Phật Học Online

Khoa học về hạnh phúc

Người ta ai cũng đều khát khao hạnh phúc, nhưng nó dường như là một kho báu tiềm ẩn.

Bằng cách này hay cách khác – vô tình hay hữu ý, trực tiếp hay gián tiếp – mọi thứ chúng ta làm, mọi hy vọng của chúng ta, đều liên quan đến một niềm khát khao hạnh phúc mãnh liệt.

Với 256 điện cực được gắn trên cái đầu cạo trọc, nhà sư Phật giáo người Pháp Matthieu Ricard, tác giả cuốn sách “Hạnh phúc: Một chỉ dẫn để phát triển kỹ năng quan trọng nhất của cuộc sống”, vẫn nở một nụ cười tự nhiên luôn đi theo ông bất cứ nơi nào mà ông đến. Vùng não trước trán bên trái của ông, một khu vực của bộ não hoạt động đặc biệt tích cực ở những người có suy nghĩ lạc quan, cho thấy hoạt động vượt ra ngoài bất cứ thông số bình thường nào.

Là một nhà nghiên cứu sinh học phân tử, Ricard nhận ra các kết quả thu được bằng cách chụp cộng hưởng từ não: Theo khoa học, trạng thái tinh thần của ông chỉ có thể là tương ứng với trạng thái của người đàn ông hạnh phúc nhất trên hành tinh.

Bộ não hạnh phúc

Nhiều năm nghiên cứu đã đưa các nhà khoa học đến nhận thức rất chính xác rằng hoạt động của vùng não trước trán bên trái được phát hiện là có liên quan chặt chẽ đến cảm giác hạnh phúc, trong khi những trạng thái tình cảm tiêu cực để lại dấu vết của chúng ở vùng não trước trán bên phải.

Trước sự ngạc nhiên của các nhà khoa học, các nghiên cứu đã phát hiện ra một mô hình rõ ràng ở những đối tượng sở hữu “những bộ não hạnh phúc”. Họ không phải là những người thành công nhất về mặt kinh tế hay vật chất trong cuộc đời, mà là một nhóm người hoàn toàn khác biệt – các nhà sư Tây Tạng và những người tập thiền chuyên nghiệp.

Theo một thí nghiệm thấu đáo với cách chụp cắt lớp não, một nhóm những người đã tập thiền trong thời gian dài, những người đã thực hành một loại thiền định tập trung vào sự thiện từ, có thể làm biến đổi giải phẫu của bộ não theo những cách đáng ngạc nhiên. Họ gia tăng các mức độ của cảm xúc tích cực, như được quan sát ở vùng não trước trán bên trái. Họ cũng giảm bớt hoạt động ở thùy trước trán bên phải – khu vực có liên quan đến sự trầm cảm; đồng thời giảm bớt hoạt động của hạch hạnh nhân – khu vực của não liên quan đến sự sợ hãi và tức giận; và tăng cường thời gian cũng như mức độ tập trung.

Các nhà khoa học đã kết luận rằng sự nhân từ được sinh ra bởi các loại thiền định nào đó khiến cho não trở nên tĩnh lặng, đạt đến một trạng thái hạnh phúc. Sự hạnh phúc của những người tập thiền bao gồm một trạng thái mà trong đó không có sự sợ hãi và hoàn toàn kiểm soát được cảm xúc.

Tương tự như vậy, hầu hết mọi người đều trải nghiệm qua điều được gọi là trạng thái lưu chảy trong những giai đoạn nào đó của việc rèn luyện trí óc và thể chất, một cảm giác hạnh phúc làm rung động tâm trí khi tâm trí hoàn toàn hợp nhất với những gì họ đang làm.

Theo tiến sỹ Daniel Goleman, được quốc tế công nhận vì công trình trong lĩnh vực tâm lý học của ông, trạng thái lưu chảy là một cảm giác vui sướng tự phát và ngạc nhiên thích thú.

Theo giải thích của Goleman, người ta trở nên chìm trong trạng thái lưu chảy đến nỗi sự chú ý và ý thức của họ hòa trộn vào với hành động của họ.

Trái ngược với những điều mà các nhà thần kinh học đã suy nghĩ trong thời gian qua, khi tâm trí tập trung tham gia vào một nhiệm vụ, như ở trong trạng thái lưu chảy, bộ não sinh ra ít hoạt động hơn. Dường như có ít hơn “tiếng ồn nơ-ron” quan sát được khi tâm trí suy nghĩ vẩn vơ. Nó tương tự như, mặc dù khó nhận biết hơn, trạng thái được phát triển bởi những người tập thiền thường xuyên.

Vì thế, hạnh phúc, theo các khám phá khoa học, là một trạng thái không thể đạt được bằng những phương tiện vật chất, mà nó là một hệ quả của sự đoạn dứt với những cảm xúc và của sự từ bi của vũ trụ. Nó có liên hệ với lòng vị tha nhiều hơn là sự ích kỷ – với tinh thần nhiều hơn là vật chất.

(Theo The Epoch Times)

Tác giả: Leonardo Vintiñi


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage