Phật Học Online

Giá trị thực tiễn của triết lý xã hội Tịnh độ

Một trong những giáo lý của đạo Phật thường bị ngộ nhận là pháp môn Tịnh độ. Theo cách nghĩ thông thường, nói đến Tịnh độ là đề cập đến lãnh vực tâm linh, đề cập đến cuộc sống ở kiếp sau. 

Theo họ, trong đôi mắt của tín đồ Tịnh độ, thế giới trần gian là cõi tạm, chứa đựng đầy khổ đau, không phải là môi trường lý tưởng để sống. Cực lạc Tây phương mới là quốc độ có hạnh phúc thật sự, mới là nơi đáng an trú lâu dài. Niềm tin kiên cố vào Đức Phật A Di Đà và tinh tấn niệm danh hiệu của Ngài được đảm bảo cho việc vãng sanh. 

adida22.jpg

Phật tử niệm Phật nhân Vía Đức Phật A Di Đà

Trong ý nghĩa tôn giáo, Tịnh độ cũng bao hàm nội dung trên, vì phần lớn tín đồ theo pháp môn này đều có ước nguyện sanh về thế giới Cực lạc sau khi chết. Tuy nhiên, giáo lý Tịnh độ không đơn thuần như thế mà còn hàm chứa khía cạnh chính trị xã hội sâu sắc, phản ánh những mong muốn sâu xa của con người trong việc cải tạo thế giới. Nói khác đi, triết lý Tịnh độ bao gồm hai phần lý tưởng và hiện thực, hay triết lý và ứng dụng. Bài viết này, tác giả sẽ chú trọng đến khía cạnh triết lý, phần thứ hai sẽ bàn luận trong một dịp khác.

Cần lưu ý rằng yếu tố đặc thù tạo nên sắc thái Phật giáo là trí tuệ. Điều ấy có nghĩa tín đồ Phật giáo là người biết rõ, hiểu rõ mình đang tin cái gì, niềm tin ấy được xây dựng trên cơ sở nào, là người phải cảm nhận được giá trị giải thoát khi thực hành lời Phật dạy ngay bây giờ và tại đây, mà không chỉ đợi chờ sau khi chết. Chỉ có như thế mới phù hợp với lời dạy của Đức Phật: “Giáo lý của Ta thuyết giảng là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian, được người trí tự mình giác hiểu”1. Vì lẽ đó, thế giới ngày nay quan niệm rằng đạo Phật là một nghệ thuật sống, hơn là hệ thống triết lý tôn giáo.

Cần nhớ rằng triết học của hầu hết các bộ phái Phật giáo đều được xây dựng và phát triển trên nền tảng tuệ giác mà Đức Phật Thích Ca đã chứng ngộ dưới cội cây bồ-đề. Tuy nhiên, để thích nghi với sự chuyển biến về trình độ tri thức, tình cảm và nhu cầu của con người cũng như xã hội, giáo lý Phật giáo được giảng giải dưới nhiều sắc thái triết lý có vẻ khác nhau, thậm chí là mới lạ. 

Ví dụ, những thay đổi về lý tưởng giải thoát từ A-la-hán sang Bồ-tát thừa và Phật thừa. Thật ra, đây chỉ là sự ứng dụng thông minh và hiệu quả những hạt giống trí tuệ hàm ẩn trong Kinh tạng Nguyên thủy để đáp ứng nhu cầu của con người từng thời đại. Vì vậy, Edward Conze, một học giả đã dành trên 30 năm để nghiên cứu tư tưởng Bát-nhã, đã phát biểu: “Trong Phật giáo, không có gì thật sự là sáng kiến, sáng tạo, mà những điều có vẻ như thế đều là một sự thích nghi tinh tế những tư tưởng đã có sẵn trước đó”2. 

Hệ quả thực tế là sự ra đời của nhiều bộ phái Phật giáo trong đó có Tịnh Độ tông. Nói theo ngôn ngữ của Kimura Taiken, “Tiểu thừa vì lấy sự giải thoát cá nhân làm chủ nghĩa nên không có chủ nghĩa Tịnh độ, Đại thừa vì có lý tưởng Tịnh độ nên nhất nhất hoạt động đểu tỏ cái hy vọng là lý tưởng hóa thế giới… Đó là lý tưởng Tịnh độ”3. Như thế, giáo lý Tịnh độ không phải là một loại triết lý được sáng tạo, càng không phải là giáo lý phi truyền thống, mà triết lý Tịnh độ là một sự phương tiện thiện xảo lời Phật dạy để thích nghi với nhu cầu thời đại.

Điều đáng để suy gẫm ở đây là khởi nguyên của giáo lý Tịnh độ bắt nguồn từ mong ước của một con người thuộc tầng lớp cao quý nhất của xã hội đương thời, hoàng hậu Vi Đề Hi (Vaidehi). Tại sao một người đang có vị trí tối cao trong xã hội, sở hữu đủ mọi thứ quý giá trong cuộc đời bao gồm quyền lực, tiền tài, danh vọng, địa vị…, những thứ biết bao nhiêu người thèm khát, biết bao nhiêu người đã không từ mọi thủ đoạn, mọi phương cách để mong có được mà bà Vi Đề Hi lại cảm thấy không thích thú, không hạnh phúc để phải đi tìm một thế giới khác? Điều đó cho thấy rằng giàu có chưa hẳn tạo ra hạnh phúc; tiền bạc chưa phải là tất cả; quyền lực không hẳn sẽ cho con người một đời sống bình an; danh vọng địa vị có thể là mặt trái của dục vọng, chiến tranh, mâu thuẫn… 

Chính sự thật phũ phàng này khiến Vi Đề Hi khát khao một môi trường sống mới tốt đẹp hơn, một xã hội mà ở đó sự sống của mọi con người là thiêng liêng, tình người được coi trọng, những giá trị về văn hóa tinh thần, tâm linh là lẽ sống. Bởi lẽ, là người trong cuộc, bà Vi Đề Hi chắc chắn tự thân cảm nhận được nỗi xót xa và tàn nhẫn của cuộc tranh giành quyền lực trong triều đình và chốn nội cung; sự đối xử thiếu tình người giữa con người với con người vì ích kỷ, hẹp hòi, sự nịnh bợ giả dối của quan chức để có bổng lộc, đặc biệt sự mù quáng về quyền lực của A Xà Thế (Ajattasattu) đưa đến việc bỏ tù cha, giam cầm mẹ, sự phản bội của trò đối với thầy vì không thỏa mãn được dục vọng của Đề Bà Đạt Đa (Devadatta)… 

Điều đáng lo lắng là những hiện tượng vừa nêu trên đang hiện diện khắp nơi trong đời sống con người của thế giới ngày nay. Nỗi đau xé lòng trước những thảm cảnh thương tâm con giết cha, vợ giết chồng, anh chị em tàn hại lẫn nhau vì miếng mồi danh lợi, tiền tài, tiếng kêu trầm thống trước những giá trị đạo đức con người đang xuống cấp một cách trầm trọng vì khuynh hướng đề cao giá trị vật chất, thực dụng, hưởng thụ đang vang vọng khắp nơi trên hành tinh này. Chính vì vậy mà nhân loại vẫn đang  nỗ lực kiếm tìm một lý tưởng sống đậm chất nhân đạo, nhân văn để giải quyết những vấn nạn trên. 

