I. THẾ NÀO LÀ CÁI MÊ TRUYỀN KIẾP?
Quý
vị biết cái mê truyền kiếp là thế nào không? Tức là cái mê từ đời này
truyền qua đời kia, truyền mãi đến nay, chúng ta ngồi đây mà nó cũng còn
đó không dứt. Ai sanh ra đời cũng đều có cái mê này, nên gọi đó là
truyền kiếp. Vậy cái mê truyền kiếp là gì? Tức tình chấp ngã, cái mê
chấp ngã. Và người nào còn đi trong sanh tử luân hồi, cũng đều mang theo
cái mê này.
Nếu người không có cái mê này thì không còn đi trong sanh tử. Giả sử có đi vào sanh tử là vì thương chúng sanh mới vào.
Trong
pháp 12 nhân duyên, vô minh là gốc của luân hồi. Mà vô minh là mê. Tức
là ngay một niệm bất giác ban đầu, quên mất tánh chơn sẵn có của chính
mình, từ đó mang theo cái mê này đi mãi trong luân hồi.
Chỉ
do niệm bất giác mà chúng ta đã mang cái mê đó đồng hành với nó, lấy nó
làm chủ cuộc sống và tiếp tục cuộc hành trình vô hạn định này.
Quý vị kiểm thật kỹ xem mình đang sống là sống vì cái gì? Có người nói sống vì sự nghiệp v.v…, nhưng thật ra chúng ta “sống vì cái ngã”. Nếu không có cái ngã, không có cái tôi thì lấy gì để sống? Do đó, người đời vừa mở miệng thì tiếng “tôi” là đầu tiên, là chủ từ.
Thí dụ như mục đích quý vị đến đây là gì? Vì “Tôi đi nghe pháp”;
rồi “tôi ăn, tôi mặc, tôi đi làm, tôi buồn, tôi vui, tôi tạo sự
nghiệp…”, cái gì cũng lấy tôi là chủ từ hết. Bao nhiêu những sự buồn
vui, giận ghét, hơn thua, phiền hận, cho đến những mưu toan, tính toán
trong cuộc sống cũng đều vì “cái tôi”.
Trong kinh kể câu chuyện về vua Ba Tư Nặc và bà Mạt Lợi phu nhân cùng luận đạo. Một hôm, vua hỏi bà: “Trên đời này ái khanh thương yêu ai nhất?”.
Bà đáp: “Dĩ nhiên thần thiếp thương yêu bệ hạ nhất”. Rồi bà mới hỏi
lại: “Còn bệ ha,ï chẳng hay bệ hạ thương yêu ai nhất?”. Vua đáp: “Trẫm
thương yêu ái khanh nhất chớ còn ai nữa”. Nhưng bà lại nói thêm: “Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ cho phép, thì thần thiếp sẽ nói khác đi một chút”. Vua hơi ngần ngừ, nhưng cũng nói:“Được ái khanh cứ nói”. Bà thưa: “Muôn tâu bệ hạ! Thực ra trên cõi đời này thần thiếp chỉ thương yêu thần thiếp nhất thôi!” Vua không hiểu, nói: “Ái khanh có thể nói rõ cho trẫm hiểu không?”. Bà mới giải thích: “Bởi
vì thần thiếp thương yêu chính mình, nên muốn bệ hạ ban bố cho thân của
thần thiếp được hạnh phúc, được nhiều an vui, mà muốn được như vậy thì
thần thiếp phải thương yêu bệ hạ. Có vậy, bệ hạ mới thương yêu, rồi ban
bố cho thần thiếp hạnh phúc, cái này cái kia... Cho nên vì yêu thương
mình mà thần thiếp yêu thương bệ hạ”. Bà mới nói thêm: “Cũng
như bệ hạ cũng chỉ yêu thương mình bệ hạ thôi. Để làm rõ việc này, thần
thiếp xin thí dụ, nếu như thần thiếp lại đi yêu thương một người khác
thì bệ hạ sẽ nghĩ thế nào? Có phải là bệ hạ sẽ chém đầu thần thiếp hay
không”? Nghĩa là, nếu thật sự bệ hạ thương yêu thần thiếp bậc nhất,
thì trước sau gì vẫn yêu thương, cớ sao lại phải chém đầu? Đó là lẽ
thật.
Vua
Ba tư Nặc mới hiểu ra. Sau đó hai người cùng dẫn nhau đến gặp Phật, rồi
thuật lại việc bàn luận, xin Phật xác minh. Phật xác nhận lời của bà
Mạt Lợi phu nhân đúng, và nói bài kệ:
Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời
Cũng không tìm thấy được
Ai thân hơn tự ngã
Tự ngã đối mọi người
Quá thân thiết như vậy
Vậy ai yêu tự ngã
Chớ hại tự ngã người.
Phật
dạy là tâm chúng ta đi khắp tất cả mọi phương trời, và xét kỹ thì không
ai thân yêu hơn tự ngã của mình. Bởi tự ngã đối với mọi người quá thân
thiết như vậy, ai cũng yêu thương tự ngã của mình. Theo tâm lý ở thế
gian nếu mình yêu tự ngã của mình thì người khác cũng yêu tự ngã của
người khác; vì vậy mình yêu tự ngã của mình thì chớ làm hại, làm tổn
thương đến tự ngã của người khác.
Quý
vị thấy Phật dạy rất là công bình. Hiện nay, chúng ta yêu tự ngã của
mình nhưng làm tổn thương tự ngã của người khác. Luôn làm khổ nhau, sống
cách biệt nhau là từ chỗ đó. Nếu biết y lời Phật dạy, thì cuộc sống sẽ
rất vui, rất gần gũi vì mình biết yêu tự ngã của mình, nên càng tôn
trọng tự ngã của người khác, thì làm sao có chuyện buồn, vui với nhau.
Chúng ta thì khác, vì tôn trọng tự ngã của mình, nhưng hạ thấp tự ngã
của người khác thì làm sao đến gần nhau được.
Cho
nên, Phật dạy rất là chí lý, mà đó là lẽ thật của thế gian. Nếu lấy
kinh nghiệm đó để sống và biết rõ ai cũng có cái ngã hết, thì đừng quá
chủ quan, chỉ “biết có mình” mà không biết người, rồi gây đau khổ cho
nhau. Theo tinh thần Phật dạy thì phải biết mình biết người. Mình quý tự
ngã của mình thì cũng quý tự ngã của người khác, thì sẽ cảm thông đến
gần với nhau hơn.
Đó
là Đức Phật dạy cách sống còn trong tương đối, nhưng không phải là chỗ
rốt ráo. Đừng nghĩ Phật dạy nếu người yêu cái ngã của mình thì phải quý
tự ngã người, tức t hấy có ngã, mà còn phải tiến lên “quên nga”õ nữa.
Trong
kinh Viên Giác, Phật giải thích rõ vô minh là chấp thân tứ đại này là
ta, rồi tâm duyên theo bóng dáng của sáu trần bên ngoài là ta. Tức là
con người này gồm cả thân-tâm đều không phải thật là mình, không thật là
ta, nó là cái sanh diệt tạm bợ vô thường nhưng lại chấp cho đó là mình,
đó là vô minh.
II. HỌC PHẬT LÀ HỌC TỰ NGÃ
heo ngài Đạo Nguyên Tổ của tông Tào Động Nhật Bản dạy người học Phật là: “Học
đạo tức là học tự ngã. Học tự ngã là buông bỏ tự ngã, mà buông bỏ tự
ngã là giác ngộ các pháp, giác ngộ các pháp là buông bỏ thân tâm của
mình và của người”. Học đạo đơn giản như vậy. Tức là buông xả cái ngã chứ không gì khác.
Cũng như Thiền sư Pháp Loa dạy: “Yếu chỉ của thiền định là thân tâm đều xả”.
Nghĩa là học Phật để thật sự thấy rõ chính mình, rồi chuyển hóa mình.
Ban đầu là thấy rõ chính mình, rồi tiến lên là quên mình, đẻ sống trở
lại con người xưa nay.
Quý
vị biết chính mình là gì không? Là không thật. Hiện tại, con người của
chúng ta đầy tham lam, bỏn xẻn, sân hận, si mê, ganh ghét, hơn thua, ích
kỷ…. mọi người đều nghĩ đó là con người thật của mình. Chẳng lẽ quý vị
chấp nhận con người thật của mình là như vậy, đồng hóa mình với những
thứ đó hay sao? Tôi tham, tôi sân, tôi ích kỷ…, đồng hóa những thứ đó là
mình, chẳng những thế lại còn quá yêu thương nó, không dám bỏ, đó gọi
là mê.
Có một anh chàng nông dân cũng là Phật tử, đến hỏi thiền sư Bàn Khuê:
- Bạch thầy! Bản tánh của con vốn nóng nảy, xin thầy chỉ cho phải làm cách nào để sửa đổi?
Thiền sư Bàn Khuê bảo:
- Ông hãy đem tánh nóng nảy đó ra đây, ta sửa đổi dùm cho.
Anh nông dân thưa:
- Bạch thầy! Không được, bây giờ thì nó không có, nhưng mà khi gặp duyên, đụng chuyện thì nó mới hiện ra.
Thiền sư Bàn Khuê mới xác định:
-
Nếu vậy, ngay bây giờ nó không có, chỉ khi nào gặp chuyện thì nó mới
hiện, vậy là chính khi ông và người khác tranh chấp với nhau, thì mới
tạo ra nó, thế mà ông lại nói nó là vốn sẵn ông đã đỗ lỗi lầm cho cha
mẹ, thật là quá bất công.
Trước
ông nói tánh nóng có sẵn,nhưng bảo đem ra thì đem không được, chỉ khi
gặp duyên mới hiện. Vậy sao ông nói là vốn sẵn? Nếu ông nói như vậy là
đổ lỗi lầm cho cha mẹ sanh ra cái đó, thật là quá bất công.
Khi ấy, ông có tỉnh.
Đó
là cái lầm xưa nay của tất cả chúng ta. Ai cũng nghĩ nóng nảy là cái
tánh của mình, sẵn ở trong mình rồi, thương yêu không dám bỏ. Ở đây,
ngài Bàn Khuê chỉ cho thấy rõ, lẽ thật là nó chỉ là cái đem vào sau này,
chứ không phải là cái sẵn có từ ban đầu nên bảo đem ra thì đem không
được. Nếu đã có sẵn thì lấy đem ra thôi, còn đây khi gặp duyên, xúc cảnh
thì nó mới có. Vậy là nó có theo duyên, duyên qua rồi thì hết. Rõ ràng
nó không phải là bản tánh, không phải là cái thật nơi mình. Nhận rõ như
vậy thì không có lầm chấp nó là mình.
Nếu
nó không phải là cái sẵn có, cái cố định nơi mình thì mình có thể
chuyển, và nó có thể hết. Cho nên, nếu người khéo tu thì có thể chuyển
hóa, vì nó không cố định, không có tánh thực, chắc chắn như vậy. Đây
chính là lầm chấp ngã, từ lầm chấp này khiến chúng ta sống ngăn cách với
nhau, rồi thu hẹp lại với nhau từ cái lầm đó.
Khi
đã thấy rõ như vậy, thấu suốt được lẽ thật mới không đồng hóa mình với
nó. Còn nghĩ đó là bản tánh của tôi, tức là mình đồng hóa mình với nó
rồi, mà đồng hóa mình với nó thì làm sao trừ nó.
Một anh nông dân khác, thỉnh Thiền sư Vô Tướng đến nhà tụng kinh siêu độ cho người vợ của anh mới mất. Tụng xong anh mới hỏi:
- Bạch thầy! Thầy tụng kinh xong rồi, thầy có thể cho biết vợ tôi có thể được bao nhiêu lợi ích từ Phật sự này?
Nghĩa là anh muốn hỏi người mất được tụng kinh cầu siêu như vậy, được bao nhiêu công đức.
Thiền sư Vô Tướng bảo:
-
Đương nhiên Phật pháp như thuyền từ độ khắp, như ánh mặt trời soi khắp
hết, chẳng những vợ ông được lợi ích trong Phật sự này, mà tất cả chúng
sanh cũng đều được lợi ích hết.
Anh nông dân nghe vậy, tỏ vẻ không vui, thưa:
- Vợ tôi rất là yếu đuối, nếu những chúng sanh khác mạnh hơn, thì họ đoạt mất công đức của nàng hết rồi. Có thể xin thầy chỉ tụng kinh siêu độ cho riêng một mình vợ tôi, chẳng cần phải hồi hướng cho những chúng sanh khác.
Thiền sư Vô Tướng nghe qua thương xót, nên từ bi giải thích rằng:
-
Chuyển công đức của mình đến cho người khác, khiến cho mỗi một chúng
sanh đều được thấm nhuần lợi ích, đó là pháp môn tu trì rất hay khéo.
Hồi hướng nội dung là hồi sự mà hướng lý, hồi nhân để hướng đến quả; hồi
tiểu hướng đại (tiểu thừa đến đại thừa). Như ánh sáng nó không chiếu
rọi chỉ một người, mà chiếu rọi hết mọi người; cũng như mặt trời trên hư
không muôn vật đều được chiếu soi, một hạt giống có thể sanh ra muôn
ngàn quả trái. Ông nên dùng sự phát tâm như là đốt một ngọn nến, rồi mồi
vào cho ngàn ngàn muôn muôn ngọn nến khác, thì chẳng những càng thêm
sáng chói, mà bản thân ngọn nến cũng không do đó mà giảm bớt ánh sáng.
Nếu như người người đều có quan niệm như thế, thì thân nhỏ bé của chúng
ta đây, thường do sự hồi hướng của ngàn ngàn muôn người mà nhận được rất
nhiều công đức, còn vui nào hơn nữa? Nên người học Phật chúng ta phải
đối với tất cả chúng sinh đều bình đẳng.
Ngài giải thích rất hay, rất chí lý. Nhưng anh nông dân này anh cố nói thêm nữa: “Theo
giáo nghĩa thầy nói rất hay, nhưng xin phá lệ cho, vì hàng xóm của con,
có lão họ Triệu đối xử với con thật quá xấu, có thể nào trong số chúng
sanh đã hồi hướng đó, loại trừ ông ta ra được không?”. Thiền sư Vô Tướng nghiêm giọng bảo: “Đã nói là tất cả, tại sao lại còn có trừ ra?”
Qua
câu chuyện chúng ta thấy rõ, cũng vì cái ngã, cái tôi này nên lòng
thương thu hẹp lại. Nếu làm Phật sự là làm việc lành mà vẫn có tâm như
vậy, thì phước đức người này ra sao? Dĩ nhiên là bị thu hẹp nhỏ rồi.
Cho nên, tu học là để thấy rõ những ý nghĩa chân thật đó, để tâm mình mở rộng hợp với Đạo hơn.
Cũng
như câu chuyện cô Ni có tượng Phật mũi đen. Tức là một cô Ni có tượng
Phật rất đẹp lại quý. Cô thường lau chùi, thắp hương trầm đặc biệt trân
trọng cúng dường lên tượng Phật đó. Sau, cô đổi đến ngôi chùa khác và
cũng mang tượng Phật đi theo. Chùa này thờ nhiều Phật, cô tôn trí tượng
Phật của cô ngay giữa bàn thờ, và chọn trầm hương thượng hạng đốt cúng
Phật. Chánh điện thờ nhiều Phật, cô nghĩ nếu khi đốt hương cúng ông Phật
của cô thì hương sẽ bay qua phía khác rồi các vị Phật kia sẽ ngửi hết,
Phật của cô không có phần.
Thế
là, cô làm một cái phễu một đầu to một đầu nhỏ, để khói hương bay vào
trong đầu to, còn đầu nhỏ thì đưa lên thẳng lỗ mũi ông Phật của cô. Vậy
là bảo đảm ông Phật của cô sẽ hưởng mùi hương đầy đủ, khỏi bị phân chia.
Lâu ngày khói đóng tượng Phật của cô nên lỗ mũi bị đen, trở thành Ông
Phật mũi đen.
Như
vậy cái nhân thắp hương cung kính tưởng đến Phật cúng dường rất quý.
Nhưng lại vì mình, thu hẹp vào tượng Phật của mình, nên kết quả cũng thu
hẹp. Và cuối cùng thành ông Phật mũi đen. Mà đen thì mất sáng chói.
Đúng ra ông Phật đồng thì sáng chói, nhưng lại mất vẻ sáng chói.
Đúng
ra Phật nào cũng là Phật tại sao có Phật của tôi? Đó là tâm còn thu
hẹp, nên kết quả không trọn tốt, thành ra biến ông Phật thành lỗ mũi
đen.
Từ
nội dung câu chuyện nói đến ông Phật của tôi, còn chúng ta thì là thầy
của tôi, chùa của tôi, Phật tử của tôi, đạo tràng của tôi. Bao nhiêu cái
tôi đó mà thành vui buồn với nhau, có khi đưa đến thù ghét nhau.
Quý vị thấy phải không? Nhân ban đầu là tốt, nhưng đưa đến quả không được tốt. Có khi nhân lành mà đưa đến quả dữ. Cho nên “cái tôi rất là nguy hiểm!”.
Bởi vậy, Thiền sư Buddhadasa ở Thái Lan, có viết một quyển sách tựa là “Cái Ta Nguy Hiểm” trong đó có một đoạn ghi rằng: “Hễ
khi nào mà ý tưởng ta vừa có là có khổ ngay. Hãy nắm lấy nguyên tắc
quan trọng này, rồi thì bạn được đứng vững vào một cương vị, để cho bạn
tìm hiểu tinh hoa của Phật giáo. Và hưởng được nhiều điều lợi lạc của
Phật giáo, nhờ biết tận dụng lợi thế sanh làm người và được gặp Phật
giáo”.
Tức
là khi tìm hiểu Phật giáo, đã nắm vững được những tinh hoa những điều
căn bản này rồi, thì mới thấy được những ý nghĩa sâu xa, mới cảm được
những lợi lạc của Phật giáo đem đến. Và nên nhớ được sanh làm người lại
được gặp Phật pháp là một duyên lớn đối với chúng ta. Nếu không khéo,
nhiều khi tạo nhân lành mà quả không được tốt.
III. CON ĐƯỜNG VÔ NGÃ
Qua
đó, chúng ta thấy rõ học Phật hay đi vào con đường đạo Phật, là phải đi
qua cửa vô ngã, ban đầu từ cạn rồi tiến đến sâu. Nếu không đi qua cửa
đó là đi sai đường.
Tuy quý vị ngộ sâu cách mấy đi nữa mà không đi qua con đường này, thì ngộ càng cao mà cái ngã cũng thêm cao thì đó là nguy hiểm!
Cũng vậy tu càng lâu mà cái ngã càng cao thì phải kiểm điểm lại.
Thí
dụ Phật dạy tu lục độ: Tu hạnh từ bi là để cái ngã của mình càng mở
rộng, càng đến với mọi người. Nhờ mở rộng lòng thương mọi người nên bớt
nghĩ đến mình, đó là đi vào cửa vô ngã. Nhẫn nhục để hạ bớt bản ngã; giữ
giới là ngăn bớt buông lung…, cũng là đi vào con đường vô ngã.
Nếu
xét kỹ, do vọng chấp huân tập lâu đời nên thành thói quen. Giờ đây có
khi chúng ta cũng biết rõ đó là mê lầm nhưng vẫn cứ chấp. Mà đã là thói
quen, là cái mới huân tập sau này, nếu quyết chí bỏ cũng có thể hết,
đừng sợ nó không hết, bởi đó chỉ là lầm chấp thôi.
Chẳng
hạn, quý vị thấy thân này là đất, nước, gió, lửa là những thứ vô tri
hợp thành. Nói tế nhị hơn, những chất cứng trong thân như xương, lông,
tóc là đất; máu là nước; lửa là hơi ấm, nhiệt độ trong người; còn gió là
những chuyển động trong thân như là mạch nhảy, tim đập. Thì bốn thứ đó
nó đâu có hiểu biết.
Quý vị kiểm lại thử mấy dòng máu, mấy sợi tóc, mấy đốt xương, mấy hơi ấm, nó có biết gì đâu, chẳng lẽ Ta là cái đó hay sao?
Còn
tâm này khi có khi không, luôn thay đổi sanh diệt nên vô thường. Vừa
mới nghĩ điều này liền nghĩ qua việc khác, luôn luôn như vậy. Một ngày
có thể nghĩ và thay đổi hàng ngàn hàng vạn điều nghĩ.
Như
vậy niệm nào là ta? Xét kỹ nó là những bóng chập chờn vậy thôi! Ngay
thân của chúng ta, một ngày nó cũng thay đổi không biết bao nhiêu là cái
ta trong đó, vậy cái nào là cái ta thiệt của mình?
Thí
dụ quý vị đi làm về vợ ra chào, lúc đó ta là chồng. Khi đi vào trong
nhà, đứa con đến thưa ba, lúc đó ta là cha. Gặp đứa cháu nội ra thưa
ông, thì ta là ông nội. Vào bên trong gặp con chó nó mừng, lúc đó ta là
chủ. Vào phòng trong gặp bà mẹ thưa mẹ, lúc đó ta là con. Nghe báo cáo
bên phòng khách có người bạn đang chờ, bước qua phòng khách chào, lúc đó
ta là bạn. Chỉ mới thời gian ngắn ngủi đó đã có bao nhiêu cái ta rồi?
Nếu kiểm lại thì suốt cuộc đời có bao nhiêu cái ta?
Để
thấy rõ bao nhiêu cái ta đó, là những “nhãn hiệu” dán vào thôi. Nhưng
hầu hết con người đều lầm chấp vào những cái không thực, những nhãn hiệu
bên ngoài đó. Vậy cái ta nào là thực?
Trong kinh Kim Cang, Phật nói: “Nói phàm phu tức chẳng phải phàm phu, nói chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh, cho đến nói ngã cũng tức chẳng phải là ngã”.
Nói
phàm phu nhưng mà chẳng phải là phàm phu, vì nó không cố định là phàm
phu, do mê gọi là phàm phu vậy thôi. Nếu chuyển hết mê thành Phật thì
mất cái tên phàm, cho thấy Phàm, Thánh cũng là cái tên đặt ra thôi. Cho
nên, nếu mỗi người đang ngồi đây, nhận rõ, hiểu được thấu chỗ này thì
hay biết mấy! Tức mình là “phàm phu tức chẳng phải phàm phu”.
Trong
đây, chắc là ai cũng đều có nằm chiêm bao. Khi quý vị nằm chiêm bao lúc
đó thấy ra sao? Thấy có thêm một cái tôi đi đây đi đó, cũng buồn vui
giận ghét, có khi bị cọp rượt cũng sợ chạy, rồi gặp được ai cho viên kim
cương cũng mừng. Nhưng có khi nào quý vị đặt câu hỏi lại: Như vậy “cái
tôi” mà bị cọp rượt chạy, “cái tôi” được viên kim cương vui mừng, rồi
“cái tôi” đi đây đi đó, “cái tôi” buồn vui giận ghét…, và “cái gì” mà thấy lại những cái đó? Thành ra còn có “một cái thấy lại” no,ù là rõ ràng có hai cái tôi.
Hiện
tại sự sống của chúng ta cũng vậy, đang sống với cái tôi thứ hai, thứ
ba. Còn cái “biết được” mấy cái tôi đó thì hình như ít ai nhớ tới. Nhưng
nếu nghiệm kỹ lại được cái tôi trong chiêm bao thì sẽ tỉnh lại. Vậy có
ai tỉnh chưa?
Khi kiểm lại, thì ai cũng có“thêm cái tôi” cho nên ai cũng đều dư hết, nhưng tưởng thiếu nên cứ đi tìm rồi thêm vào.
Thật
ra, tu chỉ là buông bớt thôi chứ không gì khác. Buông là nhẹ mà thêm
vào là nặng. Như quý vị mang cái túi đi đường, nếu cho vật vào thì mang
nặng thêm, còn bỏ bớt ra thì nhẹ. Việc tu cũng vậy. Nếu buông bớt thì nó
nhẹ.
Xưa
có phạm chí Hắc Thị tu chứng ngũ thông, thuyết pháp rất hay. Một hôm,
có vua Trời đến nghe ông thuyết pháp. Nghe xong, vị ấy báo cho biết, ông
chỉ còn sống bảy ngày nữa thôi!
Nghe
rồi, phạm chí hoảng năn nỉ xin vị ấy cứu dùm. Vị ấy nói nói tôi cũng
không cứu được, nhưng hiện nay có Đức Phật ra đời, đang ở nơi đó. Ngài
có thể đến gặp Phật. Phật có thể cứu Ngài giải thoát sinh tử.
Phạm
chí dùng thần thông bay đến gặp Phật. Trên đường đi, thấy có hai cây
ngô đồng nở hoa đẹp ở ven đường, tiên mới dùng thần thông bứng hai cây
ngô đồng hai tay cầm đến dâng lên Phật.
Khi
gặp Phật, phạm chí cần cầu pháp giải thoát sanh tử. Bấy giờ, Phật bảo
ông hãy buông đi, thì ông buông cây ngô đồng bên tay trái xuống; Phật
bảo buông đi! Ông buông luôn cây bên tay phải ra. Phật bảo buông nữa đi!
Ông ngơ ngác nói: “Bạch Thế Tôn, hai tay con cầm có hai cây, Thế Tôn
bảo buông, thì con đã buông, giờ còn bảo buông gì nữa?” Phật nói: “Ta
đâu có bảo ông buông hai cây ngô đồng, Ta bảo buông lần thứ nhất là
buông sáu căn, lần thứ hai là buông sáu trần. Còn cái buông thứ ba là
buông sáu thức. Tức là sáu cái biết phân biệt nơi mắt, tay, mũi, lưỡi,
thân, ý của mỗi người. Buông được ba cái đó là giải thoát sanh tử”. Ngay
đó phạm chí giác ngộ.
Quý
vị thấy Phật dạy rất đơn giản, chỉ có ba cái buông thôi. Nghe nói thấy
dễ nhưng khi làm thì khó. Thật ra không có gì khó cả, chỉ vì từ lâu quen
chấp những suy tưởng là mình, giờ nhận rõ buông bớt dần đi. Nhiều khi
chúng ta cứ nghĩ những cảnh này chi phối mình, hoặc là tướng đó làm động
tâm mình, tức tâm bị tướng chi phối.
Nhưng
quán kỹ tâm thì nơi mình, còn tướng cảnh thì ở bên ngoài. Tâm ở đây,
còn cái hoa hoặc là tường vách ở đằng kia, hai cái đó nó cách rất xa,
thì có dính dáng gì với nhau đâu.
Thứ
nữa là tâm có biết rõ ràng, còn tướng thì vô tri. Vậy nó đâu dính gì
với nhau. Nhưng tại sao chúng ta cứ gắn chúng vào với nhau? Tại vì chúng
ta “gắn cái tôi” vào trong đó rồi tưởng tượng, phân biệt mới gây ra bao
buồn vui, giận ghét, thành rắc rối.
Thật
sự thế gian này hay là thế giới vốn là thanh bình, an ổn không có
chuyện gì hết, nhưng tại chúng ta chen vào gây rối. Thí dụ chiếc xe hơi
đẹp để ngoài xa kia, nó cũng đâu có nói đẹp xấu gì. Nhưng do chúng ta
thấy chiếc xe rồi đánh giá là đẹp thượng hạng, liền khởi tâm lên mới bắt
đầu gây rối.
Cũng
vậy, bình hoa này đứng đó rất là thái bình, do con người thấy rồi xen
cái tôi phân biệt vào, tôi thấy hoa như vầy, anh kia thấy hoa như thế
kia, từ đó mới có sanh chuyện. Trả hoa về vị trí nguyên thủy của nó, hoa
chỉ là hoa thôi! Hoa đâu có nói đẹp nói xấu gì. Đẹp xấu là do mình.
Nói
rộng ra ngoài thế gian, thường ai cũng nói núi cao sông sâu, nhưng hỏi
lại núi có nói nó cao, sông có nói là sâu không? Núi là núi nó có nói
cao, nói thấp gì đâu. Bởi người khi trước từng thấy ngọn núi thấp hơn,
giờ thấy ngọn núi này lại cho là cao.
Nhưng
có người lại nói núi này không cao gì hết, so với ngọn Hy Mã Lạp Sơn.
Thành ra cái cao, cái thấp là do mình.Ví dụ hai cây thước, cây thước dài
để gần cây thước ngắn thì nó thành dài, nhưng mà để gần cây thước dài
hơn thì nó thành ngắn. Cho nên dài ngắn đâu cố định.
Hiểu rồi, mới thấy được cái gốc mê lầm của chúng ta. Quý vị nhớ lại ngày xưa đọc truyện Kiều của Nguyễn Du, bình luận câu : “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”,
rồi chúng ta cũng theo đó bình văn. Nhưng giờ học Phật rồi, xét kỹ lại
thì cảnh nó có đeo sầu không? Tại sao cảnh lại thành sầu? Do chúng ta
sầu rồi đeo vào nó, rồi đổ thừa là cảnh đeo sầu.
Đó
là cái lầm của tất cả chúng ta. Do sống với cái tưởng rồi từ tưởng đó
chúng ta mới gán vào cảnh, dính với cảnh, rồi đổ thừa cho cảnh, mà không
thấy được cái gốc nơi chính mình, và nếu không thấy được lẽ thaatrj này
thì tu cũng chướng ngại. Cứ đổ thừa tại cảnh làm chướng, làm khó, rồi
bỏ cảnh này đi tìm cảnh khác. Nhưng nếu tâm không chuyển, thì tìm cảnh
khác có hết buồn không? Nếu tâm mình bất an thì vào núi nó cũng bất an.
Thí dụ ở chỗ động ồn ào thì tâm bất an. Nếu không khéo chuyển tâm bất
an, thì vào núi nó cũng gặp những cảnh quấy nhiễu rồi vẫn bất an tiếp.
Ở
đây, ngồi nghe xe chạy hoài nên tâm bị động, còn vào núi thì cọp gầm,
vượn hú cũng động. Như câu chuyện của tiên nhân Uất Đầu Lam Phất đã tu
chứng tới sức định phi phi tưởng xứ, Một hôm, đang ngồi thiền bên mé
nước gần rừng, nghe chim kêu cá lội quấy động, ông nổi sân tâm bất an
mất định. Ông mới phát nguyện sau này sẽ sanh làm con chồn bay để ăn hết
mấy con vật trên bờ lẫn dưới nước luôn. Quý vị thấy đó là do tâm mình
chưa khéo chuyển thành động tâm, phát nguyện ác sau bị đọa làm thân chồn
bay, chịu nhiều đau khổ.
V. TÓM KẾT
Tóm lại, chính “tình chấp nga”õ là cái “mê truyền kiếp”. Từ kiếp này dẫn qua kiếp khác, từ đời này qua đời khác không dứt, nên vẫn mãi đi trong luân hồi, gọi là truyền kiếp.
Chúng
ta học Phật là học trí tuệ, học giác ngộ, chứ đâu phải học cái mê. Khi
thấy rõ được cái lầm đó, thì phải giải trừ, phải cởi mở. Dù chưa thể dứt
hết tình chấp như bậc Thánh, nhưng phải cởi mở dần, thì đó mới là đường
đi của mình. Mỗi ngày phải cởi mở, buông xả cho nó nhẹ bớt, thì đó là
đi đúng con đường an vui chân thật.
Nếu
quý vị bớt chấp ngã một phần, là cuộc sống chúng ta gần với nhau phần
đó, thì có vui không? Nhờ vậy, phiền não nhẹ bớt. Đó là lẽ thật. Mong
rằng mỗi người nghe rồi học kỹ, hiểu sâu lẽ thật này và khéo ứng dụng,
để cuộc sống được cởi mở, nhẹ nhàng và thật sự bớt khổ, sống gần với
nhau hơn.
TT Thích Thông Phương