Phật Học Online

Sự thật của cuộc đời.

Chúng ta sống trong một thế giới chao đảo không quân bình. Nó không đầy hoa hồng mà cũng chẳng hoàn toàn gai góc. Hoa hồng mềm mại, đẹp đẽ và thơm ngát, nhưng trên cọng cây hoa mọc thì đầy gai. Vì hoa hồng, ta quảng đại với gai. Tuy nhiên, ta không coi rẻ hoa hồng về chuyện hoa hồng có gai.

Với người lạc quan, thế giới này tuyệt đối là tươi vui như hoa hồng; với người bi quan, thế giới này hoàn toàn gai góc. Nhưng với người thực tế, thế giới không hoàn toàn tươi vui như hoa hồng mà cũng chẳng hoàn toàn gai góc. Nó đầy dẫy hoa hồng đẹp và gai nhọn.

Một người hiểu biết không say đắm bởi cái đẹp của hoa hồng, nhưng nhìn nó như đúng nó là như vậy. Biết rõ bản chất của gai, người đó nhìn chúng đúng là như vậy, và cẩn thận để khỏi bị gai làm đau.

Giống như quả lắc nó luôn luôn chuyển động từ phải sang trái, bốn hoàn cảnh thuận tiện và bốn hoàn cảnh không thuận tiện lan tràn trong thế giới này. Bất kể ai, không chừa một người nào, đều phải trực diện vói các hoàn cảnh ấy trong dòng đời. Những hoàn cảnh ấy là:

* được (labha), và thua (alabha)
* danh dự (yasa) và mất danh dự (ayasa)
* thưởng (pasamsa) và phạt (ninda)
* hạnh phúc (sukha) và khổ cực (dukkha)

Ðược và Thua

Các doanh nghiệp, theo nguyên tắc, phải lệ thuộc vào cả hai lỗ và lãi. Ðương nhiên thấy thỏa mãn nếu được hay có lãi. Trong điều này tự nó không có gì sai cả. Lợi nhuận như vậy sinh một lô ý thích mà một người bình thường hay săn tìm. Không có những giây phút lạc thú, tuy chỉ là tạm thời, cuộc đời không đáng để sống. Trong thế giới tranh đua và chao đảo này, người ta phải được vui hưởng một loại hạnh phúc nào đó làm con tim sung sướng. Hạnh phúc như vậy, dù là vật chất, dẫn đến khỏe mạnh và sống lâu.

Vấn đề phát sanh trong trường hợp thua lỗ. Lời thì cười, nhưng thua lỗ thì không. Thua lỗ làm cho tinh thần thống khổ và đôi khi có khuynh hướng tự tử phát sanh khi thua lỗ không thể chịu đựng được. Trong trường hợp trái ngang như vậy, ta phải tỏ ra có tinh thần mạnh, can đảm, duy trì tinh thần quân bình thích hợp. Tất cả chúng ta đều lúc lên lúc xuống trong khi tranh đấu với đời. Ta phải sẵn sàng chấp nhận điều tốt cũng như điều xấu. Như vậy ta sẽ ít thất vọng.

Trong thời Ðức Phật, một mệnh phụ quý phái cúng dường đồ ăn cho Ngài Xá Lợi Phất và một số chư tăng. Trong khi đang dâng thực phẩm cúng dường, bà nhận được giấy báo tin bất hạnh đã xẩy ra cho gia đình bà. Không chút rối loạn, bà bình tĩnh bỏ lá thư vào túi rồi vẫn tiếp tục dâng thức ăn đến quý thầy như không có chuyện gì xẩy ra. Một nữ tỳ mang một bình quý sữa để dâng quý thầy, vô ý trượt té và làm vỡ bình sữa. Nghĩ rằng bà này sẽ không khỏi phiền não vì bình sữa quý bị vỡ, Ngài Xá Lợi Phất liền khuyên giải bà và nói rằng tất cả những gì có thể vỡ được thì một ngày nào đó cũng sẽ bị vỡ. Bà nói: "Thế nào là cái mất không đáng kể? Tôi vừa nhận được tin bất hạnh đã xẩy ra cho gia đình tôi. Tôi chấp nhận, tôi vẫn bình tĩnh. Tôi vẫn tiếp tục hầu hạ quý Ngài mặc dù nhận được tin buồn". Sự dũng cảm của người đàn bà can đảm này đáng được ca ngợi.

