Cờ Phật giáo gồm năm sắc chính theo chiều dọc: xanh, vàng,
đỏ, trắng, vàng cam; và một sắc tổng hợp theo chiều ngang. Năm sắc tượng
trưng cho ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, huệ hàm chứa trong hào quang
của chư Phật. Sắc tổng hợp mang ý nghĩa cho sự tổng hòa và hỗ tương của
ngũ căn và là “tượng trưng lý viên dung, vô ngại của đạo Phật”1.
Lá cờ Phật giáo là do Phật tử Henry Steel Olcott phác họa vào năm
1885. Ông nguyên là đại tá hải quân Hoa Kỳ. Sau khi từ giã quân ngũ, ông
bắt đầu nghiên cứu triết học và tôn giáo phương Đông. Năm 1875, ông
cùng với bà H. P. Blavatsky sáng lập Hội Thông Thiên, nhằm đề cao tinh
thần dung hòa giữa các tôn giáo và góp phần xóa bỏ hệ thống giai cấp tại
Ấn Độ. Trụ sở chính của Hội đặt tại Adyar, thành phố Chennai, miền Nam
Ấn Độ.
Năm 1880, ông Henry Steel Olcott và bà H. P. Blavatsky đến Sri Lanka
và quy y Tam bảo. Sau khi quy y Tam bảo, ông dành trọn cuộc đời của mình
cho công cuộc phục hưng Phật giáo Ấn Độ và Sri Lanka. Mặc dù Phật giáo
đã tồn tại và phát triển tại Sri Lanka gần 2000 năm nhưng khi đô hộ Sri
Lanka, chính quyền thực dân Anh đã ngược đãi Phật giáo và thực thi nhiều
chính sách ưu tiên cho Anh giáo. Vì vậy, ông Henry Steel Olcott đã kết
hợp với cộng đồng Phật giáo Sri Lanka phát động phong trào ngăn chặn kế
hoạch “Anh giáo hóa Sri Lanka” của những nhà truyền giáo đến từ Anh
quốc. Ông đã đến Anh quốc và gởi yêu sách, đòi chính quyền Anh đáp ứng
những yêu cầu tối thiểu và tha thiết của cộng đồng Phật giáo Sri Lanka.
Trước những yêu sách chính đáng và không thể chối từ, chính quyền Anh đã
chấp nhận một số yêu sách của ông, trong đó công nhận Đại lễ Vesak là
Lễ hội chính của quốc gia. Nhận được phúc đáp chấp nhận tái tổ chức ngày
Vesak từ chính quyền Anh, ông tiến hành thiết kế một lá cờ Phật giáo
với ước nguyện lá cờ “có thể được các quốc gia Phật giáo chấp nhận như
một biểu tượng quốc tế cho tín ngưỡng của họ, giống như cây thánh giá
đối với tín đồ Thiên chúa giáo”. Sau khi được sự chấp thuận của cộng
đồng Phật giáo Colombo, lá cờ thiêng liêng của Phật giáo đã được kéo lên
đầu tiên trong Đại lễ Vesak vào ngày 27 tháng 4 năm 1885 tại tu viện
Deepaduththaramaya, Kotahena, do trưởng lão Migettuwatte Gunananda thực
hiện. Không lâu sau đó, ngọn cờ này nhanh chóng được đón nhận khắp nơi
trên quốc đảo Sri Lanka và trở thành ngọn cờ chính thức của cộng đồng
Phật giáo Sri Lanka.
Tiếp tục công cuộc phục hưng và phát triển Phật giáo Ấn Độ và Sri
Lanka, năm 1891, ngài Anagarika Dharmapala thành lập hội Maha Bodhi,
nhằm đòi lại quyền quản lý, gìn giữ và phát triển các thánh địa của Phật
giáo tại Ấn Độ, sau nhiều thế kỷ bị Ấn giáo và một số tôn giáo khác
chiếm dụng. Với những hoạt động không mệt mỏi của ngài Anagarika
Dharmapala và Hội Maha Bodhi, Phật giáo Ấn Độ đã dần dần được phục hưng,
những thánh địa của Phật giáo dần dần trở về với Phật giáo. Song hành
với sự phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ, ngọn cờ Phật giáo cũng được tung
bay trên nền trời tại những thánh địa Phật giáo do Hội Maha Bodhi quản
lý.
Năm 1950, Hội nghị Phật giáo thế giới được nhóm họp tại thủ đô
Colombo, Sri Lanka, từ ngày 25/5/1950 đến ngày 8/6/1950 nhằm “đi đến
một tổ chức Phật giáo thế giới có mục đích thống nhất các lực lượng Phật
giáo trên hoàn cầu, tìm những phương tiện thiết thực để giúp các Phật
tử thế giới, giải quyết những vấn đề quan hệ đến nhân sinh.”2
Hội nghị đã quy tụ 26 đoàn đại biểu đại diện của 26 nước Phật giáo tham
dự. Đoàn Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Tố Liên làm trưởng
đoàn. Sau 14 ngày thảo luận, Hội nghị đã thống nhất thành lập Hội Liên
Hữu Phật giáo thế giới. Toàn hội nghị đã tuyên thệ rằng: “Chúng tôi với
các Phật tử sẽ phải cố gắng đem mình làm những tấm gương trong sạch sáng
suốt giữ nền tín ngưỡng Phật giáo để làm cho tinh thần Phật giáo chung
đúc thành một khối sáng sủa mạnh mẽ khắp hoàn cầu.”3 Và lá
cờ năm sắc được đại hội công nhận là Phật kỳ của Phật giáo thế giới. Từ
đó, ngọn cờ này chính thức trở thành Phật kỳ của cộng đồng Phật giáo thế
giới.
Sau khi tiếp nhận lá cờ Phật giáo từ Hội Liên Hữu Phật giáo thế giới,
HT. Thích Tố Liên cùng Giáo hội Tăng già Bắc Việt long trọng tổ chức Lễ
Thượng Kỳ nhân ngày Phật đản Phật lịch 2514 (năm 1951), tại chùa Quán
Sứ, Hà Nội. Cùng trong năm 1951, Đại hội Phật giáo toàn quốc được triệu
tập tại chùa Từ Đàm (Huế) từ ngày 6 tháng 5 đến ngày 9 tháng 5. Phái
đoàn đại diện Giáo hội Tăng già Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật giáo Bắc
Việt do Hòa thượng Mật Ứng và Hòa thượng Trí Hải làm trưởng đoàn. Đoàn
đại biểu Giáo hội Tăng già Trung Việt và Hội Phật học Trung Việt do Hòa
thượng Tịnh Khiết và Hòa thượng Trí Quang dẫn đầu. Đoàn đại biểu Giáo
hội Tăng già Nam Việt và Hội Phật học Nam Việt do Hòa thượng Đạt Thanh
và Hòa thượng Thiện Hòa dẫn đầu. Sáu đoàn đại biểu đại diện ba miền đã
thống nhất thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, bầu Ban quản trị và
suy tôn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ. Đại hội cũng đã thống
nhất công nhận lá cờ của Hội Liên Hữu Phật giáo thế giới là Phật kỳ của
Phật giáo Việt Nam. Và sau đó, Lá cờ Phật giáo được thiết trí trang
trọng tại Đại hội Tăng Già toàn quốc tổ chức tại chùa Quán Sứ vào ngày
07 tháng 9 năm 1952. Đại hội bầu cử một Tổng Trị sự và suy tôn Hòa
thượng Thích Tuệ Tạng làm thượng thủ và tái khẳng định lá cờ năm sắc là
Phật kỳ của Phật giáo Việt Nam.
Không lâu sau đó, Phật kỳ đã được đón nhận trên toàn quốc. Trong
những dịp Đại lễ của Phật giáo, ngọn cờ luôn được thiết trí trang trọng
tại những tu viện cũng như tư gia Phật tử. Mặc dù cờ Phật giáo là biểu
trưng cho ánh hào quang của đức Phật, biểu hiện tinh thần từ bi và bình
đẳng của Phật giáo, nhưng nó bị xem là biểu tượng thách thức đối với
chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm. Vì vậy, ngày 6 tháng 5 năm 1963,
Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra thông điện số 9195 ngày 6/5/1963, “cấm
treo cờ Phật giáo”. Thông điện cấm treo cờ Phật giáo trong mùa Phật đản
là một hành động xúc phạm đối với Phật giáo đồ và là một hành động mở
màn cho cuộc đàn áp nhằm tiêu diệt Phật giáo của chế độ gia đình trị Ngô
Đình Diệm. Sau lệnh khẩn truyền đi từ văn phòng Tổng thống Ngô Đình
Diệm, lực lượng cảnh sát Huế đã bắt đầu thực hiện lệnh triệt hạ cờ Phật
giáo tại các tư gia Phật tử. Nhưng ngày rằm tháng 4 (8-5-1963) Tăng Ni
và Phật tử vẫn tiếp tục đại lễ rước Phật hoành tráng, diễn hành từ chùa
Diệu Đế về chùa Từ Đàm. Đại lễ chính thức được cử hành tại chùa Từ Đàm
với sự chứng minh và tham dự của Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Giác
Nhiên cùng hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử. Tối hôm đó, chính quyền đã tiến
hành chiến dịch đàn áp dã man tại đài phát thanh Huế, làm 8 người thiệt
mạng.
Để phản đối hành động xúc phạm, đàn áp Phật giáo, và nêu cao ý chí
bảo vệ chánh pháp, bảo vệ lá cờ thiêng liêng, ngày 10 tháng 5 năm 1963,
Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Tổng trị sự Giáo hội Tăng già Việt Nam, Ban
Trị sự tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên, Tổng trị sự Giáo hội Tăng già
Trung phần và Ban trị sự Giáo hội Tăng già Thừa Thiên công bố Bản tuyên
ngôn, yêu cầu chính phủ thực thi 5 nguyện vọng tối thiểu và tha thiết
nhất của Phật giáo đồ toàn quốc; đồng thời tuyên bố “sẵn sàng hy sinh
cho đến khi nào những nguyện vọng hợp lý được thực hiện”. Điểm thứ nhất
trong Bản tuyên ngôn yêu cầu chính phủ “thu hồi vĩnh viễn công điện
triệt giáo kỳ của Phật giáo”.
Chính quyền Ngô Đình Diệm không những không thực thi những nguyện
vọng thiết tha của Phật giáo mà còn mở những cuộc tấn công quy mô và dã
man hơn trên toàn lãnh thổ. Tăng Ni và Phật tử tiếp tục cương quyết bảo
vệ chánh pháp và bảo vệ ngọn cờ thiêng liêng trong tinh thần đấu tranh
bất bạo động. Cuộc đấu tranh bất bạo động đã lan rộng khắp miền Trung và
miền Nam. Trong Tâm thư phát nguyện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức
gởi Hội đồng giáo phẩm Giáo hội Tăng già Việt Nam đề ngày 27 tháng 5 năm
1963, Hòa thượng ghi: “… Phật giáo Việt Nam bất diệt! Lá cờ Phật giáo
không thể bị triệt hạ!… chuyển tới toàn thể tín đồ lời ước nguyện cuối
cùng của chúng tôi: Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự nguyện tự giác,
bền chí với sứ mạng duy trì Chánh pháp và bảo vệ lá cờ Phật giáo.” Hòa
thượng được sự chấp thuận của Hội đồng giáo phẩm, đã tự thiêu để bảo vệ
chánh pháp và Phật kỳ vào ngày 11 tháng 6 năm 1963.
Công cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo đã thành công, Chánh
pháp tiếp tục được phổ biến, ngọn cờ thiêng liêng tiếp tục tung bay. Từ
đó đến nay, Tăng Ni và Tín đồ Phật giáo Việt Nam luôn xem lá cờ sáu sắc
là Phật kỳ của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói
chung. Lá cờ Phật giáo là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo đồ khắp
năm châu. Trong quá khứ cận đại, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã hy sinh
nhiều xương máu để bảo vệ ngọn cờ thiêng. Ngày nay, chúng ta gìn giữ và
tiếp tục bảo vệ Phật kỳ của Phật giáo là hành động phát huy chân lý từ
bi và bình đẳng; đồng thời, thể hiện sự hòa hợp với cộng đồng Phật giáo
thế giới.
Hạnh Phước
------
1. HT. Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam
2. Theo Ký sự của HT. Thích Tố Liên được đăng tải tại
www.phatviet.com
3. Địa chỉ đã dẫn