Phật Học Online

Quan điểm của Phật giáo về vấn đề kinh tế
Hòa thượng Tinh Vân

Kinh tế gắn bó chặt chẽ với dân sinh, một quốc gia nếu kinh tế nghèo nàn, dân không đủ giàu, nước không đủ mạnh, thì từ bi, đạo đức cũng khó được sự coi trọng.

Vì vậy, Quản Trọng (?-645 TCN) - nhà chính trị, nhà triết học Trung Quốc thời đại Xuân Thu từng nói: “Kho đụn có đầy đủ, thì mới biết đến vinh nhục” (Thương lẫm thực, tri vinh nhục - 倉廩實, 知榮辱). Khổng Tử (551-479 TCN), nhà tư tưởng, nhà giáo dục và là người sáng lập Nho gia cũng nói: “Giàu có thì ưa chuộng lễ nghĩa” (Phú nhi hiếu lễ - 富而好禮). Phật giáo thì lấy hành động thực tế thúc đẩy các hạng mục liên quan đến sự nghiệp phúc lợi của xã hội, ví dụ Tăng kì túc và Tăng kì hộ(1) thời Bắc Ngụy, giúp đỡ chính phủ giải quyết nạn đói kém mất mùa; Tự khố Nam Bắc triều, Tàng viện Vô Tận của Tam Giai giáo đời Đường(2), cho đến các công việc như ở xưởng ép dầu, hiệu cầm đồ, khách sạn, cối nghiền(3)… của các triều đại, đều là sự nghiệp phúc lợi kinh tế phồn vinh, tiện dân lợi quốc.

Kinh tế là sự kết nối mạng mạch dân sinh, trước đây hành giả Phật giáo nguyên thủy mặc dù không coi trọng kinh tế, xem nhẹ của cải, chỉ chú trọng đến tịnh tu, tìm cầu cuộc sống đạm bạc, giản dị, đề xướng tư tưởng thanh bần, cho rằng giản dị mới là tu hành, đạm bạc mới là hữu đạo; nhưng mà, nhìn từ góc độ kinh điển Phật giáo Đại thừa, ví dụ thế giới Cực lạc trong kinh A Di Đà, vàng bạc, châu báu lát trên mặt đất, cung điện lầu các đều làm từ thất bảo, vô cùng trang nghiêm đường hoàng, Bồ tát không vị nào không đeo mũ miện quý báu, chuỗi ngọc khoác mình, phú quý không gì sánh bằng. Vì vậy, tu học pháp của Phật không nhất định phải lấy sự bần cùng khốn khổ làm thanh cao. Phật giáo khích lệ tín chúng trong nhà có thể vinh hoa phú quý, có thể kiếm sống, tích góp của cải, nhưng cần dành dụm một cách có đạo đức, phải phù hợp với chính nghiệp(4) và chính mạng(5) trong Bát chánh đạo, như kinh A Hàm nói: “Những người làm nghề kiếm sống, hoặc làm ruộng, con buôn, hoặc chăn bò, nuôi dê có thể kiếm lãi, mở cửa hàng để mưu cầu lợi ích”. Chỉ cần chăm chỉ kiếm sống bằng những nghề nghiệp chân chính, thì cho dù là nông mục thu hoạch, hoặc là kinh doanh buôn bán, xí nghiệp thương mại, đầu tư sinh lợi, tất cả của cải thu được từ các nghề nghiệp ấy, đều được Phật giáo cho phép.

Trái lại, những của cải có được từ những vụ làm ăn phi pháp, ví dụ như trộm cắp vật của người khác, tham ô trái phép, lấp liếm mượn của, chiếm đoạt cất giữ, lừa dối bưng bít tài sản chung, thuận tiện chiếm đoạt, mượn thế lấy bừa, lừa bịp đầu cơ, cờ bạc, dâm dật,… thì đều là những điều Phật giáo không cho phép.

Cách nhìn của Phật giáo về của cải là “phi thiện phi ác”, Phật giáo vốn không hoàn toàn phủ nhận tiền của. Tiền của được ví như là rắn độc, nhưng nó cũng là tư lương cho việc hoằng pháp tu đạo. Theo kinh điển ghi chép, trong tín chúng của Phật giáo không thiếu các trưởng giả giàu có, như trưởng giả Tu Đạt cúng dường tinh xá, Tì Xá Khư cúng dường tứ sự(6)…, đều nhận được sự ca ngợi của Đức Phật. Vì vậy, Phật giáo không khởi xướng quá đáng về tư tưởng bần khổ, bởi vì mộc mạc, đạm bạc dùng để bản thân tăng trưởng đạo đức, và dùng để yêu cầu người khác khắc chế.

Của cải có thanh tịnh, cũng có nhiễm ô; có ngoại tại, cũng có nội tâm; có lúc nhất thời, cũng có lúc vĩnh cửu; có hiện thế, cũng có lai sinh; có cá nhân cũng có cộng đồng. Phật giáo Đại thừa chủ trương cá nhân có thể trà thanh cơm đạm, gọi là “tam y nhất bát”(7), “y đơn nhị cân bán”(8), “đầu đà thập bát vật”(9), tuy nhiên đã có tự viện đoàn thể thì không thể không cần đến của cải. Từ kiến trúc cổ tự, mái đỏ ngói biếc, rường cột chạm trổ, trang nghiêm mỹ lệ; đình đài lâu các, lang viện nối nhau, trùng trùng điệp điệp, sâu thẳm tĩnh mịch, vì vậy mới gọi là “Phật môn tịnh độ”. Phật môn thực ra chính là thế giới trang nghiêm thanh tịnh, thế giới giàu có, an lạc.

Phật giáo không những coi trọng của cải nhất thời, mà càng coi trọng của cải vĩnh cửu; không những chú trọng của cải ở hiện thế, mà càng coi trọng của cải ở lai sinh. Phật giáo cho rằng của cải là những thứ chung của ngũ gia(10). Tiền xài rồi mới là của mình, gọi là “tất cả không thể mang theo, chỉ có nghiệp thì cứ đeo bám mình”. Vì vậy, đã có của cải, còn phải hiểu sự trù tính, kế hoạch. Bốn câu kệ trong kinh A Hàm nói: “Một, bố thí lòng từ bi và sự hòa kính; hai, dự trữ cho lúc đột xuất cần đến; ba, dành cho việc kinh doanh kiếm sống; bốn, dùng trong cuộc sống hàng ngày”. Bố thí như việc gieo mạ, cần có tinh thần bạt tế phụng hiến. Bố thí của cải thì phải không tự khổ, tự não, không miễn cưỡng, không so đo, không tính toán, cần phải làm một cách tùy hỷ, tùy duyên, bố thí tùy phần, như thế mới không mất đi chân nghĩa của sự bố thí.

Ngoài ra, quan điểm của Phật giáo về kinh tế, trước hết lấy “nhân duyên quả báo” thuyết minh việc thu hoạch được của cải, phải từ việc bồi phước tu đức, quảng kết thiện duyên mà có. Vì vậy, người quản lý kinh tế tự viện cần có quan niệm nhân quả và quan niệm thường trú, ví dụ “người có quyền thì không quản tiền, người quản tiền thì không có quyền”; và đồng thời nhấn mạnh “cần dùng trí tuệ trang nghiêm thế gian, mà không cần dùng tiền để xếp đống”; “cần vận dụng của cải, mà không bị của cải sai khiến”; đặc biệt là dựa vào tinh thần lục hòa của Tăng đoàn, coi trọng “lợi hòa đồng quân”, phải phù hợp với quan niệm cộng hữu, cộng vinh, cộng hưởng của người hiện đại. Đấy đều là những đặc sắc kinh tế quan của Phật giáo.

Còn về nguồn kinh tế của Phật giáo, trong thời đại Đức Phật ở Ấn Độ trước đây đề xướng chế độ cúng dường, sau đó truyền đến Trung Quốc, thiền môn các thế hệ khởi xướng sản xuất nông lâm, đến Thái Hư (1890-1947), nhà tu hành Phật giáo, nhà triết học nổi tiếng cận đại lại còn đề xướng công thiền hợp nhất, bây giờ thì có chế độ ngân quỹ; sau này, lấy chế độ cúng dường của Phật giáo Nguyên thủy, kết hợp với sản xuất nông thiền, công thiền mà phát triển cho phù hợp với chế độ kinh tế của hiện đại, ví dụ: vườn rau quả, cho thuê phòng lĩnh canh, sự nghiệp sản xuất, xuất bản sách Phật, phát hành thư họa, pháp vật Phật tượng, Phật sự kinh sám, món ăn chay, đẩy mạnh công tác giáo dục xã hội, hoằng pháp tài trợ, vé vào cổng tham quan, phục vụ từ thiện, an đơn tĩnh dưỡng, vay mượn giúp đỡ lẫn nhau,…, thì là xu thế tất nhiên của sự phát triển thời đại.

Vàng bạc là tư lương học đạo, cũng là tất cả cơ sở cho sự nghiệp Phật hóa. Viện Phật học, Thiền đường, niệm Phật đường, trường học, bệnh viện, đài phát thanh, tạp chí…, đều cần tiền bạc mới có thể thúc đẩy. Cho nên, tiền bạc vốn không hoàn toàn là rắn độc, những cái mà kinh Phật gọi là “tịnh tài”, “thiện tài”, “thánh tài”, chỉ cần có thể khéo sử dụng đồng tiền để hoằng pháp lợi sinh, thì công đức ấy so với kẻ vờ nghèo học đạo càng lớn lao, càng có ý nghĩa, càng có trí tuệ. Vì vậy, học đạo vốn không nhất định phải bần cùng mới là có đạo tâm; nếu như tham dục trong tâm không loại trừ, đoạn triệt, bên ngoài giả vờ hình dáng khổ hạnh, hẳn nhiên không thể đắc pháp. Lấy tiền bạc dùng vào sự nghiệp tạo phước cho đại chúng, dùng trong huệ mạng tu học, thì cố nhiên tiền bạc không phải là rắn độc, mà là tịnh tài. Đấy là những giá trị kinh tế mà Phật giáo cần đánh giá lại. Chỉ cần là tịnh tài phù hợp với Chánh nghiệp, Chánh mạng, là lợi ích tốt đẹp; chỉ cần tất cả sự nghiệp ấy có thể có lợi ích đối với dân sinh, quốc gia, cộng đồng xã hội, lợi ích kinh tế, cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, cụ thể như nông trường, công xưởng, công ty, ngân hàng…, thì các Phật tử đều nên ra sức làm. Bởi vì, có tiền vốn không có gì đáng xấu hổ, bần cùng mới có thể gây ra tội ác.

Phật giáo không chỉ coi trọng của cải tiền bạc theo nghĩa hẹp, mà còn đặc biệt coi trọng của cải theo nghĩa rộng, ví dụ: Pháp Phật, niềm tin, từ bi, trí tuệ, sức khỏe, hoan hỷ, nhân duyên, tự tại, hổ thẹn, phát tâm, đạo đức, nhân cách,… Những của cải vô hình này so với những của cải hữu hình càng tốt hơn. Phật giáo không chỉ coi trọng của cải tư hữu, càng coi trọng của cải công hữu, ví dụ các công trình công cộng như đường sá, công viên, sông ngòi…, cho đến hoa cỏ, cây cối, nhật nguyệt tinh tú, duy trì sinh thái vạn vật đại địa, đồng thời chủ trương lấy hưởng hữu (hưởng thụ và chia sẻ của cải) thay bằng ủng hữu (ôm ẵm của cải riêng cho mình), lấy trí tuệ thay thế tiền bạc, lấy sự hài lòng thay thế tham dục, lấy tư tưởng thay thế vật chất, phát huy quan niệm phổ tế, giúp đời, xây dựng tấm lòng cộng hữu, vì lợi ích số đông. n    

Phước Tâm trích dịch từ: Tinh Vân (2008), Phật học giáo khoa thư, Nxb. Từ Thư Thượng Hải, tr.110-113     

 

(1) Thời Bắc Ngụy, Hiến Văn Ðế thường xuyên đánh Lưu Tống, di chuyển tất cả cư dân ở địa phương Thanh Tề đến Bình Thành, rồi thiết đặt các hộ dân có địa vị tương đối cao làm “bình tề hộ”, những hộ dân còn lại đều làm nô tì, chia cho các quan lại. Lúc bấy giờ, Hiến Văn Ðế dựa vào tấu nghị của Sa môn Thống Huyện Diệu, quy định bình tề hộ và nhân dân mỗi năm phải quyên góp cho Tăng Tào của Châu Quận (tổng cơ quan quản lý chùa viện) 16 hộc kê (đời Ðường chế làm 3.600 thăng), để dự trữ nhằm lúc đói khát cung cấp cho Tăng đồ tự viện, hoặc cho những người khốn khó vay mượn sử dụng, loại lương thực này được gọi là “Tăng kì túc”, những hộ dân ấy chính là “Tăng kì hộ”.

(2) Còn gọi là trường sinh khố (kho trường sinh), chỉ cho kho cất giữ tiền bạc bền vững, là cơ quan hóa khoản mà nhà chùa kinh doanh, thu nhập của nó là một trong những nguồn kinh tế chủ yếu của nhà chùa thời đại Ðường Tống. Ðời Ðường gọi là Vô tận tàng viện, đời Tống gọi là trường sinh khố, lại gọi là giải khố, giải điển khố.

(3) Chỉ cho cối nghiền sử dụng bằng lực nước. Qúy tộc và nhà chùa đời Ðường thiết trí ở trang viên hoặc lĩnh địa nhà chùa, dùng để làm ngũ cốc, chế bột, trở thành nguồn cung cấp tài nguyên quan trọng.

(4) Một trong Bát chánh đạo, chỉ thân nghiệp chính đáng, tức ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, xa rời tất cả tà vọng như sát, đạo, tà dâm,…

(5) Một trong Bát chính đạo, chỉ phương thức mưu cầu và tiêu xài của cải chính đáng.

(6) Chỉ y phục, ẩm thực, ngọa cụ và y dược, hoặc chỉ y phục, ẩm thực, thuốc thang, phòng xá.

(7) Tam y tức ba chiếc áo cà sa, là y chín điều, y bảy điều, y năm điều, cũng gọi là “phước điền y”, “bách nạp y”, biểu trưng cho công đức, tinh thần của Tăng lữ xuất gia, cũng là tượng trưng cho hình tượng của người xuất gia; bát là thực khí của người xuất gia, còn gọi là ‘ứng lượng khí’, người xuất gia cầm bát khất thực, nhận được sự cúng dường của trời người, cho nên đại diện cho “phước điền”.

(8) Chỉ cho người học đạo có cuộc sống đơn sơ đạm bạc, những y phục và đồ đạc có được không nặng quá hai cân.

(9) Chỉ mười tám vật phẩm mà Tăng lữ du phương mang theo tùy thân, gồm có: nhành dương liễu, bình nước, tọa cụ, tích trượng, lò hương, khăn mặt, dao nhỏ, kinh luật, tượng Phật, Bồ tát,… 

(10)

Gọi tài vật thế gian là ngũ gia sở cộng hữu: vương, tặc, hỏa, thủy, ác tử, không thể lấy nó sử dụng một mình, cho nên không cần gò ép, yêu cầu quá đáng.

 

Theo: Nguyệt san Giác Ngộ 189


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage