Một buổi chiều nào đó, thời niên thiếu, tôi đã nghe tiếng chuông từ
chùa Linh Mụ vọng về theo dòng sông, qua những bờ lau lách, qua những
ruộng mía xanh rì vẳng đến ngôi trường học bên bờ sông Hương.
Ngày tôi trở về thăm lại quê hương đổ nát sau những năm dài lưu lạc
khổ đau, mỗi đêm gần sáng, trong ngôi từ đường, tôi thường thức giấc
bởi những hồi chuông từ ngôi chùa nhỏ bên kia sông vọng lại. Tôi nằm
nghe tiếng chuông dóng dả khoan thai như một lời an ủi, tỉ tê. Tiếng
chuông như ru tôi rũ sạch mọi muộn phiền.
Tôi đã xa những tiếng
chuông như thế trong nhiều năm, bỏ lại thành phố nhỏ, con sông mượt mà
và cả tuổi thơ không bao giờ có thể tìm lại. Danh lợi, chiến tranh, và
hận thù đã xô đẩy loài người đến với âm thanh của những tiếng bom đạn,
tiếng kẻng tù, tiếng rú của những nhà máy nhả khói mịt mù và thế giới
văn minh với những dòng xe rộn ràng, vội vã.
Ngày xưa chúng ta
đã từng nghe tiếng chuông trong Đường thi của Vương Duy, Mạnh Hạo
Nhiên, Thường Kiến. Chúng ta ai mà không biết đến cái nửa đêm trăng tàn,
sương xuống, quạ kêu và tiếng chuông chùa Hàn San vọng lại giữa đêm
của Trương Kế. Và gần đây Quách Tấn với: “Những đêm buồn tỉnh giấc, chùa cũ tiếng chuông ngân.”
Tiếng chuông luôn luôn là của phần hồn, của siêu thoát, của an nhiên
tự tại khác hẳn với những gì trần tục, đời thường. Vậy mà tiếng chuông
chùa đã không còn nghe nữa!
Câu chuyện sau đây đã giải thích vì
sao tiếng chuông chùa đã ngưng tiếng. Đó là câu chuyện của Thiền sư Ấn
Độ Ram Gopal Muzumdar:
“Xưa có một người quyết tâm học
đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc,
quyết chí tu hành. Một này kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa,
dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, chớ hề xao lãng cũng, giữ lối
sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh.
Người đệ tử này chỉ có một
chiếc khố che thân, đêm tới khi ngủ, máng trên vách, thường bị chuột
ra cắn rách, phải xin vải thừa bá tánh thay đổi nhiều lần.
Thấy
vậy, thương người tu hành, người làng đến biếu thầy một con mèo dùng để
đuổi bầy chuột. Từ khi có mèo, chuột hết cắn phá khố của thầy nhưng
lại phải lo thức ăn thêm cho mèo. Một phú nông trong làng có lòng biếu
thầy một con bò để thầy vắt sữa nuôi mèo. Có bò rồi, thầy lại phải lo
đi cắt cỏ nuôi bò. Dân làng lại có lòng tốt biếu thầy một đám ruộng màu
mỡ để thầy canh tác.
Chẳng mấy lúc, được mùa, lại bò mèo đều
sinh sản thêm, thầy phải nhờ đến dân làng phụ lực cày cấy. Không bao
lâu, chốn thanh tịnh xưa kia trở thành một nông trại rộng lớn giàu có.
Thầy lúc ấy tiền bạc không thiếu, mới có ý định phá bỏ chùa nghèo cũ,
xây chùa mới, bá tính mới nghe đã dốc lòng, ùn ùn góp công góp của cúng
dường để lấy phước. Chẳng mấy chốc thầy đã xây dựng một ngôi chùa mới
nguy nga tráng lệ, tượng lớn, cửa cao, trong ngoài đều sơn son thếp
vàng như chốn cung đình của Vua Chúa. Quá giàu, thêm đa đoan công việc,
tính toán kinh doanh làm sao được nhiều tiền hơn, đêm đêm thầy bù đầu
với những con số thu chi, không còn dốc tâm cũng như có thời gian để tu
học. Ngày nay thầy đã trở thành triệu phú, đại tư bản, chỉ có bộ áo cà
sa bên ngoài cho biết thầy là một tu sĩ.
Một ngày kia sư phụ
trở về, mới đến rẻo đất cũ đã thất kinh rụng rời, hồn phi lạc phách,
không thấy túp lều cỏ đơn sơ ngày xưa mình ra đi, mà trước mặt là một
ngôi đền tráng lệ, khách thập phương lui tới chiêm bái, ngựa xe dầy đặc,
ồn ào không kém gì chốn phồn hoa trần tục. Thấy sư phụ chống gậy, tay
nải trở về, thầy hân hoan ra đón, cặn kẽ trình bày lại những chuyện đổi
thay tuần tự theo thời gian, hy vọng được sư phụ nhiệt liệt khen ngợi,
xiễn dương công đức của thầy.
Sư phụ nín lặng hồi lâu, cuối cùng thở dài mà nói rằng:
- Từ một cái khố rách chuột cắn, con đã lầm đường đi một bước quá xa
đến cái lâu đài này, ngược với những điều gì ta đã dạy con tu học nhằm
để giải thoát và giúp người giải thoát. Chùa lớn nguy nga thì phải lo
tu bổ coi sóc, tín đồ đông thì ồn ào, hỗn tạp, được phước thì thời giờ
đâu nữa mà tu học.
Nhân vật trong chuyện chính là thiền sư, người kể chuyện:
"Người
tu sĩ đó là tôi, tôi đã từ bỏ hết để theo thầy lên non học đạo, và nay
tôi áp dụng nó (đoạn tuyệt tài sản) để chữa mọi bệnh nan y trong tu
viện này…"
Bây giờ người ta không còn xây chùa trên núi,
xây chùa trên núi thì thanh tịnh, dễ tu tập, nhưng không nhiều thiện
nam tín nữ và khách vãng lai. Ông Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mỉa mai: “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, nhưng bây giờ đi tìm nơi vắng vẻ quả là dại, thà cứ theo chân “người khôn người tới chốn lao xao”.
Khi chùa nằm giữ phố thị, chợ búa rộn ràng thì tiếng chuông sẽ bị
ngăn giữ giữa phồn hoa tục lụy, có khi chùa lại không được đánh chuông.
Khi thầy bận rộn đa đoan với năm bảy ngôi chùa, với sổ sách chi thu,
với suy tính, nợ nần vừa ân nghĩa, thương ghét thường tình thì khó nói
chuyện tu học.
Ngày xưa khi đức Phật tìm ra chánh pháp, nếu
muốn, vua Tịnh Phạn sẽ cung cấp cho Người xa mã, tiền hô, hậu ủng, và
xây dựng hằng chục ngôi chùa nguy nga tráng lệ, sơn son thiếp vàng cho
Người hành đạo, đâu có phải lê đôi dép mòn qua hàng nghìn dặm đường gai
góc, nắng cháy hay sương tuyết.
Tôi là người của thế kỷ trước
đi lạc tới đây. Vì sao cứ nghĩ chùa phải là chùa Long Giáng của Hồn
Bướm Mơ Tiên, chùa phải là chùa làng của Vang Bóng Một Thời, hay mơ
màng đến cảnh chùa Hàn San, trong lời thơ không thấy rõ cảnh chùa, chỉ
nghe tiếng chuông chùa vọng lại.
Chúng ta đánh mất nhiều thứ, trong đó có cả một tiếng chuông chùa.
Xin cho tôi tìm lại một chút tuổi thơ và cả tiếng chuông chùa ngày ấy.
Tôi đã đi trên những đoạn cuối của con đường đời, vẫn muốn có những
giây phút tần ngần đứng lại, nhìn về quá khứ tưởng như đã mờ nhạt,
nhưng làm sao có được một vài giây phút như Hồ Dzếnh để:
Chân đi đếm tiếng chuông chùa,
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa lại về…
Trích từ "Hạnh Phúc Xót Xa" của Huy Phương, xuất bản tại California, USA tháng 10-2010