Các đầu bếp nhà chùa quả thật đã rất tinh tế và khéo
léo khi sáng tạo ra món ruốc nấm. Nếu không có chú thích kèm theo thì
nhiều người rất dễ nhầm đó là món ruốc thịt.
Ruốc ở đây được làm từ phần chân nấm. Tuy nhiên, phần chân
nấm cũng phải được sơ chế rất cầu kỳ mới có thể thành ruốc.
Đầu tiên, phải ngâm nấm đông cô vào nước ấm cho chân nấm mềm ra,
loại bỏ những phần quá già và vắt kiệt nước.
Tiếp đó, dùng tay xé sợi nấm, rồi giã dập để khi rang, ruốc mới bong
tơi ra. Khác với ruốc thịt, khi rang ruốc nấm phải cho thêm ít dầu ăn để
tạo độ bóng cũng như tăng thêm hương vị của nấm. Nêm thêm mắm, muối, mì
chính cho vừa miệng.
Nếu là nấm chay đúng kiểu nhà Phật thì không sử dụng nước mắm mà là
muối tinh. Nhưng các chị nội trợ trong gia đình thường gia giảm thêm
nước mắm để món ruốc nấm hấp dẫn hơn. Và cũng có người thêm ruốc thịt
trộn lẫn vào để tăng thêm chất dinh dưỡng hoặc thêm vừng lột vỏ rang
thơm để ruốc có vị bùi bùi. Có khi lười giã nấm nên người ta cho vào máy
sinh tố, xay nhuyễn rồi đem rang khô, thêm mắm, muối và lá chanh thái
nhỏ.
Không chỉ ngon, món ruốc nấm này rất bổ dưỡng. Nấm đông cô hay còn
gọi là nấm hương, được trồng trên các thân cây khá lớn, có đường kính
khoảng 25 cm.
Nấm đông cô có tác dụng điều tiết chuyển hóa, tăng cường năng lực
miễn dịch của cơ thể, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm
cholesterol máu, đồng thời phòng ngừa sỏi mật và sỏi tiết niệu, trợ giúp
tiêu hóa...
Trong 100g nấm đông cô khô có 12-14 g protein, vượt xa so với nhiều
loại rau khác. Do vậy nấm đông cô được mệnh danh là “hoàng hậu thực
vật”, là “vua của các loại rau” (can thái chi vương).
Có thể nói, dù đây chỉ là món ăn hết sức đơn giản nhưng hoàn toàn hữu
ích đối với những người bị thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, tiểu
đường, rối loạn lipid máu, trẻ em suy dinh dưỡng. Nấm đông cô xào với
thịt bò ăn cũng rất bổ dưỡng .
Theo: Thanh Niên