Sỡ dĩ Đức Phật nói người tùy hỷ với người bố thí, cả hai công đức gần như ngang nhau là vì công đức hình thành không dựa vào vật chất mà chủ yếu ở sự nỗ lực chuyển hóa tâm. Người bố thí thể hiện ở sự cố gắng phát tâm của họ, người tùy hỷ cố gắng dẹp bỏ tâm đố kỵ. Một người cố gắng phát tâm bố thí để đoạn trừ tâm bỏn xẻn, tham lam; và mở rộng tâm từ ái, độ lượng và buông xã. Một người cố gằng tùy hỷ để loại bỏ tâm tự ái, mặc cảm, ích kỷ, tự tôn, kiêu mạn và đố kỵ. Hai người khác nhau trên hình thức, nhưng giống nhau trên nỗ lực làm cho tâm hướng thượng.
Thói thường ở đời, khi thấy ai hơn mình về tài năng, tiền bạc, địa vị, danh tiếng, ta tỏ ra khó chịu và thù ghét họ. Trong thâm tâm, ta không muốn ai hơn mình. Ai hơn ta cái gì ta muốn hủy hoại cái đó của họ. Ví dụ người bạn của mình học hành thông minh, lúc nào cũng được điểm cao, đi đâu cũng được mọi người khen ngợi, ta cảm thấy khó chịu và muốn những điều tốt đẹp đó thuộc về mình chứ không thuộc về người khác, đó là dấu hiệu của tâm đố kỵ.
Trước đây tôi cũng đã từng rơi vào tâm lý đố kỵ như vậy, tôi có người bạn học có thể nói là rất thân, hai chúng tôi cùng ăn ở và học chung với nhau. Về học lực thì tôi không thua kém gì người bạn đó, có điều tôi bị chứng bệnh hay đau đầu, khó tập trung học trong thời gian lâu được, mỗi lần tôi đau đầu không học được, thấy người bạn của mình học hành chăm chỉ, tôi đâm ra ganh tị, tôi sợ ban mình học nhiều sẽ giỏi hơn mình. Có lúc lòng ganh tị lớn quá khiến tôi khởi ý xấu là cầu cho người bạn mình cũng mắc chứng bệnh đau đầu như mình để không thể học hành chăm chỉ như thế được nữa. Tôi ganh tị với sức khỏe của người bạn nhưng thực ra sợ bạn giỏi hơn mình. Do sợ bạn giỏi hơn mình nên tôi sanh tâm đố kỵ như vậy.
Trong giai thoại về Công Tử Bạc Liêu, có chuyện ganh nhau về sự giàu có giữa Hắc Công Tử (Trần Trinh Huy) và Bạch Công Tử (Lê Công Phước). Có lần Bạch Công Tử và Hắc Công Tử ngồi nhậu chung, đang nhậu thì có người cùng bàn đánh rơi vật gì đó cúi xuống mò tìm trong bóng tối. Thấy vậy, Bạch Công Tử lấy tờ tiền năm đồng đốt làm đền soi cho tìm vật đánh rơi. Ganh tức trước hành động chơi nổi của Bạch Công Tử, Hắc Công Tử liền móc tờ tiền một trăm đồng cũng đốt làm đuốc soi.
Ông bà ta nói con gà ganh nhau tiếng gáy là vậy. Thấy ai hơn mình, chơi trội hơn mình là không chịu được. Đành rằng ganh đua, cạnh tranh nhau để cùng phát triển đi lên thì tốt, còn ganh đua với tâm đố kỵ, nhỏ nhoi, ích kỷ, hẹp hòi và theo kiểu đốt tiền ngông cuồng như vậy thì đáng chê trách.
Cuộc đời Đức Phật cũng gặp nhiều sự hãm hại do lòng đố kỵ, ganh tức của ngoại đạo. Ngài chịu rất nhiều sự lăng nhục, mắng ác của ngoại đạo, nhưng nổi bật nhất là hai sự hãm hạm có tính tổ chức của ngoại đạo nhằm bêu xấu, hạ thấp uy tín và sức ảnh hưởng của ngài lên quần chúng.
Từ khi thành đạo rồi lập Tăng đoàn, hình thành ba ngôi Tam bảo, uy tín và tiếng tăm của Phật ngày một tăng, quần chúng quy hướng về ngài ngày một đông. Các giáo phái ngoại đạo cũng vì vậy mà mất đi rất nhiều nguồn lợi vật chất do quần chúng dâng cúng. Họ bảo với nhau rằng từ khi Phật xuất hiện, uy tín, thanh danh và lợi dưỡng của họ bị mất đi rất nhiều. Họ căm tức và họp bàn tìm cách bêu xấu, làm mất thanh danh của đức Phật. Họ nghĩ đến chiêu thức dùng sắc dục để hãm hại ngài. Trong các đệ tử tại gia của họ có nàng Tôn Đà Lợi (Sundary) là xinh đẹp nhất, có thể làm nhục đức Phật. Họ tỏ ra rất thất vọng đau khổ khi bị mất lợi dưỡng và ngỏ ý nhờ nàng làm nhục đức Phật để lấy lại thanh danh và lợi dưỡng cho họ.
Tôn Đầ Lợi đồng ý, hằng ngày khi trời vừa tối, mọi người từ tinh xá Kỳ Viên, nơi đức Phật đang ở trở về thì nàng đi về hướng tinh xá, ai hỏi, nàng đều trả lời là đến hương thất của đức Phật. Sáng sớm cô lại đi từ hướng Tinh xá ra, mọi người hỏi đêm hôm cô ngủ ở đâu, cô đều trả lời ngũ lại ở hương thất của đức Phật.
Trải qua một tuần như vậy, nhóm ngoại đạo thuê mấy tay côn đồ giết nàng rồi quăng xác trong khuôn viên Tinh xá. Sau đó họ tung tin Tôn Đà Lợi đã mất tích và trình báo lên nhà vua. Vua cho lệnh tìm kiếm, và họ tìm được xác của nàng bên đống rác nằm trong tinh xá Kỳ Viên. Họ rao tin các tỳ kheo, đệ tử của đức Phật sợ bại lộ việc xấu xa của ngài nên đã giết Tôn Đà Lợi nhằm che giấu tội lỗi. Họ rao tin khắp thành.
Ngay sau đó nhà vua cho điều tra vụ án, và chẳng bao lâu, các thám tử của nhà vua đã bắt được nhóm côn đồ đã giết nàng trong một quán nhâu. Sự việc đã điều tra rõ ràng, nhà vua bắt các ngoại đạo phải đi khắp thành loan tin lại cho đúng sự thật: vì muốn hạ nhục đức Phật, chúng tôi đã giết Tôn Đà Lợi. Sa môn Cồ Đàm và đệ tử của ngài không có tội.
Câu chuyện hãm hại thứ hai cũng với một chiêu thức như vậy, cũng sử dụng cô gái tuyệt đẹp thường xuyên lui tới Tịnh xá của đức Phật, nhưng kịch bản đoạn kết thì khác, không cho cô này chết, mà cho mang bầu giả. Trải qua đúng chín tháng, một hôm đức Phật đang thuyết pháp, giữa hội chúng đang chăm chú lắng nghe, bỗng cô xuất hiện mắng nhiếc trách móc đức Phật ham vui, hưởng thụ thân xác của cô mà không có trách nhiệm, đến ngày cô sắp sanh rồi mà ngài không lo lắng, cung cấp cho cô những thứ cần thiết để sinh đẻ. Đang chửi mắng, vung tay xỉa xói thì cái bụng giả bất ngờ rơi xuống. Mọi người thấy vậy đuổi đánh cô ra khỏi tu viện.
Trái lại, đức Phật của chúng ta là người rất có tinh thần bao dung tôn giáo. Upali là một phú hộ, đệ tử tại gia lừng danh của giáo phái Ni-kiền-tử, một hôm nghe Trường Khổ Hạnh, một tu sĩ của giáo phái Ni-kiền-tử, trình bày lại quan điểm của đức Phật là trong ba nghiệp, ý nghiệp quan trọng nhất, ông và giáo chủ Ni-kiền-tử không chấp nhận, vì giáo phái của ông chủ trương thân nghiệp là tối trọng. Upali được sự đồng ý và khích lệ của giáo chủ Ni-kiền-tử, đi đến luận chiến với Đức Phật.
Trong cuộc luận chiến đó, ông bị thuyết phục bởi trí tuệ của đức Phật. Ông vui mừng đảnh lễ và xin được quy y làm đệ tử của ngài. Đức Phật nói rằng một người trứ danh như ông trước khi quyết định điều gì phải suy nghĩ thật chính chắn.
Cảm phục trước lời dạy của đức Phật, Upali sụp lạy lần nữa xin quy y làm đệ tử của ngài. Đức Phật chấp nhận và khuyên ông nên tiếp tục cúng dường cho tôn giáo cũ của mình. Một lần nữa Upali cảm phục đức độ bao dung của đức Phật, ông sụp lạy lần thứ ba rồi nói lên những lời cảm xúc từ đáy lòng mình: Bạch Thế Tôn, con vô cùng hoan hỉ, vô cùng thõa mãn với những lời Thế Tôn nói với con. Bạch Thế Tôn, nếu các ngoại đạo được con làm đệ tử, họ sẽ dương cờ lên và tuyên bố: Gia chủ Upali đã trở thành đệ tử của chúng tôi. Và họ sẽ bảo con không được cúng dường cho các tôn giáo khác, cúng dường cho họ mới có phước.
Đối với các tôn giáo khác, họ tranh giành từng tín đồ một, đặc biệt những người giàu có và danh tiếng như Upali giáo phái nào cũng mong muốn có ông trong tôn giáo của mình. Bởi sự quy hướng của ông không những mang lại nhiều lợi dưỡng, mà danh tiếng cũng được lên cao.
Sự ganh tị có thể xảy ra giữa đoàn thể này với đoàn thể kia, hội này với hội kia, nhóm này với nhóm kia, người này với người kia.
Ví dụ trong công sở, nếu ai đó tỏ ra có tài hơn mình, được cấp trên quý mến, chúng ta bắt đầu cảm thấy khó chịu, đôi lúc ngoài mặt tỏ ra vui vẻ chào hỏi mỗi khi gặp nhau, nhưng trong lòng ghét cay ghét đắng người đó và tìm cách chỉ trích, nói xấu nhằm hạ uy tín của đối phương, hủy hoại hạnh phúc đối phương đang có.
Trong chùa cũng vậy, vị nào thường xuyên gần gũi và được thầy trụ trì quý mến, chúng ta cảm thấy khó chịu và tìm cách nói xấu vị này để thầy trụ trì không còn tin tưởng và quý mến nữa, đó là tâm đố kỵ rất nguy hiểm. Hoặc có khi thấy vị nào đó được nhiều phật tử quan tâm, yêu quý, thường nhận được nhiều quà biếu, lòng chúng ta không thích. Ta khó chịu là vì trong thâm tâm, ta muốn mình được như vậy, nhưng không được nên lòng đố kỵ trổi dậy muốn phá hoại cái mà người khác đang có. Đôi khi ta lại ganh tị với những người tin tấn tu tập nữa. Có lần có thầy phát tâm lạy vạn Phật, một thầy nói với tôi rằng, ông đó mà lạy lọc cái gì, chẳng qua ông muốn thầy trụ trì khen là người siêng năng tu tập nhất trong chúng mà thôi.
Hòa Thượng Báo Ân có nuôi bốn con chó, tôi quan sát thấy chúng tranh giành cắn xé lẫn nhau để độc chiếm tình thương của Hòa Thượng. Bốn con, nhưng có hai con nhỏ hơn, biết không thể tranh giành nên an phận, còn hai con to ngang nhau thì thương xuyên cắn xé nhau, hễ con này thấy con kia quấn quýt bên Hòa Thượng là nó nhảy đến cắn đuổi con kia đi . Nó cắn rất hăng máu, có lần chúng tôi lấy gậy đập can ra mà vẫn không được.
Nhìn cảnh những con chó cắn xé nhau tranh giành tình thương của chủ, mà cảm thấy buồn cho thân phận con người, nếu chúng ta không có tâm tùy hỉ, chỉ biết đố kỵ, tranh giành hơn thua thì chẳng khác nào như những con chó kia, chỉ khác là con người không dùng bạo lực trực tiếp với nhau, mà dùng thủ đoạn gian ác để hạ bệ lẫn nhau mà thôi.
Phật tử đến chùa làm công qua, làm việc thiện cũng vậy, không tránh được tâm đố kỵ lẫn nhau. Người này thấy người kia gần gũi thân thiết với thầy trụ trì, tỏ ra không ưa. Có phật tử nói với tôi rằng, cô A cũng có công với chùa những có quá nhiều quyền như vậy là không được. Đó cũng là biểu hiện của tâm đố kỵ, thấy người khác có quyền lợi hơn mình nên không thích. Rồi có người gắn bó với chùa đã lâu, từ lúc chùa còn khó khăn, mọi việc từ thiện công đức đều một tay người này lo hết, nay bỗng xuất hiện người mới, làm việc năng nổ, hiệu quả hơn, được nhiều người tán trợ ủng hộ hơn, thế là người này đâm ra khó chịu, tìm mọi cách để chỉ trích, nói xấu, lập bè lập đảng, kêu gọi mọi người tẩy chay người kia.
Thật ra, người này ganh tị không phải vì người kia làm được nhiều công việc từ thiện, mà vì uy tín và sự ảnh hưởng của người kia lớn hơn mình. Trong thâm tâm, người này muốn mình có uy tín và sức ảnh hưởng lớn nhất, nhưng không được, thấy người kia đang có cái mình muốn mà không được nên sanh tâm đố kỵ.
Thấy người khác có uy tín và làm được việc hơn mình, nếu có tu tập hạnh tùy hỉ, mình vui mừng, tán dương, khen ngợi và ủng hộ người đó mới đúng, vì có người như vậy công việc từ thiện của chùa được thành tựu hơn, nhiều người khó khăn bất hạnh được giúp đỡ hơn. Ai cũng có tâm tùy hỉ với những thành quả tốt đẹp của người khác thì cuộc sống trở nên hài hòa an vui biết dường nào.
Khi làm được điều gì đó thành công hay gặp điều gì đó may mắn, chúng ta thường chúc mừng, chung vui lẫn nhau. Nhưng trong những lời người ta chúc tụng lẫn nhau đó, có được mấy lời thật lòng? Vì lịch sự, vì để xã giao, người ta có thể tỏ ra vui vẻ bên ngoài, nhưng trong lòng có sự ganh tức. Hoặc khi có sự cố đau buồn, người ta đến chia buồn lẫn nhau, nhưng thực sự có được mấy lời chia buồn thật lòng. Câu chuyện về người mù và thiền sư Bankei đáng để ta soi rọi lại bản tâm mình. Trước cổng chùa của thiền sư Bankei có một người mù. Không thấy nét mặt của người khác nhưng ông có lỗ tai rất nhạy, chỉ cần nghe tiếng là có thể đánh giá được tâm trạng người khác, biết họ thật tình hay không thật tình.
Ông từng nói: “khi nghe một người khen sự thành công của người khác, tôi cũng nghe được cái bí mật trong lòng họ, đó là một sự ganh tị. Khi nghe một người chia buồn với nỗi đau khổ của người khác, tôi vẫn nghe được cái bí mật trong lòng họ là sự vui mừng hả hê. Chỉ có thiền sư Bankei, khi khen ai một điều gì hay chúc mừng ai một điều gì, tôi nghe trọn lòng chân thành sự vui mừng của ngài. Khi nghe ngài tỏ sự buồn bã đối với nỗi buồn của ai, tôi nghe trọn vẹn cái nỗi buồn như thế”
Tu tập hạnh tùy hỉ rất quan trọng, là một trong mười hạnh của Bồ tát Phổ Hiền. Tu tập hạnh tùy hỉ là khi đối mặt với những kết quả tốt đẹp mà không phải của mình, chúng ta vẫn vui mừng như chính thành quả mình làm được vậy. Trong tâm người tu hạnh tùy hỉ lúc nào cũng cầu mong cho người khác giỏi giang hơn mình, thành đạt hơn mình. Những gì mà mình muốn đạt được đều mong cầu cho người khác đạt được và luôn luôn vui mừng, hạnh phúc với những điều tốt đẹp người khác làm được và đạt được.