Ngôi chùa trên 500 tuổi
Chúng tôi được sư trụ trì Thích Đồng Huệ dẫn đi vãn cảnh chùa. Căn
cứ theo tấm bia cổ còn lưu giữ tại hậu cung thì ngôi chùa đã được trùng
tu rất nhiều lần. Trong bia có ghi, lần trùng tu gần đây nhất là năm
1720, còn xa nhất là thế kỷ XV, không rõ năm.
Như vậy, ít nhất, ngôi chùa đã ra đời hơn 500 năm trước. Theo trụ trì
Thích Đồng Huệ, ngôi chùa vốn nằm trên một rừng thông cao ráo nên
trước kia chùa có tên "Linh Thông". Tên này còn được lưu trữ tại các
văn tự tại chùa với những chữ "Linh Thông cổ tự". Sau này chùa được gọi
tên theo tên làng thành chùa Nôm.
Chùa Nôm còn lưu giữ được khá nhiều cổ vật quý như tấm hoành phi thời
Khải Định, bia thời Tây Sơn, cây hương thời Chính Hòa, chuông cổ...
Điều đặc biệt hơn cả vẫn là hơn 100 pho tượng của chùa. Gần như toàn bộ
tượng đều được làm bằng đất. Đây là điểm khác biệt khá rõ nét so với
nhiều ngôi chùa ở đồng bằng Bắc bộ.
Gần như tất cả tượng trong chùa đều được làm bằng đất
Những pho tượng đất này đã tồn tại mấy trăm năm nhưng vẫn luôn là một
ẩn số với những người dân làng Nôm và các nhà nghiên cứu. Chỉ biết,
những năm gần đây, ngôi chùa này tuy nằm khuất nẻo nhưng ngày càng đón
nhiều khách thập phương đến thăm viếng. Ngày Lễ Phật đản vừa qua, chùa
Nôm đã đón hơn 10.000 du khách. Con số này được nhà chùa ước tính thông
qua hơn 1.000 mâm cỗ chay được làm mời khách.
Nhiều du khách cho biết, họ đến thăm chùa Nôm một phần bởi sự linh
thiêng, cổ kính của ngôi chùa, một phần chính bởi những tượng đất độc
đáo ở đây. Ông Lê Văn Thắng, một du khách từ Bắc Ninh đến thăm chùa cho
biết: "Tôi đến với ngôi chùa này một phần bởi những tượng đất mà tôi
đã được nghe nói từ lâu. Những tượng đất này có thần thái rất khác so
với tượng ở các ngôi chùa mà tôi biết. Có pho tỏ rõ sự vui mừng, có pho
đăm chiêu, có pho nhìn rõ sự bình an... Mỗi pho một vẻ, thể hiện rõ
những nét biểu cảm đời thường của cuộc sống".
Công đoạn làm tượng đất rất phức tạp
Theo trụ trì Thích Đồng Huệ, trong các chùa, tượng được làm bởi
nhiều chất liệu như gỗ, đồng... Riêng tượng đất thì công đoạn triển
khai khá phức tạp. Người thợ làm tượng phải hòa lẫn các chất liệu đất
sét, mật, vôi và giấy bản rồi giã kỹ. Sau khi hỗn hợp đất đã nhuyễn mới
bắt đầu nặn theo hình khối rồi tạo hình cho từng bức tượng. Sau khi đã
tạo cốt đất (không nung), tượng được sơn thếp ra ngoài. Có lẽ chính vì
các công đoạn làm tượng đất khá phức tạp nên ở những ngôi chùa có niên
đại muộn đều không thấy bóng dáng của tượng đất. Chỉ có một vài ngôi
chùa cổ như chùa Mía (Sơn Tây) và chùa Dâu (Bắc Ninh)... là còn thấy có
những pho tượng bằng đất nhưng không thấy có ngôi chùa nào có toàn bộ
tượng trong chùa đều được làm từ đất.
Tòa tượng cổ "Cửu Long Phật đản"
Thầy Huệ cho biết, các pho tượng này tuy đơn giản nhưng lại biểu cảm
đầy sức sống. Gương mặt của các pho tượng đất thường gần gũi hơn với
các trạng thái cảm xúc của con người. Trang phục trên các tượng cổ này
cũng khá đơn giản, dân dã và mang nhiều nét thuần Việt. Tượng đất của
chùa có nhiều kích cỡ khác nhau, có tượng chỉ cao chừng 20cm nhưng có
pho cao tới 2m. Mỗi pho tượng lại mang hình dáng và biểu cảm khác nhau,
không có pho nào giống pho nào. Chỉ tiếc là thời gian trước khi thầy
Huệ làm trụ trì tại chùa Nôm, có 2 pho tượng đất đã bị kẻ gian đánh cắp
nên dân làng đã thay thế bằng 2 pho tượng gỗ.
Thầy Huệ còn nhớ, những năm trước đây, chùa còn hoang tàn, dột nát.
Mỗi lần mưa xuống, thầy lại phải lọ mọ tìm đủ thứ áo mưa, vải bạt khoác
lên từng bức tượng để bảo vệ vẹn toàn. Đến nay, hầu như những bức
tượng này đều còn nguyên vẹn, chỉ có một số ít do thời gian đã bị tróc
lở.
Sư thầy Thích Đông Huệ bên cây hương thời Chính Hòa
Ngoài những bức tượng đất, chùa có duy nhất 1 tòa tượng cổ bằng đồng
mạ vàng ta. Đây là tòa tượng cực kỳ quý hiếm, có tên gọi "Cửu long Phật
đản". Tòa tượng này là một câu chuyện dài gồm nhiều bối cảnh khác nhau
của cuộc đời đức Phật tổ Như Lai. Chính giữa tòa tượng là cảnh Phật tổ
từ khi mới chào đời. Xung quanh tượng có 9 con rồng uốn lượn phun nước
tắm cho ngài. Trên lưng mỗi con rồng là một hình người nhỏ tượng trưng
cho một giai đoạn cuộc đời và giai đoạn tu hành của đức Phật.
Tòa "Cửu long Phật đản" chỉ cao chừng 60cm, rộng chừng 30cm và được
đúc cách điệu nhưng rất nặng, hai người khiêng khá vất vả. Tòa tượng
này là mục tiêu của rất nhiều kẻ trộm cổ vật. Chính vì vậy, từng có
thời gian, tòa tượng phải được gửi bảo quản tại một nơi trong làng Nôm.
Tại địa điểm được bảo quản, kẻ trộm rất nhiều lần phá cửa, đục
tường... nhằm chiếm đoạt tòa tượng nhưng các vụ trộm đều bị nhân dân
phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Theo Hoàng Phương - GĐN