Phật Học Online

Đức Đạt Lai Lạt Ma Thuyết Giảng Tại Chùa Quang Minh
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 04/06/2012

Người Phật tử chân thật phải nên biết triết lý Phật Giáo, khoa học Phật Giáo. Bằng trái lại việc thực hành tôn giáo chỉ như tập tục, theo thói quen không có ý nghĩa gì nhiều.


Các anh chị em tâm linh thân mến, đặc biệt với cộng đồng Tăng Già Việt Nam, và tôi nghĩ có một số vị sư cô ở đây, Tì kheo ni, có phải không?

Tôi thật sự vui mừng với lần thứ hai tôi thăm viếng nơi này, với một ngôi chùa mới và rất lớn, hết bao nhiêu tiền đấy? (mọi  người cười)

Tôi nghĩ Đạo Phật là một tôn giáo cổ xưa từ Ấn Độ rồi lan truyền qua Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam pu chia, Lào, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn rồi thì sau nàyTây Tạng, Mongolia và một bộ phận ở Liên Bang Nga, những vùng này theo Đạo Phật, và Ấn Độ là chiếc nôi của Đạo Phật nhưng đại đa số quần chúng là Ấn Giáo, cũng như Hồi Giáo, Ki Tô Giáo, và những đạo khác. 

 Nhưng thế nào đi nữa, chúng ta đang ở trong thế kỷ 21, kỷ thuật phát triển cao độ.  Tôi nghĩ trong một hay hai thế  kỷ qua.  Tất cả mọi nổ lực, tất cả mọi năng lượng đều tập trung trong sự phát triển kinh tế, về tiền (cười).  Bây giờ tôi nghĩ, ngay chúng ta thật sự mở rộng trong yêu cầu của tiền, tất cả những sự lủng đoạn, tất cả những kỷ thuật nhơ bẫn nhầm để kiếm ra tiền.  Có phải thế không?  Tôi nghĩ tiền thật sự đầu độc nguyên tắc đạo đức của chúng ta.  Tôi thật sự nghĩ thế!  Và rồi trong khi ấy không chỉ nguyên tắc đạo đức bị suy đồi mà tiền cũng làm gia tăng ghen tỵ, nghi ngờ và rồi thì là thất vọng và đưa đến kết qua giận dữ, bạo động.

Vậy thế nào đi nữa, một điều rất rõ ràng, chỉ đơn thuần vật chất sẽ không mang đến hòa bình nội tại, điều ấy là chắc chắn.  Bởi vì tiền mang đến tiện nghi làm thoải mái thân thể chứ không phải tâm hồn.

Trong siêu thị nếu quý vị thử tìm mua sự bình an của tâm hồn, không thể được.  Hay tất cả những cửa hàng dụng cụ kỷ thuật, nếu quý vị hỏi mua một khí cụ để làm an ổn tinh thần; không [không thể có].  Sự hòa bình của tâm tư phải đến từ bên trong, bởi vì đa số những sự quấy rầy an bình nội tại là cảm xúc của chúng ta.  Không phải những kẻ thù ngoại tại, không phải những kẻ gây rối bên ngoài mà những yếu tố tàn phá tâm thức chúng ta chính là những cảm xúc tiêu cực của chính chúng ta.  Vậy thì một cách tự nhiên, một cách hợp lý, một phương pháp hiệu quả để làm giảm thiểu những cảm xúc tàn phá phải được phát triển trong tâm thức, từ chính những cảm xúc ấy.

Nên ngày nay tôi cũng nói với mọi người, trong vài nghìn năm trước, tôi nghĩ bốn, năm nghìn năm, chúng ta mở mang tín ngưỡng, và chúng ta đặt trọn niềm hy vọng của chúng ta vào tín ngưỡng, bất cứ khi nào chúng ta gặp khó khăn, chúng ta [chấp tay lại] cầu nguyện đến Thượng Đế hay điều gì đấy, điều gì đấy huyền bí.  Rồi thì ba trăm năm trở lại đây khoa học, kỷ thuật phát triển.  Rồi khoa học, kỷ thuật lập tức mang đến cho chúng ta ... tiện nghi sẳn sàng, mọi thứ trở nên dễ dàng nên con người tự nhiên chú ý hơn với khoa học và kỷ thuật hơn là tín ngưỡng.  Rồi thì sau này vào thế kỷ 20 qua kinh nghiệm cuối cùng chúng ta nhận ra sự giới hạn của giá trị vật chất.

Tôi biết một số gia đình rất giàu có tôi nghĩ là tỉ phú, những người ấy ở trình độ con người là những người rất không vui.  Họ có hàng triệu triệu đô la nhưng thất bại trong việc mang niềm vui nội tại, rất rõ ràng.

 Và rồi một vấn đề khác nữa, trong những nhà khoa học, kiến thức của họ về não bộ, về thần kinh, những thứ này rất phát triển.  Rồi cuối cùng họ thích thú về vấn đề cảm xúc là gì? Tâm thức là gì?  Bởi vì y học, họ chỉ chú ý đến mãng tâm thức thật sự rất quan trọng đến sức khỏe lành mạnh, cũng như hồi phục từ bệnh tật, từ giải phẩu, một mảng tâm thức... rất quan trọng đối với họ.  Cho nên bây giờ y học, cũng như những nhà chuyên môn về não bộ.  Một số nhà khoa học hàng đầu thật sự biểu lộ sự hấp dẫn với vấn đề, cảm xúc là gi?  Mối quan hệ giữa cảm xúc và não bộ là thế nào?

Bây giờ, những ngày này, trong những nhà khoa học ưa thích việc rèn luyện tâm thức với giải phẩu  não bộ, với những chất kích thích trong não bộ.  Qua việc rèn luyện tâm thức, thật sự có thể thay đổi,...Lần đầu tiên họ khám phá ra việc này.   Nên qua việc rèn luyện tâm thức ngay cả những bộ  phận vật lý có thể thay đổi.  Vì vậy, hai nhân tố, từ kinh nghiệm giới hạn, hay giá trị vật chất.  Và mặt khác sự nghiên cứu khoa học, bắt đầu tập trung vào vấn đề, tâm thức là gì?  Làm thế nào để thay đổi tâm thức chúng ta?  Thay đổi cảm xúc chúng ta như thế nào? 

Vì những nhân tố này, có những biểu lộ, đặc biệt trong những người trẻ tuổi đã bắt đầu khuếch trương những quan tâm về các giá trị nội tại, tâm linh.  Tôi nghĩ đấy là hình ảnh thế giới của thế kỷ 21.  Rồi thì tôi cũng nghĩ con người ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở Âu châu, và Hoa Kỳ, tôi nghĩ là thật sự chán ngấy với bạo động, Úc châu so sánh chắc khá hơn (cười).

Nên con người, tôi nghĩ con người ở buổi đầu thế kỷ trước, khi quốc gia tuyên chiến với lân bang, dân chúng cả nước, tự hào, không thắc mắc gì, tham gia nổ lực chiến tranh.  Tình thế như vậy hoàn toàn thay đổi và cuối thế kỷ.  Và bắt đầu thế kỷ 21, thí dụ khi Hoa Kỳ sắp bắt đầu chiến tranh với Iraq, bao nhiêu người từ Hoa Kỳ đến Úc Đại Lợi phản đối bạo động và muốn hòa bình qua biểu tình.  Và dĩ nhiên,nhiều người quan tâm, những quốc gia quan tâm chống lại chiến tranh, chống lại bạo động, chống lại việc sử dụng bạo lực.  Nên họ thật sự khao khát hòa bình.  Hoàn toàn chán ngấy với bạo động.  Vì thế, một lần nữa, câu hỏi là, làm thế nào mang hòa bình đến?

Hòa bình không có nghĩa là không có  những rắc rối khác.  Cho đến khi mà con người còn tồn tại trên hành tinh này, những vấn nạn nào đấy bắt buộc phải xảy ra.  Do bởi nhận thức của con người, lòng tham của loài người, khao khát của loài người.  Nên vấn nạn sẽ tiếp tục tồn tại.  Bây giờ chúng ta cần phương pháp thực tiển để giải quyết xung đột, sự không đồng ý này.  Nên đấy là đối thoại.  Tôi thường nói với mọi người, thế kỷ 20 trở thành thế kỷ của tắm máu, căn cứ theo lịch sử, khoảng hai trăm triệu người bị giết một cách bạo động qua chiến tranh, một con số đáng kinh hoàng.

Nếu một cuộc chiến lan rộng sử dụng vũ khí nguyên tử, mà nó có thể mang đến hòa bình, giảm thiểu rắc rối thì cũng okay, nó cũng chính đáng.  Nhưng không phải như thế.  Chỉ có khổ đau.  Cho nên, bây giờ thế kỷ 21 chúng ta phải làm cho nó là thế kỷ của đối thoại.

Nhằm để mang đến đối thoại, chúng ta cần sự tôn trọng tâm linh đối với quyền lợi của người khác.  Không chỉ là sự quan tâm của tôi, sức mạnh của tôi và dửng dưng với sự quan tâm của người khác thì làm sao đối thoại.  Nên trong sự tôn trọng ấy, tinh thần chân thành với tình anh chị em, toàn thể gần bảy tỉ người có thể xem như những người anh chị em, chúng ta phải chăm nom đến sự quan tâm của họ.  Với loại thái độ như thế thì sự đối thoại đầy đủ ý nghĩa mới có thể phát triển.

Nên trong sự quan tâm ấy, căn bản truyền thống ấy... là một khả năng vô hạn để đem đến tình anh chị em chân thành.  Mọi truyền thống tôn giáo đều có cùng khả năng, cho dù khác biệt triết lý.  Có những tôn giáo hữu thần như Ki Tô Giáo, ... niềm tin chủ yếu của họ là Thượng Đế.  Những tín ngưỡng vô thần như Phật Giáo, Kỳ Na Giáo, và một số tư tưởng cổ truyền khác nữa của Ấn Độ không có khái niệm Thượng Đế, không có đấng tạo hóa, nhưng tự chính chúng ta là tạo hóa.  Nên triết lý là rất khác biệt, nên theo quan điểm của những tôn giáo hữu thần, những Phật tử chúng ta là người không có đức tin (tín ngưỡng vô thần).

Nên tất cả mọi tôn giáo, mặc dù khác biệt triết lý nhưng cùng mang một giáo huấn, cùng một sự thực hành về từ ái, bi mẫn, tha thứ, bao dung, tự giác.  Tất cả những thứ này là cùng như nhau về thực hành, cùng giống nhau trong một thông điệp.  Nên tất cà mọi tôn giáo quan trọng đều có cùng khả năng để hổ trợ con người.

Bây giờ về Phật Giáo, Đạo Phật ngày nay tôi  nghĩ, như tôi đã đề cập trước đây, cũng bao hàm những sự thực tập về từ ái, bi mẫn, tha thứ, bao dung, ... như những tôn giáo quan trọng.  Rồi thì khía cạnh triết lý rất phức tạp.  Như Đại Học Tu Viện Na Lan Đà, không chỉ là một trung tâm Phật Giáo, nhưng là một trung tâm chuyên môn, một học viện hàn lâm.  Và nhiều đạo sư Na Lan Đà, tôi thường diễn tả là những giáo sư của Na Lan Đà.  Những đại sư này đã sáng tác, thật sự là những chủ đề chuyên môn, các ngài tiến hành khảo sát: Thực tại là gì?  Bản chất là thế nào?  Bản chất của vật chất, bản chất của tâm thức.  Phần ấy tôi cho là khoa học.  Không phải là tôn giáo mà là khoa học.

Trong ba mươi năm qua, ô không, trong khoảng bảy năm qua, tôi đã dấn thân một cách nghiêm túc với những nhà khoa học hiện nghiên cứu xa hơn về tâm thức, về cảm xúc, kiểm soát cảm xúc này như thế nào.  Bây giờ khoa học, thí dụ ở Hoa Kỳ, Đại Học Wisonsin, Emory và Stanford và một vài đại học nữa, họ thật sự tiến hành công việc nghiên cứu về tâm thức theo sự giải thích của Đạo Phật về tâm.  Họ đã tìm thấy những thông tin hữu ích từ tài liệu cổ điển của Ấn Độ về vấn đề này, không chỉ Phật Giáo mà cũng của Ấn Giáo.

Cho nên có một số người vốn duy trì khoảng cách với bất cứ tôn giáo nào, nhưng trong con mắt của họ Đạo Phật bây giờ là một ngoại lệ.  Bởi vì nó không nhất thiết liên hệ với những khái niệm của Đạo Phật về kiếp sống tới, nghiệp báo,... những thứ  này, nhưng mà là về khoa học tâm thức của Phật Giáo, về cảm xúc.  Nên hoàn toàn rõ ràng rằng, theo kinh nghiệm trong ba mươi năm qua của tôi, bây giờ rất rõ ràng, khoa học Phật Giáo chắc chắn có thể có những cống hiến nổi bật trong khoa học hiện đại liên hệ đến tâm thức cảm xúc, những thứ này.

Bây giờ, đối với người Việt Nam, một cách truyền thống là một quốc gia Phật Giáo.  Về truyền thống Phật Giáo, có truyền thống tiếng Phạn và tiếng Pali, chúng ta cùng theo truyền thống Phạn ngữ, chúng ta cùng theo truyền thống Na Lan Đà, những học giả Na Lan Đà như Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước,..., tất cả những đạo sư Na Lan Đà này, những giáo sư này, chúng ta cùng kế tục giáo huấn của những vị này.

Và một khía cạnh khác, người Việt Nam đã trải qua những thời điểm khó khăn, chúng tôi cũng thế (cười), trong ý nghĩa ấy chúng ta thật sự là những người anh chị em (cười).  Những thời gian thay đổi, có những vị tăng ni từ Việt Nam đến Ấn Độ để học hỏi Giáo huấn, nghe giảng dạy ở đấy.  Dường như thay đổi, và ngay cả có những thân quyến của các lãnh tụ Cộng Sản đã đến đấy.  Nên sự việc đang thay đổi.  Nên thế nào đi nữa những người Việt Nam nào sống trong những quốc gia như Pháp, Mỹ, cũng như Úc, bất cứ quý vị sống nơi nào, quý vị mang trong mình truyền thống của quý vị, tâm linh của quý vị.  Do thế, ở Úc Đại Lợi, vốn là một quốc gia không phải theo Đạo Phật, vốn là một đất nước Ki Tô Giáo, nhưng quý vị đã tìm ra một nơi để thiết lập chùa viện của quý vị, nhằm để giữ gìn tâm linh Phật Giáo của quý vị, tôi thật cảm phục.


Một khác biệt nhỏ là Việt Nam là một đất nước rất  nóng nhưng quý vị mặc áo tay dài.  Còn Tây Tạng là một đất nước rất mát, nhưng tay tôi để trần - không có tay áo (ngài đưa tay phải ra - mọi người cười).

Bây giờ, bất cứ những Phật tử nào, dù là người Hoa, Nhật, Hàn, Việt, Thái, Tích Lan, Miến Điện, và Tây Tạng, Mongolia... tôi luôn luôn tuyên bố rằng:  Những người Phật tử chúng ta phải là những người Phật tử của thế kỷ 21, có nghĩa là Phật tử với kiến thức đầy đủ về Phật Pháp, điều này rất căn bản. 

Một cách truyền thống, chúng ta tự cho là Phật tử nhưng thật sự không biết Đạo Phật là gì. Tôi thường đùa những Phật tử Trung Hoa rằng, thật không phải [đúng nghĩa Phật tử khi chỉ chấp tay và nói] A Di Đà Phật, A Mi Tò Phù, A Mi Tò Phù! (Cười).  Và với người Tây Tạng tôi thường đùa với họ rằng, trì  niệm một mật ngôn nổi tiếng, Lục tự đại minh chơn ngôn của Quan Âm, Án Ma Ni Bát Di Hồng, Om Mani Padme Hum, Om Mani Padme Hum,..., khi quý vị đọc nhanh, giống như, om moni, moni, moni,... (mọi người cười) âm thanh ấy nghe giống như money, money,...(money = tiền).  Cho nên, không có kiến thức, không biết ý nghĩa và rất thường khi tôi gặp những Phật tử Ấn Độ hay Tây Tạng..., những sinh viên, khi tôi hỏi họ: - Tôn giáo của quý vị là gì? Họ trả lời:  Phật Giáo. Sau đó tôi hỏi, Phật là gì? Không có câu trả lời.  Không biết.  Đức Phật được xem như chỉ là một nhân vật lịch sử.  Thế ấy là không đủ.  Quý vị phải biết Đạo Phật thật sự là gì!  Và cũng như những người Ki Tô, quý vị phải biết điều Chúa Giê-su dạy thật sự là gì!  Chỉ tự nhận là Ki Tô hữu, làm dấu thánh giá là không đủ.

Vì thế, như Phật Pháp mà tôi đã đề cập phía trước là một triết lý phong phú toàn triệt nên chúng ta phải học hỏi nghiên cứu những thứ này.

Trước nhất là khoa học Phật Giáo, trên căn bản của khoa học Phật Giáo rồi thì triết lý Phật Giáo phát triển,  như hai chân lý, bản chất vô thường, và duyên khởi tương sinh, những quan điểm triết lý này được phát triển trên căn bản của thực tiển.  Đấy là khoa học Phật Giáo.  Rồi thì điều này có thể thay đổi tâm thức chúng ta, có thể giảm thiểu cảm xúc tàn phá, và cuối cùng có thể hoàn toàn tiêu trừ hoàn toàn những cảm xúc tàn phá.  Đấy là niết bàn, giải thoát, hay cứu độ.

 Nên trên căn bản của khoa học, triết lý Phật Giáo, nhận thức Phật Giáo phát triển, sau đó theo nhận thức Phật Giáo rồi thì thực tập Phật Pháp.  Do vậy, người Phật tử chân thật phải nên biết triết lý Phật Giáo, khoa học Phật Giáo.  Bằng trái lại việc  thực hành tôn giáo chỉ như tập tục, theo thói quen không có  ý nghĩa gì nhiều.

 

 

 

Do thế, các anh chị em Phật tử của tôi, xin hãy học hỏi thêm nữa.  Và việc thăm viếng chùa viện và ở trước Đức Phật phát lời cầu khẩn, trì niệm thì không đủ, chúng ta phải học hỏi những điều Đức Phật dạy bảo thật sự là gì.  Và học hỏi theo căn bản lời dạy của Đức Phật được soạn thảo chi tiết bởi chư vị tổ sư Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân,... tất cả những đại sư của Na Lan Đà giảng giải kỷ lưởng.  Và nếu có thể, nghiên cứu Luận học Phật Giáo, luận lý học, của các tổ sư Trần Na, Pháp Xứng, Nguyệt Xứng, Liên Hoa Giới,... Trong Tạng ngữ, những luận điển của các ngài trên đã được dịch ra rất tiện dụng.  Tôi được nghe nói là trong đại tạng Trung Hoa không có những dịch phẩm này, hoặc chỉ có một phần nào thôi, chưa được dịch ra hết.  Hiện tại đã có một số hoạt động để chuyển dịch ra Hoa ngữ, đã được bắt đầu rồi.  Cuối cùng, những luận điển này sẽ hiện diện bằng Hoa ngữ.  Và sau đó sẽ được diễn dịch dễ dàng sang Việt ngữ, Hàn ngữ và Nhật ngữ.  Rõ ràng chứ!

 

Xin hãy chú ý thêm trong việc học hỏi, nghiên cứu. Học hỏi, nghiên cứu!  Rồi thì đức tin căn cứ trên tri thức trọn vẹn, đức tin ấy sẽ sâu sắc hơn nhiều, điều ấy là quan trọng!

Chân thành cảm ơn!  Đấy là tất cả.

Tôi hy vọng sau này, chánh điện này không chỉ để cầu nguyện mà cũng là lớp học, nơi để  học tập.  Tôi hy vọng như thế.  Nên lần sau đến đây, tôi hy vọng cũng thấy lớp học của quý vị.  (Cười).

*

Nguyên tác: Dalai Lama visit Quang Minh Temple 2011

Ẩn Tâm Lộ ngày 7/6/2012


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage