Theo Đại Tạng Kinh Việt Nam thì Chuông được phát
hiện tại Trường An (khoảng 1.000 năm trước Tây lịch, thời Châu Chiêu
Vương) thuộc loại sớm nhất tại Trung Quốc.
Chuông có thể được làm bằng gỗ, đá hoặc đồng. Nét
khắc rất tinh xảo, thường có minh văn và nhiều kích cỡ khác nhau: từ cái
rất nhỏ đến những cái nặng hàng chục tấn. Thường xuất hiện ở các công
trình tôn giáo, tâm linh như đền, chùa, từ đường...
Ở Ấn Độ đã biết dùng Chuông từ rất lâu và được sử
dụng rộng rãi trong cung đình, đặc biệt trong các chùa chiền. Các hình
thức nghệ thuật như điêu khắc chùm Chuông xuất hiện vào thời kỳ đầu của
Phật giáo được tìm thấy trên các bức phù điêu tại các trụ đá của vua A
Dục và các tháp tôn trí Xá lợi Đức Phật.
Không riêng tại Ấn Độ mà ngay cả các nước lân cận
chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn hóa Ấn Độ như Sri Lanka, Myanmar cũng sử
dụng Chuông để biểu hiện lòng thành của người cầu nguyện, đặc biệt dùng
khi chấm dứt một khóa lễ.
Còn đối với tín đồ Phật giáo Tây Tạng thì họ tin
rằng: Khi họ niệm chú, nhờ sức quay của Chuông mà các câu thần chú sẽ đi
muôn nơi vạn hướng, làm vơi bớt nỗi khổ đau của cuộc đời. Cho nên Phật
giáo Tây Tạng chế nhiều cỡ Chuông cầm tay cho tín đồ trì niệm và cả
những Chuông lăn lớn để tín đồ quay.
Về thỉnh Chuông, ngày xưa ở Trung Quốc tuỳ mỗi Tông
phái, từng địa phương mà quy định có khác nhau. Song tổng quát là khi
bắt đầu thỉnh 3 tiếng và khi kết thúc đánh nhanh 2 tiếng hoặc 3 hồi 9
tiếng cho các loại Chuông nhỏ khi tụng kinh.
Số lượng tiếng thường là 18, cũng có khi thỉnh 36
tiếng, 108 tiếng. Thỉnh 18 tiếng là biểu thị sự thanh lọc của 6 căn
(Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - PV); 6 trần (Sắc trần, thanh trần, hương
trần, vị trần, xúc trần và pháp trần - PV) và 6 thức (Nhãn thức, nhĩ
thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức - PV).
Thỉnh 108 tiếng biểu thị hành giả (người thỉnh
Chuông - PV) nỗ lực làm vơi cạn đi 108 loại phiền não nơi nội tâm. Hoặc
có thể là ứng với các con số 12 tháng, 24 tiết khí và 72 thời hậu. Cũng
có sách giải thích là để trừ bỏ 108 loại phiền não. Vậy nên Chuông thờ
Phật còn có tên gọi là Bách bát chung.
Có ba loại Chuông thường được sử dụng trong các chùa chiền, tự viện song tất cả đều gọi chung một tiếng là Chuông.
Đại hồng chung: Cũng có tên là Chuông U minh,
thường được đánh vào lúc đầu hôm hay lúc gần sáng. Tiếng Chuông đánh đầu
hôm là nhắc nhở cho mọi người biết rằng cơn vô thường đến với chúng ta
không hứa hẹn, rất ngắn ngũi, nhanh chóng.
|
Đại hồng chung |
Đánh vào lúc ban sáng là nhắc nhở cho mọi người cố gắn tinh tiến tu
hành để mau vượt thoát ra khỏi cảnh đau khổ, không vướng mắc cảnh tội
lỗi và dễ dàng ra khỏi luân hồi sanh tử.
Thông thường mỗi lần thỉnh Chuông như thế là phải
108 tiếng với mục đích là khuyến tấn vạn loại hữu tình mà đặc biệt là
con người cố gắng đoạn trừ 108 phiền não căn bản.
Mỗi lần thỉnh Chuông được đọc lên những câu kệ để
chú nguyện theo tiếng Chuông. Tiếng Chuông sớm hay tiếng Chuông chiều
không những chỉ để cảnh tĩnh cõi dương mà còn hướng dẫn cho cõi âm nữa.
Vì thế mà thường gọi là Chuông U minh.
Chuông báo chúng: Vì kích thước chỉ lớn bằng 1/2
đại hồng chung nên gọi là bán chung hay còn được gọi là tiểu chung. Hình
thái cũng như Chuông U minh, treo ở trai đường. Được dùng để báo tin
trong lúc họp chư Tăng biết vào những lúc như nhóm chúng, thọ trai, giờ
chấp tác, giờ bái sám trong các tự viện.
|
Chuông báo chúng |
Chuông này thường được đúc bằng đồng, cao khoảng 6 đến 8 tấc, thường
để tại một góc trong chánh điện và được sử dụng trong các buổi pháp hội,
nên còn có tên khác là "hành lễ chung". Người Việt Nam cũng như các
nước khác ngày nay linh động chế tạo nhiều loại Chuông dạng "bán chung"
này nhưng cũng không có kích thước cố định.
Chuông gia trì: Được dùng để đánh lên trong lúc
tụng kinh bái sám. Tiếng Chuông gia trì được xử dụng trước khi tụng kinh
hay báo hiệu sắp hết đoạn kinh đang tụng hay câu niệm Phật.
|
Chuông gia trì |
Chuông gia trì cũng thường đánh lên khi lạy Phật một mình. Còn khi
đông người thì để báo hiệu cùng lạy cho nhịp nhàng. Chuông gia trì có đủ
ba loại lớn, vừa và nhỏ. Chuông vừa và nhỏ thì thường thường Phật tử
tại gia dùng nhiều hơn và cũng dùng như chư Tăng.
(Bài viết có sử dụng tài liệu của Đại Tạng Kinh Việt Nam, Đại đức Thích Giác Duyên)
Bùi Hiền