"Đức Phật dạy: Tội lớn nhất của đời người là bất
hiếu. Có những kẻ đánh đập, nhiếc mọc mẹ mình, có những kẻ bỏ đói, bỏ
rét mẹ mình, có những kẻ xưng "bà" xưng "tôi" với mẹ mình... Tất cả
những kẻ đó đều là kẻ có tội. Và những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc
đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ thì họ cũng
mang tội như những kẻ nói trên. "
Có
một sự thật là: tình thương yêu và hy sinh vô bờ của người mẹ cho những
đứa con từ khi có loài người đến nay chẳng hề thay đổi, nhưng lòng hiếu
thảo của những đứa con đối với mẹ mình càng ngày càng trở thành một
nguy cơ trầm trọng.
Hai bộ phim hành động Mỹ nổi tiếng mà tôi xem đi xem lại nhiều lần là
Godfather và American Gangster. Và trong cả hai bộ phim đầy cảnh bắn
giết này có một câu chuyện luôn luôn làm tôi thực sự xúc động. Đó là
tình yêu của hai ông trùm Mafia Mỹ đối với người mẹ của mình. Lòng hiếu
thảo là một chiếc thước đo đạo đức có giá trị nhất. Đó cũng là phần nhân
tính cuối cùng của con người mà nếu đánh mất thì con người không còn gì
để nói nữa. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà những nhà làm phim Hollywood đã cố
níu giữ lại cho xã hội một niềm tin cuối cùng về nhân tính con người.
Bởi phần nhân tính này với nhiều yếu tố là phần nhân tính khó bị suy đồi
nhất.
|
Lòng hiếu thảo là một chiếc thước đo
đạo đức có giá trị nhất. Ảnh: vns.hnue.edu |
Những năm gần đây, chúng ta phải đau đớn chứng kiến những chuyện bất
hiếu. Và có những chuyện bất hiếu đã trở thành những tội ác man rợ. Đó
là những câu chuyện bất hiếu đã được các phương tiện truyền thông đại
chúng đưa tin và lên tiếng cảnh báo. Nhưng còn có một phía khác của sự
bất hiếu mà chúng ta chưa lên tiếng hoặc chưa ý thức rõ về nó mà có
người gọi nó bằng một cái tên "Sự bất hiếu ngọt ngào".
"Sự bất hiếu ngọt ngào" là chỉ những đứa con có đủ điều kiện vật chất
để nuôi những người mẹ. Nhưng những đứa con đó không cho mẹ mình được
tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình. Sự thật là có những
bà mẹ chỉ sống giữa những đứa con như một thực thể sống tự nhiên chứ
không phải là một trung tâm của tình cảm. Với lý do công việc và với
muôn vàn lý do khác, những đứa con đã để mẹ mình sống cô độc ở một làng
quê gần, xa nào đó hoặc ngay trong chính thành phố mà họ đang sinh sống.
Thay cho sự hiện diện của họ trước mẹ mình trong những ngày nghỉ là
sự hiện diện của một gói quà và những đồng tiền. Thay cho những lời tâm
sự của những đứa con với mẹ mình trong những buổi tối khó ngủ của người
già là những người giúp việc được trả lương cao. Với đức hạnh của sự hy
sinh vô bờ của mình, những người mẹ lại một lần nữa đã ghánh chịu một
cuộc sống cô đơn như vậy cho đến khi chết.
Một thời gian chúng ta có nói đến việc những đứa con gửi cha mẹ vào
nhà dưỡng lão trong các nước phương Tây hoặc châu Âu. Và có không ít
người quan niệm đó là sự trốn tránh trách nhiệm của con cái đối với cha
mẹ khi cha mẹ về già. Nhưng sau một thời gian quan sát và có nghiên cứu
thực tế ở các nước đó, tôi thấy đó là cách những đứa con tìm cho cha mẹ
họ một không gian thích hợp và có ý nghĩa nhất với cha mẹ khi ở tuổi già
và đó cũng là một trong những văn hoá sống của các nước đó. Nhất là khi
cha mẹ họ có những vấn đề của tuổi tác, sức khoẻ và tâm lý. Nhưng hầu
như hàng ngày, họ gọi điện trò chuyện với cha mẹ và hàng tuần, họ vẫn
đến thăm cha mẹ trong nhà dưỡng lão. Họ ở lại với cha mẹ có khi cả ngày
để trò chuyện và vui chơi cùng cha mẹ.
|
Có không ít người mẹ đã bỏ về quê sống một mình
trong ngôi nhà cũ của mình. |
Có những người mẹ trong những năm cuối đời chỉ mơ một giấc mơ giản dị
nhưng thật đau đớn và thương cảm là có một cái Tết được ăn Tết với con
cháu mình. "Con bận lắm. Nhiều khách khứa đến làm việc lắm. Mà nhà cửa
bỏ đấy trộm nó vào nó khuân hết. Tết con không về được. Bà cần gì thì cứ
bảo. Con sắm sửa đầy đủ cho bà". Đấy là những ngôn từ càng ngày càng
trở lên quen thuộc của những đứa con nói với mẹ mình trong một ngày cuối
năm về thăm mẹ vội vã. Những lý do trên chỉ là sự bao biện cho thói ích
kỷ và sự hoang hoá tình thương yêu của những đứa con đối với mẹ mình.
Còn vị khách nào quan trọng hơn mẹ mình nữa? Còn của cải nào quí hơn mẹ
mình nữa? Và đối với những bà mẹ, tài sản duy nhất có ý nghĩa là những
đứa con.
Nhưng những đứa con đó không bao giờ hiểu được người mẹ của chúng
không cần bất cứ quyền chức hay tiền bạc chúng đang có mà chỉ cần chúng
ngồi xuống bên bà như thuở nhỏ đầy yếu đuối, sợ hãi và tin cậy trong sự
che chở của bà hoặc thấy chúng lớn lên làm một người tốt. Nhưng chúng đã
xa rời bà mà bà không có cách nào kéo chúng gần lại. Không phải chúng
xa rời xa bà bởi không gian và thời gian do điều kiện sống và công việc
mà chúng đang xa rời xa sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Bà đã và đang
mất chúng.
Tôi đã chứng kiến một bà mẹ gần 90 tuổi mắt đã mờ lần mò làm một con
gà cúng đêm giao thừa trong khi những đứa con của bà đang quây quần vui
vẻ đón giao thừa với gia đình riêng của họ ở thành phố chỉ cách nơi bà ở
không quá 30 km. Không có bất cứ lý do gì có thể biện minh cho những
đứa con khi bỏ quên mẹ mình trong những ngày đặc biệt và quan trọng như
thế.
"Sự bất hiếu ngọt ngào" còn để chỉ những đứa con bỏ quên những người
mẹ trong chính ngôi nhà của họ. Nhưng những người mẹ đó không bị bỏ đói
mà ngược lại được "nuôi giấu" trong một đời sống vật chất đầy đủ. Trong
không ít những ngôi nhà to, đẹp và đầy đủ tiện nghi, những đứa con đã
"giấu" mẹ mình mà nhiều lúc chúng ta không làm sao có thể phát hiện ra
là trong ngôi nhà đó có một bà mẹ.
Có những người thi thoảng lại đến thăm bạn mình trong suốt mấy năm
trời nhưng không bao giờ được gặp bà mẹ của anh ta. Anh ta đã "giấu" mẹ
trong một căn phòng trên tầng 3, tầng 4 gì đó của ngôi nhà. Anh ta dậy
sớm đi làm vội vã nhiều lúc không còn kịp leo lên tầng chào mẹ. Trưa thì
đương nhiên anh ta không về nhà. Tối anh ta về muộn. Vợ anh ta hoặc
người giúp việc đã cho bà mẹ ăn cơm trước với lý do để cụ đi nghỉ sớm
kẻo mệt. Anh ta trở về nhà ăn tối cùng vợ con và chuyện trò rồi điện
thoại và cuối cùng lăn ra ngủ. Có không ít ngày anh ta hoàn toàn quên mẹ
mình đang sống trong cùng ngôi nhà và âm thầm mong nhìn thấy con mình
và trò chuyện mấy câu với con.
Càng ngày chúng ta càng được chứng kiến những đứa con khi có khách
đến chơi thì khoe hết đồ này vật nọ đắt tiền, thậm trí khoe một con chim
cảnh quí hàng ngàn đô la với một giọng nói thật "say đắm" mà chẳng thấy
họ khoe một người mẹ vừa ở quê ra chơi hay đang ở đâu đó trong ngôi nhà
to, rộng của họ.
Có những người không bao giờ để mẹ ngồi ăn cơm cùng khi vợ chồng anh
ta có khách. Có lẽ sự xuất hiện của người mẹ đã già nua không còn phù
hợp với những thù tạc, những vui buồn của anh ta nữa chăng. Nhưng anh ta
đâu biết rằng, có những đêm khuya bà mẹ không thể ngủ và đầy lo lắng
khi nghe tiếng ho của anh ta hay khi vợ chồng anh ta to tiếng. Bà mẹ
sống giữa con cháu mà như sống trong một thế giới xa lạ.
Vì thế, có không ít người mẹ đã bỏ về quê sống một mình trong ngôi
nhà cũ của mình. Bởi cho dù ở đó bà không được sống với những đứa con
của mình thì bà cũng được sống với những gì vốn rất thân thương với bà
như con chó, con mèo, cái cây, cái cối. Và thay vào sự chia sẻ, an ủi
của những đứa con là sự chia sẻ và an ủi của những thứ kia kể cả những
thứ vô tri vô giác. Và thực sự điều này làm cho chúng ta vô cùng xấu hổ
và đau đớn.
Đức Phật dạy: Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu. Có những
kẻ đánh đập, nhiếc mọc mẹ mình, có những kẻ bỏ đói, bỏ rét mẹ mình, có
những kẻ xưng "bà" xưng "tôi" với mẹ mình như với một người qua đường,
qua chợ... Tất cả những kẻ đó đều là kẻ có tội. Và những kẻ vẫn cho mẹ
mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của
họ thì họ cũng mang tôi như những kẻ nói trên.
Nguyễn Quang Thiều (Tuần Việt
Nam)