Phật Học Online

Người bố thợ xây!

 

          Tôi đã từng có lần lí nhí mỗi khi ai đó vô tình hỏi nghề nghiệp của ba :" dạ, ba cháu làm nghề thợ xây". Không phải là tôi xấu hổ vì nghề nghiệp của đấng sinh thành ra mình, đó là bởi vì tôi không muốn nhắc tới, gợi nhớ tới hình ảnh người cha lam lũ, vất vả cực nhọc vì đàn con. Mỗi lần nhắc đến phía lồng ngực tôi nhói lên từng hồi đau buốt.

2bd91f3f-a215-4d1f-92b9-653260957bfe.jpg


          Một sự thật hiển nhiên chẳng bao giờ đổi thay, tôi vẫn là người con của bố, người cha làm nghề thợ xây. Tôi đủ lớn và thấu hiểu những nhọc nhằn, hi sinh cả bản mà bố mang lại cho anh em chúng tôi. Tôi có quyền gì mà chê trách đấng sinh thành? Người đã thức khuya dậy sớm cho dù là mùa đông buốt giá để bòn mót về từng đồng bạc lẻ. Người đã phồng rộp cả đôi chân vì đạp xe một quãng đường gần hai chục cây số. Và không sợ vôi vữa ăn đến loét cả tay.

          Cứ mỗi sáng, bố tôi dậy sớm lắm. Bố là chiếc đồng hồ báo thức chính xác đến từng giây. Đánh thức nhẹ nhàng bằng lời nói dịu dàng của người cha. Mấy anh em cứ răm rắp dậy học bài mà không một lời phàn nàn, khó chịu. Bố "gà trống" nuôi con gần chục năm trời kể từ khi mẹ về thế giới bên kia. Có ai biết được rằng, bàn tay người bố vốn thô ráp, to kệch, xù xì lại có thể rang được bát cơm nguội ngon đến thế? Một ít tóp mỡ lợn, vài ba loại gia vị dân giã. Vậy mà sáng nào đàn con cũng được thưởng thức những bát cơm rang trên cả tuyệt vời mà khó sơn hào hải vị nào sánh kịp.

          Bố để lại lời nhắn yêu thương, ôm từng đứa con vào lòng và bắt đầu công việc của mình.  Tôi hình dung, trong những ngày đông rét buốt. Người bố một manh áo cộc, rướn đôi chân với đôi dép mòn vẹt, đạp những vòng xe lạo xạo vì thiếu dầu mỡ. Bố vượt qua hai dãy đồi, mấy cánh đồng rồi xuống thị trấn. Cơn gió kia có làm bố tôi lạnh không? Chắc là có rồi. Trong những lần vu vơ nghĩ suy, cứ ước rằng quãng đường của bố ngắn lại, để bố bớt lạnh, bớt cô đơn. Quãng đường mùa hè miền Trung gió lào bỏng rát đã làm khuôn mặt vốn sạm đen của bố thêm khắc khổ, cháy rát.

          Thắt lòng làm sao khi vừa đi học về bỗng nghe tin bố ngã nơi công trường. Vội vội vàng vàng chạy vào bệnh viện. Vẫn ánh mắt ngời niềm tin đó, người bố xây xát, máu rớm chảy nhưng miệng bố nói vẫn không sao.  Bác sĩ bảo bố cần nghỉ ngơi thêm vài ngày cho khỏe rồi mới có thể tiếp tục công việc. Nhưng bố không chịu. Bố biết hũ gạo gia đình đã đến ngày cần được đong thêm. Khoản học phí của mấy đứa con đến kì phải nộp. Bố không muốn tên của các con được cô giáo nhắc đi nhắc lại mỗi lần sinh hoạt lớp cũng chỉ vì lí do đóng tiền muộn.

          Bố cần mẫn như một con ong. Bố đảm đang, gánh vác hai vai trò của một người cha lẫn người mẹ. Bố nhẹ nhàng mà sâu sắc. Những ý định bỏ dở học hành của tôi được bố giải quyết một cách thấu đáo và chân tình. Tôi gục đầu vào vai bố nức nở như đứa bé con làm nũng mẹ. Không nói ra nhưng bố kì vọng vào mấy anh chị em chúng tôi. Bố bảo niềm tự hào, hạnh phúc của bố là thấy tất cả đàn con khôn lớn trưởng thành.

          Chúng tôi, những đứa con của bố, những con chim non của chim bố vĩ đại không làm bố thất vọng. Lần lượt, lần lượt chúng tôi vào Đại học. Chúng tôi dần rời tổ ấm yêu thương đến một chân trời mới. Sáng nào thức giấc tôi cũng mong ngóng về quê nhà, nơi có bố yêu thương và nhắn nhủ trong tim, gửi qua gió lời yêu thương tới bố ngọt ngào. Chúng tôi, tự hào được lớn lên và sinh ra bởi người bố làm nghề thợ xây!

 


Cao Văn Quyền 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage