Phật Học Online

Văn hóa Phật giáo Việt Nam: Sự khác biệt hướng thiện


Một tờ báo với đội ngũ làm báo toàn các nhà Sư, những người viết báo là... "những bác thợ cạo thời nay", đồng vốn, đồng lời đều "của bá tánh, cho nên thuộc về bá tánh"...

Trong một thị trường báo chí đa dạng như hiện có, một sản phẩm mới nhập cuộc, muốn tồn tại và phát triển, thì phải làm sao để bạn đọc chọn mình để mua, tìm mình để đọc và đến hẹn mà thiếu mình thì trống vắng.

Ấn phẩm mùa Xuân Văn hóa Phật giáo Việt Nam (VHPGVN) số đầu tiên đã cố gắng để làm được điều đó, nhờ vào nhiều cái gọi là sự khác biệt (differentiate). Và đẹp đẽ thay, sự khác biệt của ấn phẩm này không mang tính cạnh tranh mà rất hướng thiện.

Hình thức: Đạt đến đỉnh trong veo!

Trước ngày tết Nguyên đán, Sài Gòn chợt trở lạnh. Những cơn mưa trái mùa trùm lên miền đất “chợt nắng, chợt mưa” mấy ngày liền. Mọi hoạt động nơi chốn phồn hoa gần như lắng đọng dưới mưa.


Có lẽ nhờ vậy mà người Sài Gòn cho phép mình hưởng tết sớm bằng cách đọc báo xuân. Và trong một rừng báo xuân khoe sắc màu rực rỡ, duyên lành đưa đẩy đôi mắt người đọc chạm vào một đặc san mới toanh, số 1, cách trình bày từ trang bìa đến trang cuối đạt đến đỉnh trong veo: Ấn phẩm mùa xuân VHPGVN!

Đó là sự khác biệt đầu tiên người đọc nhận biết, khác biệt về hình thức.

Ý tưởng: Hãy sống đẹp và hướng thiện bạn nhé!

Để giảm tính cạnh tranh, chủ doanh nghiệp nào cũng chọn cho sản phẩm của mình một hướng đi khác biệt; để làm gì? Để vừa độc quyền thị trường vừa độc quyền giá cả.

Thậm chí, hiện có một số doanh nghiệp dựa vào sự độc quyền mà lũng đoạn nhằm đạt lợi nhuận tối đa.

VHPGVN thì không như vậy. Với sự khác biệt về ý tưởng, đặc san chỉ mong được góp phần xây dựng một lối sống tốt đẹp và hướng thiện hơn.

Và, nếu nhiều sản phẩm báo chí hiện có đặt mục tiêu khai thác xoay quanh chuyện ăn, mặc, ở, hưởng thụ, tiêu thụ của con người thì đặc san VHPGVN chọn tiêu chí truyền bá giá trị tinh thần dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo.

Phân khúc thị trường: Phát triển tánh thiện sẵn có

Chính mục tiêu tờ báo chọn đã tự nói lên phân khúc thị trường của đội ngũ làm báo, mục tiêu nào, khách hàng nấy.

Hiện nay, chỉ nói riêng trên thị trường báo chí Phật giáo, đã có ít nhất hai tờ báo chuyển tải văn hóa Phật giáo, mỗi tờ nhắm vào nhóm độc giả riêng.

Có tờ nhằm cung cấp cho quảng đại quần chúng những thông tin cần thiết và những mẫu chuyện ngắn bổ ích cho đời sống tinh thần của người Phật tử.

Có tờ đóng vai trò nửa thông tin, nửa thảo luận, không chuyên sâu hẳn vào mặt nào.


Trong ngôi nhà Phật giáo chung ấy, VHPGVN lãnh trách nhiệm bàn chuyên sâu những vấn đề văn hóa có liên quan đến Phật giáo, với thao thức tiếp tục khám phá truyền thống văn hóa Phật giáo trong di sản văn hóa dân tộc và trong nếp sống ứng xử của người dân.

Ý thức trách nhiệm đó bắt nguồn từ niềm tin rằng đạo đức Phật giáo có thể chuyển hóa đời sống hướng thiện của xã hội bằng cách phát triển tánh thiện sẵn có trong lòng mỗi người.

Khác biệt về đội ngũ làm báo: Sư, sư và sư

Đọc trang 4 của Ấn phẩm mùa Xuân VHPGVN, người đọc nhận ra sự khác biệt của đội ngũ làm báo: chủ biên là một nhà sư, thư ký là một nhà sư và ban biên soạn cũng sư! Người đọc còn biết, cả những người tên tuổi không bắt đầu bằng chữ “Thích” cũng là sư tại gia. Quả, sự khác biệt này thật độc đáo!

Vậy đội ngũ “Sư, sư và sư” này có hội tụ đủ những điều kiện để làm báo và lèo lái quyển báo đi đúng tôn chỉ, mục đích không? Xin mời độc giả hãy tìm đọc Ấn phẩm mùa Xuân VHPGVN để tự rút ra câu trả lời cho riêng mình.

Riêng người đọc (tác giả bài viết) tự nhận thấy đội ngũ này giống “Những con Lừa vô ưu” trong một tác phẩm thiền viết cho con trẻ: những con Lừa đem điềm lành đến cho muôn thú trong khu rừng. Không chỉ thế, Lừa còn gieo sự an vui đến Cọp, chia sẻ nỗi lo đúng đắn của Sư tử mà vẫn ung dung, tự tại, vì đó là những con Lừa vô ưu, tâm vô ái ngại, tánh vô sợ hãi.

Khác biệt về đội ngũ viết báo: Những bác thợ cạo thời nay

Câu chuyện về bác thợ cạo là như thế này đây: Bác Upali, thuộc giai cấp hạ tiện - người được Đức Phật mời giúp cạo tóc - vì vậy khi đến gần Đức Phật, bác lo lắng cho nên, thở nhanh.

Nghe bác thở, Đức Phật nhắc: “Thở ra nhanh quá”, bác hết hồn, thở gấp vào. Đức Phật lại nhắc “Thở vào nhanh quá”. Nhờ vậy hơi thở của bác điều hòa.

Khi bắt tay vào cạo tóc, nghĩ mình là giai cấp cùng đinh, bác khúm núm, thân cúi mọp. Thấy vậy, Đức Phật nhắc: “Cúi thấp quá”. Nghe Đức Phật nói, bác giật mình, bật người thẳng cứng. Đức Phật lại nhắc:“Thân thẳng quá”. Chỉ chừng ấy thôi, bác thợ cạo ngộ ra lời Phật dạy, thong dong làm chuyện cạo tóc của mình. Sau đó bác đã chứng A-la-hán.


Đội ngũ viết báo VHPGVN cũng vậy, khi cầm viết, đội ngũ này “thở vào ta biết ta thở vào, thở ra ta biết ta thở ra”, thân an, tâm lạc, và nhờ vậy những dòng chữ trung đạo thanh thoát tuôn tràn; họ là “Những bác thợ cạo thời nay”.

Vốn và Lời: Không bám cho nên chẳng bận lòng!

Muốn làm báo việc đầu tiên phải có tiền, đương nhiên! Nhưng với đội ngũ làm báo “Sư, sư, và sư” như VHPGVN thì “Tiền đâu?”.

Và ai cũng biết, “Sư, sư và sư” thì không thể trả lời nổi câu hỏi “đầu tiên” này. Vì vậy, bá tánh đã trả lời giúp bằng cách gom từng đồng cúng dường cho “Sư, sư và sư” làm báo. Sự khác biệt về đồng vốn đã nói lên VHPGVN là sản phẩm của bá tánh.

Còn đồng lời? Chưa có! Nhưng nếu sắp tới có thì sao? “Sư, sư và sư” trả lời rằng, vốn của bá tánh, thì lời cũng thuộc về bá tánh. “Lời” ở đây “Sư, sư và sư” muốn đề cập cả hai mặt hữu hình và vô hình.

Hữu hình là những đồng tiền thu được sau khi trừ hết chi phí và thuế. Vô hình, là sự thành công từ việc góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp và hướng thiện hơn.

Nghĩa là, tất cả những hiệu quả gặt hái được của VHPGVN đều thuộc về bá tánh, bởi “Sư, sư và sư” không bám vào bất cứ điều gì cho nên chẳng bận lòng về bất cứ điều chi.

Tiếp thị: Người bán nhà, rao bán báo!

Những sự khác biệt mà VHPGVN hiện có đủ để giới thiện tri thức lưu giữ trong thư viện của mình; đủ để giới thiệu với nhiều giới khác trong xã hội về sự hòa quyện giữa văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo; đủ để giới doanh nhân hãnh diện cầm trên tay và làm quà biếu; đủ để giới tu hành truyền tay nhau đọc.

Và VHPVN còn là món quà giúp con cái thể hiện lòng tôn kính với cha mẹ, vợ chồng âu yếm trao tặng nhau, bạn trai – bạn gái mượn VHPGVN để nói lên ý tình sáng trong của mình. VHPGVN một đặc san đã đưa đạo đời, đưa đời vào đạo!

Có thể, còn rất nhiều sự khác biệt trong quyển 1, Ấn phẩm mùa Xuân VHPGVN, cũng như những Ấn phẩm mùa Hạ, Ấn phẩm mùa Thu, Ấn phẩm mùa Đông (VHPGVN mỗi năm phát hành 4 số, mỗi số giá năm mươi ngàn đồng) sắp xuất bản mà người - rao - bán - báo - nghiệp - dư này không đủ tầm nhận định. Vì vậy, kính mời bạn đọc tự đọc ấn phẩm VHPGVN để tự rút ra nhiều sự khác biệt hướng thiện cho riêng mình.

Nhân dịp năm mới kính chúc quý đọc giả vô lương an lạc.

Tạ Thị Ngọc Thảo (Tuần Việt Nam)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage