Phật Học Online

Phật Giáo tại Anh quốc

Anh quốc (England), một quốc gia dân chủ lập hiến nằm ở phía Tây-Bắc Châu Âu. Diện tích 244.046 km2, dân số 59 triệu người (thống kê năm 1994). Cuộc cách mạng kỹ thuật vào giữa thế kỷ 17 đã đưa Anh quốc trở thành nước tư bản phát triển sớm nhất ở châu Âu. Trước cuộc Ðại chiến lần thứ hai, Anh là một đế quốc có nhiều thuộc địa ở các châu lục. Lãnh thổ khối đế quốc Anh rộng 34,6 triệu km2, dân số 700 triệu người. Sau Thế chiến thứ hai (1939-1945), trước phong trào giải phóng dân tộc, đế quốc Anh đã nhanh chóng tan rã. Hiện nay chỉ còn một số ít thuộc địa và lãnh thổ phụ thuộc, phần lớn là các đảo. Tên gọi đầy đủ là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen (Ái Nhĩ Lan).

Phật giáo phát xuất từ miền Ðông-Bắc Ấn Ðộ vào TK thứ 6 trước Tây lịch. Sau đó được truyền bá đến vùng Tây Bắc Ấn, nơi có sự giao lưu với châu Âu. Vào TK thứ 3 trước TL, Hoàng đế Asoka, một ông vua Phật tử vĩ đại nhất thế giới, đã gởi nhiều đoàn truyền giáo đến vùng Tây Bắc và các lãnh thổ tự trị như Xiri, Ai Cập, Macedonia, Cyrene và Epirus. Tuy nhiên, chưa có một bằng chứng thỏa đáng nào về việc những mật sứ truyền giáo để lại nơi họ đã lưu trú. Nhưng Con đường Tơ lụa băng qua Bactria đến châu Âu, những câu chuyện về sau được tìm thấy trong sách của Aesop và La Fontaine, đã khẳng địng được mối giao lưu giữa Ðông và Tây trong những ngày đầu.

Phật giáo được truyền đến Anh quốc vào những năm 70 của TK 19 qua một số học giả châu Âu. Một trong những học giả đầu tiên đó là ông A. Csoma De Koros (1784-1842) người Hungari, đã dành nhiều năm nghiên cứu ngôn ngữ và tôn giáo ở miền Bắc Ấn Ðộ, rồi đem những hiểu biết của mình cống hiến cho người châu Âu. Trong thời gian này, một người Anh khác, ông Brian Hodgson, nhân viên thuộc địa Anh tại Nepal, trong 20 năm, ông đã thực hiện được một bộ sưu tập lớn về kinh Phật bằng chữ Sankrit chép tay trên lá bối và ông đã tặng nó cho nhiều thư viện lớn trên thế giới. Bài viết của ông về Phật Giáo ở Nepal được xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Royal Asiatic Society vào năm 1830. Trong số những người cùng làm việc với Hodgson lúc ấy có Eugene Burnnouf, người Pháp, cũng viết một cuốn sách giáo khoa giới thiệu về Phật Giáo taị Ấn Ðộ. Năm 1850, bài viết của Spence Hardy : "Ðời sống tu viện của người phương Ðông" (Eastern Monasticism), một bài tường thuật chi tiết về đời sống của Tăng sĩ Phật Giáo ở châu Á, và đến năm 1858, cuốn "Sách chỉ nam của Phật Giáo" (Manual of Buddhism), được ấn hành, một bản dịch từ tiếng Pàli.

Năm 1855, tại Ðan Mạch bản dịch Dhammapada (kinh Pháp Cú) của Fausboll được xuất bản (xb). Ðây là một tác phẩm Pàli hoàn hảo đầu tiên được in tại phương Tây. Năm 1871, Samuel Beal, in quyển "Kinh Phật", dịch từ tiếng Trung Hoa, và năm 1878, W. Rockhill cho in quyển "Cuộc đời của đức Phật", bản tiếng Anh đầu tiên về đức Phật, tư liệu lấy từ Tây Tạng. Cũng trong năm 1878, giáo sư Phys David xb cuốn sách "Cuộc đời và lời dạy của đức Phật" (The Life and Teachings of Gautama Buddha). Trong giai đoạn này, một tác phẩm nổi tiếng và phổ biến nhất là quyển "Ánh sáng Á châu" (The Light of Asia) của Edwin Arnold (1832-1904), một thi phẩm viết về đức Phật Thích Ca được ông dựa vào quyển Lalitavistara (có từ TK thứ 5) để biên soạn. Ðây là một tác phẩm trứ danh ở phương Tây và đến nay nó được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, (bản Việt dịch "Ánh sáng Á châu" do Ðoàn Trung Còn dịch, Phật học Tùng Thư xb năm 1964). Ông E. Arnold sing ngày 10/6/1832 tại Grevesend. Sau khi tốt nghiệp Ðại học Oxford, ông được cử đến làm việc trong Bộ Giáo Dục cho chính quyền thuộc địa Anh tại Ấn Ðộ. Trong thời gian năm năm làm việc tại đây, ông đã để tâm nghiên cứu kinh sách Phật Giáo và đã viết nhiều sách về Phật Giáo theo cái nhìn của ông. Có thể nói ông là một trong những người có công lớn trong việc truyền bá tư tưởng Phật Giáo đầu tiên tại Anh quốc. Ngoài "Anh sáng Á châu", những tác phẩm chính của ông là "Ánh sáng Á châu", những tác phẩm chính của ông là :Ánh sáng của thế giới" (xb năm 1891), "Biển và đất liền" in năm 1891...

Năm 1875, R. C. Childers in quyển "Từ điển Pàli". Ðây là tác phẩm do một người trẻ tuổi biên soạn, đã gây cảm hứng cho Giáo sư Tiến sĩ T. W. Rhys Davids (1843-1922) thành lập Hội Pàli Text tại Luân Ðôn vào năm 1881. Giống như nhiều học giả Phật Giáo châu Âu khác, R. Davids bắt đầu sự nghiệp của mình là một viên chức của Hoàng gia Anh làm việc cho cách chính quyền thuộc địa ở trong vùng Nam Á. Trải qua một thời gian nghiên cứu và học hỏi giáo lý đạo Phật ở Tích Lan, Davids đã quyết định chấm dứt con đường danh vọng của mình mà đi vào con đường học thuật và nghiên cứu. Ông đã đậu bốn bằng tiến sĩ và cống hiến trọn đời mình cho công trình nghiên cúu và phiên dịch kinh tạng Pàli. Ðến năm 1881, ông cùng với vợ là bà Caroline thành lập Hội Pàli Text. Ðây là một tổ chức đầu tiên có liên hệ đến Phật Giáo tại Anh với sự tham gia của nhiều học giả nổi tiếng châu Âu và Tích Lan, để nghiên cứu, phiên dịch và ấn hành kinh điển của Phật Giáo từ Pali ra tiếng Anh. Tính đến nay (1997), hội này đã phiên dịch và ấn hành được 45 bộ kinh Phật, trong đó quan trọng nhất là toàn bộ Tam tạng Nguyên thủy (Pàli Tipitaka). Hiện nay, tổ chức này vẫn hoạt động mạnh do Tiến sĩ R. F. Gombrich làm Chủ tịch. Ngoài việc tham gia phiên dịch kinh điển, ông Davids còn biên soạn những sách có giá trị như "Từ điển Pàli-Anh", gồm 800 trang, in lần thứ nhất năm 1921 và được tái bản vào các năm 1925, 1992 và 1995; "Những câu hỏi của vua Milinda" (xb 1890) ; "Phật giáo, lịch sử và văn học" (xb 1896) ; "Những pháp thoại của đức Phật" (xb 1899) ; "Phật giáo Ấn Ðộ" (xb 1903)...

Ðến năm 1900, Phật Giáo tại Anh bắt đầu có dấu hiệu chuyển mình. Hai tổ chức Phật Giáo không chính thức ra đời, đó là hai Hội Thông Thiên học ở Luân Ðôn và chi nhánh của bà Blavatsky ở Hoa Kỳ. Hai hội này không những giảng dạy giáo lý mà còn thỉnh nhiều pháp sư đến Anh cũng như cung cấp nhiều sách báo Phật Giáo cho Phật tử Anh đọc. Nếu đây là phong trào gieo hạt giống Bồ đề thì chính nó đã giúp phá vỡ vùng đất cứng cỏi của Nữ hoàng Victoria. Bằng cách mở tung lãnh vực tôn giáo để phân tích hợp lý về vấn đề đạo đức trong khoa học đối với nhân sinh. Phong trào hoài nghi đã nảy sinh và chính nó đã dọn đường cho Phật giáo trên đất Anh.

Bánh xe pháp bắt đầu chuyển vận, ông Allan Bennet (1872-1923), năm 1890 nhân đọc được quyển "Ánh sáng Á châu", ông lập tức quy y theo Phật Giáo. Năm 1898, ông đến Tích Lan để học Phật, đến năm 1902 ông qua Miến Ðiện xuất gia tu học với pháp danh là Ananda Metteyya. Ông đã thành lập Hội Phật Giáo Quốc tế tại Rangoon và cho xb tờ "Buddhism", một tờ báo Phật Giáo tiếng Anh trội hơn các tờ báo lúc bấy giờ. Một trong những người đầu tiên đọc được tờ báo đó ở Anh quốc là J. F. M. Kechnie, một người Tô-Cách-Lan, đã phát tâm xuất gia tu học. Trong lúc đó, năm 1905, R. I. Jackson, cũng đã giác ngộ nhờ đọc "Ánh sáng Á châu", ông cùng mộy người bạn mở một nhà bán sách Phật Giáo ở gần công viên Regent, Luân Ðôn để phổ biến giáo lý, hai ông cũng tổ chức những buổi thuyết giảng ngay tại nhà sách của mình.

Trong thời gian này, "Hội Phật Giáo Anh và Ailen" (Buddhist Society of Great Britain and Ireland) đã ra đời, do GS Rhys Davids sáng lập và làm Chủ tịch. Buổi họp mặt đầu tiên của Hội này tại Luân Ðôn là ngày 03/10/1907. Một bản hiến chương của Hội được soạn thảo và thông qua, mô hình tổ chức giống như Hội Phật Giáo Quốc tế ở Miến Ðiện. Hội đã cho xuất bản tạp chí "Buddhis t Review" để phổ biến giáo lý, tờ báo được sự cộng tác của nhiều cây bút nổi tiếng ở nước ngoài như Tiến sĩ D. T. Suzuki, bà David Neel, ngài A. Dharmapala...

Vào ngày 23/4/1908, một phái đoàn Phật Giáo đầu tiên viếng thăm Anh quốc từ Miến Ðiện do ÐÐ Ananda Metteyya làm trưởn đoàn cùng với các đệ tử người Miến của Ngài. Ðây là chuyến viếng thăm quê nhà đầu tiên của Ngài sau 10 năm xuất gia tu học ở nước ngoài. Vì Tỳ kheo 36 tuổi này với dáng vẻ tao nhã, rực rỡ trong chiếc y màu vàng cam đã tạo cho Ngài một hình ảnh hấp dẫn lạ thường trên đường phố Luân Ðôn. Sau sáu tháng hoằng pháp tại quê hương, Ngài đã trở lại Miến Ðiện cùng với người bạn thân là Tiến sĩ Ernest Rost. Sau Thế chiến thứ I, Ngài trở về Anh một lần nữa để khôi phục lại những sinh hoạt Phật sự đã bị đứt đoạn trong thời chiến. Năm 1923, NXB Kegan Paul đã in quyển "Trí tuệ của Aryas", một tuyển tập những bài giảng của Ngài ở Anh quốc, đến tháng 3 năm 1923 Ngài viên tịch tại Luân Ðôn.

Vào tháng 10 năm 1924, "Hội Phật giáo Luân Ðôn" (London Buddhist League) ra mắt tại Luân Ðôn do ông Christmas Humphreys khai sáng và làm Hội trưởng. Tổ chức này đã cho xuất bản tờ báo "Buddhism in England" (Phật Giáo tại Anh), đến năm 1934 tờ báo này được đặt tên là "The Middle Way" (Trung Ðạo), đến nay (1997) báo vẫn còn phát hành. Hội đã xây dựng một thiền đường ơ Lancaster Gate cho Phật tử Anh đến tu học.

Ðến tháng 9 năm 1925, Ðại đức Dharmapala (Tích Lan), một Tăng sĩ Theravada nổi tiếng của Phật Giáo thời bấy giờ, đã viếng thăm "Hội Ðại Bồ đề Luân Ðôn", một chi nhánh thuộc tổ chức của Ngài ở Ấn Ðộ. Chi nhánh này cũng đã có công lớn trong việc hoằng pháp tại Anh. Họ đã mở nhiều lớp giáo lý, ấn tống kinh sách và phát hành tờ báo mang tên "British Buddhist" (Phật Giáo Anh), về sau đổi thành tờ "The Wheel" (Pháp Luân), đến nay vẫn phát hành.

Năm 1926, Hội Phật Giáo Anh đã ấn hành quyển sách giáo khoa "Ðạo Phật là gì?" (What is Buddhism?), một tác phẩm đã được tái bản nhiều lần. Năm 1928, ba Tăng sĩ Tích Lan đến thăm hoằng pháp tại Hội Ðại Bồ đề Luân Ðôn, trưởng đoàn là Ty kheo P. Vajiranãna, sau đó Ngài đã theo học chương trình tiến sĩ triết học tại Ðại học Cambridge.

Cho đến lúc ấy, Phật Giáo Theravada tại Anh đã ổn định và chứng minh được sự có mặt của mình. Người Anh lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Mahayana qua những tác phẩm thiền của tiến sĩ D. T. Suzuki (người Nhật), thiền sư Tai Hsu (người Hoa). Những tác phẩm của Suzuki đã nhanh chóng gây cảm giác lạ lùng và chinh phục ngay người Anh, lập tức nhiều người đã hướng theo pháp tu này. Rõ ràng, những tác phẩm thiền của Suzuki đã tạo ra sự ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng Anh và chính nó đã mở đường cho các trường phái Mahayana Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên tiến vào Anh quốc.

Trong thập niên ba mươi, Phật Giáo Anh tiếp tục phát triển, các nhà lãnh đạo Phật Giáo Anh như Francis Payne, B. L. Broughton và H. N. Hardy đã sang Thụy Sĩ để khai mở Phật Giáo cho xứ sở này. Tháng 9 năm 1934, Ðại hội Phật giáo châu Âu lần thứ nhất được tổ chức tại trụ sở của Hội Phật Giáo Anh trong hai ngày.

Tiếp đó, chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945) xảy ra, bom nổ ở Luân Ðôn, các hội đoàn Phật Giáo ở Anh phải đóng cửa. Nhiều thành viên bị giết, một số khác tỵ nạn ở nước ngoài. Với sự đau khổ của chiến tranh, mọi người đã tìm về với Phật Giáo qua giáo lý duyên sinh, vô ngã và nhân quả để tìm sự yên ổn cho tâm hồn. Ðại lễ Phật Ðản vào năm 1940 là một buổi lễ Phật Giáo lớn nhất chưa từng có ở quốc gia này.

Năm 1945, Hội Phật Giáo Anh Quốc đã chuẩn bị những chương trình hoạt động cho thời hậu chiến. Ðó là việc dời trụ sở của Hội đến số 101 đường Great Russel gần Viện Bảo tàng Anh. Thư viện được sửa sang lại và nhận được nhiều sách mới, thành viên của Hội được gia tăng. Lúc bấy giờ, vị trí của Hội ở Anh quốc đã được khẳng định. Hội tiếp tục giữ vững lập trường không tham gia vào hoạt động chính trị và quyết tâm loại bỏ chủ nghĩa tông phái, Hội không lệ thuộc vào một tông phái Phật Giáo nào mà mở rộng cho tất cả những ai muốn học hỏi và tu theo Phật Giáo. Và như là một tổ chức lâu đời nhất và lớn nhất ở châu Âu, Hội đã trở thành một nơi gặp gỡ và có công truyền bá Phật Giáo khắp Anh quốc và Bắc Aí nhỉ lan. Tuy nhiên, chiến tranh đã cắt đứt mọi liên lạc và đến năm 1946 mới khôi phục trở lại. Mở đầu năm 1946, Hội đã ấn hành một loạt kinh sách, đáng chú ý nhất là "Kinh Kim Cang" (The Diamond Sutra) bản dịch tiếng Anh của Arnold Price; "Cốt tủy của đạo Phật" (Essence of Buddhism) của tiến sĩ D. T. Suzuki.

Năm 1950, nhà xuất bản Penguin Book lần đầu tiên đã ấn hành 40.000 quyển "Ðạo Phật" (Buddhism) của A. S. M. Glover, một thành viên của Hội. Sự thành công của tác phẩm đã làm ngạc nhiên nhà xuất bản cũa Hội. 350.000 bản được bán ra ngay sau khi phát hành là một thước đo cho sự phát triển Phật Giáo tại Anh quốc. Trong thời gian này, có nhiều hội Phật Giáo mới thành lập ở Cambrigde, Brighton và Edinburgh. Năm 1952, một trường Hạ được tổ chức tại Oxford do TT người Anh Kapilavaddho thuộc Hội Phật Giáo Manchester tổ chức, khóa Hạ đã quy tựu khoảng 150 Tăng Ni và cư sĩ ở khắp Anh quốc về tu học. Năm 1956, Hội Phật Giáo Anh dời trụ sở về số 58 đường Eccleston Square, gần nhà ga Victoria. Ðây là một dinh thự lớn gồm một chánh điện, một giảng đường, một phòng dạy giáo lý và một số văn phòng làm việc... Ðến nay (1997), trụ sở trung ương này vẫn còn duy trì tại nơi đây.

Năm 1956,Hội Phật Giáo Anh được nhiều phái đoàn Phật Giáo thế giới viếng thăm, đặc biệt có đại sư Suzuki, đó là lần viếng thăm Anh quốc cuối cùng của Ngài. Cũng trong năm này, Hội đã đi dự Ðại hội lần thứ 7 của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế giới tổ chức ở Nepal, nhân dịp này Hội đã ghé thăm Phật Giáo Ấn Ðộ. Năm 1967, Hội Thiện Hữu Tăng Già Tây phương ra đờim do ÐÐ Sangharakshita Sthavira, một Tăng sĩ người xuất gia tu học tại Ấn về nước thành lập Hội này. Mục tiêu của hội là xây dựng một trung tâm để dẫn đến Phật tử Anh muốn xuất gia tu học.

Trong ba thập niên 70, 80 và 90 là thời kỳ phát triển mạnh nhất của Phật Giáo tại Anh quốc. Sự phát triển này đã được Hội Phật Giáo Anh thống kê trong một quyển sách hướng dẫn du lịch vào năm 1994, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội (1924-1994). Sách in đẹp, giới thiệu ngắn gọn về từng hội đoàn, tu viện, trung tâm Phật Giáo ở Anh quốc và Bắc Ái nhỉ lan. Theo cuốn sách này, người ta thấy có hơn 200 hội đoàn và tu viện Phật Giáo ở tại xứ sở này, gồm 140 tu viện thuộc Phật Giáo Mahayana, 40 tu viện thuộc Theravada và 100 trung tâm tu học theo truyền thống Kim Cương thừa của Tây Tạng. Về mặt in ấn và phát hành kinh sách thì có 7 nhà in Phật Giáo, 22 nhà phát hành và 6 thư viện Phật Giáo trên toàn quốc. Riêng về Phật Giáo Việt Nam tại Anh thì có hai chùa (theo tư liệu hiện có của người viết), đó là Tu viện Linh Sơn Anh quốc do Hòa thượng Thích Huyền Vi khai sáng và Trung tâm tu học A Di Ðà ở Newcastle do Hòa thượng Thích Nhất Hạnh thành lập.

Thỉnh thoảng có một số tờ báo muốn biết số lượng tín đồ Phật tử Phật Giáo tại Anh và câu trả lời bao giờ cũng giống nhau, rằng không thể nào biết được con số chính xác là bao nhiêu. Phật Giáo ở Tây phương vẫn được xem là một phần của đời sống riêng tư hơn là một vấn đề chung cho sinh hoạt tập thể. Chính vì thế mà sự phát triển Phật Giáo tại Anh không mang tính đồng bộ. Vấn đề được đặt ra hiện nay là làm thế nào để phát triển và thống nhất được Phật Giáo trong tương lai ? Nhiều người cho rằng điều đó một phần sẽ tùy thuộc phương cách hoằng pháp của các nhà lãnh đạo trong thế hệ mới, một phần là tùy thuộc vào sự thức tỉnh của người phương Tây đối với chân lý và giá trị mà đạo Phật đã đem lại cho họ. Thật là mỉa mai khi nói rằng tư tưởng của người phương Tây đang bị bế tắc khi họ đạt đến đỉnh cao của khoa học. Nhưng đó là sự thật, và tất cả các khuynh hướng tư tưởng đang thay đổi rất nhanh. Có ba yếu tố khiến cho người phương Tây hướng về đạo Phật mà các nhà nghiên cứu đã ghi nhận. Thứ nhất, theo người phương Tây, Phật Giáo được xem là một trường phái quy nạp. Tuy có nhiều tông phái khác nhau nhưng vẫn có một điểm chung nhất, đó là mục tiêu giải thoát và giác ngộ. Mục tiêu ấy không phải là siêu hình, mà mọi người tu học Phật đều có thể cảm nhận và đạt được nếu họ chịu đi vào con đường thực nghiệm. Thứ hai, lời Phật dạy khiến cho con người có một tâm hồn bao dung và nhân hậu nhất được tìm thấy trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Chưa bao giờ trong lịch sử của Phật Giáo, người ta thấy có ai đó bị đàn áp hoặc bức tử vì những giáo điều hay đức tin của họ ; và ở Phật Giáo cũng vắng mặt bất cứ một sức mạnh, quyền vi nào vì sự tồn tại của nó. Mỗi người và mọi người đều được khuyến khích đi tìm chân lý bên trong họ. Phật Giáo vốn không phải là một đạo cứu rỗi và ngay cả Phật cũng từng khẳng định "Ta chỉ là người dẫn đường". Tâm hồn bao dung như vậy rất xa lạ với những suy nghĩ theo kiểu phương Tây và chính điều ấy đã gây một ấn tượng lớn cho tất cả những ai được tiếp xúc với đạo Phật. Thứ ba, đạo Phật đặt nặng vấn đề giải thoát tự thân, nó có khả năng thu hút tất cả những ai hơn một lần tìm về với nó. Ðạo Phật cũng rộng mở cho những ai phạm phải sai lầm mà biết quay đầu sám hối. Như vậy, đạo Phật có thể chưa là một phần trong tư tưởng phương Tây hiện tại, nhưng chắc chắn đạo Phật sẽ đóng góp một vai trò quan trọng trong tư tưởng phương Tây ở tương lai.

Thích Nguyên Tạng,
Chùa Quảng Ðức Melbourne, Australia


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage