Phật Học Online

Thần chú của Mật Tông (Phần 1)
Kiêm Đạt

Hầu hết kinh  điển Mật Tông đều nhấn mạnh  rằng: Những mật chú đều là những chân ngôn của chư Phật và chư Bồ Tát có giá trị nhiếp tâm và truyền  giảng vô lượng. Mật Chú giúp đỡ cho chúng sinh xa lìa tham, sân  si, là những độc hại trong  việc tu hành. Việc trì tụng những mật chú sẽ tiêu trừ các tai  ương, giải cứu những ách nạn, đưa con  người thoát khỏi cảnh giới sa đoạ. Thành thử, kiên tâm trì tụng với tất cả tâm thành, kết quả tốt đẹp không biết đâu lường được.

Kinh Chuẩn  Đề Đà Ra Ni của Mật Tông dạy những phương pháp trì tụng và nói về công năng của việc trì tụng những Chân ngôn. Có đến 10 bộ kinh dạy về Chân ngôn, từ thấp đến cao, mà trong ứng dụng bất cứ trình độ nào cũng tu tập được.  Khi trì tụng  lâu, sẽ được ứng hiện trong  mộng tưởng.

Kinh Chuẩn Đề dạy rằng: "Tu tập vững vàng sẽ tạo mộng lành. Hoặc mộng thấy chư Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng, Thiên Nữ. Hoặc mộng thấy tự thân bay lên hư không một cách tự tại. Hoặc vượt qua biển lớn, hoặc trôi nổi  trên sông Giang Hà,  hay lên lầu các, hoặc lên cây cao hoặc trèo lên núi tuyết, hoặc chế ngự được voi, sư tử, hoặc thấy nhiều hoa thơm cỏ lạ. Cũng có thể mộng thấy là vị tu hành, sa môn.  Hoặc nuốt bạch vật, nhả ra hắc vật. Hoặc thâm nhập vào tinh tú, thiên hà...".    Trong khi trì tụng kinh điển này, thường phát ra ánh sáng lạ kỳ, do Phán nhãn mang lại. Có người thấy lạc vào cõi Tịnh Độ, cảnh giới giải thoát hoàn toàn. Cũng có người thấy được kiếp trước của mình.

Nội dung

Bộ kinh trên  có giành phần lớn để  nói về các Thần Chú:  bản văn Thần Chú  và công năng của  Thần Chú. Thần Chú  không sử dụng tùy tiện được.  Phải có đức  giác ngộ mới  đọc Thần Chú  có hiệu quả. Mật Tông nói về trường hợp nhiều đạo sĩ dùng những Thần Chú không đúng hướng gây tác hại: chẳng những không đạt được kết quả theo ý muốn, mà còn gây thêm những nguy hiểm khôn lường được.  Nội dung các Thần  chú này được phân chia ra 9 phẩm. Mỗi phẩm có sức nhiếp phục và sở cầu khác nhau: 

 Nội dung 3 phẩm đầu

 Hạ Phẩm:  nếu thành tựu hạ phẩm của Thần Chú, thì có thể năng nhiếp phục tất cả tứ chúng, phàm có sở cầu điều gì thì đạt được, sai khiến được nhiều hạng, kể cả Thiên Long cũng thuần phục. Những Thần Chú này lại còn có thể hàng phục  được 45 loại trong các "trùng thú" và "quỷ mị". 

Trung Phẩm: Khi thành tựu được việc dùng  Thần Chú của  Trung Phẩm, sẽ có  công năng sai khiến được tất cả Thiên Long, Bát Bộ,  khai mở những "bảo tàng" dấu kín. Cũng có thể đi vào trong Tu La Cung, Long Cung... bất cứ trong trường hợp nào.  

Thượng Phẩm: Nếu thành tựu được phần Thượng Phẩm, sẽ có được những khả  năng phi thường: hoặc dùng phép khinh thân để chu du khắp nơi, cũng có thể  dùng đến thuật  "tàng hình" để  tránh tai  biến. 

Nội dung 3 phẩm giữa

Hạ phẩm: Nếu thành tựu hạ phẩm của phần này (Trung Độ) sẽ điều hành được  nhiều cảnh giới, tái  sinh trong vô lượng  kiếp, phúc huệ chiếu sáng trong 3 cõi, hàng phục chúng ma.  

Trung phẩm: Nếu thành tự phẩm này, thì có sức  thần thông qua lại các thế giới khác, có khả năng chuyển hoá Luân Vương, trụ thọ trong nhiều kiếp sau này.

Thượng phẩm: Nếu  thành tựu phẩm này, sẽ  hiệu chứng được nhiều phép lạ, từ Sơ Địa Bồ Tát trở lên.Trung độ là trình độ khó thành; chỉ những bậc cao tăng nhiều kiếp mới nhiếp phục được 3 phẩm này. 

Nội dung 3 phẩm cuối

Hạ phẩm: Nếu thành tự phẩm này, sẽ đạt được Đệ Ngũ Địa Bồ Tát trở nên.

Trung phẩm: Nếu thành tựu phẩm này sẽ đạt được từ Đệ Bát BồTát Địa trở lên.

Thượng phẩm: Nếu thành tựu phẩm này, thì Tam Mật sẽ biến thành Tam  Thân. Trong  cảnh giới  hiện tại  thì có  thể chứng  quả "Vô Thượng Bồ Đề".

Ứng dụng  những Mật Chú

Những nhà tu hành Mật Tông dùng những Mật Chú trong những trường hợp cần thiết nhất và cũng hạn chế nhất để  tránh những tác hại khác. Một  trong những loại Mật Chú quan trọng và  thông dụng là  Mật Chú Đà Ra Ni (Dharani). Theo nguyên nghĩa thì Đà Ra Ni là bảo tồn, gìn  giữ, chống lại những lôi cuốn khác bất  cứ từ đâu tới. Những Mật Chú này dùng để khống chế vọng tưởng và vọng động.  Trong một giá trị khác, Mật Chú Đà Ra Ni sẽ phát huy đạo tâm của hành giả  đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Tà ma, ngoại đạo đều bị Mật Chú Đà Ra Ni chế ngự ngay từ bước đầu. Dùng Mật Chú không thể khinh thường và thiếu cẩn trọng. Chỉ trong những trường  hợp khổn cùng, cấp  bách, không thể thoát  khỏi tai kiếp thì mới đọc lên.

Mật Chú Đà Ra Ni còn được gọi là "chân ngôn" hay "chân kinh" tức là những câu  nói ngắn nhưng rất vi diệu,  chân thật, "bất khả tư nghị" của chư Phật hay chư Bồ Tát. Mật Chú không thể giải nghĩa được hay lý luận được. Những buổi lễ quan trọng nhất của Mật Tông mới được dùng những Mật Chú này. Công dụng chính là đưa những sức huyền diệu, anh linh của vũ trụ đi vào trong nội  tâm của con người.  Mật Chú cũng có thể tiêu trừ những bệnh khổ do Tứ Đại gây ra. Những bệnh do Ngũ uẩn, hay do quỷ thần gieo rắc cũng có thể giải cứu bằng Mật Chú được. Cũng như Đàn Tràng (hay Đàn Pháp) (Mandala), Mật Chú có công dụng vô biên, khó lường được. Nhiều người coi thường Mật Chú và Đàn Tràng, cho nên khó giải thoát. Hiển Mật Viên Thông có chép rằng: "Ba đời của đức Như lai, chưa hề có vị Phật nào không theo Đàn Pháp mà thành  Phật Đạo".

 Lời dạy này mang hai  ý nghĩa: (a) Mật Chú và Đàn Pháp vốn rất huyền diệu   (b) Chỉ dùng đến hai loại này  trong trường hợp cần thiết nhất mà thôi.Giá trị của  Mật Chú Đà Ra Ni không thể lường được. Chẳng hạn như một cao tăng tụng Mật Chú với tất cả lòng thành của mình thì sẽ tiêu trừ những nghiệp chướng rừng vướng mắc vào nội tâm hay từng gây tai họa lớn lao. Sức tiêu trừ này khó hình dung được, nhưng giải toả được những nguy hiểm do tha nhân tạo nên. 

Những cao  tăng Tây Tạng ít  khi nói đến những Mật Chú. Theo họ, một giới tử  nào vọng động trong việc dùng Mật Chú, tưởng là cứu cánh tu hành, sẽ bỏ mọi khả năng  tu tập chính  của mình để học Thần Chú. Mật Chú chỉ được dùng  như là cẩm nang tối hậu chỉ được mở ra thực hiện trong một thời điểm cần  thiết nhất. Một giới tử sau khi được Điểm Đạo hay Quán Đỉnh thì được nhắc nhở điều này.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm trong phần nói về công năng của những loại Thần Chú của Kim Cang Thừa (Tantra) có đoạn viết:- "Mật Chú  của chư Phật  vốn là phép  bí mật. Chỉ có đức Phật với Phật tự biết với nhau mà thôi; các vị Thánh cũng không thể nào thông đạt về Chú được. Chỉ trì tụng là diệt được tội lỗi, nhanh chóng đạt được Thánh Vị" (Phẩm Chú Hạnh).

Trong một đoạn khác có viết:  "Thần Chú là mật ấn của chư Phật: Những vị  Phật và Phật truyền cho nhau, người khác trong cảnh giới nào cũng không thể nào thông hiểu được..." 

Trong Hiển Thủ Bát Nhã Sớ viết: " Chú là Pháp môn bí mật của chư Phật, không thể nào thấu hiệu được nhân vị của những lời Chú". Viễn Công Niết Bàn Sớ khi luận về Thần Chú cũng viết: "Chân Ngôn chưa chắc  là chuyên ngữ của người Thiên Trúc. Nếu đem ra phiên dịch thì lại không hiểu nổi, vì lẽ đó cho nên không thể nào phiên giải được...".  

Thiên Thai Chỉ Quán của Thiên Thai Tông cũng viết về các Thần Chú như sau:  "Chỉ có bậc Thánh Thượng thì mới có thể nói đến (giải lý đến) 2 pháp: Mật và Hiển. Những kẻ phàm nhân chỉ có thể xưng tán được những lời kinh trong Hiển Giáo;  còn về Mật Giáo thì không giải thích được. Đà Ra Ni, nhân vị của Thánh  Hiền không thể nào hiểu giải được, chỉ  có thể tin mà thọ trì mà thôi. Trì Chú  thì có thể diệt được mọi nghiệp chướng, kết tựu được phước đức". Theo những cao tăng của Mật Giáo, những Mật Chú (Mantras) là Viên Mãn, nếu  giải thích ra chỉ là phiến diện, có thể sai lầm nữa. Thành thử không nên tìm cách để giải thích.  Những kinh sách cho rằng: đây là  guyên nghĩa của những câu Thần Chú chỉ là ngụy ngôn.

 Mật nghĩa chỉ là "bất khả tư nghị". Trong Pháp Hoa Sao Sớ có đoạn nêu rõ rằng: "Về Bí Pháp của chư Phật, thì không thể nào hiểu được ý nghĩa, cho nên được gọi là Mật ngôn". Bát Nhã Tâm Kinh viết: "Tổng trì cũng như loại thuốc thần, như Cam Lộ, uống vào thì lành  bệnh, nhưng khi phân tích trong đó có gì, là điều sai lầm. Tuy là mật ngôn, nhưng công dụng,  giá trị của những lời Thần Chú này thật bao la".

Theo Đà Ra Ni Kinh thì: "Thần  Chú vốn là tối thắng, có thể giải trừ được tội lỗi của chúng sinh, giải thoát được sinh tử luân hồi, chứng quả Niết Bàn, an lạc pháp thân...". 

Khi tụng  những câu Thần Chú, phải chú ý đến toạ bộ. Chẳng hạn như trì tụng  Đại Tam Muội Ấn thì:  "Lấy hai tay ngửa ra,  rồi tay hữu để lên  trên tay tả, hai đầu  ngón cái giáp lại với  nhau, để ngang dưới rốn".  Thực hiện việc trì tụng này, kết  quả không lường được: Ấn này có thể diệt được tất cả cuồng loại,  vọng niệm, điên đảo, tư duy tạp nhiễm. Còn khi chấp thủ về Kim Cang Ấn Quyền thì kết ấn như sau đây:  "Lấy ngón cái để trong lòng bàn  tay bấm tại đốt vô danh chỉ giáplòng bàn tay, rồi nắm chặt; sau đó tay phải cầm chuỗi ký số,  miệng tụng: "Tịnh pháp giới chân ngôn" (108 biến).

 Ấn này trừ được nội ngoại chướng hiện ra  hay nhiễm phải; thực hành đúng  đắn thì thành tựu tất cả công đức. Về Chuẩn  Đề Chú thì  kết ấn như  sau: "Sau khi  đảnh lễ (3 lạy)  xong, thì hành giả  ngồi kiết già. Lấy ngón tay áp  út và ngón út bên mặt và bên  trái xỏ lộn với nhau vào trong  hai lòng bàn tay;  dựng hai ngón tay giữa thẳng lên,  rồi co hai ngón tay trỏ mà vịn vào lóng đầu của  hai ngón giữa; còn hai ngón tay  cái thì đè lên lóng giữa của  ngón áp út bên mặt.  Để ấn này ngang ngực.

  Sau đó chí tâm tưng 108 lần câu chú "Chuẩn Đề" và chú "Đại Luân Nhất Tự" như sau: "Nam Nô Tát Đa Nẫm, Tam Miệu Tam Bồ Đề, Cu Chi Nẫm, Đát Điệt Tha. Án Chủ Lệ, Chủ Lệ, Chuẩn Đề, Ta Bà Ha - Bộ Lâm." 

Có thể  trì tụng nhiều  hơn nữa. Khi  niệm số đã ấn định,  muốn nghỉ thì xả ấn lên trên đỉnh, kế đó dùng tay mặt kiết ấn Kim Cang Quyền mà ấn theo thứ tự 5 vị trí như sau:  1) Trên đảnh đầu 2) Nơi vai bên trái  3) Ở vai bên mặt  4) Tại ngang ngực  5) Nơi yết hầu

(Còn tiếp)

Nguồn: PTVN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage