I. THỪA KẾ NGHIỆP
Đạo Phật luôn đề cao tinh thần nhân quả, chúng ta
sống trong cuộc đời này đều là sống trong nhân quả. Cuộc sống chúng ta
hiện nay là thừa kế cái quả của đời trước, gọi là thừa kế nghiệp. Chữ
nghiệp trong Phật giáo có ý nghĩa sâu. Một số người thường quan niệm,
mỗi người sinh ra đều có số mệnh. Người có số giàu thì giàu, người có số
nghèo thì nghèo, người có số xấu thì xấu v.v... Trong nhà Phật không
nói số mệnh mà cho là nghiệp. Nếu nói là định mệnh thì sẽ ngăn chặn con
đường tiến hóa, số mệnh định sẵn như vậy rồi không thể chuyển được nữa.
Do con người tin như vậy nên đầu hàng số phận.
Trái lại, Phật giáo cho là nghiệp chúng ta tu có thể
chuyển hóa được. Nghiệp tức là những hành động tạo tác của con người
trong đời trước hay đời này. Nghiệp do chúng ta tạo, nên có thể chuyển
đổi. Nếu lỡ tạo nghiệp xấu nghiệp ác, chúng ta thức tỉnh biết đó là sai
quấy, quyết tâm sửa đổi thì sẽ chuyển thành nghiệp lành nghiệp tốt, đó
là tu. Có tu mới đưa con người tiến hóa thăng hoa, đem lại niềm tin cho
chính mình. Theo tinh thần Phật dạy, tất cả chúng ta đều sống trong nhân
quả, sống với quả hôm nay là do nhân đời trước.
Quả lành dữ, khổ vui hoặc ngu trí, sang hèn đều có
nhân đời trước chứ không phải ngẫu nhiên. Do con người tạo nghiệp không
đồng nên sanh ra mỗi hoàn cảnh không đồng. Có những người cùng sanh ra
trong một gia đình, một cha mẹ nhưng có đứa thông minh, có đứa không
được thông minh. Có đứa giàu, có đứa không làm ăn được. Theo khoa học
nói gien cha mẹ sao thì con cái như vậy, nhưng đôi khi cha mẹ rất thông
minh mà con thì ngu đần. Hoặc cha mẹ không thông minh mà con là thần
đồng, vậy đâu phải do gien. Vì vậy, nếu lấy tinh thần khoa học mà giải
thích thì không giải thích hết được.
Phật pháp thấy rõ điều này rất đơn giản, đều do nhân
quả nghiệp báo của con người đã tạo đời trước. Như đời trước đã tạo
nghiệp sáng suốt trí tuệ, nên đời này lưu lại sanh ra người đó phát
triển trí tuệ sớm. Có những đứa bé thần đồng, sanh ra đã biết được những
điều nó chưa học. Có những người mới gặp nhau lần đầu đã thấy có cảm
tình, hoặc mới gặp mà cảm thấy ghét cay ghét đắng. Do cái gì? Do nghiệp
duyên đời trước, ai gần gũi với mình nên gặp nhau đã có cảm tình. Còn
người kia trước cũng có nghiệp duyên trái nghịch nên thấy lần đầu đã
không có cảm tình. Đó là tinh thần nhân quả Phật dạy.
Hình tướng mỗi người cũng vậy, hàng triệu người không ai giống ai. Trong kinh Thập Thiện, Phật dạy Long vương, Ngài nói: “Ông
có biết trong hội này và trong biển cả, bao nhiêu là hình sắc, chủng
loại mỗi khác nhau, tất cả như thế đều do tâm tạo nghiệp lành hay dữ nơi
thân khẩu ý mà ra". Do chúng sanh trước kia tạo nghiệp sai biệt
nên khi sanh ra cũng có những sai biệt. Chúng ta ngồi ở đây mỗi người
đều có tâm tư, suy nghĩ sai biệt nhau nên hiện ra dáng vẻ khác nhau. Tuy
ngồi chung một nơi nhưng trong tâm mỗi người là mỗi cảnh giới riêng.
Như hai đứa trẻ sanh đôi giống y nhau nhưng vẫn có một hai điều gì đó
khác. Vì tâm tư của mỗi người có những nét hơi khác nên trên hình tướng
cũng có vẻ khác nhau.
Phật dạy mỗi người sanh ra là sống trong nhân quả,
sống trong nghiệp lực. Con người không làm chủ được mình, mà do nghiệp
làm chủ chúng ta. Người học Phật, biết sân giận là xấu nhưng gặp chuyện
thì cũng sân, không làm chủ được. Như người bệnh tiểu đường, biết ăn
ngọt là không tốt nhưng gặp ngọt cũng thèm. Hoặc có những vị nghiện
rượu, thuốc biết là bệnh nhưng không bỏ được, cũng bị nó dẫn. Như vậy
nghiệp làm chủ mình chứ mình không làm chủ được. Nhà Phật gọi là bị
nghiệp sai sử.
II. TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP
Tu Phật là chuyển nghiệp, vì Phật dạy nghiệp không cố
định. Cái gì có sanh thì phải có diệt, nghiệp cũng vô thường. Nghiệp do
chúng ta tạo ra thì chính mình có thể chuyển đổi nó. Có người không
hiểu, yếu đuối cứ an phận với nghiệp lực nên than sao nghiệp tôi nặng
quá. Tất cả chúng sanh đều có thể chuyển được hết. Đức Phật là tấm gương
cho mọi người, Phật hiện ra nơi đời giống như chúng ta không phải ở
trên trời rơi xuống. Nếu như Ngài ở trên trời hiện xuống thành Phật thì
không ai dám tu theo Ngài, vì nghĩ Đức Phật quá cao siêu là một vị trời
còn mình ở dưới đất đâu bằng được. Đức Phật đến cuộc đời này là một con
người, có cha mẹ sanh ra, lớn lên lập gia đình, sống thụ hưởng ngũ dục
trong cung vua. Rồi thái tử đi dạo bốn cửa thành thấy cảnh già, bệnh,
chết. Hình ảnh cho Ngài tỉnh thức là vị Sa-môn từng bước ung dung trong
cuộc đời. Ngài hỏi Sa-môn chân lý để thoát cảnh sanh già bệnh chết. Được
Sa-môn giải thích con đường tu hành giải thoát, nên Ngài quyết định ra
đi tìm cầu chân lý.
Con người đã có sanh thì có chết, sanh tử đều có
nguyên nhân của nó, nếu tìm được nhân sanh tử thì sẽ có cách giải quyết
quả sanh tử. Theo tinh thần khoa học, quả từ nhân mà có. Như các nhà bác
học, thấy bệnh chó dại phải tìm ra nguyên nhân nào gây ra bệnh chó dại.
Tìm được con vi trùng chó dại trừ diệt nó thì sẽ hết bệnh. Phật cũng
vậy, Ngài quyết chí vượt thành xuất gia tìm đạo, cuối cùng đến cội Bồ-đề
thiền định. Sau đêm bốn mươi chín, Ngài giác ngộ thành Phật, thấy rõ
nguyên nhân của sanh tử luân hồi là mười hai nhân duyên. Đó là nhân để
có sanh tử, nếu dứt được tập nhân thì giải thoát sanh tử, chứng đạt
Niết-bàn. Ngài thành tựu được, sau đó chỉ dạy cho mọi người như
Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v... tu chứng A-la-hán, chấm dứt cội gốc
sanh tử luân hồi. Như vậy, nghiệp chuyển được, chứ không phải cố định.
Mọi người chúng ta khi thấy cảnh người sanh già bệnh
chết, nghĩ đó là chuyện thường nên an phận. Ai sanh ra cũng chết, nên
mình chết là chuyện thường không nghĩ gì thêm khác. Nhưng với Thế Tôn,
Ngài quyết tìm nguyên nhân để giải quyết dứt điểm nó. Do đó, Ngài vượt
lên chuyển được nghiệp. Điều này cho chúng ta thấy rằng, Ngài là con
người Ngài đã làm được thì chúng ta cũng là con người như Ngài thì ai
cũng có thể làm được. Theo ý nghĩa Phật là người giác ngộ, chúng ta cũng
có thể giác ngộ như Phật.
Nhưng Phật giác ngộ ở đâu? Ngài giác ngộ từ tâm. Vậy
mọi người có tâm thì đều có giác ngộ. Chúng ta học lịch sử Phật, nếu nói
lại cho người khác nghe mà dùng từ không chính xác sẽ bảo: Đức Phật có
cha là vua Tịnh-phạn, mẹ là hoàng hậu Ma-da, vợ tên Gia-du, có con là
La-hầu-la. Nói như vậy là chưa chính xác, vì Phật làm gì có vợ, có con.
Thái tử Tất-đạt-đa mới có vợ có con, sống trong hoàng cung rồi vượt
thành xuất gia đi tìm đạo. Đến khi chứng ngộ mới gọi là Phật. Như vậy,
Phật là một bậc Toàn giác, từ một con người bình thường sau đó giác ngộ
nên gọi là Phật. Như vậy, mọi người đều có thể tu chuyển nghiệp được.
Chúng ta không nên mặc cảm “tôi tội lỗi quá chắc tu không được”. Nếu vậy Phật ra đời làm gì? Phật ra đời để chỉ dạy cho chúng sanh tu, tu là sửa, sửa cái xấu thành cái tốt.
Cũng như Ương-quật-ma-la, là một tên sát nhân. Ông
nghe theo lời thầy chỉ dạy, lấy một nghìn lóng tay của người xâu thành
chuỗi đeo sẽ được truyền dạy pháp bí yếu của ngoại đạo. Từ đó, ông đi
giết người lấy được chín trăm chín mươi chín ngón tay, chỉ còn lại một
ngón cuối cùng. Ai thấy ông cũng sợ nên tránh mặt hết. Khi đó, vua sai
quân lính đến bắt ông ta về trị tội, nếu không là nỗi kinh hoàng cho
muôn dân. Bà mẹ nghe vậy lo sợ nên đi đến báo cho ông hay, nhưng ông lại
định giết mẹ để lấy cho đủ số lượng một nghìn lóng tay. Đức Phật dùng
Phật nhãn quan sát thấy ông có duyên hóa độ, và không muốn ông mang tội
đại ngũ nghịch là giết mẹ. Nên Phật xuất hiện trước mặt ông, thế là ông
rượt theo Phật. Ông càng rượt nhưng sao thấy Phật vẫn cách xa, nên mới
la lên: “Cồ-đàm, ông hãy dừng lại!”.
Đức Phật bảo: “Ta dừng đã lâu rồi, chỉ có ông chưa dừng thôi”.
Ông ngạc nhiên hỏi: “Ngài đang đi, tôi chạy không kịp mà nói dừng khi nào?”.
Phật bảo: “Ta dừng đây là dừng những tâm tham, sân, sát, nghiệp v.v... những cái đó chính ông chưa chịu dừng”.
Ngay đó, Ương-quật-ma-la có sự tỉnh ngộ. Sau đó Phật
thuyết pháp, giáo hóa cho ông và ông chứng A-la-hán, giải thoát được
nghiệp sanh tử. Như vậy, một người dữ tợn cũng có thể chứng thánh,
chuyển được nghiệp. Cũng như Tỳ-kheo ni Liên Hoa Sắc, bà có sắc đẹp,
trước cũng tạo nghiệp rất nhiều sau được ngài Mục-kiền-liên độ.
Nhân duyên thế này: Một hôm, Mục-kiền-liên đi khất
thực ngang khu vườn, có một vị nữ trung niên rất đẹp đứng đón, dùng
những lời lẽ mời mọc, gợi chuyện muốn chọc phá Ngài. Mục-kiền-liên là vị
đệ nhất thần thông, nhìn qua biết đây là một cô gái kĩ nữ đến để mê
hoặc mình. Tôn giả dùng thần lực thấy được những uẩn khúc chứa chất
trong lòng người phụ nữ này.
Nên ngài mới nói: “Thật đáng thương cho cô, tuy
hình dáng bên ngoài thật đẹp, trang sức lộng lẫy nhưng bên trong chứa
đầy ô uế không dừng. Thân thể cô bất tịnh, tâm hồn cô ô uế vùng vẫy
trong bùn nhơ. Như con voi già đang sa lầy, vùng vẫy chừng nào nó càng
lún sâu chừng ấy”.
Người phụ nữ nghe vậy giật mình, cảm xúc, rơi lệ. Tại sao vị này biết hết cảm xúc trong lòng mình.
Cô mới thưa: “Bạch Tôn giả, Ngài đã biết rõ tâm
của tôi, tôi cũng không qua mắt được ngài. Tôi nghe danh ngài là thần
thông đệ nhất, tôi không tin thần thông có thể vượt qua được sắc đẹp.
Tôi biết mình là người nhiều tội lỗi và cũng nghĩ đến việc hướng thiện,
nhưng bây giờ quá tuyệt vọng vì tội lỗi quá nhiều. Tôi là một kẻ không
thể cứu vớt được, vì với một quá khứ ghê sợ sau này tôi sẽ bị quả báo
không lường trước được”.
Tôn giả Mục-kiền-liên an ủi: “Cô không nên tự làm
khổ mình như vậy, cũng đừng có thất vọng, tội nghiệp dù có nặng đến đâu
nếu một phen sám hối thì đều có thể cứu vãn. Y phục dơ có thể giặt giũ
cho sạch; thân thể ô uế có thể dùng nước tẩy rửa, tâm không thanh tịnh
có thể dùng Phật pháp rửa sạch. Dòng sông nhơ nhớp chảy ra biển cả, biển
lớn có thể làm sạch được nước trong sông. Lời dạy của Đức Thế Tôn chúng
tôi cũng đủ sức làm lòng người ô uế trở nên thanh tịnh, khi biết sám
hối những tội nghiệp quá khứ”.
Mục-kiền-liên đã đem lại niềm tin cho Liên Hoa Sắc,
tội lỗi nhiều nhưng cũng có thể rửa sạch nếu chúng ta biết chuyển hóa tu
tập. Nhưng cô lại thưa: “Tội lỗi quá khứ của tôi quá khủng khiếp, tôi kể ra e Tôn giả bỏ chạy”.
Ngài Mục-kiền-liên nghe vậy cũng cố an ủi: “Cô hãy nói ra đi “.
Cô nói: “Tôi tên là Liên Hoa Sắc, con gái của vị
trưởng giả giàu có trong thành Thức-xoa-thi-la. Năm mười sáu tuổi, cha
mẹ lập gia thất cho tôi nhưng không lâu cha tôi qua đời, bà mẹ góa bụi
bèn tư thông với chồng tôi. Biết được việc này tôi quá đau lòng, lúc ấy
tôi sanh được một đứa con gái, tôi bỏ lại cho chồng nuôi. Sau đó, tôi
tái giá với một người ở tỉnh khác, anh ta là một thương gia. Nhân một
lần đi buôn bán xa ở thành Thức-xoa-thi-la trở về, ông ta lén mua một
nàng thiếp giấu riêng ở một nơi nào đó. Tôi được người cho biết và nổi
máu ghen, tôi quyết tìm người con gái đó để xử cho một trận. Nhưng khi
gặp mặt, tôi mới té ngửa, không ai xa lạ mà chính là đứa con gái chồng
trước của tôi”.
Nói đến đó bà khóc nghẹn. Tôn giả an ủi: “Cô
không nên thương tâm quá độ, người mà biết rõ quá khứ vị lai thì xem đó
là luân hồi nhân quả. Đó là nhân quả mà cô đã tạo đời trước nên bây giờ
nó trở lại chứ không phải ngẫu nhiên đâu. Thật ra đời người là một bể
khổ”.
Sau đó cô kể tiếp: “Với nỗi khổ đau như vậy, tôi
bỏ nhà đi. Bắt đầu tôi chán ghét thế gian, nên mang thân này làm kĩ nữ
mua vui cho thiên hạ, đùa cợt với mọi người đàn ông khiến cho gia đình
họ tan vỡ, vợ họ đau khổ để trả thù đời. Do đó tội lỗi tôi không thể
lường được, tôi chỉ biết kiếm tiền để xài phung phí gieo bao đau khổ cho
người. Bây giờ đây tôi không biết phải sám hối như thế nào?”.
Tôn giả Mục-kiền-liên nghe qua biết cô còn chút thiện
tâm, mới đem giáo lý nhân quả của Phật giải thích cho cô nghe, mọi việc
đều có nhân, có quả, do nhân đời trước đã tạo nên đời này phải chịu quả
báo như vậy. Bây giờ muốn chuyển đổi thì phải khéo tu chứ không phải để
như vậy hoài. Sau khi nghe tôn giả thuyết pháp, Liên Hoa Sắc tỉnh ngộ
mới đi theo Tôn giả về gặp Phật. Sau đó bà được Phật độ, tu hành chứng
thánh vị A-la-hán, cũng nổi tiếng đệ nhất thần thông trong hàng ni
chúng.
Đây là bài học đánh thức mọi người thấy rằng dù cho tội lỗi nhiều như vậy, thì tánh giác cũng không mất. Nên nhà Phật có câu “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”,
tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Người nhiều ác nghiệp nếu tỉnh giác
tu hành có thể chuyển đổi thành thánh. Vậy thì số phận, định mệnh có
thể chuyển chứ không phải an bày như nhiều người đã nghĩ. Liên Hoa Sắc
tội lỗi nhiều như vậy còn chuyển đổi được tu chứng A-la-hán. Chúng ta
ngày nay tội lỗi đâu nhiều như bà mà lại nghĩ không thể tu được. Chúng
ta nếu chịu tu, chịu chuyển hóa thì sẽ có kết quả tốt.
Trong Phật pháp có Tứ Chánh Cần, tức là bốn điều
siêng năng tinh tấn. Thứ nhất là điều ác chưa sanh thì ngăn không cho nó
sanh. Thứ hai là điều ác đã sanh rồi thì khéo tinh tấn, siêng năng để
trừ diệt nó. Thứ ba là điều thiện chưa sanh làm cho nó sanh. Thứ tư
những điều lành đã sanh làm cho nó phát triển hơn.
Vậy thì điều ác chưa sanh chúng ta ngăn dứt đừng cho
nó sanh, điều ác đã sanh thì chúng ta tinh tấn tu hành trừ cho nó dứt
sạch. Những điều thiện chưa sanh làm cho nó phát triển lên, càng phát
triển nhiều điều thiện thì điều ác càng bớt. Giống như làm ruộng vườn,
ruộng vườn trồng nhiều hoa quả cây ăn trái thì bớt cỏ, còn lười trồng
hoa quả rau cải thì cỏ hoang mọc nhiều, rắn rết ẩn núp. Cũng vậy, chúng
ta tạo nhiều điều thiện thì điều ác bớt lại, còn điều ác nhiều thì rắn
rít ẩn thêm nhiều phiền não, đau khổ. Phật dạy chúng ta phải khéo biết
tu để vươn lên, chuyển nghiệp mới mong đem lại cho chính mình sự an vui
vĩnh cửu.
Trong kinh Pháp Cú có dạy:
Tự mình làm điều ác,
Tự mình sanh nhiễm ô.
Tự mình không làm ác,
Tự mình thanh tịnh mình.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai.
Nghĩa
là mình làm điều ác thì tự mình làm ô nhiễm, tự mình không làm ác tức
là làm điều thiện là tự thanh tịnh cho mình. Tự mình làm cho mình trong
sạch, thanh tịnh hay không thanh tịnh là quyền của mình. Phật không đem
đến thanh tịnh cho mình, mà Ngài chỉ dạy cách thức làm cho mình thanh
tịnh. Phật chỉ con đường cho chúng ta đi nên gọi Phật là đại đạo sư.
Phật là đại y vương, vị thầy thuốc cho thuốc chúng sanh để uống. Chúng
sanh có uống thì mới hết bệnh được, không uống thì vẫn bệnh. Tịnh hay
không tịnh là tự mình, Phật đem lại niềm tin cho mọi người, để tự mình
có niềm tin tiến lên vì nghiệp từ tâm mà tạo.
Tâm nghĩ lành thì con người làm lành, tâm nghĩ ác thì
con người làm điều ác, tâm sân thì tạo nghiệp sân v.v... Cho nên tâm là
gốc của nghiệp. Muốn chuyển nghiệp phải chuyển từ tâm, không nên lo
chuyển cảnh ở bên ngoài. Chúng ta nóng giận rồi mua trái cây cúng Phật,
cầu Phật cho con đừng nóng giận, được không? Nóng giận là từ tâm của
chúng ta, chúng ta đi chùa học Phật nhớ lời Phật dạy: nóng giận là nhân
xấu tạo thành những quả xấu cho mình, luôn nhớ vậy thì sẽ bớt giận. Hết
giận thì thanh tịnh, phải tự mình chuyển hóa như vậy, không phải chỉ lo
cầu Phật bên ngoài. Đạo Phật rất thực tế, chúng ta học Phật phải chứng
nghiệm được lời Phật dạy ngay trong đời sống chứ không phải đợi qua kiếp
sau. Đây là một chân lý, là lẽ thật ngay bây giờ. Chúng ta thực hành
chứng nghiệm ngay cuộc sống này sẽ bớt phiền não, thêm an vui. Chúng ta
tu là phải sáng suốt, thấm được giá trị của Phật pháp mới thấy Phật pháp
cao quí biết chừng nào và càng vững niềm tin bằng trí tuệ chân thật.
Như vậy, muốn chuyển nghiệp phải chuyển tâm, chuyển
tâm phải học pháp. Phật có dạy bài kinh: ngày xưa có vị Bà-la-môn tu
theo pháp tịnh thủy hành, tức là dùng nước để rửa sạch tội lỗi. Mỗi ngày
hai thời sáng chiều ông đều xuống nước tắm. Phật biết ông có chủng tử
lành nên đến cảm hóa, hỏi: “Tại sao ông tu pháp đó, để làm gì?”. Ông
bảo: “Tu dùng nước để rửa sạch tội lỗi, buổi sáng tạo tội lỗi gì đó,
buổi chiều xuống tắm rửa sạch, còn tối lỡ làm tội lỗi thì sáng xuống tắm
để rửa”. Phật liền nói bài kệ cảnh tỉnh:
“Chánh pháp là ao hồ,
Giới là bến nước tắm,
Không cấu uế, trong sạch,
Được người lành tán thán”.
Tức
là lấy chánh pháp làm ao hồ, giới là bến nước tắm, giới là những điều
mà Phật ngăn cấm. Người phật tử qui y thọ năm giới thì giới là bến nước
tắm đó, xuống bến nước tắm đó thì không cấu uế, trong sạch, tắm bằng
nước Phật pháp thì trừ được uế tạp, sạch hết tội lỗi mới qua bờ bên kia.
Người trí luôn tắm bằng nước pháp, trong sạch thân tâm qua được bờ giải
thoát.
III. KHÔNG LẦM NHÂN QUẢ
Như vậy, muốn vui phải tránh tạo nhân ác, muốn hạnh
phúc phải tạo nhân lành nhân tốt, đó là nhân quả rõ ràng. Người không
hiểu đạo khi gặp đau khổ chỉ biết than trời trách Phật. Trái lại, người
hiểu đạo khi khổ họ biết đây là nhân mình đã tạo đời trước, khổ này là
quả phải trả cho xong. Giống như chúng ta đã vay nợ, bây giờ người ta
đòi thì phải trả cho hết. Nếu người ta đòi mình không thèm trả còn cãi
lại thì nợ càng chồng thêm, khổ càng thêm khổ. Chúng ta biết rõ là nhân
đời trước đã gieo bây giờ nhẫn nhục trả, đồng thời tạo nghiệp lành thì
mới mong mau hết nợ.
Ngài Huyền Trang từ Trung Quốc sang Ấn Độ tìm học
kinh điển của Phật. Khi ngài đến Đại học Na-lan-đà gặp Luận sư Giới Hiền
- lúc đó Sư trên một trăm tuổi. Khi Luận sư Giới Hiền nghe ngài Huyền
Trang qua, Ngài cảm động rơi nước mắt, trong chúng mới hỏi tại sao. Ngài
Phật Hiền thay Sư thuật lại: “Trước kia, Hòa Thượng có bệnh thấp
khớp, đau nhức mình mẩy rất khổ sở suốt hai mươi năm. Thuốc men gì cũng
không hết, có lúc buồn quá Hòa Thượng muốn uống thuốc cho chết sớm.
Nhưng Hòa Thượng nằm mộng thấy ba vị hình tướng trang nghiêm rất đẹp,
một vị là Bồ-tát Di-lặc một vị là Bồ-tát Quán Âm, một vị là Bồ-tát
Văn-thù. Bồ-tát Văn-thù nhắc nhở Hòa Thượng: “Thân người là vô thường,
mỏng manh, đáng chán nhưng không nên hủy hoại thân này. Thân này như
chiếc bè gỗ để mình qua sông, nếu qua sông bị chới với, bị chìm thuyền
mà gặp khúc gỗ mục cũng phải ôm để vào bờ. Cũng vậy, chúng ta phải tạm
mượn thân này để tu hành, không nên bám chắc vào nó quá cũng không nên
ghét bỏ nó làm cho thân hủy hoại. Sở dĩ bị thế này là vì đời trước ông
là vị quốc vương chinh chiến nhiều nên sát hại vô số sinh mạng. Nhân quả
phải trả, đáng lẽ phải đọa nhưng do đời nay ông biết tu nên chuyển
thành nghiệp bị bệnh đau nhức giống như những mũi tên đâm. Đó là chuyển
nghiệp nặng thành nghiệp nhẹ, hết nghiệp này ông sẽ mau đắc đạo thôi.
Thời gian sau, sẽ có một vị tăng từ Trung Hoa qua học pháp, ông tận tình
chỉ dạy cho vị đó thì nghiệp của ông sẽ hết”. Bây giờ nghe ngài Huyền
Trang qua, đúng như những gì trong mơ đã thấy nên Hòa Thượng xúc động
khóc”.
Như vậy, ngài Giới Hiền biết rõ nghiệp quả của mình
rồi thì nhẫn nhục chịu, nỗ lực tu nên dần dần hết nghiệp. Người học Phật
hiểu rõ tất cả đều do nhân qua, đều có nhân duyên, không có gì là tự
nhiên cả. Tổ Bồ-đề Đạt-ma có dạy: “Người tu hành khi gặp phải những
cảnh khổ phải tự nghĩ rằng ta từ trong vô số kiếp lâu xa đã bỏ quên gốc
chạy theo ngọn, nên bị trôi nổi lang thang trong các cõi. Trong đó phần
nhiều chúng ta đã dấy tạo bao nhiêu điều trái nghịch, oán ghét, hận thù.
Nay đây tuy không có phạm phải nhưng đó là quả ươm từ nhiều đời trước.
Khi quả đã chín mùi thì sẽ rụng xuống, chứ chẳng phải là trời thần hay
người nào đem đến cho mình. Khi quả trổ thì chúng ta sẵn lòng nhận chịu,
không nên sanh tâm oán trách. Kinh nói gặp khổ chẳng lo buồn, tại sao?
Vì biết thấu suốt duyên cớ của nó”.
Tổ dạy, nếu trong đời nay chúng ta tu hành có gặp
cảnh khổ thì phải nhớ rằng mình sống luân hồi trong biển khổ. Trong vạn
kiếp luân hồi đâu phải lúc nào chúng sanh cũng tạo điều lành, điều tốt.
Có khi tạo những điều oán ghét, oan trái với người mà chúng sanh đâu
nhớ, bây giờ quả nó đến để đòi chứ không gì khác. Do đó chúng ta phải
nhẫn chịu để tạo nghiệp lành, chuyển oán trách khổ đau thành hoan hỷ an
vui mới mong hết nghiệp.
Phật dạy nhân quả có ba đời: quá khứ, hiện tại, vị
lai. Đời này con người không làm điều ác nhưng đời trước đã tạo những
điều ác đó, nay quả đời trước đã chín nên chúng ta phải hái nó trước.
Đồng thời đời nay chúng ta tạo những điều lành, thì như mới trồng cây,
cây nào trồng sớm sẽ có quả trước, cây này trồng trễ sẽ có quả muộn. Khi
hiểu rõ nhân quả, chúng ta sẽ có niềm tin trong sáng vào Phật pháp.
Hiểu nhân quả rồi thì khỏi đi coi bói, gặp nghịch cảnh biết đây là mình
đã tạo ở đời trước, mau mau tạo điều lành để chuyển dần thôi. Cũng như
Phật dạy tu phước tích thiện sẽ chuyển nghiệp nặng thành nghiệp nhẹ. Như
chú Sa-di còn bảy ngày nữa sẽ chết, thầy của chú đã chứng đạo biết quá
khứ vị lai nên cho chú về thăm nhà bảy ngày. Trên đường về thăm cha mẹ,
chú Sa-di đi qua con suối thấy bầy kiến bị cuốn chới với giữa dòng nước,
chú thấy cảm thương nên bẻ nhánh cây khô thả xuống cho kiến theo nhánh
cây bò lên bờ, xong việc chú về nhà. Lâu ngày về thăm, nên cha mẹ giữ
chú lại thêm ít bữa. Khi chào cha mẹ về tới chùa thì quá mười ngày, ông
thầy ngạc nhiên tính có bảy ngày là chú sẽ chết mà sao giờ quá hạn thấy
chú vẫn bình an?
Vị thầy mới hỏi: “Trên đường đi con có làm điều gì lạ không?”.
Chú Sa-di đáp: “Dạ, không”.
Thầy hỏi lại bảo chú nhớ kỹ xem, chú chợt nhớ bèn thưa: “À,
mà trên đường về thăm cha mẹ, con đi qua dòng suối thấy bầy kiến đang
chết đuối giữa dòng, thấy thương nên con bẻ nhánh cây khô cho nó bò lên”.
Ông thầy bảo: “Đó là phước lành con đã tạo khiến
thêm tuổi thọ cho con. Vì cứu được bầy kiến, tạo công đức lành mà chuyển
đổi được nghiệp yểu mạng cho con”.
Vì vậy, luận trên nhân quả, chúng ta khỏi phải đi coi
thầy bói chỉ lo tu tạo công đức lành tốt thì sẽ chuyển đổi được nghiệp
lực của chúng ta.
IV. TÓM KẾT
Nghiệp do chính chúng ta tạo, hiểu như vậy chúng ta
sẽ không đổ lỗi cho ai. Đồng thời cũng là trả lại quyền tự chủ cho mình,
mình làm thì mình chịu, rồi mình tự cải tạo đời sống để tiến lên, lấy
lại niềm tin cho chính mình. Phật dạy ai cũng đều có Phật tánh, đó là
đức tánh sáng suốt chứ không phải xấu xa. Dù là tên ăn trộm tội lỗi
nhưng người đó cũng có cái tâm lành. Tên trộm đâu muốn mình thành người
xấu, biết ăn trộm là xấu nên mới lén rình lấy. Tuy biết vậy nhưng bị
nghiệp làm chủ rồi dẫn đi, vô minh che nhiều quá chứ cũng biết đó là
điều xấu. Trong sâu thẳm nội tâm của mỗi người đều có tánh thiện, nếu
chúng ta biết khai thác, phát huy thì những điều xấu này sẽ chuyển dần
thành tốt. Đó là tu. Mỗi người đều có cái gốc tốt lành để phát triển,
Phật là từ chúng sanh giác ngộ tiến lên thành Phật. Phật biết phát triển
sớm và chỉ đường cho chúng sanh để ai cũng biết phát huy ra điều đó để
tu thành Phật.
Vua Trần Nhân Tông khi đi tu, Ngài giác ngộ có làm bài kệ về Cư Trần Lạc Đạo:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Trong nhà có báu, báu đây không phải vàng bạc, hột
xoàn, kim cương mà là mọi người đều có Phật tánh. Tánh giác sáng suốt là
của báu, báu trong Phật pháp không cần tìm kiếm ở bên ngoài mà phải
biết phát huy, khai triển nó ra thì sử dụng được. Đó là chuyển những tập
nghiệp, chuyển chúng sanh thành Thánh hiền. Ngược lại, nếu người cứ
chôn vùi của báu tức nhiên làm mãi chúng sanh. Chúng ta phải có niềm tin
tiến lên, khai thác được của báu trong nhà để dùng mãi không hết. Như
vậy, Phật đã chỉ đường, đã trao thuốc cho chúng sanh rồi. Việc còn lại
là tự mỗi người lấy thuốc ra uống cho mau hết bệnh. Phải tự lực đi bằng
đôi chân của chính mình mới mong mau về nhà. Vậy mong rằng tất cả chúng
ta phải khéo tu tập, phát triển thiện tâm của mình tiến lên trên đường
học Phật. Ngõ hầu mang lại lợi ích cho chính mình, đồng thời tác động
đến mọi người xung quanh để ai ai cũng cảm nhận được giá trị thiết thực
của Phật pháp. Từ đó con người gầy dựng niềm tin, hướng về ánh sáng Phật
pháp để chuyển hóa khổ đau sống đời an lạc. Được như vậy, chúng ta sẽ
làm tăng trưởng công đức, gián tiếp truyền bá Phật pháp, xứng đáng là
người đệ tử Phật.
TT Thích Thông Phương