Tuy nhiên, mô hình xã hội lý tưởng đang được nhân loại tìm kiếm vẫn là ẩn số. Theo thiển ý của tác giả, giáo lý Tịnh độ hay thế giới Cực lạc của Phật giáo có thể là một trong những giải pháp xứng đáng để xã hội suy nghiệm!  

adida2.jpg

Niệm Phật - Ảnh minh họa

Tịnh độ có nghĩa là một cảnh giới thật sự thanh tịnh và an bình. Mục tiêu của Tịnh độ là xây dựng nên một xứ sở được mệnh danh là “vô hữu chúng khổ” (không có bất cứ loại khổ gì)4; giá trị của đời sống lý tưởng mà Tịnh độ hướng đến là sự hạnh phúc tuyệt đối “đản thọ chư lạc” (chỉ có an lạc)5

Do vậy, Tịnh độ còn gọi là Cực lạc (cố danh Cực lạc). Nhân loại từ thuở hồng hoang cho đến hiện tại và cả tương lai luôn có nhu cầu tâm linh hay tôn giáo để giải quyết những khát khao mà cuộc đời này không giải quyết được hoặc chưa tìm ra giải pháp. Đó chính là những mối lo từ trong tâm thức sâu thẳm của con người. Đó là khát vọng giải thoát được những nỗi khổ mà họ phải thực nghiệm trong cuộc đời được Đức Phật tóm tắt trong tám loại gọi là bát khổ: sanh, lão, bệnh, tử, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tắng hội, ngũ xí ấm thạnh khổ. Từ đây, Tịnh độ hay những thế giới tương tợ dĩ nhiên sẽ trở thành vùng đất hứa của phần lớn tín đồ tôn giáo. 

Chúng ta thể nói rằng Cực lạc Tây phương là thế giới lý tưởng, một cảnh giới tâm linh mà tất cả các tôn giáo đều có chủ trương.

Tuy nhiên, trong ý nghĩa thực tiễn, triết lý Tịnh độ lại là nền tảng của một xã hội được hình thành trên thực tế của kiếp nhân sinh. Những tiêu chí mang đặc tính xã hội của Tịnh độ hay Cực lạc vốn khởi sinh từ thực tại cuộc sống đầy khổ đau của nhân dân Ấn Độ (hay nhân loại) thời bấy giờ cũng như hiện nay. Đây chính là niềm ao ước sâu xa và thầm kín của con người ở mọi thời đại, bởi vì trên thực tế, khổ đau là điều không ai muốn và hạnh phúc là điều nhân loại mong cầu, mà Tịnh độ là hết khổ (vô hữu chúng khổ) và Cực lạc là hạnh phúc (đản thọ chi lạc). 

Cũng có thể giả thuyết rằng Tịnh độ chính là một xứ sở lý tưởng mà các quốc gia trên thế gian đang nỗ lực tìm kiếm, là mong ước của giới lãnh đạo chân chính về một xã hội văn hóa và văn minh. 

Nền tảng 48 lời nguyện của Phật A Di Đà để hình thành cảnh giới Cực lạc chính là nhắm đến cải tạo những tệ nạn đang hoành hành khắp nơi như trộm cướp, giặc giã, chiến tranh, bạo hành, nghèo đói, ngu dốt, tham nhũng, bệnh tật, v.v… đang tràn lan khắp hành tinh này. Thử xét qua đại nguyện thứ nhất của Phật A Di Đà6  người ta dễ dàng chấp nhận luận điểm trên. Tịnh độ là xứ sở không có ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh)7, nghĩa là trong xã hội này chỉ có những con người chân chính, hiền thiện, đạo đức mà không con người xấu ác, vô cảm và phi nhân. 

Nói khác đi, môi trường xã hội này không có những con người với tâm thức chứa đầy dục vọng thấp hèn (địa ngục), sân hận, nóng giận, tàn bạo (a-tu-la), keo kiết, bủn xỉn (ngạ quỷ), đê hèn, thú tính (súc sinh). Tệ nạn phân biệt giai cấp, giàu nghèo, màu da, chủng tộc, giới tính… đã và đang tạo nên những tiếng than khóc ngập tràn trái đất nên Phật A Di Đà (hay chính chúng ta) ước nguyện không có nạn phân biệt giai cấp, kỳ thị giàu nghèo, cực đoan về giới tính ở xứ sở này8

Bệnh tật là một vấn nạn khủng khiếp đang hoành hành kiếp người, đang cướp mất sự sống từng ngày từng giờ của con người nên Tịnh độ có ước nguyện rằng chúng sanh ở đất nước này khỏe mạnh, không bệnh tật, đẹp đẽ, vui vẻ, sống lâu9. Ngu dốt, thất học là nguồn gốc của nghèo đói và lạc hậu. Vì thế, Giáo chủ Tịnh độ có lời nguyện nhân dân ở đó học hỏi nhiều, có kiến thức rộng10.  

Một số vấn đề nêu trên chính là những yếu tố cơ bản để xây dựng một con người tốt và một xã hội phát triển và tiến bộ. Thực tế hơn nữa, từ thời Đức Phật cho đến tận ngày nay, những đất nước nghèo khó, thậm chí các nước đang phát triển, vẫn chưa có phương tiện vệ sinh tại nhà cũng như công cộng một cách có tổ chức; có những địa phương người dân chưa có ý thức về việc này. Vì vậy, vệ đường, hẻm phố, bãi đất trống, đồng ruộng v.v… trở thành nơi để mọi người xả bỏ mọi thứ uế bẩn. Môi trường ô nhiễm, cuộc sống thiếu chất lượng là hệ quả của tệ nạn trên. 

Vì vậy, ước nguyện của chúng sanh ở Tịnh độ là không có nạn đại tiểu tiện; xứ sở sạch sẽ, vệ sinh, thẩm mỹ 11. Để nâng cao chất liệu sống, Tịnh độ mong muốn chúng sanh hưởng đủ các lợi ích của khoa học kỹ thuật về phương diện nghe nhìn, giải trí hiện đại và giao thông nhanh chóng, thuận lợi12.

Tam Thanh.jpg

Tây phương Tam Thánh: Đức Phật A Di Đà, Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, Đức Đại Thế Chí Bồ-tát

Cần lưu ý rằng yếu tố xã hội đặc biệt của Tịnh độ là đời sống tinh thần hay tâm linh. Bên cạnh những chỉ tiêu xây dựng và phát triển về một đời sống vật chất có chất lượng, Tịnh độ chú trọng đến lãnh vực văn hóa tinh thần. 

Nền giáo dục của xứ sở này luôn hướng con người đến một nếp sống tự giác, hướng thượng để nâng cao giá trị cũng như phẩm chất con người từ phàm nhân trở thành hiền nhân, từ hiền nhân trở thành Thánh giả. Bởi lẽ, việc làm hàng ngày của cư dân Tịnh độ là học tập và thực hành 37 phẩm trợ đạo, gọi tắt là Bát Chánh đạo, tức tám phương cách sống chân chính. Đó là thấy biết chân chính (chánh tri kiến), suy nghĩ chân chính (chánh tư duy), nói năng chân chính (chánh ngữ),việc làm chân chính (chánh nghiệp), nghề nghiệp chân chính (chánh mạng), nỗ lực chân chính (chánh tinh tấn), tưởng nhớ chân chính (chánh niệm) và tập trung chân chính (chánh định). 

Nếp sống được soi sáng bằng sự hiểu biết và tỉnh thức như thế chắc chắn sẽ tạo nên một môi trường sống cao đẹp và văn minh.

Một nét đặc thù văn hóa khác mà Tịnh độ xây dựng cho nhân dân của mình là hạnh lợi tha qua việc chia sẻ tài sản của mình với mọi người khác, gọi là bố thí, cúng dường13. Về khía cạnh xã hội, việc làm này sẽ tạo nên sự hiểu biết và cảm thông sâu sắc, tạo nên sự đoàn kết, hòa hợp trong mối liên hệ cộng đồng, là nhân tố chuyển hóa tâm lý tham lam, ích kỷ, hẹp hòi trong con người, vốn là nguyên nhân gây ra nạn vô cảm của cá nhân và sự rối loạn xã hội. 

Chắc chắn rằng chân hạnh phúc sẽ có mặt khi cuộc sống được dẫn dắt bởi trí tuệ, như lời Đức Phật dạy trong kinh Nhất thiết lậu hoặc, Trung bộ I rằng: “Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng sự đoạn trừ phiền não, lậu hoặc là dành cho người biết, người thấy, mà không phải là dành cho người không biết không thấy”. 

Như vậy, khổ đau hay hạnh phúc đang nằm trong bàn tay của con người: Tiếp tục phát triển hướng văn hóa hiện nay hay lấy Phật giáo làm lý tưởng để xây dựng một thế giới Tịnh độ tại trần gian này. Mọi việc tùy thuộc vào quyết định của chúng ta.

Cũng cần nói rằng mọi sinh hoạt tại Tịnh độ đều là phương tiện để khuyến khích, giúp đỡ người dân hướng đến sự tu tập để sự cải hóa tự thân14. Nói khác đi, văn hóa Cực lạc không làm cho người ta bị kích động, cũng không xiển dương những loại văn hóa khiến tâm tư của con người bị kích động, mà luôn tạo môi trường an tịnh để mọi người có cuộc sống hạnh phúc thật sự. Cực lạc hay Tịnh độ chính là giải đáp cho khẩu hiệu “an cư (Tịnh độ) lạc nghiệp (Cực lạc)” mà con người hằng mong ước.

Từ đây chúng ta có thể giả định rằng triết lý Tịnh độ với nền tảng là 48 lời nguyện của Phật A Di Đà có thể xem như là một tuyên ngôn ngắn gọn nhưng hoàn hảo để xây dựng một xã hội tốt đẹp bao gồm cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. 

Thú vị hơn nữa, trong một chừng mực nào đó, những tiêu chí về phương diện vật chất mà Tịnh độ đề ra đang được hiện thực hóa tại một số quốc gia, lãnh thổ có nền khoa học kỹ thuật hiện đại. Với sự phát triển như vũ bão của ngành khoa học kỹ thuật điện toán, con người như thể đang có thần thông. Bằng máy bay, tàu thủy, xe hơi… người ta có thể đến đâu mà họ mong muốn một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất; hoặc con người ngồi tại một nơi mà có thể nghe thấy mọi việc xảy ra khắp mọi nơi qua truyền hình, ti-vi, máy tính v.v… 

Với sự hỗ trợ của nền y khoa tiến bộ, loài người đang từng ngày kéo dài được tuổi thọ, sống khỏe mạnh và ít bệnh tật... Những điều trên chính là những ước nguyện cho chúng sanh cõi Tịnh độ: có thần thông bay đi tự tại, có thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, sống lâu, không bệnh tật...15.

Có thể thấy rằng nhân loại ngày nay đang từng bước hình thành “cơ sở vật chất của Tịnh độ tại nhân gian”. Những khu biệt thự cao sang, lâu đài hào nhoáng như cảnh trời đang được dựng xây khắp nơi trên trái đất này. Với sự trang trí đẹp đẽ, tinh tế bằng những loại kỳ hoa, dị thảo hiếm có trên đời đã khiến người ta tưởng rằng đây là thiên đường tại trần thế. Âm thanh du dương, ánh sáng huyền ảo càng cho người ta có cảm giác như lạc vào tiên cảnh… 

Rõ ràng, điều kiện vật chất đang được phát triển một cách đáng được ao ước tại thế giới này! Nhưng tại sao khổ đau của kiếp người vẫn không chút giảm bớt, nếu không nói là đang gia tăng? Nỗi bất an và sợ hãi mỗi ngày mỗi lan tràn trong nếp sống có vẻ sang trọng và giàu có kia. Nỗi khủng khiếp về cái chết dưới nhiều hình thức như chiến tranh, nạn đói, khủng bố, cướp của giết người đang xảy ra tràn lan. Tiếng than khóc của con người mỗi ngày mỗi bi thiết hơn!!!

Theo thiển ý của người viết, lý do là vì sự phát triển của các định hướng văn hóa hiện nay chưa được cân đối, hài hòa; nặng vật chất, nhẹ tinh thần. Khuynh hướng sống đương thời đang rơi vào cực đoan hưởng thụ dục lạc, vật chất hóa con người và mọi thứ. Hậu quả của nó là gia tăng lòng tham, ích kỷ, hẹp hòi và vô cảm. Con người chỉ biết hưởng thụ dục vọng theo cảm xúc và tìm mọi cách để thỏa mãn nỗi thèm khát đó bằng mọi thủ đoạn. Tình người bị khô cạn! Văn hóa tinh thần dần dần trở thành thứ yếu… Đây có lẽ là nguyên nhân chính tạo nên mọi rối loạn hiện nay. Trong khi đó, văn hóa Tịnh độ lại xem trọng việc xây dựng văn hóa tinh thần. 

Niềm vui thật sự của Tịnh độ là cho chứ không phải nhận; hạnh phúc tinh thần có ý nghĩa và giá trị hơn vật chất. Con người sống luôn làm chủ tự bản thân, làm chủ cảm thọ chứ không trở thành nô lệ cảm thọ.

Nói khác đi, con người có khả năng xây dựng một thế giới lý tưởng như Tịnh độ của Phật giáo ngay tại hành tinh này bằng việc cân bằng lại định hướng phát triển. Song song với những cải tạo về phương diện vật chất, loài người cần đặt nặng sự chuyển hóa đời sống tâm thức. Nếu nguyên nhân của khổ đau là tham lam, ích kỷ, hẹp hòi thì nền văn hóa ngày nay cần phát triển theo định hướng vô tham, vị tha, khoan dung, bao dung... 

Chắc chắn rằng chân hạnh phúc sẽ có mặt khi cuộc sống được dẫn dắt bởi trí tuệ: “Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng sự đoạn trừ phiền não, lậu hoặc là dành cho người biết, người thấy, mà không phải là dành cho người không biết không thấy”16. Như vậy, khổ đau hay hạnh phúc đang nằm trong bàn tay của con người: Tiếp tục phát triển hướng văn hóa hiện nay hay lấy Phật giáo làm lý tưởng để xây dựng một thế giới Tịnh độ tại trần gian này. Mọi việc tùy thuộc vào quyết định của chúng ta.

Viên Trí 
(Thiền thất Từ Mãn - 2013)

__________________

Chú thích:

Kinh Trung bộ.

There is in Buddhism really no innovation, but what seems so is in fact a subtle adaptation of pre-existing ideas.

3 Thích Quảng Độ (dịch), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, tr.212.

4 Kinh A Di Đà.

Kinh A Di Đà.

6 Thích Quảng Độ (dịch) Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận - Lời nguyện thứ 1.

7 Theo Tiểu phẩm Di Đà, chúng sanh ở Cực lạc chỉ bao gồm các bậc hiền nhân, thánh giả đã đoạn trừ 10 kiết sử.

8 Lời nguyện thứ 12.

9 Lời nguyện thứ 2 và 3.

10 Lời nguyện thứ 15, 19.

11 Lời nguyện thứ 19 (Tiểu phẩm và Đại phẩm Bát-nhã) và nguyện 31-32.

12 Nguyện thứ 6, 8 và 9.

13 Theo Tiểu phẩm Di Đà, mỗi buổi sáng chúng sanh cõi Cực lạc đều phát tâm cúng dường chư Phật khắp mười phương.

14 Tiếng chim hót là pháp âm của ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát Thánh đạo giúp chúng sanh Cực lạc tưởng niệm đến Phật, Pháp, Tăng. Tiếng lay động của các hàng cây báu phát ra âm thanh vi diệu khiến tâm người nghe cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng…

15 Nguyện thứ 2, 6 và 8.

16 Kinh Nhất thiết lậu hoặc, Trung bộ I.

Theo Giác Ngộ


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage