Phật Học Online

Giới luật bảo hộ hạnh phúc gia đình

Giới chính là những nguyên tắc đạo đức mà Bụt chế ra để bảo hộ cho hàng đệ tử cả thân lẫn tâm. Chính vì vậy, việc giữ giới của nhà Phật chính là nhằm mục đích tăng trưởng đạo đức, cũng là làm cho cá nhân và cả tập thể người gìn giữ giới có được hạnh phúc, an lạc.

Với góc nhìn ấy, xét về năm giới của người Phật tử tại gia để thấy rằng năm nguyên tắc đạo đức mà Bụt dạy chính là thành trì bảo hộ cho gia đình.

 

Để gia đình hạnh phúc, vợ chồng cần tôn trọng nhau, chung thủy và lắng nghe.
Đó cũng là một cách "thân giáo" (giáo dục bằng hành động) - Ảnh minh họa

Ở giới thứ ba (không tà dâm), có lẽ đây là nguyên tắc đạo đức mà những người vợ-chồng cần phải nghiêm chỉnh gìn giữ để có hạnh phúc. Tà dâm tức là quan hệ với những người không phải vợ hoặc chồng của mình. Bụt chế ra giới này bởi Ngài thấy rõ hành vi đó dễ dẫn đến mất tư cách, gây xào xáo gia đình và tạo ra một lối sống buông thả, dễ dãi. Một gia đình mà vợ chồng buông thả, có thể có quan hệ với bất kỳ ai thì kết cấu gia đình không thể bền vững.

Vợ hoặc chồng ngoại tình ngày nay càng trở nên báo động khi mà vật chất tương đối đầy đủ, mối quan hệ được mở ra, cùng với văn hóa Âu-Mỹ xâm nhập vào đã làm cho nhiều người dễ dãi, xem nhẹ giá trị của việc gìn giữ bản thân. Ngay cả người trẻ, chưa lập gia đình (có vợ hoặc chồng) còn “sòng phẳng” trong tình dục với đủ “mô hình” sống thử thì tránh sao khỏi chuyện vợ chồng lăng nhăng?

Các tờ báo đều có chuyên mục hôn nhân-gia đình và quanh đi quẩn lại vẫn là chuyện “chồng ăn phở, vợ ăn nem”. Đương nhiên hệ lụy của việc đó thì con cái lãnh đủ. Tư cách đạo đức của người lớn thiếu dẫn đến dạy con không nghe, từ đó con cái sẽ bất cần và lao vào những trò ăn chơi không bến bờ. Thêm vào đó, vì việc không chung thủy của một trong hai người dẫn đến mất niềm tin, thù hằn và tiếp tục gây ra những hệ quả khác như đánh ghen, giết người, tự tử, tù tội… là không hiếm.

Giới thứ năm là giới không uống rượu và dùng các chất gây nghiện cũng là một vấn đề ngày nay, khi mà nhậu trở thành “văn-hóa-ứng-xử”, khi mà các chất ma túy đang bũa vây, núp bóng dưới nhiều dạng. Vợ chồng ai cũng có thể nhậu, ngày nào cũng nhậu… thì làm sao còn đủ trí tuệ để mà dạy con, vun vén gia đình?


Thử tưởng tượng một gia đình có một ông bố nhậu thì sẽ thế nào? Thì bà mẹ sẽ chịu đòn, con cái thì bị bạo hành hoặc vì “tức nước vỡ bờ” nên vợ con thiếu tôn trọng chồng, cha (bản thân người nhậu say thì lời nói không chuẩn, dễ dẫn đến mất tư cách nên việc thiếu tôn trọng của mọi người là tất yếu). Một kết cấu gia đình mà bạo lực vì rượu hoặc thiếu sự tôn trọng nhau vì nhậu nhẹt thì kết cấu đó sao bền vững, làm gì có hạnh phúc được? 

Ngoài ra, những giới khác trong năm giới như giết hại, trộm cắp, nói dối cũng ảnh hưởng đến gia đình lắm lắm. Một gia đình có một người là hung thủ giết người hoặc trộm cướp thì vết nhơ ấy “ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Những dư luận và sự xa lánh của cộng đồng cùng sự mặc cảm tự thân của mỗi thành viên gia đình có người phạm tội đã là một vết thương khó lành, đủ làm cho gia đình ấy u ám.

Thêm vào đó, nhân quả của việc giết, cướp kia chính là mình đã làm cho một gia đình khác bị khổ đau thì làm sao tránh khỏi chuyện gia đình mình mất hạnh phúc? Còn việc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình mà dối trá, nói lời ác độc với nhau… thì gia đình ấy cũng khó thuận hòa!

Thử chiêm nghiệm về những “phương trình” có thể diễn ra trong việc đánh mất năm nguyên tắc đạo đức trong chiều sâu nhân-quả thì sẽ thấy việc gìn giữ giới của nhà Phật chính là một bài thuốc phòng ngừa “căn bệnh” gia đình bất ổn, mất hạnh phúc của mọi nhà! Hiểu được vậy, thì một cá nhân khi đã gặp được ánh sáng Phật pháp cũng nên có ý thức “Phật hóa gia đình” để ai cũng có được “bí kíp” vận dụng trong đời sống, cùng nhau bảo hộ thân-tâm và gia đình.

Lưu Đình Long (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage