Phật Học Online

Tây phương với Đông phương: đối thoại và cùng tiến
Nguyễn Thế Đăng

Nửa cuối thế kỷ 20, chúng ta chứng kiến điều không thể tránh: sự chạm mặt, sự gặp gỡ, phản biện, học hỏi nhau ở đỉnh cao của văn hóa và văn minh Tây phương và Đông phương.


1. Khoa học đối thoại với Phật giáo
 
Nửa cuối thế kỷ 20, chúng ta chứng kiến điều không thể tránh: sự chạm mặt, sự gặp gỡ, phản biện, học hỏi nhau ở đỉnh cao của văn hóa và văn minh Tây phương và Đông phương. Đã qua rồi những thế kỷ Tây phương xâm chiếm Đông phương làm thuộc địa; mặc dù cũng nhờ cuộc tiếp xúc ‘bất đắc dĩ’ đó mà Tây phương bắt đầu hiểu Đông phương. Cũng trong thế kỷ 20, những khuyết điểm của văn hóa Tây phương càng bộc lộ rõ trên mặt xã hội, văn hóa. Cho nên càng về sau, các cuộc đối thoại giữa hai nền văn minh càng xảy ra thường xuyên hơn, có phẩm chất cao hơn.
 
Một trong những cuộc đối thoại mới đây là cuộc gặp gỡ trong năm ngày ở Dharamsala, vào tháng 10 năm 1997, giữa “vật lý học hiện đại và triết học Phật giáo”, được in thành sách do giáo sư vật lý học Arthur Zajonc thuật lại và xuất bản với tựa đề The new Physics and Cosmology, Dialogues with the Dalai Lama, Oxford University Press, 2004. Những cuộc đối thoại được tiến hành với những người hàng đầu của hai phía: Sáu nhà vật lý học và thiên văn học, là giáo sư của các đại học danh tiếng của Âu Mỹ, học giả Trung Hoa Tu Weiming, là giáo sư Lịch sử và Triết học Trung Hoa ở Đại học Harvard, và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thính chúng tham dự là những nhà tâm lý học, xã hội học, khoa học tự nhiên…
 
Như chúng ta đã biết, vật lý học vẫn chưa có kết luận cuối cùng, chưa có một lý thuyết thống nhất được thuyết tương đối của Einstein và thuyết lượng tử. Có thể vật lý học sẽ không chấm dứt nhiệm vụ như Stephen Hawking nói trong một bài phỏng vấn năm 2010. Điều này ngay chương 1, “Thí nghiệm và Nghịch lý trong vật lý học lượng tử”, đã cho chúng ta thấy. Và chương áp chót là “Khoa học trong sự tìm kiếm một thế giới quan”. Ở giữa, chương 5 là “Logic lượng tử gặp gỡ logic Phật giáo”.
 
Có lẽ thân tâm con người là hữu hạn, cho nên vật lý học và vũ trụ học của nó cũng hữu hạn. Chúng ta trích ra vài đoạn:
 
“Trong vật lý cổ điển, không có giới hạn cho sự hạ thấp mức độ bị nhiễu loạn. Nhưng trong cơ học lượng tử có một giới hạn: ít nhất phải có một photon đi từ nguồn ánh sáng đến đối tượng và đến mắt người quan sát. Không có cách nào đi xuống thấp hơn giới hạn này. Đó là nghịch lý Heisenberg, tức là sự quan sát sẽ luôn luôn làm nhiễu loạn hệ thống và sản sinh ra một sự bất định… Người quan sát luôn luôn hiện diện trong tiến trình”.
 
“Người quan sát luôn luôn làm nhiễu loạn đối tượng được quan sát, nhưng chính người quan sát cũng quyết định cuộc thí nghiệm nào để tiến hành. Trong cả hai cách này anh ta luôn luôn ‘nằm trong’ cuộc thí nghiệm” (Arthur Zajonc, trang 142).
 
Về vũ trụ, thì:
 
“Có một cuộc sáng tạo vũ trụ - một big bang – nhưng hầu như tức thời vũ trụ nở lớn đến mức 100 tỷ năm ánh sáng. Rồi cái toàn thể vũ trụ ấy, đầu này sang đầu kia là 100 tỷ năm ánh sáng, bắt đầu tiến triển trong thời gian. Bây giờ chúng ta đang sống cách 12 tỷ năm kể từ sự sáng tạo vũ trụ ấy. Chúng ta không cách gì có thể thấy được biên bờ của không gian vũ trụ bởi vì ánh sáng từ 50 tỷ năm ánh sáng không có thời gian để đến chúng ta.
 
Thế nên, chân trời chúng ta thấy không phải là chân trời trong không gian; nó là chân trời thời gian. Chúng ta không từng có mặt đủ lâu để thấy được những thiên hà có thể hiện hữu cách xa 50 tỷ năm ánh sáng…
 
Thêm vào đó, phải khó khăn để nhớ rằng sự quan sát vào không gian cũng là quan sát trở lại trong thời gian. Chẳng hạn, hãy xem một biến cố cách xa 100 năm ánh sáng, nó đã xảy ra cách đây 200 năm trong quá khứ.
 
Nếu một sao siêu mới hình thành vào lúc ấy và nơi ấy, chúng ta có thể thấy ánh sáng của nó bởi vì nó cần 100 năm để đến với chúng ta; nhưng vì sao siêu mới ấy đã hiện hữu 200 năm nên có đủ thời gian để ánh sáng đến với chúng ta: nó đã đến từ 100 năm trước. Bây giờ hãy xem xét một sao siêu mới thứ hai hình thành cách đây 200 năm trước, nhưng ngày nay nó cách xa chúng ta hơn, chẳng hạn 500 năm ánh sáng.
 
Chúng ta không thể thấy sao siêu mới thứ hai này bởi vì ánh sáng của nó phải cần 500 năm để đến chúng ta. Trong 300 năm nữa, các nhà thiên văn học sẽ ghi nhận nó trong bầu trời” (Arthur Zajonc, trang 178-179).
 
“Để khám phá vũ trụ là vô hạn hay không, chúng ta cần một kính thiên văn lớn đến vô hạn” (George Greenstein, trang 167).
 
Trong chương 11, “Khoa học trong sự tìm kiếm một Thế giới quan”, nhà vật lý thiên thể Piet Hut nói:
 
“Tôi nghĩ rằng khoa học đã tìm thấy một mức độ cao trong việc thoát khỏi sự đồng nhất hóa. Vấn đề là, chúng ta sẽ đi đâu trong tương lai? Tôi chỉ có thể thấy rằng chúng ta đang di chuyển khỏi một khoa học của tính khách quan đến một khoa học bao hàm cả tính chủ quan lẫn tính khách quan. Lý thuyết tương đối kế tiếp hay lý thuyết chuyển hóa kế tiếp sẽ bao gồm một tính tương đối giữa đối tượng và chủ thể, giữa vật chất và tâm thức.
 
“Tôi có cảm giác mình đang leo xuống hẻm núi từ phía sườn của khoa học, và càng xuống sâu hơn tôi càng có thể thấy mặt sườn của phía kia. Nhưng tôi không thể nhảy qua. Tôi hơi sợ phải nhảy xa như vậy, nhưng từ đây tôi có thể thấy quan niệm của Phật giáo Tây Tạng về sự đồng nhất của không gian bên ngoài và bên trong – rằng chúng thực sự không khác nhau. Tôi nhận biết ngôn ngữ từ mặt sườn phía kia, và tôi thấy trong đó có cái gì rất tương tợ với điều mà tôi mong mỏi sẽ xảy ra trong ngôn ngữ khoa học trong một trăm năm tới hay hơn. Sự tìm kiếm một cái thấy rộng lớn hơn, một bối cảnh rộng lớn hơn, đó là điều khoa học sẽ sớm nghiên cứu trong một chiều sâu rất lớn hơn. Sẽ rất tốt đẹp khi nhìn vào Phật giáo và thấy chúng ta có thể được giúp đỡ những gì” (trang 209-210).
 
Trong chương 12, “Biết và Khổ”, chương cuối cùng, Piet Hut nói:
 
“Trong khoa học, nếu chúng ta đòi hỏi một thế giới quan tổng hợp, chúng ta thực sự chẳng tìm thấy cái gì cả. Những giá trị thuộc con người không có chỗ trong khoa học, ít nhất là chưa có. Cái đẹp hay ý nghĩa không hiện hữu đối với khoa học. Nói chính xác, khoa học không có một thế giới quan, chỉ có một quan điểm nhỏ bé, phần mảnh.
 
“Tôi hy vọng chúng ta có thể khám phá làm thế nào nắm lấy được những sức mạnh của khoa học – tính phổ quát và sự phát triển của nó – và thế giới quan tổng hợp, cái này là một sức mạnh của tôn giáo, rồi để chúng tỏa rộng và giao thoa với nhau” (trang 216).
 
Về phần Đức Đạt Lai Lạt Ma, quan điểm để đối thoại của ngài dựa trên Trung Đạo Hệ Quả (Prasangika Madhyamika) với vật lý học và hệ thống Kalachakra với vũ trụ học. Ngài không biện minh, không tranh luận mà chỉ hỏi về khoa học Tây phương và trình bày Phật giáo để gợi mở những chân trời cho sự tiếp xúc Đông Tây.
 
Chúng ta trích ra để thấy một vài phần của những chân trời rộng mở ấy:
 
“Bao giờ chúng ta nói về cái gì đó, hầu hết thế giới đều ẩn tàng, không được đề cập đến, thậm chí không được nhận biết, vì chúng ta đang tập chú vào một vùng rất nhỏ. Những cái như tình thương và ý nghĩa có lẽ không có ở đó dưới kính hiển vi. Nhưng chúng ta không nên ngạc nhiên là chúng ta không tìm thấy chúng ở đó bởi vì chúng ở đằng sau chúng ta, trong nơi chốn mà từ đó chúng ta đến đây” (nhà vật lý David Ritz Finkelstein, trang 194).
 
“Những nhận xét đẹp đẽ kết thúc buổi đối thoại trong ngày của David về sự chật hẹp của sự chú ý của chúng ta trong vật lý học có thể làm chúng tôi nhớ đến những vấn đề lớn hơn bao trùm các nghiên cứu khoa học của chúng tôi và chúng là một phần tổng hợp các trao đổi của chúng tôi với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những quan tâm khoa học của chúng tôi tập chú vào một phương diện nhỏ của một vũ trụ bao la trong đó chúng ta đang sống. Người ta có thể hy vọng mở rộng vòng tròn các quan hệ để bao gồm những khía cạnh không nằm dưới kính hiển vi: tình thương và ý nghĩa. Trước phiên thảo luận này Tu Weiming đã gợi lên hình ảnh đối tác đồng hành giữa nhân loại và thiên nhiên, hay một “liên doanh với thực tại”.
 
Điều ông và những người khác dường như nhắm đến là khả tính chiến thắng sự mê lầm của những ý nghĩ và cảm giác của chúng ta. Sự mê lầm đó đã đặt chúng ta lên trên, chống lại, và làm chúng ta bị chia cách vĩnh viễn với thế giới thiên nhiên còn lại. Lòng bi – khổ đau cùng, khổ đau với – là một sự chiến thắng cuộc chia cách phân ly như vậy. Trong một thế giới quan tham dự, có phần, chúng ta trở thành những người đồng sáng tạo trong ý nghĩa nào đó. Những vi tế của sự mờ nhòe lượng tử và của sự quan sát bắt đầu giống như một phần của triết học Phật giáo vốn đã trưởng thành già dặn” (trang 195).
 
Cuốn sách chấm dứt với đoạn:
 
“Những vấn đề được nêu lên trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi đã được bàn luận từ hàng thiên niên kỷ bởi những nhà khoa học, những triết gia và những thiền giả, và không nghi ngờ gì, chúng sẽ tiếp tục làm bận rộn chúng ta trong một thời gian lâu xa sắp tới. Chúng ta không cố gắng trả lời những câu hỏi về sự kiện trước mắt, mà hơn nữa đang tra vấn bản thể sâu xa nhất của thực tại, bản thể của hiểu biết, và con đường để có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Nếu như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, trách nhiệm là trong tay chúng ta, chúng ta cần trau dồi những hình thức của sự hiểu biết để giảm trừ khổ đau cho chúng ta và cho hành tinh của chúng ta…
 
“Có lẽ triết học Phật giáo đã đúng khi tìm kiếm một trung đạo giữa thuyết duy thực và thuyết tương đối. Các triết gia khác ở Tây phương cũng đã nghĩ theo cách tương tự.
 
“Tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Goethe, ‘Những sự kiện chính chúng là lý thuyết’ điều ấy chỉ ra rằng một hiện tượng đã là lý thuyết, đã thấm nhuần bởi sự thấu hiểu một khi được nhìn đúng. Chúng ta có thể nào học nhìn thế giới của mình và chính mình một cách sâu xa, trực tiếp và trọn vẹn? Chắc chắn khoa học sẽ giúp chúng ta nhìn một cách chính xác, nhưng những thấu kính đặc biệt, tinh vi và sạch bóng của nó cần phải được nhân lên và mở rộng để cho phép bản thể trọn vẹn của thế giới chúng ta tự lộ bày. Những cuộc đối thoại này là một cố gắng để làm điều đó một cách chính xác. Sáu nhà khoa học cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đàm thoại không gò bó trong năm ngày. Mọi câu hỏi đều được chấp nhận; mọi lối tiếp cận đều được tán thành. Đối với một tâm hồn tra vấn, cuộc trao đổi đã làm rung động. Đó là cách mọi tra vấn cần phải được tiến hành” (trang 222).
 
2. Về phần chúng ta
 
Mỗi người chúng ta khi theo dõi cuộc thảo luận Khoa học và Phật giáo này đều có những kết luận rất bổ ích cho mình. Ở đây chỉ phác lược một số suy nghĩ về đạo Phật ở đâu trong lòng chúng ta và trong xã hội hiện nay.
 
- Phật giáo đã sống qua văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và bây giờ là văn minh hậu công nghiệp và có mặt trên khắp thế giới với sự được quan tâm càng ngày càng nhiều. Nếu chỉ xét về mặt triết học, thì không có một hệ thống tư tưởng nào sống lâu và càng phát triển theo lịch sử loài người như vậy. Đó là lý do chúng ta phải tự đặt câu hỏi: Phật giáo có vị trí nào trong cuộc sống của chúng ta? Đâu là những ích lợi mà Phật giáo có thể cung cấp cho chúng ta? Chúng ta có hưởng thụ được Phật giáo không?
 
- Qua cuộc đối thoại này, một điều nổi bật là Phật giáo tôn trọng khoa học, mặc dù với Phật giáo, khoa học là chân lý tương đối. Phật giáo, qua Đức Đạt Lai Lạt Ma, từ bi với con người, không cuồng tín, không cố chấp, không tìm cách cho mình là đúng, không đứng trên một lập trường cố định (dù là vô thường hay tánh Không…) để bác bỏ cuộc đời thường nhật mà tìm chỗ nối kết, mở rộng diện giao thoa. Đó là thái độ bất bạo động, không xung đột, không cạnh tranh của một cái rất rộng, rất sâu với cái nhỏ hẹp, cạn cợt hơn rất nhiều. Đó cũng là sức mạnh hơn 2.500 năm của Phật giáo
 
- Chúng ta không nói hết được những gì Phật giáo biểu lộ ra trong cuộc đối thoại hiện đại này. Nhưng với người Việt chúng ta, điều quan trọng là chúng ta đang sống trong gia tài Phật giáo 2.000 năm đó. Chúng ta cần biết đến gia tài đó, kế thừa và sống bằng gia tài đó. Hơn nữa chúng ta cần làm cho nhiều người khác cùng thời sống được bằng gia tài đó, nghĩa là cần phát triển gia tài đó.
 
- Chỉ lấy một mặt của đời sống là triết học. Ai cũng biết người Việt chúng ta có điểm yếu là kém triết học, và do đó ít tư duy trừu tượng. Chỉ cần nghe, đọc (Văn) và tư duy (Tư) chứ chưa cần thực hành (Tu) triết học Phật giáo, chúng ta có thể cải thiện rất nhiều khả năng tư duy triết học, khả năng tư duy trừu tượng của chúng ta. Đó là một cách căn bản để nâng cao dân trí của chúng ta.
 
Chúng ta còn có thể khai thác được rất nhiều từ cuộc đối thoại này cho những nhu cầu hiện giờ của chúng ta. Bởi vì cuộc đối thoại ấy vẫn đang tiếp diễn và sẽ còn tiếp diễn, như lời tác giả chính của cuốn sách nói: “Những vấn đề ấy đã được bàn luận từ hàng thiên niên kỷ đến nay, và chúng sẽ tiếp tục làm bận rộn chúng ta trong một thời gian lâu xa sắp tới”.

 

Theo: Văn Hóa Phật Giáo số 123


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage