Phật Học Online

Hành đạo ở Trường Sa
Trần Đăng

Đại đức Thích Giác Nghĩa, một trong 6 chư tăng sẽ ra Trường Sa trong tháng 4 tới, nói: “Ra Trường Sa là để hành đạo, nhưng ý nghĩa lớn lao hơn là, chúng tôi muốn góp một phần nhỏ Phật sự của mình cho quốc gia, dân tộc”.


Vậy là, ra Trường Sa lần này, trên chiếc tàu thủy quen thuộc từng nhiều lần đưa đại biểu từ đất liền ra thăm đảo có thêm một sắc áo tu hành nơi cửa Phật. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên các sư ra Trường Sa. Trong các năm 2009-2010, tiếng cầu kinh gõ mõ, tiếng chuông chùa hòa cùng lời cầu nguyện cho các anh linh đã bỏ mình vì nước cũng đã vang lên trong các buổi lễ cầu siêu ngay giữa biển; nhưng đây là lần đầu tiên, các sư ra ở lâu dài để hành đạo.

 
Đại đức Thích Giác Nghĩa (người đội mũ tai bèo) cùng các sư đang cầu siêu cho các chiến sĩ và đồng bào hy sinh tại Trường Sa - Ảnh do nhân vật cung cấp

Dân Việt đến đâu, lập chùa ở đó

Có thời kỳ, đạo Phật ở Việt Nam được xem như quốc giáo. Những nhà sư lừng danh cũng đã từng là những vị vua tài đức vẹn toàn. Hôm qua có thể họ cầm gươm ra trận để bảo vệ đất nước nhưng khi Tổ quốc sạch bóng quân thù, lập tức chiến bào được thay bằng cà sa. Hay ngược lại, hôm qua có thể họ là nhà sư đấy, nhưng khi đất nước lâm nguy, áo cà sa xin gửi lại nhà chùa và họ sẵn sàng lên đường ra trận. Có lẽ chưa có nơi nào mà việc hành đạo nơi cửa Phật lại được các nhà sư “xuất-xử” một cách hợp với lẽ đời như ở Việt Nam. Vì vậy, từ ngàn xưa, dấu chân cha ông đặt lên cánh rừng hay góc biển nào là lập tức nơi đó mọc lên những ngôi chùa, vừa là để cầu an cho các linh hồn chẳng may tử nạn trong quá trình đi mở đất được siêu thoát, vừa làm chỗ dựa tinh thần để có thể an tâm sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất mới.

 

 
 

Chúng tôi thấy cần đóng góp một chút gì đó cho đất nước và có trách nhiệm giữ gìn bờ cõi của ông bà mình để lại

 

 

Đại đức Thích Giác Nghĩa

 

Hiện vật thu được từ các cuộc khảo cổ tại Trường Sa đã chứng minh rằng, trên các hòn đảo giữa trùng khơi này đã từng in dấu chân của ông bà ta từ hằng bao năm trước qua các cuộc vượt đại dương bằng những cánh buồm để giao thương với bè bạn. Những am thờ - tiền thân của những ngôi chùa sau này - hằn dấu thời gian còn sót lại nơi Trường Sa đã chứng minh rằng, từ rất xa xưa, đạo Phật đã tồn tại nơi quần đảo này. Vì vậy, việc ra Trường Sa hành đạo hôm nay của 6 vị chư tăng như là một sự dĩ nhiên trong việc kế tục những bậc tiền bối của mình, không một thế lực hắc ám nào có thể xỏ xiên điều khẳng quyết đó.

Đạo và Tổ quốc

Đại đức Thích Thánh Thành, đang tu học tại chùa Hội Phước, TP.Nha Trang nói: “Có người quan niệm rằng tu hành là những người an phận, đứng bên ngoài những biến động của thời cuộc là không phải đâu. Chúng tôi cho rằng, đạo phải được gắn với đất nước, với dân tộc thì việc hành đạo mới bền chặt được”. Cùng suy nghĩ này, Đại đức Thích Giác Nghĩa chia sẻ: “Chúng tôi ra Trường Sa hành đạo là để chia sẻ với Phật tử, với đồng bào nơi đầu sóng ngọn gió ngoài đó. Họ đang cần nghe một tiếng chuông chùa để thấy Tổ quốc luôn ở bên mình. Vì vậy, chúng tôi thấy cần đóng góp một chút gì đó cho đất nước và có trách nhiệm giữ gìn bờ cõi của ông bà mình để lại”. Rất rõ ràng, các vị sư ra Trường Sa hành đạo lần này đều có chung một suy nghĩ: Đạo phải được gắn với Tổ quốc.

Trong số 6 chư tăng ra Trường Sa lần này thì Đại đức Thích Giác Nghĩa là người “quen” đảo nhất. Ông đã 3 lần đặt chân lên Trường Sa để cầu siêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã bỏ mình vì nước giữa trùng khơi. “Ra Trường Sa cũng là để tự tạo thêm cho mình những thử thách trong cuộc đời tu hành”, Đại đức Thích Giác Nghĩa nói. Còn đối với Đại đức Thích Thánh Thành, dù chỉ biết Trường Sa qua sách báo nhưng vị sư trẻ tuổi này vẫn tiên liệu hết những khó khăn đang đợi mình. Ông nói: “Tôi đã trải qua một năm hành thiền đơn độc tại vùng rừng Ba Vàng ngoài Uông Bí, Quảng Ninh và một năm tu luyện bên Myanmar với tất cả những khổ hạnh của một tu sĩ. Vì vậy, những khó khăn đón đợi ngoài Trường Sa với tôi sẽ là chuyện bình thường”. Tiếng Anh và kinh Phật thông làu như nhau, vị sư trẻ 32 tuổi này đang chờ ngày xuống tàu ra đảo.

Quần đảo Trường Sa hiện có 3 ngôi chùa, một ở Trường Sa Lớn, một ở Song Tử Tây và một ở Sinh Tồn. Mỗi ngôi chùa sẽ có hai sư đến để hành đạo trong thời gian 6 tháng. Nếu các chư tăng này có nguyện vọng ở lại tiếp tục tu hành trên đảo thì sẽ được Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa xem xét. Người dân Trường Sa đã nhiều lần thỉnh nguyện với các cấp lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cùng Giáo hội Phật giáo tỉnh này xin được cử các thầy ra đảo để đời sống tâm linh của Phật tử có chỗ nương nhờ. Việc chấp nhận khó khăn để có mặt tại Trường Sa của 6 chư tăng đã đáp lại mong ước của người dân trên đảo. Từ bây giờ, trên các đảo ở Trường Sa đã có các sư cùng tiếng chuông chùa và lời nguyện cầu mỗi tối. Tổ quốc nơi Trường Sa như gần lại với đất liền. 

Biểu tượng chủ quyền

Những mái chùa lợp ngói âm dương cong vút trên quần đảo Trường Sa là điểm tựa tâm linh cho những ngư dân Việt, trở thành biểu tượng hùng hồn cho chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. 

Chẳng biết tự bao giờ, ngay tại nơi chùa Song Tử Tây tọa lạc, những ngư dân Việt đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ để thờ thần Phật. Chuyện kể rằng, từ xưa lắm, khi những ngư dân đang đánh cá ngoài khơi thì bất ngờ gặp bão tố. Họ chỉ biết cầu trời, khấn Phật. Rồi thuyền bị lật, những ngư dân này đã may mắn dạt vào hoang đảo, chếch về phía đông chừng hơn một hải lý cũng có một hòn đảo nhỏ giữa trùng trùng sóng nước. Hai hòn đảo nhỏ được những ngư dân Việt đặt tên là Song Tử Tây và Song Tử Đông (hai người con trai của đất mẹ Việt Nam). Người Việt làm chủ cả quần đảo Trường Sa từ đấy. Để tạ ơn trời Phật, những ngư dân đã dựng lên ngôi miếu nhỏ ở đảo Song Tử Tây, để mỗi lần ra khơi đánh cá, họ lại lên thắp hương lễ Phật và đây cũng là nơi để linh hồn những ngư dân xấu số bỏ mình trên biển có nơi trú ngụ. Những năm gần đây, Phật tử trong cả nước và những ngư dân ở quần đảo Trường Sa đã công đức tài lực trùng tu nơi thờ Phật ở Song Tử Tây với quy mô hoành tráng và không kém phần tráng lệ. Ngoài Song Tử Tây thì những ngôi chùa tại các xã đảo Trường Sa Lớn và Sinh Tồn cũng đã được trùng tu khang trang, bề thế...

 
Chùa Song Tử Tây được xây dựng, trùng tu hoành tráng giữa biển trời Trường Sa - Ảnh: Ngọc Minh

Các ngôi chùa ở Trường Sa, ngoài điện thờ Phật còn có bàn thờ các anh hùng, liệt sĩ, những thế hệ người Việt đã hy sinh để bảo vệ biển đảo. Tất cả hoành phi câu đối đều được viết bằng chữ Việt, ca ngợi sự trường tồn của dân tộc, tôn vinh cảnh sắc kỳ vĩ của Trường Sa. Ví như: “Mây lành che Đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/ Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”. Hay “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”, như khẳng định chủ quyền bền vững có từ xa xưa của dân tộc Việt trên vùng biển đảo Trường Sa.

Đặc biệt, tại chùa Trường Sa Lớn và Song Tử Tây còn có 2  pho tượng Phật bằng đá quý được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cung tiến vào tháng 4.2011. Đây là hai pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa vàng Shwedagon do Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng hồi năm 2010, nhân chuyến thăm chính thức Myanmar của ông...

Mùa này, xung quanh những ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa, những cây bàng quả vuông, cây đại và cây phong ba... đang ra hoa, kết trái, tỏa hương thơm ngát.

Ngọc Minh

Theo: Thanh Niên


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage