Đức
Phật đã nói, “Trong chính thân thể cao hơn thước rưỡi này, cùng với tri giác và
tư tưởng. Như Lai tuyên bố đây là thế gian (hữu hạn và khổ đau), nguồn gốc của
thế gian (hữu hạn và khổ đau), sự chấm dứt thế gian (hữu hạn và khổ đau) và con
đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian (hữu hạn và khổ đau) ấy”.
Đời
sống luôn luôn là một bí ẩn. Bản thân đời sống là một sự kêu gọi con người khám
phá.
1.
Sự thách thức đối với con người
Đời
sống luôn luôn là một bí ẩn. Bản thân đời sống là một sự kêu gọi con người khám
phá. Trong thế kỷ XX, mọi ngành khoa học đều có những cuộc cách mạng, những
bước nhảy vọt, nhưng sự khám phá, sự hiểu biết về thiên nhiên, về sự sống, về
chính con người mình vẫn chưa lấp đầy được những khoảng trống căn bản.
Chỉ
lấy thí dụ là sự chưa thể thống nhất được Thuyết tương đối và Vật lý lượng tử.
Còn riêng về vật lý lượng tử, đâu là những hạt cơ bản nhất, nhỏ nhất? Tại sao
chúng ta chỉ mới biết được khoảng 7% vật chất vũ trụ, còn gần 90% thì chưa biết
và được gọi là vật chất tối? Nói gì đến chuyện làm thế nào để kết hợp được vật
lý học và sinh học rồi với tâm lý học, xã hội học, khi mỗi ngành còn chưa giải
quyết nổi chính nó?
Chúng
ta chưa biết được gì nhiều. Chính trong tình thế này, Phật giáo hiện ra như một
thách thức, thách thức đối với thân phận con người, vì Đức Phật (Buddha) là
Người Biết và Phật giáo là sự chỉ dạy của Người Biết. Chính vì sự thách thức
này mà hiện nay Phật giáo lan tràn khắp thế giới, trong mọi tầng lớp của xã
hội. Ở đây, chúng ta chỉ phân tích sơ qua. Phân tích ở mức độ ý thức bình
thường, common sense. Chúng ta xem xét sự tham muốn, sự đam mê…
Chúng
ta tham muốn, tham muốn được sở hữu và được thoả mãn. Từ khi còn là đứa bé mới
biết bò, chúng ta luôn muốn bò tới cầm nắm những đồ vật và màu sắc trước mặt.
Lớn lên chúng ta tham muốn cầm nắm tiền tài, danh vọng, quyền lực, tình yêu và
tình dục… Cái mà chúng ta gọi là nền văn minh tiêu thụ, cơ hội bình đẳng cho
mọi người, hay một nền kinh tế gì gì đó thì cũng từ sự tham muốn được sở hữu và
thoả mãn với sự sở hữu ấy.
Nhưng
cũng đồng thời với sự trở thành người lớn, chúng ta khám phá ra rằng có những
cái, những điều mình muốn mà không được, muốn sở hữu mà không thể sở hữu, muốn
có mà không thể có, muốn thoả mãn mà không thể thoả mãn. Lần đầu tiên chúng ta chạm
mặt với cái không thể, cái bất khả. Lần đầu tiên chúng ta nhìn ra sự bất lực
của mình, tính cách hữu hạn của mình, hữu hạn tính của thân tâm mình. Lần đầu
tiên chúng ta biết khổ đau.
Chúng
ta hãy lấy vài thí dụ. Chúng ta tham muốn cái gì đó lắm (chẳng hạn chiếc xe
hơi), rồi chúng ta đạt được, sở hữu được, chúng ta thoả mãn một thời gian, rồi
chúng ta bắt đầu chán và muốn có một đối tượng khác. Đó là cuộc đời của chúng
ta, những vòng xoay không thoả mãn (mà Phật giáo gọi là “luân hồi”) diễn ra bất
tận.
Thời
đại hiện nay, đồ vật càng nhiều, càng thay đổi nhanh chỉ nói lên một điều: sự
mau chán nản của chúng ta càng nhiều, càng nhanh. Cho đến cuối đời chúng ta vẫn
thấy như chưa được gì, vẫn muốn sở hữu cái khác nữa. Đó là cuộc đời của mỗi
chúng ta, không trừ một ai, một giai cấp nào. Một cuộc đời không thoả mãn.
Đó
là chưa nói đến những gì, rất nhiều những gì không thể đạt được. Tiến trình
tham muốn, sở hữu được, thoả mãn không trọn vẹn và tạm thời, thấy chán và tham
muốn tiếp. Ngay cả khi đang có, đang nắm trong tay, chúng ta cũng không thực sự
sở hữu được, không hưởng thụ trọn vẹn được, bằng cớ rõ nhất là sau đó chúng ta
buông bỏ và đi tìm cái khác. “Gió trăng có sẵn làm sao ăn?”, Hàn Mặc Tử. Đó là
những tiến trình của khổ đau mà Phật giáo gọi là chân lý thứ nhất về khổ, khổ
đế. “Khổ”, dịch từ tiếng Pali, là “sự không thoả mãn, sự không mãn nguyện”.
Một
thí dụ khác là tình yêu và tình dục. Chúng ta yêu một người nào đó và người ấy
cũng yêu ta. Rồi may mắn (có rất nhiều nguyên nhân (nhân) và điều kiện (duyên)
khiến không thành, bởi vì hầu như mọi bài tình ca đều là những bài thất tình,
tình yêu mất mát), chúng ta có được hôn nhân.
Hôn
nhân là một món quà tặng, có lẽ thuộc loại lớn nhất mà đời sống đã cho chúng
ta. Thế rồi vài năm, ta bắt đầu nhàm chán, mặc dầu chẳng ai nói ra, mặc dầu vẫn
cố gắng duy trì “cái thuở ban đầu”, bằng sinh nhật, bằng quà tặng…
Ở
Đông phương, ngoài tình còn có nghĩa, gia đình còn đứng vững. Ở Tây phương,
chán thì ly dị (chắc hơn 50%). Tại sao ban đầu thì “mê mệt” thế, chỉ sau một
thời gian thì hết “mê” chỉ còn “mệt”, “mệt mỏi”. Tình yêu và tình dục là cảm
thọ có lẽ lớn nhất, vì nó huy động cả sáu giác quan, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý.
Có con mắt, có hội hoạ; có lỗ tai, có âm nhạc; có ý tưởng, có thi ca…
Về
phần tình dục, khi có sự kết hợp, việc này đem lại một cảm giác lớn, kể cả cảm
giác của ý, và chúng ta tạm thời quên đi những phiền muộn, âu lo, tạm thời
thoát ra khỏi cảm giác về một cái tôi tù túng, tạm thời “sở hữu” được một người
khác, toàn bộ thân tâm một người khác, nhưng sự việc này qua. Và chúng ta lại
trở về với con người hữu hạn của mình. Sự bùng nổ của cảm giác, sự thăng hoa
của một cái tôi cũng chỉ là một thoả mãn tạm thời, không trọn vẹn, bằng cớ là
sau đó chúng ta lại tham muốn tiếp. Hai thân tâm hữu hạn có tạm thời kết hợp
lại với nhau cũng chỉ là một kết hợp hữu hạn.
Nhà
thơ Huy Cận nói: “Em đâu biết máu xương là sông núi/ Chia biệt người thành từng
xứ cô đơn”. (Ôi sinh học của chúng ta, nó đã giải mã được toàn bộ gien của con
người, nhưng làm sao nó có thể xoá bỏ sự cô đơn này. Chẳng lẽ chúng ta chỉ hết
cô đơn khi trở về đất đá, hay thành những con rô-bốt vô hồn?)
Giác
quan không thoả mãn, ý thức (cái sinh ra triết học, khoa học, mọi ngành học và
nghệ thuật) không thoả mãn. Thậm chí trực giác, phần cao cấp nhất của ý thức,
cái tạo ra những tư tưởng lớn, những nền khoa học mới, những nghệ thuật mới,
cũng không thoả mãn. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt thân, ý, những cái tạo nên con người,
đều không thoả mãn. Nói như Husserl, người khai sáng Hiện tượng luận, “ý thức
là ý thức về cái gì”.
Thế
có nghĩa là, cái vực thẳm phân chia chủ thể và khách thể không thể nào lấp đầy.
Đây là một giới hạn của con người, cũng là sự không bao giờ thoả mãn của nó.
Tất cả mọi tham muốn (dầu cao cấp tột cùng), sở hữu, thoả mãn của chúng ta đều
thất bại. Chúng ta chẳng bao giờ sở hữu được một cái gì trường tồn, một cái gì
thoả mãn lâu dài. Tại sao? Chính vì hữu hạn tính của thân tâm chúng ta. Vì thân
tâm chúng ta là hữu hạn, nên tất cả những gì nó tham muốn, sở hữu va thoả mãn
đều hữu hạn.
Chúng
ta luôn luôn tìm kiếm, nắm lấy rồi cảm thấy “chẳng phải”. Lại tiếp tục tìm
kiếm, lại tiếp tục “chẳng phải”. Chẳng phải là kết quả cuối cùng của mọi cuộc
tìm kiếm, nắm bắt. (“chẳng phải”, phi, là một chữ được dùng nhiều trong Thiền
tông. Chẳng hạn ly tứ cú, tuyệt bách phi, tạm dịch là, lìa mọi có và không, dứt
hết một trăm cái chẳng phải).
Thế
nên trong từng sự việc và suốt cả cuộc đời, chúng ta là những kẻ thất vọng.
Chúng ta mãi mãi thua cuộc. Vì chúng ta không thể nào được nên chúng ta mãi mãi
tìm kiếm. (“Anh còn tìm kiếm tức là biết anh chưa thấy được cái thật” – Chứng
đạo ca, Vĩnh Gia Huyền Giác).
Thất
bại trong từng sự việc nhỏ, chúng ta làm gì? Chúng ta tìm cách quên đi thất bại
đó, sự “chẳng phải” đó và tiếp tục tìm kiếm tiếp. Người thất vọng lớn quá không
chịu nổi thì tự tử. Tự tử là gì? Tự tử là xoá tan, chấm dứt cái thân tâm hữu
hạn này đi. Nhưng nhìn kỹ, mỗi chúng ta đều có những cuộc tự tử nhỏ trước những
thất vọng nhỏ đấy thôi. Chúng ta tìm cách xoá bỏ, tìm cách quên đi, tìm cách tự
che giấu sự trống trải do thất vọng bằng cách ngồi quán càfê, bằng một lon bia,
bằng cách nghe nhạc, bằng cách đến với bạn bè hay về với vợ…
Đó
là chưa nói đến những cách giải khuây, giải sầu, “giải trí” khác làm hư hại cả
một đời. Tất cả những chất kích thích đó đều để che giấu sự thất vọng và thất
bại của mình, sự trống rỗng bên trong và bên dưới của bản thể mình. Tất cả
những thứ kích thích đó (mà nền văn minh hiện đại này có rất nhiều) đều để
chúng ta tránh đi một sự thật: chúng ta không thật sự tham muốn được cái gì,
chúng ta không thực sự sở hữu được cái gì, chúng ta không thực sự thoả mãn được
với cái gì.
Nhưng
nếu chúng ta không có những vụ tự tử nhỏ, chúng ta không chạy trốn, không tìm
cách giải trí phôi pha, thì chúng ta sẽ bắt đầu nghe thấy sự kêu gọi. Sự kêu
gọi này chủ yếu từ chính chúng ta, hãy từ bỏ những thất bại và thất vọng, những
không thoả mãn để đi vào “cánh cửa bất tử đã mở ra” (lời trong bài kệ của Đức
Phật).
2.
Nhu cầu tâm linh
Tuỳ
theo đòi hỏi của chúng ta, nhu cầu của chúng ta đến mức nào, tuỳ theo sự khai phá
hay “tương ưng” hay “tuỳ thuận” hay gì gì nữa của chúng ta, thế giới tâm linh,
“kho tàng tâm linh” (cách nói của Phật giáo) biểu lộ cho chúng ta đến đó. Nhu
cầu tâm linh là một điều có thật ở nơi mỗi người. Và kết quả của nó, sự thoả
mãn tâm linh cũng là một điều có thật. (Dùng chữ “thoả mãn” thì hơi thô, cũng
vì chúng ta quen dùng nó ở bình diện vật lý, chứ ít khi dùng ở bình diện tâm
linh, bình diện siêu vật lý. Thật ra Thiền tông có những chữ tương tự, chẳng
hạn “tự thọ dụng” hoặc một chữ chúng ta thường dùng là “an lạc”).
Chúng
ta hãy lấy vài thí dụ về nhu cầu tâm linh. Tiến sĩ F.S. Collins, giám đốc
chương trình giải mã gien con người (đã hoàn tất vào năm 2000 và được xem là
công trình thuộc loại “thiên niên kỷ”) là một người “vô thần”, chữ dùng của
ông.
Sau
bao nhiêu trăn trở, lý luận, tham khảo bao nhiêu lý thuyết, tìm kiếm bằng trải
nghiệm của chính mình cho đến một ngày, ông đã “đưa ra sự lựa chọn. Sáng hôm
sau, tôi quỳ xuống bãi cỏ ướt đẫm sương của miền Tây sông Missisippi, trong ánh
bình minh và dâng mình cho Thiên Chúa”. Toàn bộ cuốn sách Ngôn ngữ của Chúa (ra
đời năm 2006, bản dịch Việt, Lê Thị Thanh Thuý, 2007) để nói về đức tin của ông
trước những trường phái khoa học hiện đại, và cuối cùng ông đưa ra lựa chọn (lý
thuyết) của chính ông: Thuyết tiến hoá hữu thần.
Chúng
ta tôn trọng nhu cầu tâm linh và niềm tin của từng cá nhân và sự thoả mãn của
cá nhân với niềm tin đó. Đây là một phần của từ bi hỷ xả mà cá nhân tôi tin
rằng đang bao trùm nhân loại. Nhưng cũng có người đòi hỏi triệt để, như nhu cầu
của Krishnamurti, nói theo lời ông, “một sự thoả mãn không cần nạng chống”.
Arthur
Rimbaud (1851-1891), thiên tài thi ca Pháp, người mở đầu cho thi ca hiện đại
Tây phương, (có nhà thơ nào trong phong trào Thơ Mới Việt Nam mà không biết đến
Rimbaud?) “đứa con hoang đàng” (hiểu theo nghĩa đẹp) của Tây phương, trong cuộc
đời lang thang tìm kiếm đã để lại những bài thơ tuyệt vời. Thật sự, Rimbaud tìm
kiếm gì qua thi ca, một khi trái tim mình đã bị đánh cắp? (Trái tim bị đánh
cắp, nhan đề một bài thơ của ông)
Tìm
lại được rồi
Điều chi? – Vĩnh cửu.
Đó là biển cả
Trộn lẫn với mặt trời…
Vĩnh
cửu, Huỳnh Phan Anh dịch
Tất
cả thi ca là tiếng nói của con người, con người của “trái tim bị đánh cắp”, và
do đó là tiếng lời của con người trong cuộc tìm kiếm vĩnh cửu, dù có tìm thấy
hay không.
M.
Heidegger suốt đời tìm kiếm Hữu Thể (L’Être, Being). Chỉ luận đề “sự bỏ quên
Hữu Thể trong lịch sử triết học Tây phương” cũng đủ đưa ông lên thành triết gia
hàng đầu Tây phương trong thế kỷ XX. Nhưng danh tiếng triết gia vĩ đại ấy cũng
chỉ là một phụ phẩm trên con đường tìm kiếm cái Tuyệt Đối. Cuộc đời ông là một
cuộc tham thiền (pensée méditative), một cuộc hành hương trở về Hữu Thể:
Con
đường và cán cân
Cầu ngang và tiếng lời
Hợp nhất trong cùng một bước tiến.
Hãy đi tới và chịu đựng
Thất bại và câu hỏi,
Trung thành với lối đi độc nhất của ngươi.
Kinh
nghiệm của tư tưởng, Questions III
Câu
trích dẫn mở đầu cho cuốn Tội ác và hình phạt, Dostoievsky đã lấy từ Kinh
Thánh: “Nếu hạt giống không chết đi, nó sẽ không thành cây để có quả. Một tôn
giáo nhấn mạnh vào cái Hữu (hữu thần, hữu ngã) nhưng trên phương diện tâm linh
vẫn đòi hỏi cái ngã phải chết đi, để phục sinh trong đời sống vĩnh cửu, trong
“sự sống đời đời”. Đó ắt phải là một định luật cho tất cả con người nói chung.
Thế mà, nhiều người sợ Phật giáo vì cái vô ngã, thậm chí còn không hiểu nên cho
Phật giáo là bi quan, yếm thế.
Hãy
thôi hình dung (vọng tưởng) thực tại tối hậu là gì, để rồi sợ (và ghét) hay
mong một cách mộng tưởng, sai lầm.
“Hãy
gõ cửa đi, cửa sẽ mở” (Kinh Thánh). Sự giàu có, vinh quang và quyền lực của tâm
linh thì không cùng. Bởi thế mà Phật giáo gọi cái ấy là viên ngọc như ý.
3.
Ý nghĩa đời sống chỉ có trong thể nghiệm
Vậy
thì chúng ta hãy ngồi xuống. Đành rằng ngồi thiền không phải là cách duy nhất
để tiếp cận với Thực Tại, nhưng đó là cách cụ thể, vừa tầm cho tất cả chúng ta.
Hãy ngồi xuống và cảm nhận và thể nghiệm trong thân tâm này có ánh sáng, có sự
bình an càng ngày càng lớn rộng, có sự ngưng nghỉ của những tư tưởng cứ mãi lao
xao trong những vòng quay hữu hạn của chúng, có sự tự do, tự do đối với tất cả
những gì hữu hạn và tạm thời, có tình thương, có năng lực, có cái gì vô thượng
và siêu việt, và nhiều nhiều thứ nữa. Thân tâm này chính là con đường đi đến
Thực Tại tối hậu (đây là một cách nói vì thực tại tối hậu cũng phải là thực tại
ban đầu, thực tại bổn nguyên).
Đức
Phật đã nói, “Trong chính thân thể cao hơn thước rưỡi này, cùng với tri giác và
tư tưởng. Như Lai tuyên bố đây là thế gian (hữu hạn và khổ đau), nguồn gốc của
thế gian (hữu hạn và khổ đau), sự chấm dứt thế gian (hữu hạn và khổ đau) và con
đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian (hữu hạn và khổ đau) ấy”.
Hãy
ngồi xuống và tìm thấy tất cả mọi cái mà văn hoá con người đã quy thành Chân
Thiện Mỹ. Hãy ngồi xuống để tìm ra ý nghĩa đích thật của cuộc đời mình và của
toàn bộ đời sống. Đó là cái xưa nay mình vẫn tham muốn, cái mà xưa nay mình vẫn
sở hữu, cái mà xưa nay vẫn hằng thoả mãn vì không cần nương nhờ vào bất cứ thứ
gì. Đó là cái từ lâu lắm rồi chúng ta chưa bao giờ thực sự tìm kiếm, và vì
không tìm kiếm, không tìm ra cho nên cứ tiếp tục không mãn nguyện và khổ đau.
Chính
ở đây chúng ta khám phá ra, tiếp cận được ý nghĩa đời sống, một đời sống chân
thực (vì không còn bóng tối), thiêng liêng (vì hoàn toàn không có cái dơ, cái
hữu hạn vô thường) và vĩnh cửu. Chính ở đây, nhìn lại, chúng ta thấy những cái
khác (tất cả những gì chúng ta tìm kiếm trong cuộc đời) chỉ là những phản ánh
lay lắt và méo mó, thậm chí là ảo ảnh, do chính sự tìm kiếm sai lầm và vô vọng
của chúng ta tạo ra.
Hãy
ngồi xuống và thể nghiệm ý nghĩa đích thực của chính mình, của những người
khác, của thiên nhiên và của cái gì siêu việt. Rồi sau đó, khi sự thể nghiệm đã
cho chúng ta sự xác quyết về Cái Ấy, hãy đứng lên để giúp mọi người khám phá,
tiếp cận với Cái Đó vốn luôn ở trong tâm thức mỗi người.
Đó
là hạnh phúc lớn nhất, quyền lợi rộng lớn nhất mà mỗi người đều có quyền được
hưởng, vì tất cả chúng ta ai ai cũng bình đẳng với thực tại.
Nguyễn
Thế Đăng (Theo Văn hóa Phật giáo)