Một lần, Ðức Phật đi khất thực tại một làng. Do sự can thiệp của Mara, ma vương tội lỗi, Ðức Phật không nhận được chút đồ ăn nào cả. Khi Mara hỏi Ngài khá châm biếm, "Ngài có đói không?". Ðức Phật vui vẻ giải nghĩa thái độ tinh thần của những ai thoát khỏi mọi chướng ngại, Ngài đáp: "Sung sướng thay, chúng ta sống không bị điều gì chướng ngại. Ta thường sống an vui như các vị thần ở cõi trời Quang Âm".

Một dịp khác, Ðức Phật và các đệ tử của Ngài an cư vào mùa mưa tại một làng theo lời mời của một người Bà La Môn, người này quên hẳn bổn phận tiếp tế vật thực cho Ðức Phật và Tăng Già. Trong suốt ba tháng, Ngài Mục Kiền Liên đã phải xung phong dùng thần thông đi xin đồ ăn, thế mà Ðức Phật không hề có một lời phàn nàn và chịu dùng cỏ khô của ngựa do một ông lái ngựa cúng dường.

Thua lỗ ta phải vui vẻ cam chịu với cái hùng của đấng nam nhi. Bất hạnh ta phải đối đầu với chúng, và thường là cả nhóm chứ không một mình. Ta phải trực diện với chúng với bình thản và lấy nó làm một cơ hội để trau dồi đức hạnh cao siêu này.

Danh Dự và Mất Danh Dự

Danh dự và mất danh dự là một cặp hoàn cảnh trần thế không thể tránh được mà ta phải đương đầu trong đời sống hàng ngày.

Danh dự hay nổi tiếng, chúng ta thích thú, mất danh dự chúng ta ghét. Danh dự làm tim ta vui sướng; mất danh dự làm tim ta buồn đau. Chúng ta ham thích trở nên nổi tiếng. Nhiều người ao ước thấy hình ảnh của mình trên tạp chí bằng bất cứ giá nào. Chúng ta hết sức vui mừng, khi thấy những hoạt động của chúng ta tuy không nghĩa lý gì, lại được đem ra quảng bá. Ðôi khi chúng ta đã tìm sự quảng bá quá mức.

Nhiều người lại lo lắng khi thấy hình của mình trên các báo chí. Muốn có danh dự, nhiều người sẵn sàng lo lót hay cho các món tiền lớn lao cho những người có quyền hành để làm cho thiên hạ biết đến, một số người trưng bày lòng hảo tâm bằng cách cúng dường cả trăm thầy tu hay nhiều hơn nữa; nhưng họ lại hoàn toàn lạnh nhạt trước sự đau khổ của người nghèo, kẻ thiếu thốn nơi xóm giềng.

Ðó là những nhược điểm của con người. Ða số có những động cơ kín đáo. Những người vị tha hành động không vụ lợi rất hiếm trên thế giới này. Hầu hết người trần tục đều giữ bí mật để dùng khi cần đến. Vậy thì, ai là người hoàn toàn tốt? Có bao nhiêu người thật tâm trong sạch về những động cơ của họ? Có bao nhiêu người thật sự có lòng vị tha?

Chúng ta không cần đi săn tìm danh tiếng hay danh dự. Nếu chúng ta đáng được danh dự, danh dự sẽ đến chẳng cần phải tìm cầu. Con ong bị thu hút bởi hoa nặng trĩu mật. Hoa không mời ong.

Quả là đúng, chúng ta tự nhiên cảm thấy hạnh phúc, và còn hơn thế nữa, cực kỳ sung sướng khi danh của ta lan xa lan rộng khắp. Nhưng chúng ta phải nhận thức rằng sự nổi danh, danh dự và vinh quang ấy sẽ qua đi. Chúng tiêu tan và loãng trong không khí.

Về mất danh dự thì ra sao? Mất danh dự không khoan khoái gì cho tai nghe và tâm ý. Chắc chắn chúng ta xao xuyến khi những lời thô lỗ hay bất kính chọc vào tai ta. Cái đau của tâm ý còn to lớn hơn khi cái gọi là báo cáo bất công và sai hoàn toàn.

Thường phải mất nhiều năm mới xây được một tòa nhà lộng lẫy. Trong một hay hai phút, với vũ khí phá hoại hiện đại dễ dàng làm tòa nhà đó tiêu tan. Phải mất nhiều năm hay suốt cả đời mới xây dựng được sự trọng vọng. Trong nháy mắt tên tuổi khó khăn mới tạo nên có thể bị hư hoại. Không ai có được miễn trừ trước lời nhận xét tàn phá bắt đầu với cái "nhưng". Phải, ông ta rất tốt, ông ta làm cái này cái kia, nhưng toàn bộ hồ sơ tốt của ông ta bị nhuộm đen bởi cái gọi là "nhưng". Bạn có thể sống một đời như Ðức Phật nhưng không được miễn trừ những lời phê bình, tấn công và lăng mạ.

Ðức Phật là người nổi tiếng nhất, nhưng cũng là người bị nói xấu nhất thời bấy giờ. Một số người chống đối Ðức Phật phao tin một phụ nữ thường ngủ đêm trong tu viện. Thất bại trong vụ mưu toan hèn hạ này, chúng phao tin đồn trong dân chúng là Ðức Phật và các đệ tử của Ngài giết chết người đàn bà đó và chôn xác trong đống rác hoa tàn héo trong tu viện. Những kẻ âm mưu sau này xác nhận chính chúng là thủ phạm.

Khi sứ mạng lịch sử của Ngài thành công, và khi nhiều người đến xin thọ giáo với Ngài, những kẻ thù phỉ báng Ngài nói Ngài cướp mẹ của những đứa con, chia lìa vợ chồng, và cản trở sự tiến bộ của quốc gia.

Thất bại trong tất cả âm mưu làm tổn thương đặc tính cao thượng của Ngài, người anh em họ với Ngài, Ðề Bà Ðạt Ða, một đệ tử ganh ghét Ngài, âm mưu giết Ngài bằng cách lăn một tảng đá từ trên cao nhưng thất bại trong mưu toan này.

Nếu đó là số phận buồn phiền của Ðức Phật không tỳ vết, toàn bích, vậy số phận sẽ thế nào với một con người bình thường chưa hoàn hảo?

Bạn càng trèo cao bao nhiêu, bạn càng làm cho người khác để ý đến. Sau lưng bạn để lộ ra nhưng mặt bạn bị che lấp. Thế giới soi mói sẽ phô bày những nhược điểm và lo âu của bạn nhưng phớt lờ đức hạnh nổi bật của bạn. Gió thổi cái vỏ đi nhưng giữ lại hạt, cái lọc, trái lại giữ lại phần thô nhưng để thoát đi nước. Người văn hóa lấy cái tinh tế và bỏ đi cái thô, người không văn hóa lấy cái thô nhưng bỏ đi cái tinh tế.

Khi bạn bị xuyên tạc một cách cố ý hay không, hãy nhớ đến lời khuyên của Epictetus để nghi hay nói như sau "Ồ, bởi sự hiểu biết hời hợt của họ và cái kiến thức yếu ớt của tôi, tôi bị phê bình chút ít. Nếu tôi biết nhiều hơn nữa, ắt hẳn tôi sẽ bị buộc tội nghiêm trọng hơn và lớn hơn nhiều."

Không cần thiết phải phí phạm thì giờ để cải chính những báo cáo sai lầm trừ phi những hoàn cảnh bắt buộc bạn cần thiết sự sáng tỏ. Kẻ địch sẽ hài lòng khi nhìn thấy bạn bị đau. Ðó là điều kẻ địch mong muốn. Nếu bạn dửng dưng, những xuyên tạc như vậy sẽ rơi vào những lỗ tai điếc.

* Thấy lỗi người khác, ta nên cư xử như một người mù.

* Khi nghe thấy những lời bình phẩm bất công của người khác, chúng ta nên xử sự như một người điếc.

* Nói xấu về người khác, ta nên cư xử như người ngu.

* Không thể nào có thể ngăn chận những lời buộc tội, tin đồn và rỉ tai sai lầm.

Thế giới đầy rẫy chông gai và sỏi đá. Không thể nào chuyển chúng hết đi được. Nhưng nếu chúng ta phải bước vào những chướng ngại ấy, thay vì cố gắng loại bỏ chúng đi là không thể được, hãy theo lời khuyên nên mang một đôi giày để bước cho khỏi bị đau.

Giáo pháp dạy:

*Giống như sư tử không run sợ trước những tiếng động

*Giống như luồng gió không bám víu vào mắt mắt lưới.

*Giống như hoa sen không bị hôi tanh bởi bùn nơi nó mọc lên.

* Ði lang thang một mình như con tê giác.

* Như chúa sơn lâm, sư tử không hề biết sợ. Do bản chất chúng không sợ hãi trước những tiếng rống của các con vậy khác. Trong thế giới này, chúng ta có thể nghe những báo cáo trái ngược, lời kết tội sai lầm, lời nhận xét đê hèn của những giọng lưỡi buông lung. Giống như sư tử, ta không nên nghe. Giống như cái bu mơ rang (đòn bẩy) ném ra rồi sẽ quay về chỗ cũ, tin đồn sai lầm sẽ chấm dứt nơi chúng phát sanh.

* Chó sủa, nhưng khách lữ hành vẫn tiến bước.

Chúng ta đang sống trong một thế giới vẩn đục bùn nhơ. Nhiều đóa hoa sen mọc từ đó nhưng không nhiễm bùn nhơ, chúng tô điểm thế giới. Giống như hoa sen, ta cố gắng sống cuộc đời cao thượng không ai chê trách được, không quan tâm tới bùn nhơ có thể ném vào chúng ta.

* Chúng ta nghĩ sẽ bị ném bùn nhơ thay vì hoa hồng. Như vậy chúng ta không bị thất vọng.

* Dù khó khăn chúng ta nỗ lực trau dồi không luyến chấp. Một mình chúng ta đến, một mình chúng ta đi. Không luyến chấp là hạnh phúc trên thế giới này.

* Không quan tâm dến những mũi tên độc phóng ra bởi giọng lưỡi buông lung, một mình chúng ta lang thang phục vụ người khác với hết khả năng.

* Thật là lạ lùng những vĩ nhân bị phỉ báng, nói xấu, đầu độc, hành xác và bị bắn. Nhà hiền triết vĩ đại Socrates bị đầu độc. Jesus Christ cao thượng bị đóng đinh tàn nhẫn trên thập tự giá. Mahatma Gandhi không hại ai bị bắn.

Vậy thì, nguy hiểm là một người thiện? Ðúng! Trong khi còn sống họ bị công kích, tấn công và bị giết. Sau khi chết họ được tôn sùng như thần thánh và vinh danh.

Ðại trượng phu không màng tới danh dự hay mất danh dự. Họ không rối trí khi bị công kích hay phỉ báng vì họ làm không phải muốn có tên tuổi hay danh dự. Họ không màng tới người khác công nhận hay không công nhận sự phục vụ của họ. Làm việc, họ có toàn quyền nhưng không phải là để hưởng cái quả của việc làm ấy.

Khen và Chê

Khen và chê là hai hoàn cảnh trần thế có ảnh hưởng nhân loại. Ðiều tự nhiên là ta hãnh diện khi được khen và buồn phiền khi bị chê. Về khen và chê, Ðức Phật dạy, người trí thờ ơ trước khen và chê. Giống như tảng đá vững chắc, không bị lung lay bởi gió, người đó vẫn đứng vững không lay chuyển.

Khen, nếu đáng giá rất bùi tai. Nếu không đáng giá, như trường hợp nịnh bợ, tuy thích thú mà là lừa bịp. Nhưng có tất cả những vang vọng không tạo ảnh hưởng gì nếu chúng không đến tai chúng ta.

Từ quan điểm trần thế, lời khen bay xa. Bằng cách khen một chút, một đặc ân có thể dễ dàng đạt được. Một lời khen đạo đức đủ để lôi cuốn thính giả khi ta nói. Nếu, lúc bắt đầu, diễn giả ca ngợi thính giả, diễn giả sẽ được thính giả lắng tai nghe. Ngay lúc ban đầu nếu diễn giả phê bình thính giả, sự đáp ứng sẽ không được toại nguyện.

Người có văn hóa không cần đến nịnh bợ, và cũng không mong muốn được người khác nịnh bợ. Cái đáng khen, họ khen không đố kÿ. Cái đáng trách, họ trách không khinh thường mà vì muốn sửa đổi người.

Nhiều người biết Ðức Phật rất thân, tán dương đức hạnh của Ngài theo đường lối riêng của họ. Một U Ba Li, một nhà triệu phú, một tín đồ mới rất tường tận, tán dương Ðức Phật theo cách ứng khẩu kể ra hàng trăm đức hạnh tùy hứng. Chín đức hạnh về chân giá trị ở thời Ngài vẫn được tụng niệm bởi tín đồ nhìn vào hình ảnh của Ngài. Những đức hạnh ấy là đề tài thiền định cho người sùng đạo. Những đức hạnh đáng ca ngợi này vẫn là một cảm hứng vĩ đại cho tín đồ.

Về chê thì ra sao?

Ðức Phật nói: "Người nói nhiều bị chê. Người nói ít cũng bị chê. Người im lặng cũng bị chê. Trong thế giới này không ai là người không bị chê!"

Chê dường như là một di sản chung của nhân loại. Ða số người trên thế giới nhận xét Ðức Phật là vô kỷ luật. Giống như con voi lâm trận phải chịu tất cả những mũi tên bắn vào nó, cũng vậy, Ðức Phật chịu đau khổ với tất cả những lời chửi rủa.

Kẻ lừa dối và ác độc chỉ chực tìm kiếm cái xấu mà không bao giờ tìm cái tốt và cái đẹp của người khác.

Trừ Phật ra không có ai hoàn toàn tốt. Không một ai hoàn toàn xấu. Có cái xấu trong cái tốt nhất của chúng ta. Có cái tốt trong cái xấu nhất của chúng ta.

Người tự giữ được lặng thinh giống như một cái chuông nứt rạn khi bị tấn công, chửi bới, và lạm dụng, Ðức Phật tán thán: "Người đó đang ở ngay tại Niết Bàn dù rằng chưa đạt được Niết Bàn".

Ta có thể làm với những động cơ tốt đẹp nhất. Nhưng thế giới bên ngoài thường hiểu sai người đó và đổ cho người đó lý do mà người đó chưa từng bao giờ nghĩ tới.

Ta có thể phục vụ và tận tình giúp đỡ người khác với tất cả khả năng, đôi khi mang công lãnh nợ hay phải bán đồ vật hoặc tài sản để cứu một người bạn gặp khó khăn, nhưng sau này, cái thế giới lừa đảo được tạo thành với những người đã được giúp đỡ lại tìm lỗi người giúp, hăm dọa, làm nhơ nhuốc lòng tốt và vui mừng trước sự suy sụp của người ấy.

Trong những câu chuyện trong Jataka có nói đến Guttila, một nhạc sĩ đã hết lòng dạy bảo đệ tử không mảy may dấu giếm, nhưng người đệ tử trẻ tuổi vô ơn này đã thất bại không cố gắng thi đua với thầy mà làm hại thầy.

Có lần, Ðức Phật được một người Bà La Môn mời về nhà để cúng dường. Ðược mời nên Ðức Phật đến nhà ông ta. Thay vì làm cho Ngài vui, hắn dã thóa mạ Ðức Phật bằng những lời hết sức thô tục.

Ðức Phật từ tốn hỏi: "Này ông Bà Là Môn, có phải khách đến thăm nhà ông không?"

"Phải" hắn trả lời.

"Ông làm gì khi khách đến?"

"Ồ, tôi sửa soạn một bữa tiệc thịnh soạn."

"Nhưng nếu khách không tới được?"

"Chúng tôi phải vui vẻ chia nhau ăn ."

"Tốt, này ông bạn Bà la môn, ông mời ta đến đây để cúng dường mà ông lại đối xử với ta bằng những lời thóa mạ. Ta không nhận chút nào cả. Làm ơn nhận lại."

Ðức Phật không trả thù. "Không trả thù", Ðức Phật khuyến khích. "Hận thù không thể chấm dứt được hận thù mà chỉ có tình thương yêu mới chấm dứt được hận thù".

Không có một vị đạo sư nào được hết sức ngợi khen mà cũng bị kịch liệt công kích, chửi rủa và chê trách như Ðức Phật. Số phận của vĩ nhân là như vậy.

Ðức Phật bị buộc tội giết một phụ nữ với sự giúp đỡ của các đệ tử của Ngài. Những người không phải là Phật Tử phê bình Ngài và các đệ tử Ngài rất thậm tệ đến nỗi Ngài A Nan (thị giả của Ngài) thưa với Ngài nên di chuyển tới một làng khác.

"Này A Nan, nếu những người dân làng ấy cũng ngược đãi chúng ta thì sao?"

"Thưa Thế Tôn, chúng ta lại di chuyển tới một làng khác nữa".

"Này An Nan, tất cả xứ Ấn Ðộ này cũng không có chỗ cho chúng ta dung thân. Hãy kiên nhẫn. Những ngược đãi, chửi mắng đó sẽ tự động chấm dứt".

Magandinya, một cung nữ có sự bất bình với Ðức Phật vì nói xấu đến bộ mặt hấp dẫn của mình khi cha nàng, vì vô minh, mong muốn gả nàng cho Ðức Phật. Cung nữ này thuê những người say rượu đi thóa mạ Ðức Phật trước công chúng. Với một sự bình thản hoàn toàn, Ðức Phật chịu đựng những lời chửi bới.

Chửi bởi là một sự thường tình trong nhân loại. Bạn càng làm việc bao nhiêu, càng trở nên vĩ đại, bạn càng phải chịu đựng chửi bới và sỉ nhục.

Socrates bị chửi rủa rầy la bởi chính vợ của ông. Bất cứ lúc nào ông ra ngoài để giúp đỡ người khác thì người vợ hẹp hòi này trách mắng ông. Một hôm bà không được khỏe nên không làm được nhiệm v? ngỗ nghịch thường lệ này. Hôm ấy Socrates ra khỏi nhà với một bộ mặt buồn thảm. Bạn bè hỏi tại sao hôm nay ông buồn. Ông trả lời ngày hôm nay vợ ông không trách mắng ông vì không được khỏe.

"Ông phải vui sướng vì không bị rầy la ngày hôm nay chứ " Bạn ông nhận xét.

"Ồ, không phải thế. Khi vợ tôi rầy la tôi, tôi có dịp thực hành kiên nhẫn. Hôm nay tôi mất dịp tốt đó. Ðó là lý do tại sao tôi buồn". Nhà triết lý này trả lời như vậy.

Ðó là những bài học đáng nhớ cho tất cả mọi người.

Khi bị chửi bới, chúng ta nên nghĩ rằng đây là những dịp để chúng ta thực hành kiên nhẫn. Thay vì bực mình, chúng ta nên biết ơn kẻ thù.

Hạnh Phúc và Khổ Ðau

Hạnh phúc và khổ đau là cặp cuối cùng về sự đối nghịch. Chúng là những yếu tố mạnh mẽ nhất ảnh hưởng đến nhân loại.

Cái gì mang thoải mái là hạnh phúc (sukkha), cái gì mang khó khăn là khổ đau (dukkha).

Hạnh phúc bình thường là thỏa mãn sư khao khát. Ngay khi điều mong muốn đạt được, thì ta lại mong muốn một loại hạnh phúc khác. Cho nên lòng thèm muốn ích kỷ của chúng ta không bao giờ thỏa mãn.

Sự vui hưởng lạc thú nhục dục là thứ hạnh phúc cao nhất và duy nhất chỉ thấy nơi những người bình thường. Chắc chắn có những lúc hạnh phúc trong lúc mong đợi đạt được, thỏa mãn và những kỷ niệm về lạc thú. Loại hạnh phúc này ước vọng bởi người theo chủ nghĩa nhục dục, nhưng chỉ là ảo ảnh và phù du.

Có thể sở hữu vật chất đem hạnh phúc thực sự hay không? Nếu đúng như vậy, hẳn các nhà triệu phú không bao giờ cảm thấy chán nản trong đời. Trong một số quốc gia đã đạt được đến đỉnh cao trong tiến bộ vật chất, nhưng một số đông lại đau khổ vì bệnh tinh thần. Tại làm sao lại như thế nếu tích lũy vật chất có thể đem hạnh phúc?

Quyền lực thống trị thế giới có thể đem hạnh phúc thực sự không? Alexander tiến quân chiến thắng vào Ấn Ðộ, thôn tính đất đai trên đường tiến quân, đã thở dài vì không có nhiều đất đai hơn nữa để chinh phục.

Nhiều đời sống của các chính khách sử dụng quyền lực bị lâm nguy. Trường hợp bi thiết của (Thánh) Mahatma Gandhi và (Tổng Thống) John F. Kennedy là những thí dụ điển hình.

Hạnh phúc thực sự tìm thấy trong nội tâm chứ không phải tìm thấy nơi của cải, quyền thế, danh vọng, hay chiến thắng.

Nếu những của cải chiếm hữu bằng vũ lực hay sử dùng vào mục đích sai lầm, hay được nhìn bằng luyến chấp, chúng chỉ là nguyên nhân của đau đớn và phiền não cho sở hữu chủ.

Cái hạnh phúc với người này có thể không hạnh phúc với người khác. Thịt và rượu với người này có thể là thuốc độc với người kia.

Ðức Phật nêu lên bốn loại hạnh phúc cho người cư sĩ. Hạnh phúc có sức khỏe, của cải, sống lâu, đẹp đẽ, vui vẻ, sức mạnh, tài sản và con cái. vân vân...

Nguồn suối hạnh phúc thứ hai là tìm thấy sự vui mừng về những của cải đó.

Bình thường, nam nữ mong muốn hưởng thụ. Ðức Phật không khuyên tất cả phải từ bỏ trần tục và rút lui sống cô đơn.

Sự vui hưởng của cải không những nằm trong việc sử dụng cho riêng mình mà cũng đem phúc lợi cho người khác. Cái mà chúng ta ăn chỉ là tạm bợ. Cái mà chúng ta gìn giữ, chúng ta cũng bỏ lại rồi đi. Cái gì ta cho mới có thể mang theo được. Chúng ta được nhớ mãi vì những việc làm lương thiện mà chúng ta đã xử xự bằng của cải trần thế.

Không nợ nần là một nguồn hạnh phúc khác. Nếu chúng ta bằng lòng với cái chúng ta có, và nếu chúng ta tần tiện, chúng ta không mắc nợ ai. Người mắc nợ sống trong tình trạng lo âu và phải chịu ơn người cho vay. Tuy nghèo, nhưng không nợ nần, chúng ta cảm thấy an tâm và tinh thần sung sướng.

Sống một cuộc đời không bị chê trách là nguồn hạnh phúc tốt nhất cho người cư sĩ. Một người không bị chê trách là phúc lành cho chính mình và cho người khác. Người đó được mọi người ngưỡng mộ và cảm thấy sung sướng hơn, truyền cảm làn sóng hòa bình sang người khác. Tuy nhiên phải nói rằng rất khó khăn để được tiếng tốt từ mọi người. Người trí cao thượng chỉ quan tâm đến một đời sống không bị chê trách và dửng dưng với sự tán dương bên ngoài.

Phần đông trong thế giới này thích thú hưởng lạc thú trong khi những người khác tìm sự thích thú bằng cách từ bỏ chúng. Không-luyến-ái hay vượt qua lạc thú vật chất là hạnh phúc cho tinh thần. Hạnh phúc Niết Bàn là hạnh phúc giải thoát khổ đau, dạng thức hạnh phúc tối thượng.

Bình thường chúng ta đón chào hạnh phúc, nhưng không vui vẻ với sự đối nghịch của nó - phiền não, rất khó khăn để chịu đựng.

Phiền não hay khổ đau đến trong nhiều lốt vỏ khác nhau.

Chúng ta đau khổ khi chúng ta đến tuổi già, đó là điều tự nhiên. Bằng bình thản chúng ta chịu đựng cái đau khổ của tuổi già.

Ðau đớn nhiều hơn đau khổ do tuổi già gây ra là bệnh tật. Chỉ đau răng hay nhức đầu nhẹ đôi khi cũng không chịu đựng nổi.

Khi chúng ta bị bệnh tật, đừng lo lắng, chúng ta có thể chịu đựng được với bất cứ giá nào. Vậy thì chúng ta phải tự an ủi nghĩ rằng chúng ta đã thoát được một bệnh nặng hơn nhiều.

Rất thông thường chúng ta phải xa lìa những người thân. Sự xa lìa gây nên đau đớn nặng nề cho tâm. Chúng ta nên hiểu rằng tất cả có hợp thì phải có tan. Ðây là dịp tốt cho chúng ta thực hành bình thản.

Thông thường hơn nữa là chúng ta phải bắt buộc hợp nhất với điều mà chúng ta không thích, điều chúng ta ghét. Chúng ta nên gắng chịu đựng chúng. Có lẽ chúng ta đang gặt hái hậu quả của Nghiệp riêng của mình ở quá khứ hay hiện tại. Chúng ta nên cố gắng tự thích nghi với hoàn cảnh mới hoặc cố gắng vượt qua các trở ngại bằng một số phương tiện khác.

Thậm chí Ðức Phật, Người hoàn hảo đã loại bỏ được tất cả ô trược, vẫn phải chịu đựng đau khổ vật chất gây ra bởi bệnh tật và tai nạn.

Ðức Phật luôn luôn bị đau đầu. Bệnh cuối cùng làm cho Ngài đau đớn nhiều về thể xác. Do kết quả của việc lăn tảng đá từ trên cao xuống bởi Ðề Bà Ðạt Ða để giết Ngài, chân Ngài bị thương bởi một mảnh vụn cần phải được giải phẫu. Ðôi khi Ngài phải nhịn đói. Vì các đệâ tử không tuân lời Ngài, Ngài đã phải rút lui sống trong rừng ba tháng. Trong rừng lấy lá làm nệm trên nền đất cứng, đối đầu với gió rét lạnh buốt, Ngài vẫn bình thản. Giữa cái đau đớn và hạnh phúc, Ngài sống với một tâm tư quân bình.

Chết là cái phiền não lớn nhất mà ta phải đương đầu trên nẻo đường luân hồi. Thường thường chỉ có một người chết nhưng đôi khi có nhiều người chết làm cho ta rất khó khăn chịu đựng.

Khi một bà được hỏi tại sao bà không khóc trước cái chết bi thảm của người con, bà trả lời: "Chẳng mời nó đến. Chẳng báo trước nó đi. Vì nó đến như vậy thì nó cũng đi như vậy. Tai sao ta phải khóc chứ? Khóc có ích lợi gì chứ?"

Như trái rơi từ trên cây - có trái non, trái chín hay trái già- cũng vậy chúng ta chết non, lúc tuổi thanh xuân hay lúc già. Mặt trời mọc ở phía Ðông và chỉ lặn về phía Tây. Hoa nở buổi sáng để rồi tàn vào buổi chiều.

Cái chết không tránh được đến với tất mọi người, nó không chừa ai, chúng ta phải đương đầu bằng sự bình thản hoàn toàn.

"Giống như ném vào mặt đất
Dù cho thơm tho hay hôi thối
Ta vẫn dửng dưng trước tất cả
Chẳng hận thù, chẳng thân thiện
Cũng vậy người đó tốt hay xấu
Ta bao giờ cũng giữ vững thăng bằng"

Ðức Phật dạy: "Khi tiếp xúc với hoàn cảnh trần tục, tâm của một vị A La Hán không bao giờ nao núng". Giữa được và thua, danh dự và ô danh, khen và chê, hạnh phúc và phiền não, hãy cố gắng giữ tâm quân bình.

HT Narada Mahathera

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage