LỜI GIỚI THIỆU
Phật giáo, nhất là Phật giáo trên con đường truyền bá và hội nhập
luôn gắn liền với hai yếu tố căn bản: Khế lý và Khế cơ. Khế lý là nhấn
mạnh về tính tư tướng. Khế cơ là nhấn mạnh về tính lịch sử. Nhờ khế lý,
tư tưởng luôn phong phú, thâm diệu mà mình vẫn là mình. Do khế cơ nên
mọi hình thái sinh hoạt, thể hiện, truyền bá luôn đa dạng, gắn bó mà
không hề mất gốc. Giáo sư D.T.Suzuki (1870 -1966) nhà Phật học người
Nhật nổi tiếng, trong tác phẩm "Nghiên cứu kinh Lăng Già" nơi phần bàn
về: "Tầm cỡ của Phật giáo đại thừa" đã viết: "Chẳng hạn, Kinh Pháp Hoa
đánh dấu thời kỳ lịch sử Phật giáo khi Đức Thích Ca Mâu Ni không còn
được xem là một nhân vật lịch sử phải chịu số phận của mọi chúng sanh
giả tạm, vì Ngài không còn là Đức Phật mang tính chất người mà chính là
một vị sống bằng sự vĩnh cửu đối với lợi ích của mọi chúng sanh".
Chính từ những truyền thống có tính nền tảng ấy mà Phật giáo đến với
đất nước Việt Nam - Cũng như đến với nhiều đất nước trên thế giới. Ngay
từ buổi đầu du nhập, đã có những nỗ lực lớn để hoàn thành sứ mạng "bản
địa hóa" "Đạo Phật nguồn gốc từ ấn Độ...truyền vào đầu tiên ở Luy Lâu.
Phật giáo này lại chung hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ
(tục thờ cúng các hiện tượng tự nhiên có liên quan đến nông nghiệp). Mặt
khác tín ngưỡng dân gian lại hóa thân vào Phật... Những thần mây, mưa,
sấm, chớp vốn là biểu tượng của các lực tự nhiên trong tín ngưỡng Việt
cổ, trở thành Pháp vân, Pháp vũ, Pháp lôi, Pháp điện, là những Phật đầu
tiên của Việt Nam".
Do đấy, trên cái mẫu số chung là Phật giáo của từ bi, cứu khổ, của
giác ngộ, giải thoát, chúng ta đã thấy và mãi mãi thấy là Phật giáo của
dân tộc, là Phật giáo của từng dân tộc. Những bài viết góp mặt trong tập
sách này người viết đã đứng từ nhiều góc độ, hoặc biện giải để khẳng
định, hoặc phát hiện để soi rọi, hoặc khơi gợi để đặt vấn đề… tất cả sẽ
giúp chúng ta nhìn rõ hơn về vị thế và vai trò của Phật giáo và Phật
giáo Việt Nam trong thời đại mới.
Xin trân trọng giới thiệu tập sách với bạn đọc xa gần.