Phật Học Online

Việt Nam đã sẵn sàng cho Đại lễ Vesak 2014

     Trước thềm Đại lễ Vesak 2014 sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai (8-5) tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak 2014, tại Việt Nam đã khẳng định: "Vì sự chung tay của các tổ chức chính trị, các tầng lớp nhân dân với Giáo hội trong Phật sự lớn này, Việt Nam đã sẵn sàng cho Đại lễ Vesak 2014” .


tnd_0590_881684293_jpg.jpg

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu

PV: Hòa thượng có thể cho biết đến giờ phút này, Việt Nam đã sẵn sàng cho Đại lễ Vesak 2014?

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Đến giờ phút này, tất cả đã sẵn sàng cho Đại lễ Vesak 2014, Phật sự lớn được cả thế giới mong đợi. Cách đây ít phút, chúng tôi đã tổ chức lễ tổng duyệt chương trình. Từ những chi tiết nhỏ tới hoạt động lớn tại Đại lễ đều được chạy thử với nhiều kịch bản và đã được khớp nối rất nhịp nhàng. Tôi tin là Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2014, để lại ấn tượng tốt với đại biểu quốc tế và bà con trong nước như sự kiện năm 2008. Mặc dù, công tác tổ chức của Đại lễ lần này rất khác so với năm 2008. Lần này, Giáo hội chủ động phần lớn từ kinh phí tới việc tổ chức mời, làm thủ tục cho các đại biểu quốc tế tới dự Đại lễ, và không gian tổ chức sự kiện rất phù hợp với tính chất Đại lễ Phật giáo là một ngôi chùa lớn tại miền Bắc Việt Nam: Chùa Bái Đính. Nhà nước chỉ thành lập một tổ công tác để hỗ trợ Giáo hội trong công tác tổ chức, tổ này do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng làm tổ trưởng với sự tham gia của tất cả các ban ngành, đoàn thể.

Lần đầu tiên GHPG Việt Nam được trao quyền tự chủ tổ chức một Phật sự lớn tầm cỡ quốc tế, trong vai trò người đứng đầu Ban tổ chức, Hòa thượng có lo ngại gì?

- Ban đầu cũng có rất nhiều mối lo. Kinh tế suy thoái, Giáo hội lo kinh phí thế nào cho một sự kiện quốc tế lớn thu hút hàng nghìn đại biểu tầm cỡ quốc tế và hàng chục nghìn đại biểu trong nước, đơn giản nhất là chi phí đi lại, ăn ở, rồi tài liệu phục vụ Đại lễ,… Nhưng với sự quyết tâm của nhà nước, của Giáo hội và đặc biệt là tấm lòng của bà con Phật tử, đến nay, Ban tổ chức cũng có đủ kinh phí để tổ chức Đại lễ trang nghiêm, thanh tịnh. Không chỉ có tài lực, vật lực, Đại lễ còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình cả về trí lực, tâm lực của toàn xã hội từ cơ quan nhà nước cho tới người dân.

Hòa thượng có thể nói rõ hơn về sự ủng hộ nhiệt tình này?

- Có thể nói, lần đầu tiên đưa Đại lễ Phật đản quốc tế vào khuôn viên một ngôi chùa để xiển dương cho sự lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam, ngay lập tức Ban tổ chức đã nhận được cam kết của doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng khẩn cấp 1 hội trường dành cho hơn 3.000 đại biểu tham gia nghị bàn các vấn đề cấp thiết của toàn thế giới dưới góc nhìn của Phật giáo. Chi phí xây dựng hội trường này cũng tới vài chục tỷ đồng. Nhưng mừng hơn cả là dù thời tiết thử thách khắc nghiệt với mưa to liên miên hàng tháng trời nhưng công trình vẫn đảm bảo tiến độ thần tốc để kịp thời phục vụ Đại lễ. Hay như kinh phí đi lại của gần 1.000 đại biểu quốc tế, Ban tổ chức đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải cũng được tạo điều kiện mua vé máy bay, tàu với giá ưu đãi. Bên cạnh đó còn có công sức của hàng nghìn tăng ni, phật tử, thanh niên tình nguyện trên mọi miền đất nước đã lăn lộn với chúng tôi nhiều tháng nay để tập dượt thực hành nhiệm vụ đúng quy định, nghi lễ Phật giáo. Tất cả đều đã sẵn sàng hoan hỉ phục vụ hết mình cho Phật sự lớn của thế giới tại Việt Nam.

Đâu là sức hút toàn thể xã hội cùng nhất tâm lo cho Đại lễ Vesak hoan hỉ như vậy, thưa Hòa thượng?

- Thành công từ Đại lễ Vesak 2008 tại Việt Nam, và các hoạt động thiết thực của GHPG Việt Nam trong những năm qua đã góp phần xiển dương cho Phật giáo lớn mạnh trong lòng xã hội Việt Nam. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và hiện đang giải quyết nhiều vấn đề thiết thực của đất nước nên việc toàn thể xã hội hoan hỉ chào đón một Phật sự tầm cỡ quốc tế như vậy là hoàn toàn dễ hiểu. Đặc biệt, Đại lễ Vesak 2014 diễn ra trong một bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như xung đột thể chế ở Ukraine, mất tích máy bay ở Malaisya, chìm phà Hàn Quốc, chiến tranh vẫn tiềm ẩn nhiều nơi trên thế giới…Trong bối cảnh của một thế giới tiềm ẩn các vấn nạn và khủng hoảng phức tạp trên toàn cầu, Phật giáo với di sản từ bi, độ lượng, bất bạo động có thể đóng góp to lớn cho hòa bình và hòa hợp ngay tại Đại lễ Vesak LHQ 2014. Đó chính là sức hút chân thật nhất của cả thế giới chứ không riêng ở Việt Nam trong Phật sự lớn lần này.

Xin cảm ơn Hòa thượng!

Lê Kim Na (thực hiện)

Nguồn: http://bao.hay.la/


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage