Phật Học Online

Giới thiệu kinh Hoa Nghiêm
Tác giả: Cao Quán Như Chuyển ngữ: Cs.Định Huệ

Kinh Hoa Nghiêm, gọi đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, là bộ kinh điển trọng yếu hiển bày ý nghĩa tuyệt vời về nhân hạnh quả đức của Phật-đà như tạp hoa trang nghiêm rộng lớn viên mãn, vô tận vô ngại, qua các vị Bồ-tát lớn Phổ Hiền, Văn-thù, sau khi Phật thành đạo tại các nơi như Bồ Đề Tràng v.v…

http://files.myopera.com/tthongtruong/albums/3428222/kinhhoanghiem.jpg

Bản Hán dịch kinh này có 3:

Bản dịch của Phật-đà-bạt-đà-la, đời Đông Tấn, nhan đề ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH, 60 quyển, vì để phân biệt với bản dịch đời Đường nên được gọi là Cựu dịch Hoa Nghiêm, hoặc Lục thập Hoa Nghiêm.

Bản dịch của Thật-xoa-nan-đà vào đời Đường Võ Chu, nhan đề ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH, 80 quyển, còn gọi Tân dịch Hoa Nghiêm, hoặc Bát thập Hoa Nghiêm.

Bản dịch của Bát-nhã vào niên hiệu Trinh Quán đời Đường, cũng mang tên ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH, 40 quyển, gọi đủ tên là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, gọi tắt là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, hoặc Tứ thập Hoa Nghiêm.

Nguyên bản Phạn văn của bản dịch thứ nhất của kinh này có 36.000 bài kệ, do đệ tử của ngài Huệ Viễn là Pháp Lĩnh mang về từ Vu Điền (nay là vùng Hòa Điền, Tân Cương), được Tam tạng Phật-đà-bạt-đà-la, người Thiên Trúc dịch ra chữ Hán tại chùa Đạo Tràng ở Dương Châu (nay là Nam Kinh) vào ngày mùng 10 tháng 03, niên hiệu Nghĩa Hy thứ 14 đời Tấn (418). Tam tạng tay cầm bản Phạn dịch ra chữ Hán, Pháp Nghiệp bút thọ, Huệ Nghiêm, Huệ Quán … nhuận văn, quan Nội Sử ở Ngô quận tên Mạnh Khải, Hữu vệ tướng quân Chử Thúc Độ làm đàn việt, dịch xong ngày mùng 10 tháng 06, niên hiệu Nguyên Hy thứ 2 (420), hiệu đính hoàn tất vào niên hiệu Vĩnh Sơ thứ 2 đời Lưu Tống (421) (Xem XUẤT TAM TẠNG KÝ TẬP quyển 9). Lúc mới dịch thì chia làm 50 quyển, sau chia lại thành 60 quyển, gồm 34 phẩm trình bày việc thuyết pháp tại 8 hội, 7 chỗ. Về sau, vào tháng 03 niên hiệu Vĩnh Long nguyên niên (680) đời Đường, ngài Tam tạng Địa-bà-ha-la, người Thiên Trúc và ngài Pháp Tạng hiệu khám kinh này, thấy trong Phẩm Nhập Pháp Giới còn thiếu sót, Ngài từ bản Phạn dịch thêm một đoạn văn từ “Ma-da Phu Nhân …” đến “Di-lặc Bồ-tát” bổ sung vào (Xem HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ quyển 1), thành ra bộ Kinh Hoa Nghiêm 60 quyển đang hiện hành.

Nguyên bản Phạn văn của bản dịch 80 quyển, gồm 45.000 bài tụng, do Võ Tắc Thiên đời Đường sai sứ đến Vu Điền mang về, và thỉnh ngài Tam tạng Thật-xoa-nan-đà, người Vu Điền, bắt đầu dịch tại chùa Đại Biến Không ở Lạc Dương vào ngày 14 tháng 03, niên hiệu Chứng Thánh nguyên niên (695), đích thân Võ Hậu đến dịch trường đề tên phẩm đầu tiên, các ngài Bồ-đề-lưu-chí, Nghĩa Tịnh đồng tuyên bản Phạn, các ngài Phục Lễ, Pháp Tạng tham dự bút thọ, nhuận văn, đến ngày 18 tháng 10, niên hiệu Thánh Lịch thứ 2 (699) dịch xong tại chùa Phật Thọ Ký (Xem KHAI NGUYÊN THÍCH GIÁO LỤC quyển 9), thành 80 quyển, chia làm 39 phẩm, gồm việc thuyết pháp tại 7 chỗ (đồng bản Cựu dịch), 9 hội (8 hội đồng Cựu dịch, thêm 1 hội Phổ Quang Pháp Đường). Về sau, ngài Pháp Tạng thấy trong Phẩm Nhập Pháp Giới của kinh này còn có chỗ thiếu sót, Ngài mới cùng với Địa-bà-ha-la hiệu khám Phạn văn, ở đầu quyển 80 từ “Bồ-tát Di-lặc” cho đến “ở trước tam thiên đại thiên thế giới vi trần số thiện tri thức” bổ sung vào 15 hàng “Văn-thù duỗi tay xoa đầu Thiện Tài” (Xem HOA NGHIÊM KINH SỚ quyển 3, HOA NGHIÊM LƯỢC SÁCH), tức là bản 80 quyển đang lưu hành hiện nay.

Nguyên bản Phạn văn của bản dịch thứ ba, 40 quyển của kinh này gồm 16.700 bài kệ (Xem TRINH NGUYÊN THÍCH GIÁO LỤC quyển 17) là bản do chính tay nhà vua nước Ô-đồ, Nam Thiên Trúc sao chép sai sứ đem tặng vua Đường vào tháng 11 niên hiệu Trinh Quán thứ 11 (795). Tháng 6 năm sau (796), Đường Đức Tông thỉnh Tam tạng Bát-nhã phiên dịch tại chùa Sùng Phước ở Trường An, Quảng Tế dịch ngữ, Viên Chiếu bút thọ, Trí Nhu, Trí Thông biên tập, Đạo Hoằng, Giám Linh nhuận văn, Đạo Chương, Đại Thông chứng nghĩa, Trừng Quán, Linh Thúy … tường định, đến tháng 2 năm thứ 14 (798) dịch xong, thành 40 quyển. Nội dung bộ này đồng với Phẩm Nhập Pháp Giới của hai bản Cựu dịch và Tân dịch nói trên, nhưng trên văn tự tăng thêm rất nhiều, nhất là quyển thứ 40 có mười đại hạnh nguyện và bài Phổ Hiền quảng đại nguyện vương thanh tịnh kệ mà trong hai bản dịch Kinh Hoa Nghiêm trước chưa có.

Ngoài ba bản dịch kể trên, cũng có không ít một phẩm nào đó hoặc một phần nào đó của kinh này được truyền dịch ở Trung Quốc. Như trong thế kỷ II, đời Hậu Hán, Chi-lâu-ca-sấm đã từng dịch Kinh Đâu Sa 1 quyển tại Lạc Dương, đây là bản dịch biệt hành đầu tiên của kinh này. Chi Khiêm đời Ngô, Trúc Pháp Hộ, Nhiếp Đạo Chân đời Tây Tấn cho đến các đời Nam Bắc Triều, Tùy, Đường đều có bản dịch biệt hành của kinh này, trong HOA NGHIÊM KINH TRUYỆN KÝ quyển 1 của Pháp Tạng có liệt kê 35 bộ của bản dịch biệt hành kinh này.

Nay đem các bản biệt hành hiện còn đối chiếu với các phẩm trong bản dịch đời Đường như sau:

Phật Thuyết Đâu Sa Kinh, 1 quyển (phẩm Như Lai Danh Hiệu, phẩm Quang Minh Giác), Chi-lâu-ca-sấm dịch vào đời Hậu Hán.

Phật Thuyết Bồ-tát Bản Nghiệp Kinh, 1 quyển (phẩm Tịnh Hạnh, phẩm Thập Trụ), Chi Khiêm dịch vào đời Ngô.

Chư Bồ-tát Cầu Phật Bản Nghiệp Kinh, 1 quyển (phẩm Tịnh Hạnh), Nhiếp Đạo Chân dịch vào đời Tây Tấn.

Bồ-tát Thập Trụ Hành Đạo Phẩm, 1 quyển (phẩm Thập Trụ), Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn.

Bồ-tát Thập Trụ Kinh, 1 quyển (phẩm Thập Trụ), Kỳ-đa-mật dịch vào đời Đông Tấn.

Tiệm Bị Nhất Thiết Trí Đức Kinh, 5 quyển (phẩm Thập Địa), Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn.

Thập Trụ Kinh, 4 quyển (phẩm Thập Địa), Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần.

Phật Thuyết Thập Địa Kinh, 9 quyển (phẩm Thập Địa), Thi-la-đạt-ma dịch vào đời Đường.

Đẳng Mục Bồ-tát Sở Vấn Tam-muội Kinh, 3 quyển (phẩm Thập Định), Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn.

Hiển Vô Biên Phật Độ Công Đức Kinh, 1 quyển (phẩm Thọ Lượng), Huyền Trang dịch vào đời Đường.

Phật Thuyết Giảo Lượng Nhất Thiết Phật Sát Công Đức Kinh (phẩm Thọ Lượng), Pháp Hiền dịch vào đời Tống.

Phật Thuyết Như Lai Hưng Hiển Kinh, 4 quyển (phẩm Như Lai Xuất Hiện), Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn.

Độ Thế Phẩm Kinh, 6 quyển (phẩm Ly Thế Gian), Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn.

Phật Thuyết La-ma-ca Kinh, 3 quyển (phẩm Nhập Pháp Giới), Thánh Kiên dịch vào đời Tây Tần.

Văn-thù-sư-lợi Phát Nguyện Kinh, 1 quyển (phẩm Nhập Pháp Giới), Phật-đà-bạt-đà-la dịch vào đời Đông Tấn.

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Pháp Giới Phẩm, 1 quyển (phẩm Nhập Pháp Giới), Địa-bà-ha-la dịch vào đời Đường.

Phật Hoa Nghiêm Nhập Như Lai Trí Đức Bất Tư Nghị Kinh, 2 quyển (hội Phổ Quang Pháp Đường), Xà-na-quật-đa dịch vào đời Tùy.

Đại Phương Quảng Nhập Như Lai Trí Đức Bất Tư Nghị Kinh, 1 quyển (hội Phổ Quang Pháp Đường), Thật-xoa-nan-đà dịch vào đời Đường.

Đại Phương Quảng Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới Kinh, 1 quyển (biệt bản Hoa Nghiêm), Thật-xoa-nan-đà dịch vào đời Đường.

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Bất Tư Nghị Phật Cảnh Giới Phần, 1 quyển (biệt bản Hoa Nghiêm), Đề Vân Bát-nhã dịch vào đời Đường.

Đại Phương Quảng Phổ Hiền Sở Thuyết Kinh, 1 quyển (biệt bản Hoa Nghiêm), Thật-xoa-nan-đà dịch vào đời Đường.

Đến như Kinh Hoa Nghiêm 40 quyển do ngài Bát-nhã dịch vào đời Đường cùng đồng dạng là bản biệt hành của phẩm Nhập Pháp Giới trong toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm.

Bản dịch Tạng văn của kinh này do các ngài Thắng Hữu, Thiên Vương Bồ-đề người Ấn Độ  và ngài Trí Quân người Tây Tạng cộng tác phiên dịch từ Phạn văn, ngài Biến Chiếu Hộ hiệu đính thành 115 quyển (Nại Đường Mục Lục ghi 130 quyển, Đức Cách Mục Lục ghi 116 quyển, thật ra là 115 quyển), chia làm 45 phẩm; 44 phẩm đầu tương đương với 38 phẩm đầu của bản dịch đời Đường, phẩm thứ 45 tương đương với phẩm Nhập Pháp Giới thứ 39 của bản dịch đời Đường. Bản Tạng dịch so với bản Hán dịch, có thêm phẩm thứ 11 và phẩm thứ 32, ngoài ra, văn cú trong các phẩm khác cũng có thêm bớt chút ít.

Về bản Phạn của kinh này, như NHIẾP ĐẠI THỪA LUẬN THÍCH q. 15, bản dịch đời Lương ghi: Kinh Hoa Nghiêm có 100.000 bài kệ, nên gọi là Bách Thiên Kinh. Còn HOA NGHIÊM KINH TRUYỆN KÝ q. 1 nói: Theo truyền thuyết, Hoa Nghiêm Kinh Đại Bất Tư Nghị Giải Thoát này có ba bản, hai bản Thượng và Trung ẩn giấu chẳng truyền, bản Hạ có 100.000 bài kệ, 48 phẩm, hiện đang lưu truyền tại Thiên Trúc. Ở đây nói bản Hạ 100.000 bài kệ hiện đang lưu hành tại Thiên Trúc rất phù hợp với Kinh Bất Tư Nghị Giải Thoát có 100.000 bài kệ được ghi trong Luận Đại Trí Độ q.100, và Kinh Hoa Nghiêm bản Phạn có 100.000 bài kệ được đề cập tới trong Lục thập Hoa Nghiêm Hậu Ký, bản dịch đời Tấn, đủ chứng minh kinh này cũng có tên Kinh Bất Tư Nghị Giải Thoát gồm 100.000 bài kệ mà Kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm là một phần trong đó. Như TRINH NGUYÊN THÍCH GIÁO LỤC q. 17 ghi: “Bản Phạn của Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm gồm có 6 pho, 100.000 bài kệ, đời Đường đã dịch 80 quyển tương đương với pho thứ 2; Kinh Hoa Nghiêm mà quốc vương Nam Thiên Trúc đã từng giảng là pho thứ 3 (tức bản Phạn Tứ thập Hoa Nghiêm do ngài Bát-nhã dịch) có 16.700 bài kệ”. TỨ THẬP HOA NGHIÊM KINH HẬU KÝ cũng nói bản Phạn này là bản Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm đã được vua nước Ô-đồ ở Nam Thiên Trúc tự tay biên chép, trong 100.000 bài kệ ấy có phẩm “Đồng tử Thiện Tài thân cận thừa sự 55 vị thiện tri thức bậc Thánh trong số Phật sát vi trần số thiện tri thức nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện”. Tham khảo thêm Thập Địa Kinh Luận của Thế Thân, cùng các Thích Luận của các ngài Kim Cương Quân, Kiên Huệ giải thích phẩm Thập Địa của kinh này; Luận Đại Thừa Tập Bồ-tát Học của Tịch Thiên cũng dẫn dụng kệ tụng của phẩm Hiền Thủ trong kinh này, thì có thể thấy phẩm Nhập Pháp Giới, phẩm Thập Địa cho đến các phẩm khác của kinh này, tại Ấn Độ thời cổ đại đã trở thành từng kinh riêng lẻ lưu hành. Trong đó, phẩm Nhập Pháp Giới (tức Tứ thập Hoa Nghiêm) và phẩm Thập Địa là 2 trong 9 bộ kinh lớn được đọc tụng rộng rãi từ xưa đến nay trong giới Phật giáo Népal, nhờ đó mà bản Phạn của 2 phẩm này được bảo tồn cho đến nay. Đến thế kỷ XIX, bản Phạn của 2 phẩm này cùng với các sách chữ Phạn khác lại do Nepal lưu truyền đến các quốc gia Ấn Độ, Anh, Pháp, Nhật Bản v.v… và được hiệu khám xuất bản. Bản Phạn phẩm Thập Địa hiện đang lưu hành là bản do Cận Đằng Hoảng Diệu hiệu san (Đông Kinh, 1936), phẩm Nhập Pháp Giới do Linh Mộc Đại Chuyết và Tuyền Phương Cảnh hiệu san (Đông Đô, 1934-1936), Phổ Hiền Bồ-tát Hạnh Nguyện Tán do Độ Biên Hải Húc hiệu san (1902). Còn các bản Phạn của các phẩm khác dường như đều đã thất lạc, chưa thấy phát hiện.

Trong các bản Hán dịch kinh này, bản 80 quyển dịch vào đời Đường, văn nghĩa lưu loát nhất, phẩm mục hoàn bị hơn hết, vì thế được lưu truyền rộng rãi tại Trung Quốc. Sau đây, nội dung Kinh Hoa Nghiêm sẽ được lược thuật theo bản dịch này.

Kinh Hoa Nghiêm bản dịch đời Đường được hình thành từ 9 hội thuyết pháp:

- Hội thứ nhất:

Phật mới thành Chánh giác tại Bồ-đề đạo tràng, đạo tràng được trang nghiêm bằng vô lượng diệu bảo, thân Phật Giá-na vạn đức viên mãn ngồi tên tòa kim cang. Số Bồ-tát nhiều như số vi trần của mười phương thế giới cho đến các vị thần Kim cang lực sĩ, chư thiên, vị nào cũng đầy đủ vô lượng công đức, cùng một lúc nhóm họp, mỗi vị đều nói thi kệ ca tụng Đức Phật. Tất cả thế giới trong Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải cũng đều đồng thời hội nhập vào Phật cảnh giới. (Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm, 1).

Các Bồ-tát và tất cả Thế gian chủ nói kệ hỏi Phật, Phật hiện điềm lành phóng hào quang nói kệ đáp, rồi lại hiện thần biến. Các vị Bồ-tát như Nhất Thiết Pháp Thắng Âm … mỗi vị đều nói kệ ca tụng Phật. (Phẩm Như Lai Hiện Tướng, 2).

Bấy giờ, Bồ-tát Phổ Hiền nhập Phật tam-muội, được chư Phật ngợi khen, xoa đầu, từ tam-muội dậy, tất cả các Đức Như Lai khắp mười phương đều phóng hào quang ngợi khen Bồ-tát Phổ Hiền, tất cả Bồ-tát cùng đồng ca tụng. (Phẩm Phổ Hiền Tam-muội, 3).

Bồ-tát Phổ Hiền nhờ thần lực Phật nói với các Bồ-tát của hải chúng trong đạo tràng về 10 vấn đề như: Thế giới hải …, phân biệt trình bày về hình tướng và nguyên nhân của thế giới khắp mười phương. (Phẩm Thế Giới Thành Tựu, 4).

Bồ-tát Phổ Hiền lại nói về Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải được trang nghiêm bằng vô lượng diệu bảo, do công đức tu hành xưa kia của Đức Tỳ-lô-giá-na, cho đến sự trang nghiêm và danh hiệu chư Phật của tất cả thế giới trong thế giới hải. (Phẩm Hoa Tạng Thế Giới, 5).

Bồ-tát Phổ Hiền lại nói đây là do tiền thân của Đức Tỳ-lô-giá-na ở đời quá khứ, lúc còn làm Thái tử Đại Oai Quang đã cúng dường chư Phật, đã tu vô lượng diệu hạnh, mà thành tựu được công đức trang nghiêm rộng lớn này. (Phẩm Tỳ-lô-giá-na, 6).

- Hội thứ hai:

Phật ngồi trên tòa hoa sen trong điện Phổ Quang Minh, hiển hiện thần biến, các Bồ-tát ở khắp mười phương đều đến nhóm họp. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nhờ oai lực của Phật nói với các vị Bồ-tát về danh hiệu Phật, do vì tùy theo sự thấy biết khác nhau của chúng sanh mà Như Lai có vô lượng danh hiệu bất đồng, vì chúng thuyết pháp. (Phẩm Như Lai Danh Hiệu, 7).

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại nói về các tên gọi khác nhau của bốn Thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo trong cõi Ta-bà và tên gọi bốn Thánh đế vô lượng bất đồng trong tất cả thế giới ở khắp mười phương, đều tùy theo tâm chúng sanh mà khiến cho họ được điều phục. (Phẩm Tứ Thánh Đế, 8).

Bấy giờ, từ tướng bánh xe nghìn căm dưới lòng hai bàn chân Phật phóng ánh sáng chiếu khắp mười phương, đều hiện Phật sự, ngài Văn-thù-sư-lợi nói kệ ca tụng vô biên công đức hạnh nguyện của Phật. (Phẩm Quang Minh Giác, 9).

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và chín vị Bồ-tát như Giác Thủ … hỏi đáp qua lại về mười minh môn Phật pháp sâu xa. (Phẩm Bồ-tát Vấn Minh, 10).

Bồ-tát Trí Thủ hỏi, ngài Văn-thù-sư-lợi đáp về 140 hạnh nguyện thanh tịnh phát khởi vì lợi ích chúng sanh từ ba nghiệp thân, ngữ, ý của Bồ-tát. (Phẩm Tịnh Hạnh, 11).

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi, Bồ-tát Hiền Thủ dùng kệ đáp về các vấn đề vô lượng công đức thù thắng, tín nguyện chắc thật, định huệ thành tựu viên mãn … của Bồ-tát. (Phẩm Hiền Thủ, 12).

- Hội thứ ba:

Đức Phật không rời cây Bồ-đề, bay lên cung điện Đế-thích trên đỉnh núi Tu-di, Đế-thích trang hoàng cung điện, cung nghinh Đức Phật, rồi cùng chư Thiên nói kệ ca tụng Phật. (Phẩm Thăng Tu Di Sơn Đảnh, 13).

Các Bồ-tát như Pháp Huệ … từ cõi nước Phật ở mười phương cùng đến nhóm họp, mỗi vị đều nói kệ ca tụng vô lượng công đức thắng diệu của Phật đã tu hành. (Phẩm Tu Di Đảnh Thượng Kệ Tán, 14).

Do oai lực của Phật, Bồ-tát Pháp Huệ nhập tam-muội Vô Lượng Phương Tiện, được chư Phật ngợi khen và xoa đầu, Bồ-tát Pháp Huệ xuất định nói rộng về pháp môn Thập trụ, trong mỗi trụ đều có mười pháp văn, tu. (Phẩm Thập Trụ, 15).

Bấy giờ, Thiên tử Chánh Niệm đến hỏi, Bồ-tát Pháp Huệ tuyên thuyết về các pháp quán vô tướng để tu tập phạm hạnh. (Phẩm Phạm Hạnh, 16).

Trời Đế-thích đến hỏi, Bồ-tát Pháp Huệ tuyên thuyết về các công đức vô lượng của Bồ-tát mới phát tâm Bồ-đề, phát tâm thì có thể bình đẳng với Phật, cũng vô sở đắc. (Phẩm Sơ Phát Tâm Công Đức, 17).

Bồ-tát Tinh Tấn Huệ hỏi: Bồ-tát mới phát tâm phải tu tập như thế nào? Bồ-tát Pháp Huệ đáp về các pháp môn phải tu và phải thành tựu như là: mười bất phóng dật, đắc mười thanh tịnh, mười Phật hoan hỷ, mười pháp an trụ, mười pháp nhập địa, mười pháp hạnh thanh tịnh, mười thanh tịnh nguyện, mười pháp viên mãn đại nguyện, mười vô tận tạng v.v… (Phẩm Minh Pháp, 18).

- Hội thứ tư:

Phật lên cung trời Dạ-ma, vua trời Dạ-ma trang hoàng cung điện, thiết tòa nghinh thỉnh Như Lai, nói kệ ca tụng Phật, đức Phật thăng tòa. (Phẩm Thăng Dạ-ma Thiên Cung, 19).

Các Bồ-tát nhiều như vi trần, đó là: Bồ-tát Công Đức Lâm … đều đến nhóm họp, mười vị Đại Bồ-tát, mỗi vị đều nói kệ ca tụng hạnh nguyện công đức trùm khắp pháp giới của Phật. (Phẩm Dạ-ma Cung Trung Kệ Tán, 20).

Nhờ oai lực của Phật, Bồ-tát Công Đức Lâm nhập tam-muội Thiện Tư Duy, được chư Phật khen ngợi xoa đầu. Bồ-tát Công Đức Lâm xuất định nói rộng về pháp môn Thập Hạnh, và phân biệt hành tướng của mỗi hạnh. (Phẩm Thập Hạnh, 21).

Bồ-tát Công Đức Lâm lại nói với các Bồ-tát về từng hành tướng thập Vô tận tạng của Bồ-tát. Do đây khiến cho mọi người tu hành đều thành tựu Vô tận tạng. (Phẩm Thập Vô Tận Tạng, 22).

- Hội thứ năm:

Phật lên cung trời Đâu-suất, vua trời Đâu-suất trang hoàng cung điện, tòa ngồi nghinh thỉnh Như Lai, nói kệ ca tụng Phật, Đức Phật thăng tòa. (Phẩm Thăng Đâu-suất Thiên Cung, 23).

Mười vị Đại Bồ-tát như Kim Cang Tràng … và số Bồ-tát nhiều như vi trần từ các thế giới Phật khắp mười phương đến nhóm họp. Mỗi vị đều nói kệ ca tụng công đức của Phật. (Phẩm Đâu-suất Cung Trung Kệ Tán, 24).

Do oai lực của Phật, Bồ-tát Kim Cang Tràng nhập tam-muội Trí Quang, được chư Phật ngợi khen và xoa đầu. Bồ-tát Kim Cang Tràng xuất định, nói rộng với các Bồ-tát về pháp môn Thập Hồi hướng và phân biệt giải thích hành tướng tu hành của từng giai vị. (Phẩm Thập Hồi Hướng, 25).

- Hội thứ sáu:

Phật ở Ma-ni bảo điện trên cung trời Tha Hóa Tự Tại, các vị Đại Bồ-tát từ khắp mười phương đều đến nhóm họp. Bấy giờ, do oai lực của Phật, Bồ-tát Kim Cang Tạng nhập tam-muội Đại Trí Huệ Quang Minh, được chư Phật khen ngợi và xoa đầu. Bồ-tát Kim Cang Tạng xuất định nói với đại chúng về tên gọi của Thập địa. Bấy giờ, các Bồ-tát như Giải Thoát Nguyệt … thỉnh ngài giải thuyết, Phật cũng phóng hào quang hỗ trợ oai thần, Bồ-tát Kim Cang Tạng bèn nói với đại chúng về hành tướng sâu xa của pháp môn Thập địa. (Phẩm Thập Địa, 26).

- Hội thứ bảy:

Phật đang ở tại điện Phổ Quang Minh, Bồ-tát Phổ Nhãn hỏi Phật về diệu hạnh tam-muội mà Bồ-tát Phổ Hiền đã tu. Phật bảo ngài nên tự đến hỏi Bồ-tát Phổ Hiền. Bấy giờ đại chúng mong muốn thấy được Bồ-tát Phổ Hiền và ân cần đảnh lễ, Bồ-tát Phổ Hiền dùng thần lực xuất hiện, nói với đại chúng về pháp môn cao sâu của mười đại tam-muội. (Phẩm Nhập Định, 27).

Bồ-tát Phổ Hiền nói với đại chúng về mười thứ thần thông. (Phẩm Thập Thông, 28).

Bồ-tát Phổ Hiền nói với đại chúng về mười thứ pháp nhẫn. (Phẩm Thập Nhẫn, 29).

Bồ-tát Tâm Vương hỏi, Đức Phật đáp về số lượng a-tăng-kỳ bất khả thuyết, và sự lý của các pháp thế gian, xuất thế gian bất khả thuyết. (Phẩm A-tăng-kỳ, 30).

Bồ-tát Tâm Vương nói với đại chúng về thọ lượng của thế giới chư Phật và so sánh sự dài ngắn của chúng. (Phẩm Thọ Lượng, 31).

Bồ-tát Tâm Vương nói với đại chúng về trụ xứ của các Bồ-tát ở mười phương và địa danh thường trú thuyết pháp của các ngài. (Phẩm Chư Bồ-tát Trụ Xứ, 32).

Bấy giờ, các vị Bồ-tát mong muốn được biết về những việc không thể nghĩ bàn như là cõi nước, bản nguyện, dòng họ, sự xuất hiện, thân Phật, âm thanh, trí huệ, tự tại, vô ngại, giải thoát của Phật. Phật liền gia trì Bồ-tát Thanh Liên Hoa Tạng nói với Bồ-tát Liên Hoa Tạng về mười pháp môn không thể nghĩ bàn của chư Phật sở trụ. (Phẩm Phật Bất Tư Nghì Pháp, 33).

Bồ-tát Phổ Hiền nói với các Bồ-tát về thân tướng trang nghiêm của Phật, nói sơ lược có 97 tướng đại nhân, cho đến tướng đại nhân nhiều như số vi trần trong mười Hoa Tạng thế giới hải. (Phẩm Như Lai Thập Thân Tướng Hải, 34).

Phật nói với Bồ-tát Bảo Thủ về tùy hình hảo của Như Lai, trong mỗi tùy hình hảo đều có ánh sáng chiếu soi khắp pháp giới, có năng lực cứu khổ địa ngục, sanh lên trời Đâu-suất cho đến chứng đắc công đức rộng lớn vô tận của Thập địa … (Phẩm Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức, 35).

Bồ-tát Phổ Hiền nói với đại chúng về việc Phật vì cởi mở sự trói buộc cho chúng sanh, nên răn dạy tâm sân hận hay làm chướng ngại trăm vạn pháp môn, do đó cần phải siêng năng tu tập mười pháp, đủ mười thanh tịnh, mười trí rộng lớn, đắc mười thứ phổ nhập, trụ nơi mười tâm thắng diệu, được mười trí thiện xảo của Phật pháp. (Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, 36).

Bấy giờ, Phật phóng ánh sáng giữa chặng mày tên gọi là Như Lai Xuất Hiện Quang. Bồ-tát Như Lai Tánh Khởi Diệu Đức hỏi Phật về đại pháp. Phật lại phóng ánh sáng vào miệng Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Phổ Hiền liền nói rộng về việc Đức Phật dùng mười vô lượng pháp xuất hiện, dùng mười vô lượng trăm nghìn a-tăng-kỳ hạnh để được thành tựu. Nói xong, chư Phật ngợi khen và thọ ký cho hội chúng. Cuối cùng, Bồ-tát Phổ Hiền nói kệ tụng khuyên đại chúng thọ trì. (Phẩm Như Lai Xuất Hiện, 37).

- Hội thứ tám:

Phật đang ở tại điện Phổ Quang Minh, Bồ-tát Phổ Hiền nhập tam-muội Phật Hoa Tạng Trang Nghiêm, từ tam-muội dậy, Bồ-tát Phổ Huệ hỏi 200 vấn đề như là: y chỉ của Bồ-tát, công hạnh của Bồ-tát, cho đến Phật thị hiện nhập niết-bàn …, Bồ-tát Phổ Hiền dùng mười đáp một, phân biệt diễn nói 2000 pháp môn. Chư Phật hiện tiền khen ngợi. Bồ-tát Phổ Hiền dùng kệ tụng nói lại công hạnh tu hành của Bồ-tát. (Phẩm Ly Thế Gian, 38).

- Hội thứ chín:

Phật ở rừng Thệ-đa cùng với 500 vị Đại Bồ-tát như Văn-thù, Phổ Hiền, các vị Đại Thanh văn và vô lượng Thế chủ nhóm họp. Phật dùng đại bi nhập tam-muội Sư Tử Tần Thân chiếu khắp mười phương thế giới trang nghiêm, mỗi thế giới đều có bất khả thuyết sát vi trần số Bồ-tát đến dự hội, mỗi vị đều hiện thần biến cúng dường. Các vị Đại Thanh văn chẳng thấy, chẳng biết. Mười vị Đại Bồ-tát nói kệ ca tụng Phật. Bồ-tát Phổ Hiền diễn nói mười pháp cú về tam-muội Sư Tử Tần Thân này.

Phật lại hiển hiện tướng các thần biến, các pháp môn, các tam-muội. Bồ-tát Văn-thù nói kệ xưng tán, các Bồ-tát đắc vô số pháp môn đại bi, đem lại sự lợi lạc cho chúng sanh khắp mười phương.

Bồ-tát Văn-thù và đại chúng giã từ Đức Phật để đi về phương Nam. Tôn giả Xá-lợi-phất cùng 6000 Tỳ-kheo cũng nhờ thần lực Phật phát tâm cùng đi về phương Nam. Các ngài đi đến phía đông Phước Thành tại Đại tháp miếu trong rừng ta-la Trang Nghiêm Tràng thuyết pháp. Lúc ấy đồng tử Thiện Tài và 2000 người đến đảnh lễ nghe pháp, phát tâm bồ-đề. Trong số đó, đồng tử Thiện Tài nhất tâm cầu đạo Bồ-tát, nói kệ thỉnh giáo, Văn-thù-sư-lợi chỉ dạy ngài đi tham học với các thiện tri thức. Đồng tử Thiện Tài đi về phương Nam lần lượt tham phỏng 53 vị thiện tri thức, từ Tỳ-kheo Đức Vân đến Bồ-tát Di-lặc, nghe nhận được vô số pháp môn cam-lồ rộng lớn, sau cùng gặp Bồ-tát Phổ Hiền. Từ sự khai thị của Phổ Hiền, ngài lần lượt đắc chư hạnh nguyện hải của Bồ-tát Phổ Hiền, cuối cùng ngài chứng nhập pháp giới. Kết thúc, Bồ-tát Phổ Hiền nói kệ ca tụng công đức rộng lớn như biển cả của Phật.

(Hết kỳ một: Tập san Suối Nguồn số 08)

(Phần tiếp theo: Tập san Suối Nguồn số 09)

Sau khi bản Tân dịch Kinh Hoa Nghiêm xuất hiện, từ thế kỷ VIII về sau, các học giả Trung Quốc đều y cứ vào bản Tân dịch này diễn giảng, sớ thích. Nhưng trước khi bản Tân dịch này xuất hiện, ngài Hiền Thủ (Pháp Tạng) diễn giảng, sớ thích đều y cứ vào bản 60 quyển được dịch vào đời Tấn. Do đó, đối với văn nghĩa của kinh này, trong hai tác phẩm nổi tiếng của ngài Hiền Thủ là Thám Huyền Ký và Văn Nghĩa Cương Mục đều y cứ vào bản Cựu dịch, đem toàn kinh chia làm 5 phần:

1. Phần giáo khởi nhân duyên (phẩm Thế Gian Tịnh Nhãn, bản Cựu dịch), đây là phần tựa của toàn kinh.

2. Phần quyền quả khuyến nhạo sanh tín (phẩm Lô-xá-na Phật, bản Cựu dịch) hiển bày quả đức và nhân hạnh quá khứ của Phật Lô-xá-na khuyên sanh niềm tin.

3. Phần tu nhân khế quả sanh giải (13 phẩm từ phẩm Như Lai Danh Hiệu, đến phẩm Bảo Vương Như Lai Tánh Khởi, bản Cựu dịch) hiển thị nhân hạnh của Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Phật quả sở khế, để khiến sanh giải.

4. Phần thác pháp tiến tu thành hạnh (phẩm Ly Thế Gian, bản Cựu dịch) hiển thị nương theo hành pháp của các Bồ-tát, từ sự tiến tu thành hạnh Bồ-tát.

5. Phần y nhân nhập chứng thành đức (phẩm Nhập Pháp Giới, bản Cựu dịch), hiển thị do sự dẫn dắt của thiện tri thức, chứng nhập pháp giới, thành tựu quả đức.

Lại phân phán nội dung kinh này thành 5 chu nhân quả:

1. Sở tín nhân quả (phẩm Lô-xá-na Phật, bản Cựu dịch).

2. Sai biệt nhân quả (25 phẩm từ phẩm Như Lai Danh Hiệu đến phẩm Bồ-tát Trụ Xứ là nhân sai biệt; 3 phẩm từ phẩm Phật Bất Tư Nghì Pháp đến phẩm Phật Tiểu Tướng Quang Minh Công Đức là quả sai biệt).

3. Bình đẳng nhân quả (phẩm Phổ Hiền Bồ-tát Hạnh, bản Cựu dịch, là bình đẳng nhân; phẩm Bảo Vương Như Lai Tánh Khởi, bản Cựu dịch, là bình đẳng quả).

4. Thành hạnh nhân quả (phẩm Ly Thế Gian, bản Cựu dịch).

5. Chứng nhập nhân quả (phẩm Nhập Pháp Giới, bản Cựu dịch).

Nối tiếp theo sau, Hoa Nghiêm Kinh Sớ (quyển 4) của ngài Thanh Lương cũng dùng thuyết 5 phần và thuyết 5 chu nhân quả này để phân nhiếp văn nghĩa của 39 phẩm trong bộ Tân dịch 80 quyển. Và sự phân phán này đã thành thông luận của các Sư thuộc tông Hiền Thủ xưa nay khi giải thích kinh này.

Các nhà chú giải xưa nay đều phân khoa kinh này thành ba phần: Tự, Chánh tông và Lưu thông. Các nhà đều lấy phẩm đầu tiên làm phần Tự. Phẩm Lô-xá-na Phật (tức phẩm Như Lai Hiện Tướng, bản Tân dịch) trở đi làm phần Chánh tông. Ngay từ  xưa, phần Lưu thông của kinh này đã có nhiều ý kiến khác nhau, như ngài Huệ Quang, đời Bắc Ngụy lấy phẩm Nhập Pháp Giới làm phần Lưu thông; ngài Huệ Viễn đời Tùy lấy đoạn Đồng tử Thiện Tài trở xuống trong phẩm Nhập Pháp Giới làm phần Lưu thông; ngài Linh Dụ đời Tùy lấy bài kệ tụng cuối cùng làm phần Lưu thông; còn có người nói kinh này chưa kết thúc do đó không có phần Lưu thông; có người nói lấy kinh quyến thuộc của kinh này làm phần Lưu thông; có người nói kinh này thuyết pháp vô tận không dừng do đó không có phần Lưu thông.

Trong Hoa Nghiêm Kinh Sớ, ngài Trừng Quán nhìn nhận thuyết của ngài Huệ Viễn là hợp lý, vì thế Ngài cũng lấy từ đoạn Đồng tử Thiện Tài trở xuống trong phẩm Nhập Pháp Giới làm phần Lưu thông. Và thuyết này về sau trở thành thông luận cho các Sư thuộc tông Hiền Thủ giải thích kinh này.

Về tông thú kinh này, xưa nay cũng có những kiến giải bất đồng; như ngài Đàm Diễn đời Tề nói kinh này lấy Vô ngại pháp giới làm tông; ngài Linh Dụ đời Tùy nói kinh này lấy Thậm thâm pháp giới tâm cảnh làm tông, có người nói kinh này lấy Duyên khởi làm tông, có người nói kinh này lấy Duy thức làm tông. Hai ngài Pháp Mẫn, Pháp Ấn đời Đường nói kinh này lấy Nhân quả làm tông; ngài Huệ Viễn đời Tùy nói kinh này lấy Hoa Nghiêm Tam-muội làm tông; ngài Đạt-ma-cấp-đa đời Tùy nói kinh này lấy Quán hạnh làm tông; có người nói kinh này lấy Hải ấn tam-muội làm tông, ngài Huệ Quang đời Bắc Ngụy nói kinh này lấy Nhân quả lý thật làm tông; ngài Hiền Thủ (Pháp Tạng) đời Đường dựa vào thuyết của ngài Huệ Quang, tức là lấy Nhân quả duyên khởi lý thật pháp giới làm tông thú của kinh này (Hoa Nghiêm Kinh Sớ 3, Thanh Lương). Và ý kiến này về sau trở thành kiến giải chung của các Sư trong tông Hiền Thủ đối với kinh này.

Về nghĩa lý của kinh này, được các học giả Phật giáo nhất trí tôn trọng. Từ Nam Bắc triều đến nay, ba nhà Phật học nổi tiếng ở Giang Nam đều phán giáo kinh này thuộc Đốn giáo, và cho các kinh điển khác là Tiệm giáo hoặc Bất định giáo. Lúc ấy, bảy nhà Phật học ở phương Bắc phán giáo kinh này tuy bất đồng, nhưng cũng đều phán kinh này là Viên giáo cao nhất trong các giáo, hoặc Đốn giáo, Chân tông, Pháp giới tông … Về sau, ngài Cát Tạng lập ba lần chuyển pháp luân, lấy kinh này làm căn bản pháp luân; ngài Trí Khải, Tổ tông Thiên Thai, lập bốn giáo hóa nghi, liệt kinh này vào Đốn giáo, lại lập bốn giáo hóa pháp, liệt kinh này vào Biệt giáo kiêm Viên giáo; ngài Khuy Cơ, đời Đường lập ba thời giáo, lấy kinh này làm Trung đạo giáo; các Sư của tông Hiền Thủ phán kinh này thuộc Nhất thừa viên giáo trong năm giáo, hoặc tông Viên minh cụ đức trong mười tông. Tóm lại, kinh này từ trước đến nay đều được các nhà Phật học công nhận là kinh giáo viên đốn hơn hết.

Về tình hình truyền bá kinh này, tương truyền sau Phật diệt độ, kinh này đã bị ẩn mất tại Ấn Độ, về sau Bồ-tát Long Thọ hoằng truyền Đại thừa mới đem kinh này lưu truyền ở đời. Ngài Long Thọ còn tạo Luận Đại Bất Tư Nghì với 100.000 bài kệ để giải thích kinh này, bản Luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa (16 quyển) Hán dịch, hiện hành là một phần của luận này, chỉ giải nói Sơ địa và Nhị địa trong phẩm Thập Địa của kinh này. Về sau Bồ-tát Thế Thân cũng dựa vào phẩm Thập Địa của kinh này biên soạn Thập Địa Kinh Luận để phát huy yếu nghĩa Hoa Nghiêm. Các luận sư Kim Cang Quân, Kiên Huệ, Nhật Thành, Thích Huệ mỗi vị cũng tạo Thích Luận để giải thích Thập Địa Kinh Luận (hai bản Thích Luận của ngài Nhật Thành và Thích Huệ hiện còn bản dịch Tạng văn), cho thấy một phần của kinh này đã từng lưu hành ở Ấn Độ thời cổ đại. Còn về tình hình lưu truyền toàn bộ kinh này vào thuở ấy thì không rõ.

Từ đời Hậu Hán (thế kỷ I), bản biệt hành của kinh này tại Trung Quốc, tuy lần lượt được dịch ra không ít, nhưng sự hoằng truyền không được hưng thạnh. Đến đời Đông Tấn, bản dịch 60 quyển của ngài Phật-đà-bạt-đà-la xuất hiện thì kinh này mới được người học Phật tại Trung Quốc xem trọng. Từ đó, kinh này được truyền tụng, diễn giảng cho đến sớ thích dần dần mạnh mẽ. Như ngài Pháp Nghiệp, người đầu tiên tham dự phiên dịch kinh này, đã đích thân nghe ngài Phật-đà-bạt-đà-la giảng, mà soạn thành bộ Nghĩa Ký (2 quyển). Về sau, đời Lưu Tống, ngài Cầu-na-bạt-đà-la cũng đã từng giảng kinh này nhiều lần. Ngài Huyền Sướng, đời Bắc Tề lại theo chương cú của kinh này mà soạn thêm sớ giảng.

Đời Bắc Ngụy, ngài Lặc-na-ma-đề cũng từng giảng kinh này, còn có Lưu Khiêm nghiên cứu tinh tường kinh này, soạn Hoa Nghiêm Luận (600 quyển). Lúc ấy, ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch Thập Địa Kinh Luận. Do sự hoằng thông Địa Luận mà kinh này càng được phát dương. Địa Luận sư Huệ Quang soạn Quảng Sớ và Lược Sớ kinh này (hiện còn 1 quyển), và Ngài phán giáo kinh này thuộc Viên giáo.

Đời Bắc Tề, ngài Tăng Phạm ở chùa Đại Giác trứ tác Kinh Sớ (5 quyển); ngài Đàm Tuân ở Nghiệp Trung trứ tác Kinh Sớ (7 quyển); ngài Đàm Diễn ở Lạc Châu trứ tác Kinh Sớ (7 quyển); ngài Linh Biện trứ tác Kinh Luận (100 quyển, hiện còn 1 quyển), ngài Trí Cự ở Bắc Đài trứ tác Kinh Sớ (7 quyển).

Đời Tùy, ngài Linh Dụ ở chùa Diễn Không tại Tương Châu trứ tác Kinh Sớ (8 quyển, hiện còn quyển thứ 6 là Văn Nghĩa Ký), và Chỉ Quy (1 quyển); ngài Đàm Thiên ở Tây Tự trứ tác Hoa Nghiêm Minh Nạn Phẩm Sớ (10 quyển); ngài Huệ Tạng ở Tây Kinh trứ tác Nghĩa Sớ (10 quyển); ngài Hồng Tuân ở Tây Kinh trứ tác Kinh Sớ (7 quyển); ngài Huệ Viễn ở chùa Tịnh Ảnh trứ tác Kinh Sớ (7 quyển), Thập Địa Luận Nghĩa Ký (7 quyển, hiện còn 4 quyển); ngài Cát Tạng ở chùa Gia Tường trứ tác Du Ý (1 quyển, hiện còn); ngài Huệ Giác ở chùa Võ Đức trứ tác Thập Địa Phẩm Sớ (10 quyển).

Đời Đường, ngài Pháp Mẫn ở Việt Châu trứ tác Kinh Sớ (7 quyển); ngài Trí Chánh ở núi Chung Nam trứ tác Kinh Sớ (22 quyển); ngài Linh Biện ở chùa Từ Ân trứ tác Kinh Sớ (12 quyển). Và cả hai miền Nam Bắc sông Trường Giang đều có phong trào nghiên cứu kinh này, tiến đến triển khai thành môn Hoa Nghiêm học.

Tiếp theo phong trào nghiên cứu giáo nghĩa kinh này, vào thời Tùy Đường dần dần hình thành tông Hoa Nghiêm chuyên lấy việc hoằng dương giáo quán của kinh này làm chính. Đầu tiên là ngài Đỗ Thuận (Pháp Thuận) đời Tùy ở núi Chung Nam hoằng thông kinh này và trứ tác Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chỉ Quán (1 quyển, hiện còn) và Hoa Nghiêm Pháp Giới Quán Môn (1 quyển, hiện còn) để trình bày ý nghĩa huyền diệu của kinh này và cũng là cơ sở để mở tông Hoa Nghiêm. Đệ tử của Ngài là Trí Nghiễm ở chùa Chí Tướng càng phát triển tâm yếu của Ngài, và tham chiếu học thuyết của Địa Luận sư, trứ tác Hoa Nghiêm Kinh Sưu Huyền Ký (9 quyển, hiện còn) là tác phẩm nổi tiếng của tông Hiền Thủ sớ thuật bản Cựu dịch kinh này. Ngài Trí Nghiễm còn dựa vào nghĩa kinh trứ thuật Hoa Nghiêm Kinh Khổng Mục Chương (4 quyển, hiện còn), Hoa Nghiêm Ngũ Thập Yếu Vấn Đáp (2 quyển, hiện còn), Hoa Nghiêm Nhất Thừa Thập Huyền Môn (1 quyển, hiện còn), Lục Tướng Chương (1 quyển, đã thất lạc) để hiển bày nghĩa chính của kinh này. Kế tiếp, ngài Hiền Thủ (Pháp Tạng), người tập đại thành tông Hiền Thủ, càng phát huy rộng giáo nghĩa kinh này, trứ tác Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký (20 quyển, hiện còn) là tác phẩm nổi tiếng quan trọng sớ giải bản Cựu dịch kinh này. Ngài còn soạn Hoa Nghiêm Kinh Văn Nghĩa Cương Mục (1 quyển, hiện còn), Hoa Nghiêm Kinh Chỉ Quy (1 quyển, hiện còn), Hoa Nghiêm Bát Hội Chương ( 1 quyển), Hoa Nghiêm Kinh Phiên Phạn Ngữ (1 quyển), Hoa Nghiêm Cựu Kinh Phạn Ngữ Cập Âm Nghĩa (1 quyển) … Ngoài ra, Ngài còn y cứ vào kinh này mà soạn các tác phẩm về tông nghĩa có liên quan đến tông này như Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương (hiện còn), Hoa Nghiêm Nghĩa Hải Bách Môn (hiện còn) … Đệ tử của Ngài là Tông Nhất ở chùa Hà Ân cũng có soạn Hoa Nghiêm Kinh Liệu Giản (12 quyển), Hoa Nghiêm Kinh Sớ (20 quyển).

Những tác phẩm sớ giải kể trên đều y cứ vào bộ Lục Thập Hoa Nghiêm được dịch vào đời Tấn mà soạn thuật.

Đến đời Võ Chu, ngài Thật-xoa-nan-đà dịch Bát Thập Hoa Nghiêm, ngài Pháp Tạng lúc đó tuổi đã xế chiều, tham dự dịch trường với chức vụ Bút thọ. Ngài đã y cứ vào bản Tân dịch Kinh Hoa Nghiêm, trứ tác Khai Mạch Nghĩa Ký (1 quyển, hiện còn), Tân Kinh Tam-muội Ký (1 quyển), Thất Xứ Cửu Hội Tụng (1 quyển), Hoa Nghiêm Lược Sớ (12 quyển) để trình bày văn nghĩa kinh văn bản Tân dịch.

Đệ tử ngài Pháp Tạng là Huệ Uyển ở chùa Tịnh Pháp cũng căn cứ bản Tân dịch này trứ tác Hoa Nghiêm Kinh Âm Nghĩa (4 quyển, hiện còn), Hoa Nghiêm Kinh Toàn Phục Chương (10 quyển), Cửu Hội Chương (1 quyển) …

Sau đó, ngài Thanh Lương (Trừng Quán) chấn chỉnh lại tông phong Hoa Nghiêm, sửa sai kiến giải của Huệ Uyển, phát huy học thuyết chính thống của tông Hiền Thủ, biên soạn Hoa Nghiêm Kinh Huyền Đàm (9 quyển, hiện còn), Hoa Nghiêm Kinh Sớ (60 quyển, hiện còn), Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao (30 quyển, hiện còn) là tác phẩm nổi tiếng của tông Hiền Thủ sớ thích bản Tân dịch kinh này. Ngoài ra, Ngài còn soạn Hoa Nghiêm Kinh Sao Khoa (10 quyển, hiện còn), Hoa Nghiêm Kinh Lược Sách (1 quyển, hiện còn), Hoa Nghiêm Kinh Thất Xứ Cửu Hội Tụng Thích Chương (1 quyển, hiện còn) … Nhưng đến niên hiệu Trinh Nguyên (785 - 804) ngài Trừng Quán còn tham dự dịch Kinh Hoa Nghiêm 40 quyển, Ngài soạn Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Biệt Hành Sớ (6 quyển, hiện còn), Trinh Nguyên Hoa Nghiêm Kinh Sớ (10 quyển, hiện còn) để trình bày nghĩa lý sâu xa của Tứ thập Hoa Nghiêm.

Đệ tử của ngài Trừng Quán là Tông Mật ở chùa Thảo Đường tại Khuê Phong trứ tác Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Biệt Hành Sớ Sao (6 quyển, hiện còn), Hạnh Nguyện Phẩm Sớ Khoa (1 quyển, hiện còn) để làm sáng tỏ tâm yếu của ngài Trừng Quán. Ngài Tông Mật còn có soạn Tân Hoa Nghiêm Hiệp Kinh Luận (40 quyển).

Năm vị Pháp Thuận, Trí Nghiễm, Pháp Tạng, Trừng Quán, Tông Mật, được người đời tôn là năm vị Tổ của tông Hoa Nghiêm vì các ngài là người chủ yếu truyền bá và phát triển giáo nghĩa của kinh này để hình thành một tông.

Về các nhà sớ giải nổi tiếng ngoài tông Hiền Thủ, có Trưởng giả Lý Thông Huyền chuyên nghiên cứu kinh này, trứ tác Tân Hoa Nghiêm Luận (40 quyển, hiện còn) phát huy ý nghĩa mới mẻ của Bát thập Hoa Nghiêm. Ông còn soạn Hoa Nghiêm Kinh Trung Quyển Đại Ý Lược Tự (1 quyển, hiện còn), Hoa Nghiêm Kinh Tu Hành Thứ Đệ Quyết Nghi Luận (4 quyển, hiện còn) …

Tông Thiên Thai, có các ngài như: Kinh Khê Trạm Nhiên cũng trứ tác Hoa Nghiêm Kinh Nguyện Hạnh Quán Hạnh Cốt Mục (2 quyển, hiện còn), Tịnh Cư soạn Lân Đức Điện Giảng Hoa Nghiêm Kinh Huyền Nghĩa (1 quyển) …

Từ đời Đường về sau, kinh này được nghiên cứu học tập và hoằng dương khá hưng thịnh, mỗi triều đại đều có những bản sớ giải quan trọng như:

Đời Tống, có Hoa Nghiêm Sớ Sao Hội Giải Ký (10 quyển) của- Quán Phục, Hoa Nghiêm Luân Quán (1 quyển, hiện còn) của Phục Am, Hoa Nghiêm Kinh Yếu Giải (1 quyển, hiện còn) của Giới Hoàn, Hoa Nghiêm Kinh Thôn Hải Tập (3 quyển, hiện còn) và Hoa Nghiêm Pháp Tướng Khái Tiết (1 quyển) đều của Đạo Thông.

Đời Liêu, có Hoa Nghiêm Kinh Huyền Đàm Quyết Trạch (6 quyển,- hiện còn) của Tiên Diễn.

Đời Nguyên, có Hoa Nghiêm Huyền Đàm Hội Huyền Ký (40 quyển,- hiện còn) của Phổ Thụy.

Đời Minh, có Hoa Nghiêm Kinh Cương Yếu (80 quyển, hiện- còn) và Hoa Nghiêm Kinh Đại Ý (1 quyển, hiện còn) của Thiện Kiên, Hoa Nghiêm Kinh Hiệp Luận Toản Yếu (3 quyển, hiện còn) của Phương Trạch, Hoa Nghiêm Kinh Hiệp Luận Giản Yếu (4 quyển, hiện còn) của Lý Chí.

Đời Thanh, Hoa Nghiêm Kinh Cương Mục Quán Nhiếp (1 quyển,- hiện còn) và Hoa Nghiêm Tam Thập Cửu Phẩm Đại Ý (1 quyển, hiện còn) đều của Vĩnh Quang,…

Từ đời Đường về sau, phong trào nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm được truyền bá ra nước ngoài. Vào thế kỷ VII, ngài Nghĩa Tương ở Tân La đến Trung Quốc thọ học với ngài Trí Nghiễm, sau khi về nước hoằng dương kinh này, làm vị Tổ đầu tiên của tông Hoa Nghiêm Triều Tiên. Đồng thời, ngài Nguyên Hiểu ở tại Tân La cũng chuyên nghiên cứu kinh này, có biên soạn Hoa Nghiêm Kinh Cương Mục (1 quyển), Hoa Nghiêm Kinh Sớ (10 quyển, hiện còn 1 quyển). Cũng tại Tân La, có Thái Hiền soạn Cổ Tích Ký (10 quyển), Biểu Viên soạn Hoa Nghiêm Văn Nghĩa Yếu Quyết Vấn Đáp (4 quyển, hiện còn) và được truyền bá rộng rãi tại Triều Tiên.

Vào thế kỷ VIII, kinh này đã được biên chép lưu truyền tại Nhật Bản, rồi ngài Đạo Duệ, một Cao tăng đời Đường, vượt biển sang Nhật, truyền giảng Hoa Nghiêm, làm vị Tổ đầu tiên của tông Hoa Nghiêm Nhật Bản. Từ đó về sau, kinh này được nghiên cứu học tập rất thạnh tại Nhật.

Về các trứ tác liên quan đến kinh này, tại Nhật Bản, có: Hoa Nghiêm Kinh Nghĩa Sao (40 quyển, hiện còn) của Tông Tánh, Hoa Nghiêm Kinh Phẩm Thích (1 quyển, hiện còn) và Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Đổng U Sao (120 quyển, hiện còn) đều của Ngưng Nhiên, Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Huyền Đàm (1 quyển, hiện còn) của Phong Đàm, Hoa Nghiêm Huyền Ký Đại Lược Sao (49 quyển, hiện còn) của Hưng Long, Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký Phát Huy Sao (10 quyển, hiện còn) và Thám Huyền Ký Giản Yếu (8 quyển, hiện còn) đều của Phổ Tịch.

Qua các bản Hán dịch và chú sớ đã được giới thiệu, chúng ta thấy được phần nào sự thạnh hành và tầm quan trọng của kinh này trong hệ thống giáo nghĩa cũng như giáo quán của Phật giáo Đại thừa.

(Trích dịch  từ TRUNG QUỐC PHẬT GIÁO tập 3)

ĐH. (dịch)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage