Hàng năm, cứ vào tháng Bảy Âm lịch, không chỉ giới
Phật tử mà nhiều người đều dành độ một tuần, thậm chí suốt tháng để ăn
chay, vừa để tịnh tâm thanh đạm, vừa để nguyện cầu phúc lành cho bậc phụ
mẫu nhân mùa báo hiếu Vu Lan.
Đến
Việt Nam vào dịp này, các du khách phương Tây cũng háo hức với các
món ăn chay được phục vụ đa dạng ở khắp các nhà hàng, tiệm ăn lớn nhỏ.
Món
chay - một nét văn hóa Việt
Không như
giới Phật tử hay nhiều người ăn chay để cầu nguyện, đa số người nước
ngoài dùng món chay trước hết vì tò mò và muốn khám phá thêm một nét văn
hóa ẩm thực Việt. Chị Michelle mà chúng tôi tình cờ gặp tại Nhà hàng
Hoa Đăng (quận 1) cho biết: “Ăn chay vì thấy lạ, chỉ với chừng đó nguyên
liệu mà người ta làm ra đủ thứ món ăn rất bắt mắt và giống như các món
ăn mặn bình thường”.
Quả thật,
chỉ với bột đậu xanh, đậu nành, củ sen, rau cải… mà người đầu bếp lại có
thể chế biến, sáng tạo thành nào là món chả giò giòn rụm, các món gỏi
tươi ngon, thậm chí cả cà ri gà hay ragu bò nóng sốt. Dĩ nhiên tên gọi
chỉ để tăng thêm độ hấp dẫn của món ăn còn thực chất miếng đùi gà hay
heo quay trông có vẻ ngon lành đều là đậu hũ ky, mì căn khéo léo nặn
thành.
Không chỉ
có vẻ ngoài giống hệt các món mặn, món chay thời nay còn được chăm chút
khẩu vị sao cho thật ngon lành, khoái khẩu. Chẳng hạn như món cà ri gà
sền sệt có vị thật đậm đà, béo ngậy do được pha chế với sữa đậu nành và
nước cốt dừa, còn chả giò nóng giòn được dồn bên trong bằng đậu xanh và
củ sắn nên vừa ngọt vừa mát, ăn không gây ngán.
Để đáp ứng
được khẩu vị đa dạng của các thực khách phương Tây, Nhà hàng Á Đông
(quận 5) còn có cả các món chay kiểu Tây rất lạ miệng và độc đáo. Buffet
tiệc chay tại đây có món khai vị là xúp đậu hũ kim châm không khác gì
xúp cua bong bóng cá, thêm salad hạt sen hệt như món salad kiểu Nga ở
các nhà hàng buffet thông thường.
Mới nhìn
qua, nhiều khách nước ngoài đã ngỡ ngàng, tỏ ra khâm phục sự sáng tạo
của người đầu bếp bởi những thức ăn phương Tây đã được “chay hóa” bằng
các nguyên liệu dân dã như: hạt sen, đậu hũ… Thế mới thấy nét văn hóa
truyền thống của ẩm thực Việt Nam đã được ứng dụng triệt để vào các
món ăn chay, như một cách để giới thiệu hình ảnh đất nước và con người
đến với bạn bè quốc tế.
Ăn
chay cũng là một cách ăn kiêng
Cái nôi của
Phật giáo có nguồn gốc từ phương Đông, nhưng vào những năm cuối thế kỷ
trước, tư tưởng từ bi hỷ xả của đạo giáo này đã du nhập và phát triển ở
châu Âu. Các diễn viên điện ảnh nổi tiếng như Richard Gere (Mỹ), Sophie
Marceau (Pháp) hay các cầu thủ bóng đá tên tuổi như Roberto Baggio
(Italia) đều là những Phật tử mộ đạo. Xa xưa hơn, sử sách cũng đã ghi
lại những bậc vĩ nhân trên thế giới cũng từng ăn chay, ngoài chúa Jesus
còn có nhà toán học Hy Lạp Pythagore, họa sĩ Ý Leonardo da Vinci, nhà
viết kịch Shakespeare hay khoa học gia Einstein…
Tuy nhiên,
cách ăn chay của người phương Tây có phần khác với người Á Đông vì họ
dùng rau quả là chủ yếu. Thế nên việc ăn chay ở châu Âu và Bắc Mỹ hiện
nay đang được cổ động như một hình thức ăn kiêng để tăng cường sức khỏe,
đề phòng bệnh tật.
Người Mỹ có
thói quen ăn nhiều thịt mỡ và khoai tây, ít quan tâm đúng mức đến rau
xanh nên số người béo phì gia tăng nhanh, người có hàm lượng cholesterol
cao trong máu cũng rất đáng kể. Vì vậy, các bác sĩ luôn khuyên họ ăn
uống theo một chế độ kiêng khem hợp lý mà các món ăn từ rau quả luôn là
lựa chọn số một. Có lẽ vì vậy mà từ vegatarian (nghĩa là người ăn chay)
có nguồn gốc từ vegetable (rau quả).
Thomas, một
thầy giáo dạy tiếng Anh ở TP.HCM, người đã ăn chay trường hơn mười năm
nay cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng ăn chay đạm bạc không cung cấp đủ
chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng không phải vậy. Vitamin và protein
trong rau quả, đậu nành còn dễ hấp thụ hơn cả thịt, cá. Quan trọng là
chúng ta phải biết ăn uống điều độ, dùng nhiều loại rau củ có màu xanh
đậm, các loại đậu và trái cây”.
Anh còn kể
rằng bên Mỹ có hẳn một tạp chí Vegetarian Times dành riêng cho những
người ăn chay với nhiều công thức nấu món chay bổ dưỡng, đa dạng để phục
vụ cho cộng đồng những người theo đạo hoặc đơn giản chỉ là muốn ăn
kiêng để giữ gìn sức khỏe.
Có lẽ vì
nhu cầu ăn chay ngày càng phong phú và du khách nước ngoài cũng thích
trải nghiệm các món thanh đạm nên từ các hàng quán ven đường, món chay
đã đi vào tận các nhà hàng sang trọng. Đã có hẳn Tuần lễ món chay hoặc
Tháng ẩm thực chay ở Nhà hàng Vân Cảnh hoặc Phú Xuân tại quận 1, thu hút
được nhiều du khách nước ngoài. Giá cả vì thế cũng leo thang thậm chí
còn cao hơn cả các món mặn thông thường.
Một nhóm du
học sinh Trường Quốc tế Nam Sài Gòn bảo rằng ăn chay thì ở đâu cũng đều
đắt đỏ như nhau bởi những món thanh đạm như vậy được khuyên dùng nhiều
để tránh các bệnh về tim mạch, béo phì. Ở nước họ, một tô hủ tiếu chay
có giá gần 9 USD, cao gấp đôi một tô hủ tiếu thông thường (khoảng 5
USD)! Quả thật trong thời đại ngày nay thì việc dùng các món chay cũng
là một cách để giữ gìn sức khỏe, không chỉ cho các vị Phật tử mà cả
khách nước ngoài cũng cảm thấy say mê nét văn hóa ẩm thực này của Việt
Nam.
Theo: Doanh Nhân Sài Gòn