Phật Học Online

Thiếu trách nhiệm với chính mình!

Có thể khẳng định rằng bên cạnh nhiều bạn trẻ sống có trách nhiệm với mình (cũng có nghĩa là có trách nhiệm với gia đình, xã hội) vẫn có rất nhiều thanh niên sống vội, sống gấp, sống buông thả, sống để “khẳng định” mình bằng những thú tiêu khiển vô bổ, coi sinh mệnh của mình như thể trò chơi.

Đau lòng!

Điểm một vài tin tức trong thời gian gần đây, hàng loạt những vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra do những bạn trẻ mới tập tễnh vào đời gây ra. Đó là cái chết thương tâm của 9 nam thanh nữ tú tại Phường Cát Bi (Q.Hải An, TP.Hải Phòng) vào đúng những ngày đầu năm Tân Mão, hay câu chuyện về đôi bạn trẻ đưa nhau ra hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) trước ngày 14-2 để tự kết liễu đời mình…

wwwnt.jpg

Nếu người trẻ được dạy về nhân quả, sống đẹp
thì chắc chắn họ sẽ biết sẻ chia, có trách nhiệm với chính mình - Ảnh: X.P

Nhìn nhận về những hiện tượng đau lòng đó, ngoài yếu tố lối sống cá nhân thì sự tác động từ môi trường xung quanh cũng là một trong những nguyên nhân tiên quyết tạo nên. Môi trường giáo dục từ phía gia đình, ví dụ như ông bà A là một chủ doanh nghiệp, việc thương trường luôn phải đối mặt với những rủi ro, vì vậy mà việc quan tâm đến con cái của họ có phần chểnh mảng. Họ chỉ đáp ứng cho con cái khía cạnh vật chất, chứ chẳng biết chúng đang suy nghĩ và hành động như thế nào, đúng hay sai. Và khi con cái đã xa rời sự quản lý của cha mẹ đã gây ra những vụ bạo hành học đường, đánh bạn, rồi xử nhau cả bằng hung khí, hàng nóng…

Môi trường giáo dục từ phía nhà trường cũng đóng vai trò tối quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Nếu chúng ta có một môi trường giáo dục tốt, những thầy cô luôn hành xử đúng mực với thiên chức của mình thì ắt sẽ có những học trò đủ cả tài và đức. Nhưng thực tế đang chứng minh điều đau lòng khác mà năm qua báo chí đã nêu lên, ầm ĩ thành dư luận như vụ thầy hiệu trưởng mua dâm và cầm đầu đường dây bán dâm học trò; những cô giáo mầm non, người giữ trẻ hành hung trẻ em dã man… Nơi giáo dục con người đang thiếu lòng nhân ái, tính nhân văn cao thượng ắt sẽ dẫn đến một thế hệ học trò (có nguy cơ) bị tha hóa cả đức lẫn tài…

Nên phổ cập giáo lý Nhân - Quả

Đứng từ góc nhìn của tôn giáo, tôi lại thấy mình như có phần may mắn hơn giữa kiếp sống nhân sinh chộn rộn này. Cho dù tôi vẫn là một con người trần tục, nhưng trước mỗi biến thiên của tâm thế con người, tôi luôn lấy lời Phật dạy làm cốt tủy, làm kim chỉ nam và là mục đích sống. Trước mỗi mỗi sự việc, tôi luôn nghĩ đến việc thọ nhận và giữ gìn 5 giới căn bản của Phật giáo, đó là: sát (không sát sinh), đạo (không ăn trộm), dâm (không tà dâm), vọng (không nói lời thêu dệt), tửu (không uống rượu và các chất ma tuý, kích thích có thể gây nghiện.

Tôi ước nếu trong trong xã hội của chúng ta, giáo dục tôn giáo được phổ cập đến từng ngõ ngách của cuộc sống thì chắc hẳn cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và bình an hơn. Người ta sẽ không sống và khẳng định mình bằng những trò đổi chác thiếu từ tâm, không cần biết nhân quả, nghiệp báo như việc đánh đổi chính sinh mệnh trân quý của mình việc ăn chơi trác táng, đua xe, hút chích đến mức phải tử vong, luỵ tình đến mức tự sát. Trong những trường hợp đó, nếu họ được tiếp cận với ánh sáng Phật pháp, nếu họ được thân cận với Tăng hiền, và nếu họ được học Giáo pháp của nhà Phật thì những thứ cám dỗ bình thường kia có thể cướp họ rời khỏi cuộc đời này không?

Khi cuộc sống được nâng cao giá trị vật chất thì dường như phẩm cách đạo đức, lối sống của con người và đặc biệt là người trẻ trở nên có vấn đề. Các tổ chức dành cho người trẻ, các diễn đàn mổ xẻ “bệnh” thời đại của người trẻ đã chỉ ra nhiều căn bệnh đáng quan ngại như bệnh vô cảm, bệnh trọng hình thức, sống lệch lạc những quy chuẩn đạo đức, sống không biết ngày mai... Các nhà xã hội học, tâm lý, giáo dục đã nhìn nhận và đánh giá nguyên nhân do gia đình, nhà trường và quá nhiều những “độc tố” trong một thế giới mở của phương tiện internet. Nhưng, kê đơn để trị bệnh thì dường như vẫn còn là một nổ lực dài hơi, do vậy, để góp tay vào công cuộc định hướng lối sống, hành động cho giới trẻ PG&TT mở diễn đàn “Bắt bệnh người trẻ” hầu mong nhận được nhiều ý kiến, góc nhìn từ những chư tôn thạc đức, những người trẻ có thực tập Phật pháp, từng có những trải nghiệm vượt qua căn bệnh chia sẻ phương pháp để người trẻ có thêm tư lương trên lộ trình cuộc đời, đi đúng đường, tìm thấy sự bằng an trong cuộc sống… Thư từ, bài vở tham gia diễn đàn xin vui lòng e-mail về địa chỉ: phatgiaovatuoitre@gmail.com hoặc thư tay đến toà soạn (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM)..

Viên Quang (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage