Có nhiều loại bệnh trong thân tâm. Riêng, với bệnh của
thân thì y học đã và đang khám phá, nghiên cứu chữa lành thân bệnh cho rất
nhiều người (nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách…). Bệnh của tâm cũng đã được
các nhà hiền triết tìm hiểu, nhận diện và đề xuất nhiều phương pháp trị liệu để
tâm được an, để đời sống tinh thần của con người được lành mạnh.
Tâm an chính là mong muốn của tất cả mọi người, cũng
như mong ước cố hữu về thân thể khỏe mạnh, cường tráng, dẻo dai. Tuy nhiên,
mong muốn là một chuyện còn biến mong ước ấy thành hiện thực trong khả năng của
từng người lại là một chuyện khác. Đôi khi ta mong ước thân khỏe-tâm an nhưng
mình lại không bao giờ tập luyện thể dục, lao động quá sức, ăn uống không tiết
chế, suy nghĩ ấu trĩ, tham lam, sân giận… đầy đủ cả thì mong ước ấy cũng chỉ là
ước mơ xa vời vợi. Trong đôi mắt của nhà Phật, mọi ước mong không thể là mong
ước suông mà nó phải được hình thành trên cơ sở thực tế (phải có nhân, duyên)
thì ước mong ấy mới thành hiện thực (kết quả).
Bạn ước mong làm ca sĩ, được nổi tiếng nhưng bạn lại
chẳng biết hát hò một tẹo nào, hoặc biết một cách không chuyên lại không chịu
đầu tư khổ luyện, không đủ tự tin bước lên sân khấu thì bạn không bao giờ trở
thành ca sĩ được. Phải có chánh nhân để cho ra một kết quả thực tế. Cũng như
ước mong mình an lạc thân tâm thì mình phải biết chánh nhân đưa tới an lạc là
gì? Đương nhiên là ăn uống điều độ, tiết chế, là luyện tập thể dục thể thao đều
đặn, là nghĩ, nói, làm những điều tốt đẹp, thiện lành, mang lại an lạc cho
người khác, loài khác. Bạn muốn mình khỏe mạnh mà bạn lại đi tước đoạt mạng
sống loài khác, người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thì làm sao mà
mình khỏe (biểu hiện thực tế) cho được. Không chừng, mong ước vô lý ấy lại làm
mình thêm đau đớn, khổ sở vì nó không thể thành hiện thực - nỗi khổ của thất
vọng, cầu mà không đạt. Hơn nữa, khi mình tước đi sức khỏe, mạng sống của loài
khác, người khác cũng đồng nghĩa với tước đi sự an vui nơi mình.
Cũng bởi lòng tham (tham ăn) hoặc sân giận và si mê mà
mình tước đi mạng sống, đánh đập loài khác, người khác… và mình đã tạo chánh
nhân bất an trong mình. Bất an là bệnh, thứ bệnh lý của tâm đến từ chánh nhân
mình đã tạo trong quá khứ hoặc hiện tại. Mình phải nhận diện được điều này để
quay lại loại trừ chánh nhân gây ra bệnh lý bất an, lo lắng, sợ hãi… trong
mình.
Hoặc, cũng vì tham sân si mà mình đã cạnh tranh không
lành mạnh với đồng nghiệp, đối tác, sử dụng chiêu thức, thủ đoạn, nói xấu… nên
mình đã tạo ra oán đối với nhiều người. Áp bức và làm cho họ không còn đất sống
đến nỗi ôm hận mà trả thù mình tức khắc hoặc bỗng trở nên tha hóa và gây ra
những hệ lụy đau lòng cho cộng đồng… Với chánh nhân như vậy mình sẽ không thể
an nổi, không thể hanh thông trong công việc và cuộc sống được.
Tham sân si, ba món độc này có mặt trong mình và được
biểu hiện từ tế đến thô, nó tàn phá thân tâm mình rất nhiều nếu mình không nhận
diện được nó, không làm chủ được bản thân, để nó sai sử mình hết nghĩ đến nói,
đến làm những chuyện trời ơi đất hỡi. Đạo Phật xác định đấy chính là nguyên
nhân của các khổ. Tuy nhiên, hạt giống này ai cũng có, nhưng mỗi người lại có
những biểu hiện khác nhau tùy sự hiểu biết về nó, hiểu về nhân quả cũng như
những nguyên lý khác của cuộc sống như vô thường, vô ngã… như thế nào? Nếu được
trang bị nhiều phương pháp để giải trừ ba món độc đó càng nhiều và ứng dụng
càng khéo léo, càng thuần thục thì người ấy càng có nhiều hạnh phúc.
Người hiểu rõ cuộc sống vô thường, thành trụ hoại không
là điều tất nhiên nơi cõi Ta-bà này thì họ sẽ không cay cú đến mức đánh mất sự
sáng suốt của mình, bằng mọi giá để giữ lại những cái khi nó đã đến lúc phải
mất (hoại). Và họ sẽ nhanh chóng thoát ra khi nó biến đổi, không quá đau khổ
trước những chuyển giao quyền lực hoặc sự già đi của chính mình. Họ nghĩ được
vậy, sống được vậy thì cuộc sống của họ trôi qua rất nhẹ nhàng, rất bình an dẫu
những biểu hiện của họ cũng tương tự như bao nhiêu người khác, cũng già bệnh
chết, cũng mất mát chia lìa… Do vậy, đôi khi, sự biểu hiện là tương tự nơi hai
người nhưng tùy thuộc vào cái thấy (sự hiểu biết, trí tuệ) của mỗi người mà họ
đau đớn ít hay nhiều, hoặc không có một cảm thọ đau đớn nào. Cũng vì thế mà
ngay từ đầu, ta nhận diện sự thật của điều kiện bệnh lý trong thân tâm mình là
do sức đề kháng của từng người. Mà sức đề kháng có từ đâu? Từ việc trực tiếp
tiêm vắc-xin (thực tế là một loại vi-rút đã được làm yếu đi, không có khả năng
gây bệnh, nhưng khi nó tiêm vào cơ thể thì sẽ làm cơ thể tạo ra kháng thể nội
sinh) hoặc do mình đã trải nghiệm và vượt qua. Câu thơ “Không khổ đau lấy chi
làm chất liệu” mang ý nghĩa như vậy, chính nó là chất liệu hay cũng là xúc tác
làm cho tâm hồn trở nên mạnh mẽ, vững chãi hơn. Ai vượt qua bão giông rồi thì
khi gặp giông bão sẽ biết cách ứng phó, không gục ngã.
Môi trường sống cũng rất quan trọng. Ông bà mình rút ra
một điều rất hay rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, chính là nói đến
tầm quan trọng của môi trường trong việc hình thành nhân cách của một ai đó.
Câu chuyện bà Mạnh mẫu ba lần chuyển trường cho con vì trường gần những điểm
đen, dễ làm vấy bẩn tâm hồn con là vì bà nhận ra môi trường có khả năng làm một
tâm hồn trở nên trong sáng hay lấm lem. Mình phải chọn môi trường tốt, người tu
cũng cần môi trường tốt để học hỏi, hành trì, bởi năng lượng đó sẽ giúp mình
vững chãi hơn, nâng đỡ mình tốt theo. Trong một bài sám, có ý đó, rằng người tu
thì phải “trưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia”. Thầy giỏi và bạn lành là môi
trường để mình dưỡng nuôi Bồ-đề tâm lớn dậy, không làm mất đi hoặc thành…
“bồ-đề gai” như cách gọi vui của mọi người khi gặp phải một người tu, Phật tử
nào đó cứ suốt ngày sân giận tham si…
Tham sân si được tồn tại dưới dạng hạt giống trong tâm,
và tùy môi trường, tùy sự hiểu biết của từng người mà biểu hiện trong đời sống
của người ấy thông qua suy nghĩ, lời nói cùng hành động. Một người tham nhiều
sẽ tìm cách chiếm đoạt của người, làm việc quá sức đến mức phải tử nạn… Và điều
đó biểu hiện cụ thể nơi mỗi người, nếu họ không nhận ra thì sẽ nguy hại cho
thân tâm của mình về sau. Tham ái quá lớn thì mình cũng hại mình mất nhân cách
khi cứ mãi chạy theo sắc dục, hại người, hại mình… Tất cả vì trong mình có tham
sân si. Người biết đạo Phật thì sẽ không dưỡng nuôi ba món độc này, sẽ tu chỉnh
bản thân ngày một trong sáng, tốt lên, đến lúc không còn lệ thuộc, không còn bị
chi phối bởi những phiền não này, gọi là giải thoát. Còn người không biết lời
Phật dạy, hoặc biết mà không tin thì sẽ biến mình thành con thiêu thân, lao vào
lửa đỏ (sẽ chết) nhưng lúc lao vào ấy cứ nghĩ mình đang đi tìm hạnh phúc. Người
cố tạo ác nghiệp là bởi vì không nhận thấy nhân quả, không thấy hạnh phúc và an
lạc thực sự được tạo ra nhờ từ bi hỷ xả cùng với những ý nghĩ, lời nói, hành
động chơn chánh…
Phải nhận diện
điều đó một cách căn cơ, thật thà để đi tới giảm thiểu và loại bỏ những hạt
giống ấy, từng bước, bắt đầu bằng gọi tên nó, thuần hóa nó, chuyển biến nó theo
đường hướng lành tốt. Ai cũng có khả năng này khi mình chịu đặt mình vào vị trí
một bệnh nhân và đồng thời là bác sĩ. Mình là bệnh nhân (khi mình mê) nhưng khi
mình ngộ thì mình sẽ trở thành lương y, lương y trị bệnh cho mình và trị cho cả
người khác. Và một minh chứng rất cụ thể từ mình sẽ sống động, để người ta tin
là với phương pháp đó (của Phật) sẽ hết bệnh - gọi là thân giáo, thì lo gì
người ta không làm theo, bởi bệnh của chúng sinh thì có một, đều do tham sân si
gây ra cả thôi! Ý thức tự độ, độ tha cũng là vì vậy, khi mình đã thấy con
đường, mình phải đi, phải thể nghiệm để chứng minh, chắc chắc mình thành công
với phương pháp ấy, người ta cũng sẽ đi theo, bởi có ai đang khổ đau, đang bệnh
mà không muốn hết bệnh, không muốn dứt khổ đâu?
Lưu Đình Long (GNO)