Phật Học Online

“Phật giáo – Sức mạnh mềm của VN”, nhưng không “đặt cược”!
Minh Thạnh

Phật giáo Việt Nam là sức mạnh mềm của dân tộc Việt Nam. Nhưng sức mạnh đó không nằm ngoài, không tách rời khỏi dân tộc Việt Nam, mà nó nằm trong chính dân tộc Việt Nam, là phần cốt lõi của sức mạnh mềm Việt Nam nói chung.

Bài  Phật giáo – Sức mạnh mềm của Việt Nam của tác giả Trương Thái Du là một bài có quan điểm tích cực, gây ấn tượng.

Tuy nhiên, đọc xong bài viết trên, chúng tôi vẫn còn có cảm giác lấn cấn, vướng víu, dường như là có một số ý, một số từ, cụm từ chưa hoàn toàn phù hợp.

Đọc kỹ lại bài viết thì có thể xác định vấn đề nằm ở các câu: “ta thấy ngay đây có thể lấy làm một nước cờ chính trị không dở”, “vấn đề là người ta sẽ chuyển hóa Giáo hội Phật giáo như thế nào?”, “sẽ được tái phát ngộ”, “vậy thì lấy cớ gì chúng ta không thêm một lần, đặt cược sức mạnh mềm Việt Nam vào Phật giáo?”.

Như vậy, bài viết tuy đã khẳng định Phật giáo là sức mạnh mềm của Việt Nam, nhưng lại cho rằng, sức mạnh mềm đó là một thực thể nằm bên ngoài thực thể Việt Nam, nên mới có vấn đề “lấy làm một nước cờ” (chúng ta chú ý từ “lấy làm”), “sẽ chuyển hóa Giáo hội Phật giáo” (chúng ta chú ý từ “chuyển hóa”), “được tái phát ngộ” (chúng ta chú ý đến từ “được”, hàm ý thụ động), “không thêm một lần nữa đặt cược” (chúng ta chú ý từ “đặt cược”).

Với tất cả những ý như trên, Phật giáo, đối với nước Việt Nam, được tách ra một bên, có vai trò  thụ động, có thể coi như là một công cụ, một phương tiện, để “lấy làm một nước cờ”, để “chuyển hóa”, để tái khởi động (với cụm từ được dùng là “tái phát ngộ”), và sau cùng, là chỗ có thể “đặt cược”.

Quan niệm như thế, thì Phật giáo có gì khác hơn là một con cờ, một quân bài, được dùng trong nước này, thế nọ, hay đặt cược.

Hơn nữa, từ “đặt cược” chứa trong nó một hàm nghĩa may rủi, đỏ đen, “năm ăn năm thua”, không phải là chỗ có thể nương tựa, cậy nhờ, gửi gắm một cách đáng tin, tuyệt đối chắc chắn.

Lập luận như thế, phải chăng, vừa khẳng định, vừa phủ định vai trò và sự đóng góp của Phật giáo?

Cái mà  có thể được dùng để nhắm vào chuyển hóa, để tái phát động, để đặt cược (năm ăn năm thua như trong một ván bài) không thể tự thân nó là một sức mạnh được.

Chúng tôi có quan điểm khác với tác giả Trương Thái Du.

Phật giáo Việt Nam là sức mạnh mềm của dân tộc Việt Nam. Nhưng sức mạnh đó không nằm ngoài, không tách rời khỏi dân tộc Việt Nam, mà nó nằm trong chính dân tộc Việt Nam, là phần cốt lõi của sức mạnh mềm Việt Nam nói chung.

Vì vậy, không phải nói về Phật giáo Việt Nam như một nước cờ, một đối tượng để chuyển hóa, để tái phát động, để đặt cược.

Mà trong quá trình nhận thức lại sức mạnh mềm của dân tộc Việt Nam, nội lực của nước Việt Nam, việc nhận thức lại vị vai trò của Phật giáo Việt Nam là điều đương nhiên, tất yếu, ắt phải. Việt Nam không mạnh nếu Phật giáo Việt Nam không mạnh. Ngược lại, Phật giáo Việt Nam mạnh sẽ góp phần chủ yếu vào một nước Việt Nam mạnh, với sức mạnh mềm.

Cho nên Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam là một thực thể không thể phân ly, tách rời, là hai mặt của một bàn tay. Bồi dưỡng vun đắp sức mạnh Việt Nam chính là bồi dưỡng vun đắp cho Phật giáo Việt Nam và ngược lại, hỗ tương, gắn kết.

Cũng như  không thể tìm thấy sức mạnh của một nắm tay, nếu tìm cách phân chia mặt úp mặt ngửa của một bàn tay, xem đâu là chính, đâu là phụ, xem bên nào có thể dùng được, bên nào không.

Phật giáo Việt Nam làm nên sức mạnh mềm của Việt Nam và tồn tại trong sức mạnh mềm Việt Nam như là từng tế bào, từng giọt máu, từng đường gân, thớ thịt.

Ở đây, không có sự lựa chọn, càng không có sự “chuyển hóa”, sử dụng hay “đặt cược”. Vấn đề là nhận thức lại nội lực, tìm lại vốn quý của chính mình mà thôi.

Cách suy nghĩ  “dùng” Phật giáo Việt Nam là một cách suy nghĩ  không thích hợp, không thực tế, vì lẽ nào, cơ  thể dùng bàn tay, dùng cái đầu, khi chính những cơ quan đó là một phần của thân thể, tách rời nó ra thì không còn cơ thể mạnh.

Tưởng cũng cần nhắc lại, quan điểm xem Phật giáo như một  đối tượng để dùng đã có trước đây. Trong một số sách và bài viết đã có ý kiến nhà Lý, nhà Trần “dùng” Phật giáo (chẳng hạn họ cho rằng vua Trần Nhân Tông dùng việc đi tu để Phật hóa, thánh hóa vương triều Trần, cũng cố vị  thế của dòng họ Trần…, như là một nước cờ).

Khỏi phải nói nhiều, ngày nay chúng ta không thể nào chấp nhận những quan điểm như vậy.

MT (Theo PTVN)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage