Phật Học Online

Hỏi đáp về vấn đề thờ Thổ Địa và Thần Tài

Hỏi: Tôi vừa mới thuê nhà để kinh doanh và gặp vấn đề sau: Chủ nhà (ở trên lầu), muốn giữ nguyên vị trí bàn thờ ông địa thần tài đang có, còn tôi (ở dưới trệt) lại muốn ông ấy dời bàn thờ hiện hữu đi nơi khác để tôi thỉnh ông địa thần tài của tôi về. Nhưng chủ nhà sợ như thế ông ấy sẽ mất lộc. Xin hỏi trong trường hợp này tôi có thể cúng ông thần tài của chủ nhà như của mình được không, hoặc cùng lúc cúng cả hai bàn thờ luôn thì có sợ… xung đột gì chăng? Tôi nghe nói Thổ địa và Thần tài thì mỗi hộ chỉ có một mà thôi, nhờ mục phong thủy của quý báo trả lời giúp. (Ngọc Khang, P Cầu Kho, Q.1. TP.HCM).

Đáp: Sau tục thờ Táo quân (thần bếp) thì người Việt ta lâu nay còn phổ biến tục thờ thần Đất (Thổ thần). Đối với cư dân nông nghiệp, thần Thổ địa Bản gia cũng chính là thần cai quản việc sản sinh ra ngũ cốc hoa màu, tức là đem lại sự no ấm, phồn thịnh cho con người, nên trước kia Thổ địa cũng được coi là thần Tài lộc. Khi kinh tế hàng hóa phát triển, Thần tài được xem như một vị thần chuyên trách tiền bạc (khởi phát từ các thương nhân người Hoa). Từ những lý do đó, với người Việt, Thần tài và Thổ địa được thờ chung với nhau như cặp đôi tượng trưng cho thổ sinh kim, mong muốn tốt lành cho công việc làm ăn.

Vì thế có thể xem như Thần tài và Thổ địa tuy hai mà một và tuy một mà hai. Cũng vì là tín ngưỡng thờ thần cai quản đất đai và thần cai quản tiền tài là của một ngôi nhà, cuộc đất cụ thể, cho nên Thần tài và Thổ địa của mỗi ngôi nhà không cần phải thay đổi theo gia chủ. Cũng như Thành hoàng cai quản làng xóm bao đời vẫn vậy thôi, cho dù nhân khẩu làng xóm đó có thể thay đổi, người đến kẻ đi làm sao biết được.

Vì vậy trong trường hợp nêu trên, nếu gia chủ không hề muốn thay đổi thì tại sao bạn là người đến thuê nhà lại muốn thay vào cuộc đất ấy - ngôi nhà ấy - vị trí ấy một ông Địa - Thần tài từ nơi khác đến? Bạn có thể cúng ông Thần tài và Thổ địa của bạn tại… nhà riêng của bạn, cũng như gia chủ đó giữ Thần tài của họ vậy thôi. Mỗi ngày bạn cúng bàn thờ ông Địa - Thần tài tại nơi kinh doanh của mình là hướng đến sự an lành, thịnh vượng tại nơi đó, bạn được tốt thì người chủ nhà cũng hưởng lợi vậy. Vấn đề này mang tính chất tín ngưỡng dân gian là chính, chứ không phải có cái bàn thờ là quyết định được mọi việc.

Theo Thạc sĩ - KTS Hà Anh Tuấn (TN)

* Vấn đề thờ ông Địa và Thần Tài

Hỏi: Kính bạch thầy, lâu nay con có một thắc mắc, quý thầy thường dạy, người Phật tử sau khi quy y, trong nhà chỉ thờ Phật thôi. Thế nhưng, con thấy có nhiều Phật tử trong nhà vẫn còn thờ ông Địa và ông Thần Tài. Con muốn biết nguồn gốc ông Địa và ông Thần Tài như thế nào mà người Phật tử phải thờ? Và thờ như thế có lỗi gì không? Kính mong thầy hoan hỷ giải đáp cho con hiểu.

Đáp: Qua câu hỏi của Phật tử, Phật tử chỉ nêu ra trong phạm vi Phật tử của mình, nên chúng tôi cũng chỉ xin trả lời và nhắc nhở trong phạm vi giới hạn của Phật tử mình thôi. Ngoài ra, thì chúng tôi không dám có ý đề cập đến bất cứ ai. Đó là chúng tôi tôn trọng niềm tin của mỗi người.

Có nhiều Phật tử quy y mà không quan tâm ghi nhớ những lời quý thầy giảng dạy trong khi làm lễ quy y. Khi quy y, quý thầy y theo Kinh có nêu ra và chỉ dạy rất rõ: Trong Tam quy y, quy y đầu tiên là quy y Phật. Quy y Phật, thì người Phật tử nguyện suốt đời chỉ quy y Phật thôi, tuyệt đối, không được quy y Thiên, Thần, Quỷ, Vật. Đó là lời phát nguyện của Phật tử nói trước Tam Bảo.

Thế mà, sau khi quy y rồi, có lẽ, một, là vì lu bu bận rộn lo tính toán với nhiều công việc làm ăn, nên Phật tử đó quên những gì mà mình đã phát nguyện, nay lại thỉnh ông Địa và ông Thần Tài về thờ trong nhà. Hai, là vẫn nhớ, nhưng vì không bỏ được cái tập tục thờ cúng các vị Thần nầy. Vì muốn thờ các vị Thần nầy phụ lực với Phật phò hộ thêm cho mình và gia đình luôn được bình an, mua may bán đắt, tiền vô như nước.

Nếu quả thật thờ Thần Tài mà ổng hộ độ cho mình được giàu có, tiền vô trong túi ào ào, thì mấy nhà sản xuất ông Thần Tài chắc là họ phải giàu to, trên đời không ai sánh kịp. Thử hỏi mấy ông đó, có thật giàu to không? Và thật sự ông Thần Tài có phò hộ cho mấy ổng không? Hay là mấy ông đó cũng phải làm ăn trối chết mới kiếm ra tiền.

Nói thế, để Phật tử thấy rằng, tuy Phật tử đó đã quy y Tam Bảo, nhưng lòng tin Tam Bảo và tin nhân quả không được vững chắc. Đây cũng là bệnh chung của đa số Phật tử chúng ta chưa có đủ niềm tin nơi Tam Bảo và lý nhân quả nên mới có tình trạng thờ ông nầy ông kia.

Trở lại vấn đề, Phật tử hỏi về nguồn gốc của hai ông nầy, theo chỗ tìm hiểu của tôi, thì cho đến hôm nay, người ta cũng chưa khẳng quyết rõ ràng về nguyên lai của hai vị Thần nầy. Đại khái, có nhiều thuyết quan điểm khác nhau. Ở đây, tôi chỉ xin nêu ra một số nét chung về xuất xứ của tập tục thờ tự nầy. Thật ra, tập tục thờ Thần đối với người Việt Nam cũng đã có từ lâu đời. Có thể nói, từ khi có người Việt là đã có đạo thờ Thần. Cũng như các dân tộc khác, người Việt Nam quan niệm và tin tưởng mỗi một hiện tượng là có một vị Thần ngự trị cai quản. Như Thần Thổ Địa hay còn gọi là Thổ Công là vị Thần cai quản đất đai trong khu vực vườn tược nhà cửa. Trong dân gian có câu: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Ngoài Thổ Công, các vị Thần khác cũng được người ta thờ tại nhà như Thần Tài, Tiên Sư, Tiên Chủ, Đức Thánh Quan v.v…

Thổ Công là một vị Thần được dân gian thờ cúng rất quan trọng. Vì vị Thần nầy trông coi gia đình, dự định họa phúc. Trong gia đình muốn được bình an, và ruộng vườn muốn được sung túc, tất cả đều do Thần Thổ Công trông coi và phò hộ. Về hình tượng tôn thờ, có khi là một ông già to béo (ông Địa) bụng phệ, vẻ mặt hiền lành, miệng cười thoải mái. Có lúc, tượng Thổ Địa được thể hiện dưới hình thức râu tóc bạc phơ, mặc áo dài, đội mũ mỏ quạ, râu trắng như cước. Sở dĩ có những hình tượng sai khác như thế, là do ảnh hưởng văn hóa của từng khu vực. Đạo giáo rất coi trọng và siêng năng thờ cúng vị Thần nầy.

Còn Thần Tài, theo tập tục dân gian cho rằng, vị Thần nầy đem lại tài lộc cho mọi người. Thông thường những nhà kinh doanh thương mãi, người ta rất quý trọng thờ vị Thần nầy. Đây là một tập quán tín vọng, xưa bày nay theo, cứ thế mà thờ, còn việc linh ứng có không tùy ở nơi người tin. Về bàn thờ của 2 vị Thần nầy, người ta chỉ thờ ở một góc khuất nào đó trong nhà hay trong shop, không cần phải bài trí ở chỗ cao ráo. Thường ở Việt Nam, có một số nơi, người ta thờ chung hai vị Thần nầy, chớ không thờ tách riêng, vì theo họ, tài và lợi phải đi đôi với nhau. Thổ Công thuộc về lợi, Thần Tài thuộc về tài. Khi thờ chung, chúng ta thấy có đôi câu đối dán trước bàn thờ hai ông như thế nầy: “Thổ năng sinh bạch ngọc, Địa khả xuất hoàng kim”. Nghĩa là : Đất thường sinh ngọc tốt, vàng ròng cũng từ đất mà ra.

Rãi rác trong các Kinh điển Phật giáo, đôi khi cũng có đề cập đến các vị Thần. Như Kinh Địa Tạng cũng có nêu ra rất nhiều vị Thần. Tuy nhiên, theo Phật giáo, Quỷ Thần cũng là một trong nhiều loài chúng sanh. Cho nên, Phật dạy người Phật tử không được quy y với các vị Quỷ Thần. Người Phật tử, sau khi quy y Tam Bảo, trong nhà chỉ nên thiết lập một bàn thờ Phật và nếu có thờ thêm, thì cũng chỉ thờ tổ tiên, ông bà, hay cha mẹ mà thôi. Ngoài ra, không nên thờ bất cứ vị Thần nào khác. Vì thờ như thế, là trái với lời Phật Tổ dạy. Đã chống trái lại, tất nhiên, là mình đã có lỗi rồi. Nếu là Phật tử, thì chúng ta nên lưu tâm về vấn đề nầy. Có thế, thì chúng ta mới xứng danh mình là người Phật tử chơn chánh tu học Phật vậy.

Thích Phước Thái


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage