Bệnh viện” tại chùa
Tại phòng khám khu Đông y, BS. Trương Vân Hùng, Việt kiều hồi hương,
đang khám cho một BN bị tai biến. Kế đó, ở hàng ghế đợi, có 4 công nhân
cũng đang chờ đến lượt mình. Anh Minh Thành, quê ở Nghệ An cho biết, anh
vào làm công nhân cho một công ty lắp ráp điện tử, bị nhiễm độc thần
kinh do hóa chất, lúc nào đầu óc cũng choáng váng, mệt mỏi, chân tay bại
đi như liệt nên không thể lao động được. “Đã mấy lần tưởng không thể
làm việc được phải về quê, may mà mình đến khám và được các BS ở đây
chạy chữa và cho thuốc. Giờ khỏe dần ra rồi!”, anh hồ hởi cho biết.
Trong khi đó, tại phòng châm cứu, BS. Kim Cúc, nghỉ hưu từ BV Quân y
175 đang trực tiếp châm cứu và hướng dẫn các y, BS trẻ (mới ra trường về
đây công tác) điều trị châm cứu cho hàng chục BN. Tại phòng vật lý trị
liệu, BS. Lê Trinh, nguyên Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV. Hữu
Nghị, Hà Nội cũng đang cho các BN luyện tập bằng máy hỗ trợ và ghế tập
hiện đại. “Nhiều BN là công nhân và người lao động bị bệnh lý về cột
sống rất nặng. Nếu không điều trị sớm thì chỉ thời gian ngắn nữa họ sẽ
không thể làm việc nặng được”, BS. Trinh cảm thông chia sẻ.
Ni sư - BS. Liên Thanh đang khám bệnh cho người già neo đơn
tại PKĐK Long Bửu. |
Tại khu khám Tây
y, các ghế nha khoa, phòng khám tai mũi họng cũng đều chật kín BN. Phòng
khám tim mạch cũng tiếp nhận rất nhiều cụ già chống gậy vào khám bệnh…
Công việc cứ nhộn nhịp mỗi ngày như thế!
Thành lập năm 2002, PKĐK Long Bửu đi vào hoạt động trên khuôn viên
chùa Long Bửu 600m2 gồm 5 khu vực: Tây y (gồm các khoa nội, ngoại, tổng
quát, tim mạch, sản, tai mũi - họng, vật lý trị liệu...), Xét nghiệm
(chẩn đoán), Đông y, Dinh dưỡng (bếp ăn tình thương và những người già
lang thang cơ nhỡ) và An dưỡng (dành cho các chư tôn, tăng ni) như một
bệnh viện thực sự. Cho đến nay, trải qua 7 năm hoạt động, phòng khám đã
khám, chữa bệnh và phát thuốc cho hơn 200 ngàn lượt người, chủ yếu là
người nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các công nhân, người lao
động tại các khu công nghiệp lân cận. Chỉ tính riêng 5 năm qua, phòng
khám đã điều trị, cấp thuốc miễn phí, tặng quà, tặng trang thiết bị y tế
cho các cơ sở y tế với tổng trị giá trên 8,5 tỷ đồng. Việc làm này vẫn
được duy trì và phát triển vì ngày càng có nhiều nhà hảo tâm biết đến
hoạt động của chùa. Hiện PKĐK Long Bửu còn là đối tác, chiếc cầu nối với
nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế như: Apape Foundation (Thụy Điển), Long
Bửu Charity Foundation (Úc), American Club (Mỹ)... và đã nhận được sự
giúp đỡ về kiến thức chuyên môn, thuốc men, trang thiết bị hiện đại.
Cũng từ sự hỗ trợ của các tổ chức này, phòng khám đã tiếp nhận xe lăn,
xe đẩy, xe trợ đi, xe lăn điện, giường inox... đem đến trao tặng người
khuyết tật ở 15 tỉnh thành trong nước như: Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Thuận,
Bến Tre, Bạc Liêu...
Blouse trắng và chiếc áo Ni Sư
“Người mẹ” khai sinh ra PKĐK Long Bửu, cũng đồng thời là Trụ trì chùa
Long Bửu, Ni sư - BS. Liên Thanh (thế danh Nguyễn Thị Kim Anh) mồ côi
cả cha và mẹ từ lúc 7 tuổi. Nhờ sự nuôi dưỡng tu tập trong nhà chùa từ
miền Trung, miền Tây đến Bình Dương, ni sư đã học tập và tốt nghiệp Cao
cấp Phật học tại Học viện Phật giáo TP.HCM, Cử nhân Ngữ văn Trường Đại
học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), Thạc
sĩ Sử học Viện Khoa học Xã hội. Đặc biệt, ni sư Liên Thanh đã theo học
BS chuyên khoa Tim mạch Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Hiện nay, ni sư
đang tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ y khoa. “Chùa là đất lành. Ngoài
chuyên môn y khoa, các y, BS nơi đây luôn tâm niệm chữa bệnh bằng cái
tâm. Tạo phúc và tích đức để làm chỗ nương tựa cho người nghèo”, ni sư
tâm sự.
Về trụ trì chùa Long Bửu vào cuối năm 1999, hạnh nguyện của ni sư
Liên Thanh là muốn đem sở học của mình trong việc chăm sóc sức khỏe
người nghèo, làm một chiến sĩ từ thiện xã hội, chữa trị tâm bệnh và thân
bệnh cho chúng sinh. Lúc mới về, nơi này rêu phong cỏ mọc, hoang vắng
mịt mùng, một thân một mình, chỉ có chiếc xe đạp và mảnh vải ni lon, ni
sư lại trải bên hông chánh điện của chùa, đêm đêm nghe tiếng côn trùng,
tiếng mưa rơi gió thổi. Ni sư trăn trở và suy nghĩ, ngoài việc cứu độ
tâm bệnh của nhân sinh bằng đạo pháp của Phật Thích Ca truyền dạy thì
còn phải cứu độ thân bệnh của nhân sinh bằng y thuật chuyên môn mà chính
bản thân mình rèn luyện. Để thực hiện chí nguyện cao cả ấy, ni sư đã
quyết định ngay từ bước đầu cần phải mở một phòng khám từ thiện rồi tiến
đến sẽ thành lập một BV nhân đạo, một dưỡng đường nhằm phục vụ cho dân
nghèo khi đau yếu, cho người già yếu neo đơn khi bệnh tật và chăm sóc
sức khỏe cho các bậc chư tôn, lão thành nhà Phật... Năm 2001, bằng tiền
dành dụm cùng sự hỗ trợ của chính quyền, các nhà hảo tâm, ni sư xây dựng
PKĐK từ thiện Long Bửu. Phòng khám hoạt động dưới sự quản lý của Sở Y
tế Bình Dương.
Thấm sâu tâm đạo, mở lòng với việc đời, “nếu không có lý tưởng, không
có ý chí kiên cường thì không thể nào làm được… Chọn sự khó khăn để
phục vụ, đó là niềm vui lớn của người đưa đạo vào đời. Ni sư - BS. Liên
Thanh đã có một nghị lực phi thường, dấn thân vào cộng đồng để đưa Y tế
phục vụ cộng đồng”, Đạo sư Duy Tuệ, đại diện cho Hiệp Hội CLB UNESCO
Việt Nam trong lễ trao tặng bằng khen của tổ chức này cho Ni sư - BS.
Liên Thanh vào 2003 đã trân trọng nói về vị đồng môn của mình như thế!
Tại triển lãm Y tế Phật giáo trong khuôn khổ Đại hội ni sư thế giới
có hẳn một nơi trưng những poster về lúc thiếu thời, đi học đến lúc nhận
bằng cử nhân y khoa của BS. Liên Thanh, cùng hình ảnh hoạt động của
PKĐK Long Bửu… khiến các tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước vô cùng tự
hào, vì người con của Phật mang tấm lòng Bồ tát để cứu giúp dân nghèo.
Bài và ảnh TUÂN NGUYỄN (Sức
khỏe&đời sống)