Vì
sao tuổi trẻ hôm nay bị "suy dinh dưỡng tâm hồn"? Vì sao khi hai người
cùng ngắm nhìn bầu trời đêm qua những chấn song cửa, một người chỉ thấy
toàn màu đen, còn người kia lại thấy những vì sao lấp lánh?...
Trong loạt bài phóng sự "Giang hồ đất cảng", báo Tuổi Trẻ số
ra ngày 17-2 đã dẫn lời Thượng tá Dương Tự Trọng, Đội trưởng Đội cảnh
sát điều tra tội phạm và an toàn xã hội Hải Phòng:
"Nguyên nhân sâu xa nhất là một bộ phận giới trẻ bị "suy dinh dưỡng"
nhân cách, khiến họ không rõ ràng phương hướng phấn đấu, không có lý
tưởng sống cao đẹp. Sự tha hoá xuống cấp của một bộ phận đạo đức xã hội
và sự thay đổi thang giá trị cuộc sống, cộng với sự tác động của mặt
trái từ nền kinh tế thị trường khiến những tiêu cực đã thấm vào họ khi
họ chưa được trang bị sức đề kháng hay kiến thức để phân biệt rõ ràng."
Bằng những câu chuyện thấm đẫm tình người với
những tấm gương giàu nghị lực và nhân ái, tác phẩm Chicken Soup for
the Soul của Jack Canfield và Mark Victor Hansen đã cho ta những
giải đáp cụ thể, đầy tính nhân văn về vấn đề này.
Bộ sách ấy đề cập đến điều gì mà được phát hành đến 85
triệu bản và được dịch sang 37 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, tính cả
bản tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 38?
Jack Canfield và Mark Victor Hansen đều là những nhà diễn
thuyết lừng danh. Họ đã thuyết trình những câu chuyện ấy cho những tập
đoàn lớn như: Sony Pictures, Federal Express, Merrill Lynch… các đài
truyền hình và phát thanh nổi tiếng như ABC, CBS, CNN… Đến khi tập hợp
101 câu chuyện tâm đắc nhất để in thành sách, họ đã đặt tên là Chicken Soup for the Soul, do Jack liên tưởng đến những
lần ông bị ốm, mẹ thường cho ăn súp gà để mau phục hồi sức khỏe. Ở đây,
đối với những kẻ "suy dinh dưỡng tinh thần" cũng cần bồi bổ món súp như
thế để nhanh chóng hồi phục, cuốn sách ấy có thể hiểu là "dưỡng chất tâm
hồn".
Những câu chuyện trong cuốn sách đó thoạt nghe có vẻ rất "đời
thường": một cô con gái từ bé đã được người cha luôn thương yêu, cưng
chiều nhưng cô không để ý đến điều ấy nhiều lắm, có lúc cô còn phản đối
khi ông gọi cô là "đứa con gái bé bỏng của bố". Cho đến một hôm cha cô
bị liệt sau một cơn đột quỵ, ông không còn có thể đi lại, cười đùa và
nhất là không bao giờ có thể nói được lời yêu thương cô nữa. Cô ôm lấy
cha mình mà lòng quặn thắt trước nỗi đau quá lớn và cảm thấy dường như
mình đã mất cha. Nhưng cũng từ đó cô mới lắng nghe được tiếng đập đều
đều, càng lúc càng mạnh mẽ hơn phát ra từ trái tim trong lồng ngực cha
mình, như đang muốn nói với cô rằng: "cha vẫn yêu con…"
Có câu chuyện kể về một đứa con lúc nào cũng mặc cả tiền bạc với mẹ
của mình cho những công việc thường ngày: cắt cỏ: 5 đô la; dọn dẹp: 1 đô
la; đổ rác: 1 đô la; học tập tốt: 5 đô la; trông em:25 xu... Và cậu
nhận được câu trả lời nhẹ nhàng của mẹ cũng trên tờ phiếu tính tiền ấy:
chín tháng mười ngày trong bụng mẹ: miễn phí; chăm sóc cầu nguyện khi
con đau ốm, nhiều đêm thức trắng không ngủ, đồ chơi, thức ăn, quần áo,
và cả nước mắt của mẹ do con gây ra: tất cả đều miễn phí; và trên tất cả
là tình yêu của mẹ dành cho con: cũng hoàn toàn miễn phí. Khi đọc những
giòng chữ này, cậu bé đã xúc động ghi lại: mẹ sẽ được nhận lại trọn vẹn
(Paid in full).
Có câu chuyện về tình bạn khi cả lớp cùng cạo trọc đầu để cho người
bạn bị ung thư khỏi phải mặc cảm; có câu chuyện về lòng trung thực khi
người cha phải làm gương cho đứa con khi không muốn khai gian tuổi của
chúng để giảm giá vé; có câu chuyện cần phải học về sự đoàn kết từ đàn
ngỗng đang bay trên bầu trời theo đội hình chữ "V" để chống chọi với sức
cản của gió, và khi một con ngỗng nào bị ốm hoặc bị bắn trọng thương,
lập tức sẽ có hai con tách khỏi đội hình dìu nó xuống đất và bảo vệ nó.
Và bài học con người cần rút ra: chúng ta phải luôn là
điểm tựa cho nhau trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào của cuộc sống,
phải luôn giữ đúng vai trò và vị trí của mình.
Tất cả những câu chuyện được cuốn sách này kể lại tuy rất
bình dị, rất "đời thường", nhưng từ lâu chúng ta hoặc không để ý hoặc
quên lãng. Chúng ta kêu gọi giới trẻ phải hy sinh, phải yêu nước, phải
và phải... nhưng lại chưa hề hoặc đã xao nhãng trong việc dạy dỗ chúng
phải biết yêu thương mẹ của mình, người đầu tiên đã ấp ủ tình thương yêu
mà chúng được hội ngộ trên đời, làm sao để chúng biết yêu thương cha,
thầy cô, anh em, bạn bè, cho đến những người láng giềng quanh khu phố?
Ta nhớ đến Những tấm lòng cao cả của Emondo de Amicis mà ngày
xưa ta may mắn có lần được đọc.
Tuổi trẻ hôm nay sống trong nhiều điều kiện hiện đại hơn
xưa, trong một thời đại mà sức mạnh của khoa học kỹ thuật đang xâm nhập
vào nhiều lĩnh vực của đời sống, thế nên "khoảng trống tâm hồn" sẽ rất
lớn nếu chúng ta không đưa vào gia đình, đưa vào học đường những bài học
căn bản về TÌNH YÊU THƯƠNG, hay nói chính xác hơn, chúng ta phải có
trách nhiệm giáo dục TÂM HỒN cho lớp trẻ. Người ta đã chứng minh bằng
các nghiên cứu khoa học, bằng các con số thống kê, rằng những đứa trẻ
lớn lên trong bầu không khí đầm ấm và tràn ngập thương yêu của gia đình
hay lớp học thì chúng sẽ không bao giờ trở thành những kẻ xấu ác. Nếu
những đứa trẻ được lớn lên trong một môi trường luôn bị dày vò bởi những
đam mê vật chất, chứng kiến những thói hư tật xấu mà người lớn gieo vào
tâm hồn chúng như tính ích kỷ, hận thù, nhỏ nhen, thô bạo... thì những
đứa trẻ bất hạnh ấy sẽ bị rơi vào những vũng xoáy của tội lỗi, bởi lẽ ở
đó là một KHOẢNG TRỐNG VĂN HÓA mà những người lớn, những người có trách
nhiệm đã vô tình hay cố ý xô đẩy chúng vào đó (xem bài phân tích trên
Báo Văn Hoá Phật Giáo số 13). Đây là MỘT VẤN ĐỀ ĐÁNG BÁO ĐỘNG khi tuổi
trẻ đang phải ăn đong lý tưởng và đang ở tình trạng "suy dinh dưỡng tâm
hồn" trầm trọng mà lại phải ngốn các món ăn độc hại về thói dối trá, về
tính vụ lợi đến tàn nhẫn...
Hãy mang ngay Chicken Soup for the Soul hay dưỡng chất tâm
hồn đến cho tuổi trẻ hôm nay bằng những bài học giản đơn, nhưng được
minh chứng hùng hồn bằng những tấm gương trung thực, tràn đầy lòng nhân
ái của các bậc cha anh.
Đức Dalai Lama đã nói: "Không một ai sinh
ra mà không cần tình thương… con người không phải chỉ thuần thể xác, mà
tinh thần có vai trò chủ động trong việc cảm nhận cái đẹp, cái quý giá,
làm cho chúng ta có thể thương yêu...", bởi vì "trong tâm khảm
mỗi chúng ta đều mong muốn được thương yêu."
Nguyên Cẩn (Văn hóa Phật giáo)