỡ gây đau khổ cho chúng sanh. Tinh thần đạo Phật chú trọng tâm cao thượng, không muốn làm đau khổ ai. Tự mình không làm khổ ai, không gây tang tóc cho người, thì bản thân rất an ổn, người chung quanh cũng an ổn. Chỉ cần giữ giới không sát sanh là thiên hạ thái bình rồi.
Giới thứ hai không trộm cướp. Nếu Phật tử ở gần kẻ trộm cướp có lo không? Chắc đi đâu cũng hồi hộp. Xóm làng có người giữ giới không trộm cướp thì nhà nhà không cần đóng cửa. Bản thân kẻ trộm cướp luôn luôn lo sợ bị bắt, vì khi bị bắt họ bị đánh đập rất khổ sở. Chúng ta giữ giới không trộm cướp thì người nhẹ nhàng, thảnh thơi, hàng xóm láng giềng cũng thảnh thơi. Như vậy từng bước đi của mình đem lại an lạc cho mình, cho mọi người.
Giới thứ ba không tà dâm. Trong gia đình người chồng, người vợ không tà dâm thì vợ chồng tin tưởng, thương mến nhau. Nếu ngược lại thì sao? Gia đình đó bất hạnh, chẳng những bất hạnh cho cha mẹ, mà cả con cái nữa. Người biết giữ giới không tà dâm, bản thân được an ổn, gia đình hòa vui mà mọi người chung quanh không sợ, không lo thói xấu ấy lây tới gia đình họ. Giữ giới thứ ba thì an ổn hạnh phúc cho mình và cho người.
Giới thứ tư không nói dối. Dối gạt mới nghe coi như nhẹ, nhưng sự thật nó là nguyên nhân dẫn tới sự tan vỡ khổ đau. Trong gia đình người vợ nói gạt người chồng, người chồng dối người vợ, con dối cha v.v… thì gia đình đó không có hạnh phúc vì không ai tin ai hết. Không tin mà sống chung còn gì khổ hơn! Sống trong gia đình không tin nhau thì ngoài xã hội có ai tin mình không? Cũng mất hết lòng tin. Như vậy sống giữa muôn triệu người mà như sống ở sa mạc, không ai tin mình. Ta nói không ai thèm nghe, không ai thèm biết, đó là gây khổ cho mình. Khi quen dối gạt, gặp ai họ cũng sợ mình dối gạt, không muốn nghe ta nói, đó là gây khổ cho người. Nên giữ được giới không nói dối, bản thân chúng ta sống hòa vui, tin yêu trong gia đình, kế đến đem lại sự tin yêu cho xóm làng và mọi người một nguồn an lạc chung.
Giới thứ năm không uống rượu. Giới này bên nam sợ lắm. Nói tới giới thứ năm ít có ông nào dám thọ, cứ nói để dành đó. Nhưng sự thật chúng ta có một điều lầm lẫn lớn. Ở thế gian có ai muốn trí tuệ càng ngày càng mờ tối không? Người nào cũng muốn thông minh, sáng suốt. Thế mà khi uống rượu say, lúc đó trí tuệ làm sao? Quí vị thấy những người say đi ngoài đường có hơn gì người điên đâu. Những kẻ ấy tự đánh mất cái cao quí nhất của mình là trí tuệ, có đau lòng không! Cho nên uống rượu mạnh, uống say là làm cho trí tuệ suy sụp, tự mình làm khổ mình. Người tránh uống rượu mạnh, uống say là nuôi dưỡng trí tuệ, càng già càng thông minh sáng suốt.
Đạo Phật là đạo giác ngộ, giác ngộ thì đòi hỏi trí tuệ, mà mình làm lụn bại trí tuệ thì có phải phản bội lại đạo giác ngộ không? Quí vị thấy một người uống rượu say lè nhè nói bậy, mọi người chung quanh rất phiền. Chính bản thân người đó khổ, còn làm phiền những người chung quanh khổ nữa. Ngày nay giới uống rượu phải mở rộng thêm một chút nữa. Đó là không hút á phiện, xì ke, ma túy. Vì rượu còn nhẹ hơn á phiện, xì ke, ma túy. Thời Đức Phật chưa cấm vì không có, nhưng bây giờ có thì phải cấm thêm. Cấm thêm như vậy để đem lại sự an ổn cho cá nhân, gia đình, xã hội và đất nước.
Như vậy chỉ cần mỗi chúng ta giữ năm giới là đem lại hạnh phúc thật sự cho bản thân, cũng như láng giềng, xã hội đều được tốt đẹp. Một điều tốt đẹp lớn lao như thế mà chúng ta không quí trọng, không cố gắng thực hành, đó là một thiệt thòi. Chẳng những tốt đẹp trong hiện tại, mà còn tốt đẹp luôn cả vị lai. Người qui y Tam Bảo, giữ năm giới Phật gọi đó là tu Nhân thừa Phật giáo, tức giáo lý đưa một con người tốt sang một con người tốt hơn. Phật tử từ khi qui y trở về sau giữ tròn năm giới, khi bệnh nặng sắp mất, có người hỏi anh chị chết rồi đi về đâu, quí vị trả lời tôi sẽ trở lại làm người bằng hoặc tốt hơn bây giờ.
Phật dạy giữ giới không sát sanh, đời sau tuổi thọ dài. Giữ giới không trộm cướp, đời sau sanh ra có nhiều của cải. Giữ giới không tà dâm, đời sau sanh ra đẹp đẽ trang nghiêm. Giữ giới không nói dối, đời sau sanh ra nói năng lưu loát, nói ra ai cũng quí, cũng tin. Giữ giới không uống rượu, không hút á phiện, xì ke, ma túy, đời sau sanh ra trí tuệ sáng suốt. Năm điều đó có lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại và mai sau. Như vậy chúng ta còn tiếc gì không chịu qui y, không chịu thọ trì Ngũ giới.
Tôi đặt câu hỏi, nếu Phật tử hiện đời được sống lâu, có chút ít của…, quí vị muốn đời sau bằng như vậy hay thua, hay hơn? Ai cũng muốn hơn, đâu muốn thua. Nếu chúng ta giữ giới không sát sanh thì đời sau tuổi thọ dài, nhưng không giữ giới thứ hai là không trộm cắp, thì sống dai mà nghèo, quí vị chịu không? Sống dai mà không gạo ăn thì sống làm gì. Giữ giới thứ nhất, giới thứ hai luôn mới được sống dai và có của. Nhưng giới thứ ba không giữ thì giàu có, sống dai, nhưng sanh ra mặt mày xấu xí, không ai thèm ngó, quí vị chịu không? Chắc chán chết. Như vậy giới thứ ba cũng không thể thiếu được.
Tới thứ tư nếu chúng ta không giữ giới nói dối, đời sau sanh ra câm ngọng, quí vị chịu không? Được sống dai, có của, đẹp đẽ mà nói không được hoặc nói ngọng cũng không thể được. Như vậy giới thứ tư cũng phải giữ cho kỹ, để đời sau ăn nói lưu loát, mọi người tin tưởng, mới có giá trị.
Bây giờ được bốn giới rồi, còn giới chót là giới không uống rượu, không hút á phiện, xì ke, ma túy. Nếu chúng ta không giữ giới này thì sanh ra được sống dai, có của, đẹp đẽ, nói năng lưu loát, nhưng ngu ngốc học bài không thuộc, quí vị chịu không? Cũng không chịu. Cho nên phải giữ giới thứ năm không uống rượu, không hút á phiện, xì ke, ma túy.
Như vậy thiếu một giới là chưa đủ tư cách làm một người tốt. Ngay đời này chúng ta giữ năm giới là giữ tư cách một con người tốt, khi nhắm mắt trở lại chúng ta càng tốt hơn. Cho nên tu là đem lại niềm an vui cho mình, mà còn mang lại lợi ích cho rất nhiều người. Vì vậy, trong đạo Phật bắt buộc Phật tử tu phải giữ năm giới. Nhiều Phật tử bây giờ đi chùa lạy Phật, chớ không chịu giữ giới. Như vậy không thể gọi là tu, không đủ tư cách trở lại làm con người.
Chặng thứ nhất, Phật tử qui y Tam Bảo tránh được ba đường ác. Chặng thứ hai giữ năm giới thì thành con người tốt trong xã hội, một con người xứng đáng ở ngày mai. Phật tử làm tròn bổn phận của mình, lúc sắp nhắm mắt có sợ không? - Không sợ. Bởi vì xe cũ xấu, xe mới tốt hơn thì bỏ xe cũ để được xe mới, ta sẵn sàng bỏ, có gì sợ? Không sợ chết thì có gì đau khổ. Rõ ràng chúng ta tu đem lại sự an lạc trong cuộc sống hiện tại, cho tới giờ nhắm mắt cũng được bình an, không lo, không sợ gì hết. Thân này già yếu bệnh hoạn chưa đầy đủ phước, mình tu đời sau có phước hơn, đẹp đẽ hơn, có gì lo buồn. Bỏ cái xấu được cái tốt, nên vui vẻ. Người tu sống vui và chết cũng vui. Đó là nguồn an lạc thật sự mà ít ai để ý tới. Người ta cứ nghĩ qui y, thọ giới coi bộ ràng buộc quá, nên không muốn thọ. Như bên nam không cữ uống rượu là quí vị chấp nhận đời sau ngu hơn đời này rồi! Có ai muốn điều đó không? Chắc không ai muốn điều đó. Đã không muốn tại sao chúng ta lại làm?
Cuộc sống là cả một chuỗi dài để chúng ta sắp đặt cho cuộc sống mới. Nếu không khéo sắp đặt, bỏ thân này qua thân sau chúng ta càng khổ, càng lụy hơn. Cho nên người biết tu là người thông minh, sáng suốt, biết chọn lựa con đường đi. Ngay đời này, sống chúng ta không hổ thẹn với ai, không lo sợ điều gì, chết lại càng vui tươi hơn. Tu như vậy mới thật là tu.
Nhiều Phật tử than đi chùa lâu năm mà phiền não quá! Tại vì những vị ấy không hiểu lợi ích của sự tu, cứ cố chấp giành hơn, giành thua, người này châm biếm người kia, người kia nói xấu người nọ, như vậy đâu phải tu.
Phật tử qui y Tam Bảo thì tránh ba đường khổ, giữ năm giới thì được làm người tốt. Tới bước thứ ba là tu Thập thiện. Thập thiện là mười điều lành, trong kinh gọi là Thập thiện nghiệp đạo. Mười điều lành là con đường dẫn quí vị đi tới chỗ an vui. Phật tử muốn tiến từ bước thứ hai lên bước thứ ba, quí vị tu nhiều hơn về ba nghiệp. Thân không sát sanh, trộm cướp, tà dâm. Miệng chẳng những không nói dối thôi, mà còn nói những lời đầy đủ ý nghĩa, nói lời an vui cho mình và người. Ý không tham, không sân, không si. Tôi không dám nói không, chỉ bảo quí vị bớt tham, bớt sân, bớt si. Vì chúng ta mới bước đầu, còn tiến lên cõi trời, chớ chưa thành Thánh nên nói bớt.
Như vậy tu ba nghiệp là then chốt của sự an vui hay gốc của đau khổ? Người tham sẽ được vui hay sẽ khổ? Phật dạy tham là gốc của đau khổ. Đau khổ thế nào? Trước khi muốn được việc đó đã khổ, khi được muốn giữ cho còn cũng khổ, mất rồi càng khổ hơn. Ví dụ người tham danh muốn ra ứng cử làm Nghị sĩ. Trước khi vận động ứng cử có lo không? Phải chạy ngược chạy xuôi vận động cho người ta tin mình, lúc đó khổ rồi. Khi bầu cử mình lọt sổ thì khổ. Nếu được phước mình đậu, lúc đó mình vui. Nhưng vui được bao lâu? Nhiều lắm là bốn năm rồi cũng phải đổi. Lúc sửa soạn rớt có buồn không? - Buồn. Đó là tạm nêu một ví dụ thường, ngoài ra bao nhiêu chuyện khác nữa.
Lúc nào lòng tham cũng xúi giục con người được một đòi hai ba. Không khi nào được đầy đủ mà chúng ta cảm thấy ngang đây thỏa mãn, cứ đua đòi hoài. Bởi vậy Phật nói túi tham không đáy, đổ vô bao nhiêu cũng tuột xuống hết. Đã tham thì không lúc nào bình an, vì cứ muốn thêm nên cứ lo nghĩ. Vì vậy kinh Phật dạy: “Người ôm ấp lòng tham chẳng khác nào người khát nước mà uống nước muối.” Khát nước mà uống nước muối thì chừng nào đã khát? Nó không có ngày cùng. Nên biết tham là nhân của đau khổ.
Kế đến là nóng giận. Trong chúng ta có người nào không nóng giận? Không ai dám thừa nhận. Nóng giận tốt hay xấu? Ai cũng biết nóng giận là xấu, mà có chịu bỏ đâu. Người ta còn có những lý lẽ để bênh vực cho sự nóng giận của mình. Ví dụ ai nói hay làm gì trái, mình nổi nóng la hét người ta. Có người thấy vậy nói anh tu chút ít rồi, sao nóng quá vậy, mình liền bào chữa chuyện này đáng giận lắm. Ít ai nói tôi lỡ nóng nên rất hối hận, xin lỗi. Đa số bênh vực sự nóng giận của mình, không dám sám hối, xin lỗi người khác. Không dám xin lỗi tức là chưa thừa nhận cái nóng giận của mình là sai.
Là một con người tỉnh táo sáng suốt, khi nổi nóng lên chúng ta còn sáng suốt không? Những lời trong lúc bình thường không bao giờ mình nói, lúc đó nói. Những hành động trong lúc bình thường không bao giờ mình làm, lúc đó làm. Cho nên nóng giận là một hiện tượng điên cuồng chớ không phải sáng suốt. Điên cuồng ở gia đình thì gia đình khổ, điên cuồng ngoài xã hội thì xã hội khổ. Khi nóng giận là nóng giận với người nào làm trái ý mình. Mình cho điều đó đúng mà làm khác đi thì mình nổi nóng lên. Nhưng quí vị kiểm lại những gì mình nghĩ đều là chân lý chưa? Đã chưa phải chân lý mà bắt người khác phải theo, không theo liền nổi nóng, thật vô lý! Phải chi lời nói, suy nghĩ đó là chân lý không bao giờ thay đổi, người khác không nghe thì giận, cũng còn chấp nhận được. Đằng này nó có thể thay đổi, mà bắt người ta phải nghe, không nghe nổi nóng lên. Như vậy mình tốt hay xấu, hiền lành hay độc tài? Nếu trong gia đình ông độc tài, bà độc tài thì sao? Chắc nhà đó nổi lửa hoài, không thể nào yên ổn mát mẻ được. Cho nên nóng giận là một tai hại lớn cho bản thân, cho gia đình, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội.
Chúng ta tu giảm bớt lòng tham, giảm bớt nóng giận, có lợi cho ai? Bản thân mình có lợi lớn. Bởi vì bớt tham thì bớt khổ, bớt nóng giận thì không có những cái nhìn độc tài. Nhờ thế gia đình và mọi người đều được an vui, hòa thuận, láng giềng cũng vui theo. Đó là mới nói tham, sân.
Kế đến là si. Hiện giờ có ai dám cả gan chỉ mặt ông kia bà này, nói anh hay chị si mê quá không? Không ai dám, vì nói như vậy chắc rằng quí vị sẽ đón nhận những nắm tay cung vào mặt. Nhưng sự thật chúng ta có si mê không? Như có một tờ giấy trắng đưa lên trước mọi người, có người nói đây là giấy đen, quí vị nói người đó si mê, giấy trắng mà nói đen. Tất cả chúng ta ai cũng phản đối người nói sai sự thật là kẻ ngu si.
Thế thì hiện tại chúng ta có thấy đúng sự thật chưa? Như ngày mùng một Tết âm lịch, có người hàng xóm trang trọng lại thăm rồi chúc Tết cho mình: “chúc ông bà hết năm nay chết”, lúc đó quí vị nghĩ sao? Chắc là cung tay đánh đuổi ra khỏi nhà liền. Chúc như vậy cũng còn lương thiện hơn ông Phật. Ông Phật nói mạng người chỉ trong hơi thở, thở khì ra không hít lại là chết. Người nói sống một năm là dài mà mình còn nổi giận. Phật nói chỉ thở ra không hít vào là chết, quí vị nghĩ sao? Có buồn trách Phật không? Rõ ràng chúng ta không dám nhận ra lẽ thật. Lý đáng nghe chúc anh chị cuối năm chết cười vui vẻ. Mình sẽ cảm ơn quí vị chúc như vậy tôi mừng lắm, vì còn sống dai hơn Phật một chút. Đó là một lẽ thật mà lâu nay không ai dám nhận.
Một chuyện nữa. Quí vị thường ngày ăn mặc tương đối tươm tất. Nhưng đi ngang người nào nói chị hôi quá, lúc đó vui không? Chắc nổi tức lên. Người ta ăn mặc như vậy mà chê hôi. Thật tình mình cũng biết mình hôi, bởi hôi nên xức dầu thơm cho bớt hôi. Nếu không biết hôi, sắm những thứ đó làm chi cho tốn tiền. Biết mình hôi mà người ta nói hôi không chịu, có si mê không? Nói hôi là nhẹ lắm, Phật còn nói đãy da thúi nữa kìa, mình có dám giận Phật không?
Chúng ta không dám nhận lẽ thật, như vậy có phải si mê không? Hôi mà muốn người ta khen thơm, thở ra không hít vào là chết mà muốn người ta chúc sống dai. Cho nên rồi con người sống lừa bịp nhau. Như vậy mới thấy gốc si mê của con người rất sâu nặng mà họ không biết. Cứ sống với ảo giác, ảo tưởng rồi gạt nhau mãi. Từ không hiểu lẽ thật chúng ta đâm ra không vui, không bằng lòng những gì người ta nói trái với ảo tưởng của mình. Người không dám nhận lẽ thật, gọi là si mê. Sao chúng ta lại si mê như vậy? Bây giờ có ai nói chị si mê quá, mình chịu không? Nghe thế, quí vị nên nói “phải, tôi còn mê lầm nhiều chuyện lắm”. Nói như vậy thì gan biết mấy. Còn nghe người ta nói si mê, nổi giận lên muốn đánh người ta, đó là càng thêm si mê.
Quí vị kiểm lại cuộc sống của chúng ta hiện giờ si mê nhiều ít? Tu theo đạo Phật, đức Phật không cho si mê. Phật dạy phải tỉnh giác, không được si mê. Nếu tỉnh giác chúng ta mới gỡ được si mê. Gỡ được si mê là thoát mọi đau khổ. Con người vì si mê mà phải chịu đau khổ triền miên. Bây giờ muốn hết si mê phải làm sao sáng suốt, nhìn đúng như thật tất cả những sự vật chung quanh mình.
Trong kinh Phật dạy quán thân này nhơ nhớp bất tịnh. Tại sao phải quán nhơ nhớp bất tịnh? Bởi vì ta tưởng mình đẹp quí, tưởng mình hơn thiên hạ nên sanh tâm ngạo mạn, đắm mê theo hình dáng bên ngoài. Phật bắt chúng ta phải nhìn sâu, nhìn thật kỹ bản thân mình ra sao. Thấy đúng như thật rồi sẽ không còn ngã mạn nữa, ai chê hôi mình không giận. Thấy được lẽ thật, tất nhiên những sai lầm không còn lôi kéo chúng ta được. Vì vậy người tu nên quán thân bất tịnh để thấy đúng như thật từ con người mình cho tới mọi vật bên ngoài. Muốn thấy như vậy chúng ta phải can đảm nhìn thẳng, không nên dùng những tưởng tượng để che đậy. Khi si mê thì bao nhiêu tội lỗi, sai lầm dồn tới. Nếu hết si mê thì hết sai lầm, hết sai lầm thì hết tội lỗi.
Ví dụ biết thân là nhớp nhúa, quí vị có đòi hỏi trang sức cho đẹp, đòi hỏi mọi thứ nhu cầu quan trọng cho nó không? Không đòi hỏi thì đơn giản, nhẹ nhàng, khỏe khoắn. Còn người quá tưởng tượng thân mình đẹp quí nên đòi hỏi đủ thứ, nào việc ăn mặc cho tới trang sức, đều muốn hơn người ta. Rốt cuộc khi nhắm mắt thì sao? Lúc sống ai chê hôi nhớp giận người ta, tới chừng nhắm mắt để trong phòng năm bảy ngày không chôn, thiên hạ bịt mũi sao không giận đi? Nếu thật nó tốt đẹp, thì lúc sống thế nào, chết cũng thế ấy. Chết rồi tồi tệ như vậy, cho nên chúng ta phải thấy rõ bản chất của nó là bất tịnh.
Chúng ta thấy từng bước tu theo đạo Phật là từng bước vươn lên, tìm đến chỗ an vui, cao cả, chớ không phải tầm thường. Càng tu càng vui, càng thấy chung quanh mình đều là những người đáng thương, đáng giúp đỡ. Tại sao? Vì họ si mê quá nên mình thương, muốn giúp đỡ. Đó là nảy sanh lòng từ bi.

Trên đường tu Phật tử tiến lên từng bước, từ thọ Tam qui, giữ năm giới, tới tu Thập thiện, đó là còn tu trong vòng luân hồi. Nhưng luân hồi trong con đường tốt hơn, sung sướng hơn những người không biết tu. Nếu quí vị muốn tốt hơn nữa, muốn vui đẹp hơn nữa thì phải làm sao? Bước qua chặng này, hơi xa xôi một chút. Quí vị muốn được tốt hơn nữa, nếu tu Tịnh độ thì phải niệm Phật nhất tâm. Nhất tâm rồi sẽ về Cực Lạc đẹp hơn cõi trời, sống lâu hơn cõi trời, tất cả đều hơn.
Nhưng có những người muốn tiến lên mà không niệm Phật thì phải làm gì? Phải tu thiền. Tu thiền mới nhìn có vẻ buồn hơn, về Cực Lạc cảnh đẹp vui, cái gì cũng thích. Tu thiền phải dùng trí tuệ quán chiếu, thấy đúng như thật. Tới được chỗ cứu kính là tới Niết-bàn. Niết-bàn là giải thoát sanh tử. Đó là chỗ của người tu thiền tiến tới.

Nếu nói theo thiền Tổ sư thì người tu nhận và sống được Tự tánh mình gọi là giác ngộ giải thoát. Nói giải thoát là ra khỏi vòng sanh tử trong sáu đường. Ra khỏi đó gọi là vô sanh, là giải thoát, là Niết-bàn. Chúng ta có thể làm được điều đó không? Có thể tu được giải thoát sanh tử không? Điều này hơi khó. Quí vị biết gốc của sanh tử là gì không? Chúng ta cứ ngỡ rằng sanh tử ở đâu đến, mình không biết đầu đuôi gốc ngọn của nó. Nhưng sự thật Phật dạy rõ lắm.
Chúng ta bị sanh tử luân hồi tiếp nối do tâm hơn thua, phải quấy, tốt xấu, thương ghét v.v… những tâm đó là mầm để đi trong luân hồi không dứt. Như mình thương ai có muốn gặp lại không? Thương thì muốn gặp lại. Mà ta thương nhiều người hay ít người? Ít nhất là cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc… thương nhiều quá. Như vậy tất nhiên phải tìm gặp lại nhau, đó là nhân của luân hồi. Ghét cũng là nhân đi trong luân hồi. Sao ghét lại luân hồi? Cứ nhìn trong tâm, chúng ta sẽ thấy rõ. Khi ngồi yên tĩnh, mình nhớ ai nhiều? Nhớ người thương mà cũng nhớ người ghét, chỉ có người không thương không ghét thì không nhớ thôi. Còn thương, còn ghét là còn nhớ. Nhớ tức đã ăn sâu trong tâm rồi, nên nhắm mắt những hình ảnh ấy dẫn mình tìm gặp lại nhau.
Gốc luân hồi sanh tử từ tâm thương ghét mà ra, chớ không có gì lạ. Bây giờ dẹp hết mấy tâm đó thì sao? Thì nhẹ nhàng. Bởi vậy đức Phật rất đầy đủ phương tiện, muốn chúng sanh bớt khổ, Ngài diễn tả cảnh Cực Lạc tuyệt vời, rốt cuộc bảo làm sao? Ráng niệm Phật đi. Niệm Phật chừng nào được nhất tâm bất loạn từ một ngày đến bảy ngày, Phật rước về ở bên ấy sung sướng lắm. Nhưng nhất tâm bất loạn thì còn mầm thương ghét không? Không còn mầm thương ghét, lúc đó giả sử Phật quên rước, mình cũng giải thoát sanh tử rồi. Điểm kỳ đặc trong đạo Phật là thế. Đức Phật khéo tùy trình độ, tùy căn cơ mà giáo hóa chúng sanh, đưa họ cùng đến chỗ an vui vĩnh viễn.
Người tu thiền phải tu thế nào, cửa vào thiền là cửa gì? Lâu nay chúng ta nghe nói cửa thiền là cửa không. Quí vị tụng Bát-nhã nhớ Phật dạy, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, cho tới pháp Tứ đế, Mười hai nhân duyên cũng không, không có Bồ-đề, Niết-bàn, không cả chứng đắc. Vậy không là gì mà chúng ta phải lấy đó làm cửa bước vào? Lâu nay con người cứ cho thân này thật, muôn sự muôn vật đều thật nên mê chấp khổ đau. Bây giờ nhìn vào thân thấy nó do đất, nước, gió, lửa tụ hợp lại thành, không có chủ thể riêng biệt. Cái nhà cũng thế, tự nó không có, phải tập hợp vật liệu nào cát, xi măng, gỗ, đá… đủ thứ kết hợp lại mới thành cái nhà. Tất cả pháp thế gian bản chất nó là không, đủ duyên hợp mới có. Do đủ duyên hợp mới có, nên có là có trên giả tướng, chớ thật tánh nó vốn không. Vì vậy Phật dạy chiếu kiến ngũ uẩn đều không. Nếu chiếu kiến ngũ uẩn đều không thì qua hết các khổ nạn. Hết sức đơn giản. Tánh không duyên hợp giả có, đã là giả thì còn mất là sự thường, không quan trọng. Như vậy dùng Trí tuệ Bát-nhã quán chiếu, chúng ta bớt mê lầm nên bớt khổ rất nhiều.
Nhìn bằng con mắt trí tuệ nên không còn chấp thân thật, cảnh thật, nhờ thế tâm yên. Ngày nay chúng ta buồn thương giận ghét là do chấp thật, khen thật nên được khen cười, chê thật nên bị chê quạu. Rõ ràng lời nói không thật, qua rồi như gió qua tai kiếm lại không được. Vậy mà khen thì chịu, chê lại giận buồn. Đó là chúng ta sống với ảo tưởng hư giả.
Ví dụ người mặt mày đen đúa xấu xí, chợt có ai khen chị đẹp quá, thật là dễ thương, khi ấy người được khen dám tát tai kẻ khen không? Bản thân xấu trăm phần trăm, mà nghe khen cũng vui mừng. Nếu người hơi dễ coi một chút, gặp ai nói chị xấu quá, liền nổi giận đùng đùng, có thể tát tai người chê. Như vậy người khen không đúng sự thật mình chịu, người chê trái sự thật mình giận. Có phải chúng ta bị kẹt trong ảo tưởng không?
Các nhà tâm lý học dạy muốn được lòng người, khi bước vô nhà thấy cái bàn cũng khen, cái bàn này đẹp quá, thấy cái tủ cũng khen, cái tủ này quí quá… khen một hồi chủ nhà nở lỗ mũi nên họ ưa thích mình. Ngược lại, bước vô nhà thấy cái gì cũng chê xấu xí, chắc chủ nhà không cho mình uống nước. Rõ ràng con người bị lệ thuộc vào khen chê. Do lệ thuộc như thế nên chúng ta sống trong ảo tưởng, không có lẽ thật thành ra khổ hoài.
Phật chỉ cho chúng ta thấy lẽ thật. Mỗi sự vật không có tự thể, duyên hợp tạm có. Biết nó giả nên không quyến luyến, cũng không bực bội. Từ trí tuệ quán chiếu chúng ta không còn bị khổ lụy trong thương ghét thế gian. Do đó tâm dễ an. Tâm an thì mầm sanh tử theo đó hết, vào Niết-bàn vĩnh viễn an vui.
Phật dạy chúng ta tu là để đi tới hết tâm hơn thua, phải quấy, buồn thương, giận ghét. Vì nó là mầm dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Ai dẹp được mấy tâm đó thì ra khỏi sanh tử. Như vậy gốc đức Phật dạy tất cả đều từ tâm mình. Tu cốt làm sao tâm phải yên, phải lặng. Tâm lặng gọi là định, là nhất tâm. Nhưng tâm lặng còn mình không? Mình ra sao? Đa số chúng ta bị một mê lầm lớn, là bỏ quên cái chân thật, chạy theo cái giả dối hoài. Cho nên kinh Pháp Hoa dụ chàng cùng tử có cha mẹ giàu sang lại không chịu ở, bỏ đi lang thang khổ sở. Khổ đáo để chịu hết nổi quay đầu trở về tìm cha mẹ. Khi tìm được rồi không dám nhận mình là con Trưởng giả, chỉ xin làm kẻ làm thuê. Đức Phật diễn tả tâm trạng si mê của chúng ta cũng thế, quên cái thật đuổi theo cái hư ảo, nên đau khổ vô cùng vô tận.
Cái thật hiện giờ trong chúng ta có người nào thiếu đâu. Khi quí vị ngồi chơi một cách bình tĩnh, trong đầu không có một ý niệm nào, lúc đó có mình không? - Có. Khi khởi nghĩ chuyện này chuyện kia, lúc đó có mình không? Chỗ này mới khó trả lời. Chúng ta thường tưởng lúc đó có mình nhưng thật ra lúc đó lại mất mình.
Tất cả chúng ta đều có lầm lẫn lớn, cứ cho cái suy nghĩ là mình. Suy nghĩ hay dở, tốt xấu gì cũng mình hết. Nếu cái nghĩ đó là mình thì khi hết nghĩ mình cũng hết sao? Không phải vậy. Lúc ngồi lặng lẽ tỉnh táo không suy nghĩ gì hết, mình vẫn hiện tiền, vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn biết. Cái đang thấy, đang nghe, đang biết đó là mình, còn cái suy nghĩ lung tung kia không phải mình. Nhưng chúng ta cứ nhận cái hư dối là mình, trăm người như một. Có phải mê quá không?
Chúng ta nhận những ý niệm hơn thua phải quấy tốt xấu là tâm mình, nên Tâm chân thật bị ẩn khuất. Bây giờ ta buông bỏ hơn thua, phải quấy thì Tâm chân thật hiện ra. Niệm hơn thua, phải quấy là tướng sanh diệt tạm bợ, nhìn lại nó mất mà chấp là tâm mình. Nói chuyện với ai, làm gì cũng nói tâm tôi thế đó, cứ lầm chấp như vậy. Cho nên Phật bảo chúng ta mê muội, đáng thương!
Bây giờ tu là gì? Là đừng lệ thuộc cái hư dối nữa, sống lại với cái chân thật. Trở lại cái chân thật thì hết tạo nghiệp, hết luân hồi. Cái chân thật không hình tướng, làm sao có sanh diệt. Còn tâm lăng xăng là gốc sanh diệt, đang mừng liền buồn, đang thương thành ghét. Cái hằng thấy, hằng biết không buồn thương giận ghét nên không khổ.
Chúng ta tu để đi đến chỗ cứu kính chân thật. Cứu kính chân thật từ bên ngoài đến hay trong nhà ra? Kinh Bát-nhã nói: “Vì không có chỗ được nên Bồ-tát xa rời khủng bố, điên đảo chứng Niết-bàn. Chư Phật cũng nương Bát-nhã đó mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Như vậy bỏ hết tất cả cái được, không có sở đắc, sẽ được Niết-bàn. Quí vị thấy mâu thuẫn không? Nếu không có cái gì được, làm sao được nữa. Nhưng thật ra chúng ta quen thói làm gì cũng muốn được. Tu phải đắc phải chứng, thành ra chẳng được gì cả.
Như chúng ta đi thấy món đồ đẹp rơi dưới đất, lượm bỏ vô túi, nói tôi lượm được món đồ quí. Được món đồ quí vì nó ở ngoài mình. Nếu món đồ quí trong túi mà ta quên, lâu lâu sờ gặp thì không nói được, mà nói nó sẵn đây nè. Chư Phật thấy rõ chúng ta sẵn có cái chân thật mà quên, chạy theo những cái bên ngoài. Bây giờ bỏ hết tất cả cái được ở ngoài, chừng đó chúng ta mới nhận lại cái chân thật của chính mình. Việc tu siêu thoát như vậy chớ không phải thường.
Lục tổ Huệ Năng khi bị các đệ tử của Ngũ Tổ đuổi theo giành y bát lại, Ngài để nó trên tảng đá, rồi chui vào lùm cây. Đến khi Thượng tọa Minh chạy tới lấy lên không nổi, mới gọi Ngài: “Hành giả, hành giả! Tôi đến đây vì pháp chớ không phải vì y bát.” Lục Tổ từ trong bụi chui ra thong thả bảo: “Nếu ông vì pháp thì đứng yên lặng ta sẽ nói cho nghe.” Thượng tọa Minh đứng yên lặng, Ngài nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ngay câu này Thượng tọa Minh liền ngộ. Nghĩ thiện nghĩ ác là hai bên, tâm không còn hai bên thì cái chân thật hiện ra, đơn giản thật là đơn giản.
Bài pháp này thấy không có gì xa lạ với chúng ta. Rất tiếc tại mình quá mê, không bỏ được cái giả nên đành chôn vùi cái thật. Chúng ta tu từ những bước thấp cho tới bước tuyệt đỉnh, đó là việc làm thực tế hay viển vông? - Quá thực tế. Tu thấp thì có lợi ích thấp, tu cao có lợi ích cao, tuyệt cao thì có lợi ích tuyệt cao. Chúng ta tu để trở về cái chân thật có sẵn của mình, chớ đâu phải chuyện ở trên trời trên mây. Trở về được là người giác ngộ, hết mê. Như vậy trên đường tu chúng ta bước được bước nào cũng đều hữu ích, đều có lợi lạc, càng cao thì lợi lạc càng lớn, càng sâu dày.
Chúng ta có duyên gặp được Phật pháp tu hành, đó là phước lớn nhiều đời chớ không phải chuyện thường. Người nào biết được đạo lý này, hiểu được giá trị của sự tu thì chắc rằng không ai không cố gắng. Việc tu hành không ở đâu xa, không có gì huyền hoặc cả, mà rất cụ thể, chân thật. Nếu chúng ta chịu khó phăng tìm, sẽ bươi ra được hòn ngọc quí của mình.
Mong tất cả quí vị can đảm, cái gì si mê hư giả thì loại ra, đừng nuôi dưỡng. Phải cố gắng trở về được cái chân thật của chính mình, để khỏi uổng đi một đời tu. Đó là mục đích của đức Phật ra đời, cũng là mục tiêu tất cả chúng ta nhắm tới.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage