Phật Học Online

Phương Thức Sám Hối

Chư Hiền Đức, Thánh nhân xưa thường dạy hàng đệ tử: “Làm phước không bằng tránh tội!” để răn dè những ai sống liều lĩnh, không biết e sợ những tội mình gây ra, dù kèm theo đó có tạo phước. Vì làm phước tuy đưa đến hạnh phúc, cảnh giới tốt đẹp, y báu, chánh báu thù thắng. Nhưng phước chẳng bù tội, nhân đâu quả đó, rốt cuộc “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì” (Thiện ác rốt lại đều có quả báo, chỉ là đến sớm hay muộn thôi). Do đó, khéo tu thì không được tạo tội! Tuy nhiên, đã là con người, mấy ai hoàn toàn không mắc phải sai lầm. Có những người do vô tâm gây lỗi, có những người cố ý gây lỗi, nhưng cũng có rất nhiều người do hoàn cảnh mà tạo tác lỗi lầm. “Tội” một khi đã tạo, trừ những kẻ cùng hung cực ác, hạng xiển đề, còn lại phần đa con người ta sẽ có một lúc nào đó ăn năn, đấy là chất “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” (Tánh gốc ban đầu của con người là THIỆN). Nhưng quay về nẻo thiện bằng cách nào ? Trong đạo Phật có một phương pháp giúp được con người: “Hồi đầu thị ngạn” gọi là “Phương pháp sám hối” và đó cũng chính là đề tài con xin được phép trình bày.

Trước tiên, cần định nghĩa hai từ Sám Hối.

Chữ Sám: Ấn Độ gọi là Samma (Thú nhận lỗi đã làm)

Chữ Hối: Trung Hoa dịch ăn năn chừa bỏ (nguyện không tái phạm những lỗi ấy nữa)

Sám Hối nghĩa là ăn năn chừa bỏ những lỗi lầm cũ và quyết tâm không tạo những lỗi lầm mới. Trong kinh có câu:

Sám giả, sám kỳ, tiền khiên

Hối giả, hối kỳ hậu quá.

Sám nghĩa là sám lỗi trước. Chữ Hối là ngăn ngừa lỗi sau. Nói khác, là khi lầm lỗi ta biết hổ thẹn ăn năn một lòng cầu xin sám hối,  nguyện với lòng không tái phạm.

Ông bà ta có câu: “Nhân vô thập toàn.” Nghĩa là con người không ai đầy đủ, trọn vẹn không hề có lỗi lầm. Nhưng điều đáng nói ở đây là mình có nhận chân được nó và biết sửa đổi hay không. Do đó trong kinh Pháp Cú có dạy: “Người có lỗi lầm mà biết sám hối, người đó là ánh sáng chiếu cõi thế gian, là vầng trăng ra khỏi mây mù”. Như vậy,  trong pháp sám hối điều cần thiết trước tiên là phải nhận thức được lỗi lầm của mình.

Trên đời này, thật ra ai cũng mang trong người hai túi chứa đựng tội lỗi. Nhưng oái oăm thay! Túi chứa đựng tội lỗi của người thì ta đeo phía trước, còn túi chứa đựng tội lỗi của mình ta lại mang sau lưng. Vì lẽ đó nên ta chỉ thấy tội lỗi của người mà không hề thấy lỗi của mình. Và nếu như có thấy ta cũng tự biện minh, bảo thủ cho chính mình. Là tại ….. bị …..vì……

Thôi thì đủ 1001 lý do để chạy tội

Quý vị có biết vì sao không ? Vì lẽ mỗi chúng ta ai cũng mang trong mình một chứng bệnh trầm kha. Đó là bệnh chấp thủ và chấp ngã. Vì chấp thủ nên luôn cho việc mình làm là đúng còn người thì sai. Vì chấp ngã nên không dám nhìn nhận tội lỗi mình đã làm.

Trong kinh Pháp Cú có dạy:“ Nhìn lỗi người mình thấy dễ lắm. Tìm lỗi người khác như tìm thóc trong gạo, còn giấu lỗi của mình như người cờ gian bạc lận che giấu quân bài”. Đại khái là lỗi của người thì cỡ nào cũng tìm ra, bươi móc dòm ngó một cách nhiệt tình; còn lỗi mình cố gắng ém nhẹm, kín chừng nào tốt chừng đó. Như quý vị thấy, mấy người cờ gian bạc lận đâu khác gì kẻ cắp, cờ bạc đã xấu, gian lận trong cờ bạc là xấu trên cái xấu nữa. Cũng vậy: Người tạo tội lỗi đã là thấp hèn, tạo tội rồi cố giấu không chịu tỏ bày sám hối thì thấp hèn trên cái thấp hèn, tội chồng thêm tội. Người như vậy Phật dạy đó là hạng đáng chê trách. Nói khác, đây là hạng người vô tàm, vô quý (nghĩa là không biết thẹn với mình, không biết hổ với người). Còn người tạo tội lỗi mà biết sám hối chừa bỏ, Phật dạy đó là hạng người đáng quý (cao thượng). Trên đời này có hai hạng người đáng quý. Đó là người suốt đời không có lỗi lầm và thứ hai là hạng nguời lỡ gây ra tạo tội lỗi mà biết ăn năn sám hối” Cả hai hạng người này đức Phật đều cho là người cao thượng:

Người cao thượng thứ nhất chỉ cho Phật và Thánh nhân. Vì Phật và Bồ tát đã đạt đến vô lậu, giải thoát nên dứt  bặt việc tạo tác tội lỗi. Còn hạng phàm phu chúng ta một khi lỡ vì ngu si không biết, hoặc tham sân tập khí bùng khởi không ngăn chặn nổi mà gây nên tội, đến khi tỉnh ngộ nhận thức được lỗi mình làm ra, liền ăn năn sám hối, khả dĩ trở thành hạng người cao thượng thứ hai. Vì phương pháp “sám hối” trước hết giúp chúng ta gạn lọc thân tâm, còn gọi là “Hồi quang phản tỉnh” hay “Phản quang tự kỷ”. Đây là cách kiểm tra tâm mình để ngăn ngừa tội gốc, vì tội vốn “tùng tâm khởi” (nương theo tâm mà khởi), biết được tội gốc, khi đó có thể đoạn tận nó và không sanh khởi lại. Kế nữa sám hối để gột rửa mọi ưu tư phiền muộn, đó là trường hợp những người dĩ lỡ tạo tội, lòng ăn năn ray rức mãi không nguôi, nếu không có pháp sám hối, có thể sanh bệnh, thậm chí vì quá ưu phiền  dẫn đến chết. (Ví như Vua A Xà Thế mang tội ngũ nghịch “Giết cha, đày mẹ” lòng ray rứt khổ đau, ăn không ngon, ngủ không yên giấc. Về sau nhờ ăn năn sám hối mà hiện tại tâm tư an lạc thanh thản, sau khi chết không rơi vào ngục Vô Gián…) Vì lẽ đó nên nói: Chỉ có phương pháp sám hối mới là phương thuốc hữu hiệu nhất giúp tâm tư ta được thanh tịnh an lạc giải thoát. Tuy nhiên, nếu nói sám hối tiêu tội khỏi đọa ba đường ác đạo, người không hiểu nguyên lý sâu xa của việc này, có thể cho rằng Phật giáo chủ trương “chạy tội” hay “trốn nợ”. Nếu nói tạo tội rồi sám hối có thể tiêu trừ, khỏi đọa vào đường dữ thì … tội gì không tạo, cứ làm ra cho thỏa lòng rồi … sám hối là xong! Ở đây, chúng ta cần nhìn ra cơ sở y cứ, hay nguyên lý sâu xa của việc sám hối. Trở lại ý nghĩa của sự sám hối:

Sám giả, sám kỳ, tiền khiên

Hối giả, hối kỳ hậu quá.

“Sám”: ăn năn những tội đã tạo, vì “đã tạo” tức là quá khứ (vừa mới gây ra, lỗi hôm qua, năm trước, kiếp trước…), chúng ta làm gì đổi lại kết quả vốn đã xảy ra trong quá khứ, đau lòng hay than khóc cũng vô ích thôi! Tâm lý của người tích cực là trước phải làm sau để bù đắp lại những thiệt hại mình đã gây ra cho người; kế đến tự thân mình thoát khỏi tội hình trừng phạt từ pháp luật quốc gia, hay do nhân quả đem lại.

“Hối”: nói sát nghĩa là chấm dứt không tái phạm những tội tương tự, nhưng không phải dừng lại đó, rộng ra những gì được cho là “tội” đều không được phạm. Như vậy, nguyên lý trước mắt của sự sám hối là bù đắp cho người (lợi tha), cứu tội cho mình (tự lợi), nguyên lý sâu xa là “giải thoát”: trước là chấm dứt oan khiên nợ nần (Xuất thế tục gia, xuất phiền não gia) sau là tội thô, tội tế, tội tướng, tội tâm đều không phạm tức đạt đến “vô lậu” hay Niết bàn, giải thoát (Xuất tam giới gia). Như vậy, một pháp sám hối, không chỉ tiêu khiên tội nghiệp, mà còn dứt trừ sanh tử, đưa chúng sanh từ cõi giới khổ đau, phàm phu lên bờ an vui hạnh phúc.

[flickr photo=5555275939 size=medium align=center]

Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

Sám hối được hình thành trên nguyên lý như vậy. Có nhiều cách sám hối nhưng nơi đây con chỉ xin trình bày 4 cách sám hối trong đạo Phật.

Tác pháp sám hối

Hồng danh sám hối

Thủ tướng sám hối

Vô danh sám hối

3 pháp đầu thuộc về sự sám hối, còn pháp thứ tư (Vô sanh sám hối) thuộc về lý sám hối.

1/ Tác pháp sám hối:

Một khi lầm lỡ gây tạo tội lỗi phải lập đàn tràng, thỉnh các vị cao Tăng thanh tịnh đến chứng minh, chú nguyện. Nhưng điều chủ yếy là mình phải thành thật bày tỏ tất cả tội lỗi của mình một cách thành khẩn, chí tâm ăn năn và nguyện về sau không tái phạm nữa. Nhờ mình một lòng thành khẩn sám hối như vậy, cộng vào đó là nhờ sự chú nguyện chứng minh của thanh tịnh Tăng khiến tâm tư được thanh tịnh, giới thể thanh tịnh, tức là đã hết tội

2/ Thủ tướng sám hối:

Như trên con đã trình bày, phương pháp thứ nhất là kiền thỉnh thanh tịnh Tăng, chứng minh chú nguyện thì phương pháp thứ hai ở bậc cao hơn.  Vì đây là phương pháp sám hối thuộc về quán tưởng, đảnh lễ Phật với tâm thành kính năm vóc, sát đất. “Ngũ thể đầu địa” bày tỏ lòng cung kính, trước là quyết đập tan bản ngã của mình, sau nguyện học ở nơi Phật đức tính hạ mình khiêm cung. Bởi lẽ trong thâm tâm mỗi người ai ai cũng chấp vào bản ngã rồi đem tâm phân biệt chấp trước cho đây là bản ngã của Ta, kia là bản ngã của người. Cái bản ngã của người thì sau cũng được còn cái bản ngã của ta thì lại ra sức cung phụng yêu chìu, quyết lòng không cho ai có quyền động đến. Nhưng đã là người xuất gia (Nhất là trách nhiệm của người hoằng pháp lợi sanh) thì cần phải rèn luyện cho mình một đức Nhẫn, bình tĩnh sáng suốt và nuôi dưỡng cho mình một đức tính khiêm hạ (không tự cao tự tại). Mỗi chúng ta ai ai cũng biết cây lúa lúc chín nó lại cúi đầu. Điều này giúp ta học hỏi những gì ? Tạo hóa sắp bày như vậy giúp ta suy nghĩ như thế nào? Khi cây lúa chín, trĩu hạt thì oằn bông! Vì sao lúa oằn bông? Vì trĩu hạt! Tại sao mới trổ đồng thì đứng sựng (lúa đứng cái)? Vì mới trổ đồng, có gì nặng đâu để mà oằn? Lẽ đương nhiên thôi! Con người cũng vậy, vừa có chút ít kiến thức, thậm chí không có nữa, thì luôn ngẩng cao đầu, vì sao ngẩng cao đầu? Đâu hiểu biết gì để cúi, như nhân gian thường nói “thùng rỗng kêu to”! Ngược lại, người hiểu biết một phần thì khiêm tốn một phần, hiểu thông pháp giới thì thấy “Pháp giới đại đồng”, “Thể tánh vốn không”. Trong pháp giới ấy  “dọc mũi ngang mày như nhau” có gì đáng tự hào? có gì đáng cố chấp? Tóm lại, Thủ tướng sám hối là thực hành phương pháp đảnh lễ Phật với tâm thành kính, nguyện dẹp trừ tâm cống cao ngã mạn mà nuôi lớn đức tính nhẫn nhục khiêm nhường.

3/ Hồng danh sám hối:

Hồng danh nghĩa là danh thơm danh đẹp. Mình trì niệm tên danh hiệu Phật, danh hiệu Chư vị Bồ Tát, đồng thời tâm nghĩ tưởng đến oai đức vô biên của qúy Ngài thành tâm sám hối. Nhờ tâm niệm chí thành tha thiết nghĩ tưởng đến chư Phật, chư vị Bồ Tát nên ánh sáng từ quang của quý Ngài phản chiếu lại tự tâm mình những hình ảnh cao đẹp hoàn mỹ. Đồng thời, tên mỗi vị Bồ Tát luôn phản chiếu một công hạnh sáng ngời. Ví dụ như khi ta trì niệm danh hiệu “Nam mô Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát” thì công hạnh Từ bi cứu khổ của đức Quán Âm tác động vào tâm tư ta khiến những mê lầm xấu ác ích kỷ lọc lừa tan biến, thay vào đó là tâm hồn hoan hỷ an lạc thánh thiện. Bởi lẽ, nhân cách của quý Ngài là nhân cách cao thượng của bậc vĩ nhân siêu quần tột bực nên khi mình tưởng niệm đến hồng danh quý Ngài thì những hình ảnh cao đẹp từ bi trí tuệ tác động qua tâm ta khiến tâm ta liền có Phật. Tóm lại Hồng danh sám hối là mình trì niệm danh hiệu Phật một lòng cầu xin sám hối thì những tâm niệm xấu xa mê lầm trước kia liền tan biến khiến tâm tư được thanh tịnh, an lạc giải thoát.

4/ Vô sanh sám hối:

Cuối cùng con xin trình bày về vô sanh sám hối. Sao gọi là vô sanh ?

Chúng ta còn ở trong vòng sanh tử, còn có ý niệm phân biệt tội lỗi, thiện ác, còn mắc kẹt trong vòng vô minh phiền não. Đó gọi là Hữu sanh. Chỉ các bậc Thánh không còn sanh tử, dứt bặt ý niệm tội lỗi, tâm hoàn toàn thanh tịnh giải thoát. Như thế gọi là Vô sanh. Có thể nói rằng: Phương pháp sám hối này tuyệt nhiên không có đối tượng. Đây là phương pháp siêu việt nhất vượt qua tất cả khái niệm trừu tượng, đi thẳng vào tâm nên gọi là Vô Sanh. Pháp này thuộc về LÝ SÁM HỐI nên rất cao và khó, chỉ có bậc thượng căn mới có thể hành trì. Có hai cách sám:

a. Quán tâm vô sanh: Nghĩa là quan sát tự tâm mình hiện tiền không sanh. Trong Kinh có câu:

Tội từ tâm khởi đem tâm sám

Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu

Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không

Thế mới thật là chơn sám hối.

Tất cả tội lỗi đều phát xuất từ tâm. Một người bị tâm niệm tham xúi dục muốn lấy của người khác làm sở hữu của mình. Điều này xuất phát tư tánh tham. Một người bị tâm niệm sân chi phối, làm chủ gặp việc trái ý liền đùng đùng nổi giận mà quên mất mình đã và đang làm gì. Đây là xuất phát từ lửa sân “Một đốm lửa sân đốt cháy cả rừng công đức”. Còn quán pháp vô sanh là sao?

b. Quán pháp vô sanh: Nghĩa là quán thật tướng các pháp không sanh. Nói thật tướng ở đây là chỉ tướng ấy không sanh, không diệt, không hư dối, thay đổi, chuyển dời suốt xưa nay nên gọi là thật tướng. Khi nhận thấy thật tướng rồi thì các giả tướng không còn. Lúc bấy giờ những tội lỗi (giả tướng) kia không còn, không còn gá nương vào đâu mà tồn tại. Trong Kinh Quán Phổ Hiền có ghi: “Muốn sám hối phải quán thật tướng  các pháp, thì tội mới hoàn toàn tiêu diệt”.

Tóm lại,  nói “Vô sanh sám hối” nghĩa là phát hiện được lòng ngay trong tâm niệm, khi tham mình nhận được đó là tham, khi sân biết rằng ta đang sân liền trừ diệt… Đồng thời ta luôn nuôi dưỡng những ý tưởng tốt đẹp để tâm xằng bậy bất thiện không còn có dịp phát khởi. Cuối cùng, tâm niệm thiện ác đều vắng bặt mới hoàn toàn đúng nghĩa Vô Sanh Sám Hối.

Công đức sám hối:

Nếu ai hỏi rằng: Sám hối có hết tội không ? Và sám hối có năng lực gì? Xin thưa!Mỗi người chúng ta ai ai cũng vậy, xét cho cùng thì hễ cấùt chân, động niệm là đã có tội. Như trên chúng con đã trình bày, tội lỗi vốn được hình thành từ mọi phương diện chứ không phải chỉ có ở nơi tâm cố ý. Người cố ý gây lỗi điều này ta có thể khẳng định đó là do 3 con rắn độc Tham, Sân, Si xúi quẩy làm che mờ bản chất “Thiện” sẵn có của mình. Riêng người do hoàn cảnh mà tạo tác lỗi lầm thì hoàn toàn trái ngược. Họ vẫn biết làm điều đó là sai, là trái với lương tâm nhưng bắt buộc họ phải làm. Đó là do đâu ? Trường hợp này thì hơi đặc biệt, con xin đưa ví dụ để chứng minh. Gần gũi nhất là người cha, người mẹ với bổn phận nuôi con nhưng gặp lúc ngặt nghèo, túng quẩn không có đủ cái ăn, cái mặc cho con. Người cha, người mẹ, đành phải đang tâm dối gạt hoặc trộm cắp của người để có tiền chữa trị cho con qua cơn bệnh ngặt nghèo hoặc để cho con no lòng khi đói lã … Điều này cho thấy, dù không muốn nhưng cha mẹ vì lòng thương con vô bờ bến, vì hoàn cảnh bắt buộc mà gây tạo lỗi lầm.

Còn nói lầm lỗi do vô tâm gây tạo là sao ? Là vì mỗi bước đi chúng ta lắm lúc vô tình đạp chết những chúng sanh nhỏ nhiệm như con sâu, cái kiến hoặc lỡ lời xúc phạm người khác đều có tội.

Và lẽ tất nhiên là một khi tay ta chạm vào lửa thì cho dù vô tình hay cố ý đều bị phỏng. Cũng vậy, dù chúng ta không cố ý nhưng một khi gây lỗi thì ngay nơi đó ta đã gieo một hạt giống bất thiện rồi. Nói như thế không phải để chúng ta bi quan rằng mình đã trở thành một con người cực ác không thể hoàn lương. Mà chúng ta hãy vững tin vào phương pháp sám hối chính là phương thuốc công hiệu nhất, có thể giúp (chúng ta) mỗi người tiêu trừ  nghiệp chướng. Nhất là được sự an lạc tự tại ngay nơi cuộc sống. Đồng thời, người thực hành hạnh sám hối sẽ dẹp trừ được tâm ngã mạn, tự kiêu, rèn luyện được tâm đức Nhẫn. Và nhất là sẽ có được cuộc sống nhẹ nhàng thanh thản ngay tại thế gian này.

Tóm lại, sám hối là một hình thức để ta phản tỉnh, cảnh giác tâm không cho nó buông lung tạo tác trong từng ý niệm. Sám hối trong đạo Phật không có nghĩa là xưng tội, xin lỗi rồi sau lại cố ý gây tạo nghiệp ác khác. Sám hối như thế chỉ hoài công vô ích, không đúng với tinh thần đạo Phật. Cần khẳng định rằng sám hối đúng nghĩa theo tinh thần đạo Phật là mỗi hành giả phải đặt hết niềm tin tuyệt đối cộng vào đó là sự hối cải chân thành, phát nguyện dứt trừ tội lỗi cũ không tạo tác lỗi mới. Tội lỗi vốn không cố định hoặc sống mãi trong ta mà nó sẽ chuyển hóa nếu như ta quyết tâm từ bỏ nó. Nói như thế cũng đồng nghĩa với sự khoan dung tha thứ và biết quay về. Vậy mỗi chúng ta hãy mở rộng vòng tay từ bi, nhân ái tiếp đón những ai biết hối lỗi quay đầu hướng thiện cho họ còn có lối quay về mà không có cảm tưởng ngỡ ngàng lạc lối, để hoa từ bi nở rộ trong mỗi chúng ta

Người có lỗi lầm ta thứ tha

Khoan dung độ lượng tánh ôn hòa

Đã không buồn tức mà yên tĩnh

Mở rộng lòng nhân sống vị tha

(Thiền Đức)

Đồng thời mỗi chúng ta hãy là một kỷ luật viên cho chính mình để những hố sâu bùn lầy tội lỗi không còn có dịp lôi kéo ta vào vòng tham ái khổ đau

Thích nữ Hạnh Giải (Tập san Suối Nguồn - TVHQ)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage