Phật Học Online

Nhà chùa tiếp sức mùa thi: Cần thực tiễn hơn?
Bùi Hiền

Hai năm gần đây, nhiều chùa ở miền Bắc đã làm Phật sự tiếp sức mùa thi cho sĩ tử. Tuy nhiên, Phật sự này xem ra chưa đạt được hiệu quả như tâm ý của nhà chùa. Để hiểu hơn về việc tiếp sức mùa thi, PV Kienthuc.net.vn đã có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Pháp Trí ở chùa Từ Đàm (TP Huế), là nơi đã có nhiều năm tổ chức và có kinh nghiệm trong Phật sự này.


Là một Phật sự có nhiều ý nghĩa

Hiện nay, không chỉ ở Huế mà nhiều chùa ở trong Nam ngoài Bắc thực hiện chương trình “Tiếp sức mùa thi”, Đại đức đánh giá thế nào về Phật sự này?

Đây là một việc làm hữu ích và có ý nghĩa, đúng với tinh thần từ bi cứu khổ, ban vui của Phật giáo. Vì vậy trong nhiều năm qua, tuy là chương trình do Trung ương Đoàn TNCS HCM phát động nhưng Phật giáo đã thể hiện rất tốt và được sự đồng thuận chung của xã hội.

Tôi nghĩ, theo tinh thần Phật giáo, tiếp sức mùa thi không chỉ mang ý nghĩa tài thí (bố thí vật chất - PV) mà còn có ý nghĩa pháp thí. Vì nó có tác động tích cực và sức lan tỏa còn hơn cả 1 bài thuyết pháp.

Những ngày vừa qua ở miền Bắc, nhiều chùa có tâm ý hỗ trợ cơm chay nhưng nhiều sĩ tử đón nhận trong sự băn khoăn e ngại, Đại đức có thể lý giải về điều này?

Như chúng ta biết, nhiều năm do chiến tranh nên sinh hoạt Phật sự bị gián đoạn. Đến giai đoạn phục hồi, tuy chùa có nhiều nhưng số lượng Tăng Ni ít, việc thuyết pháp để cho người dân hiểu đúng giáo lý đạo Phật cũng chưa được phổ biến.

Hiện nay, tình hình đã được cải thiện, nhiều người đã đi chùa, nghe pháp nhưng hiểu biết của họ về việc ăn chay vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, nếu thí sinh và người thân đón nhận cơm chay một cách miễn cưỡng thì cũng không khó để lý giải.

Nhưng cần phải thực tiễn hơn

Người tiếp nhận không ăn hoặc bỏ dở cơm thì sẽ gây ra lãng phí nếu như tiếp tục làm việc này?

Nhìn vào biểu hiện, ta thấy nó lãng phí nhưng xét ở một khía cạnh khác thì chưa hẳn như vậy.

Cũng như khi ta đầu tư vào một việc gì, để đạt được thành công thì đôi khi cũng phải biết chấp nhận thất bại và rủi ro. Tôi không cho đó là thất bại, mà việc này chưa đạt tới thành công như mong đợi của chúng ta.

Tiếp sức mùa thi cần phải thực tiễn hơn


Được biết ở Huế, Phật sự này đã diễn ra được 3 năm và đã thành công. Đại đức có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm về công tác này?

Ban Trị sự GHPG tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức thực hiện tiếp sức mùa thi đã được 3 năm. Tuy nhiên, từ nhiều năm trước đó ở Huế đã có những chùa đi tiên phong tiến hành hoạt động này.

Tôi nhận thấy ở Huế, việc thực hiện diễn ra khá tốt nhờ có sự kết hợp giữa Đoàn sinh của tổ chức Gia đình Phật tử và tình nguyện viên đến từ các CLB thanh niên bên ngoài.

Chia sẻ với tâm lí của thí sinh và người thân, BTC mong muốn mang lại cho họ cảm giác thoải mái, an vui khi ăn bữa cơm chay nhà chùa.

BTC đã huy động quý Ni sư, Sư cô và một số đầu bếp Phật tử không chỉ nấu ngon mà còn trình bày thức ăn thật đẹp, hợp vệ sinh cùng tham gia công tác chuẩn bị.

Phương án tối ưu là “tiếp sức nội trú”

Vậy theo Đại đức để thành công hơn trong việc tiếp sức cho các thí sinh, Phật giáo miền Bắc cần phải làm gì?

Những điều tôi vừa nói ở trên chỉ để nhấn mạnh điều này, muốn thay đổi nhận thức của quần chúng phải bắt đầu từ cách tiếp cận khả thi nhất.

Thực ra, ở Huế đa số người dân tuy có truyền thống ăn chay nhưng khi tiếp sức mùa thi, BTC đón tiếp các sĩ tử đến từ nhiều nơi. Đa số họ khi nghe ăn chay cũng có phần e ngại, giống như ở miền Bắc vậy.

Nhưng nhờ sự nhiệt tình và đón tiếp chu đáo của BTC mà ban đầu khi họ đến ăn mang tâm lí “ăn chay thử cho biết, ăn chay một hai ngày cũng chẳng sao”. Qua bữa cơm chay ngon, được phục vụ chu đáo tận tình trong một bầu không khí thanh tịnh và thắm đượm tình người, họ ít nhiều đã có sự thay đổi trong cách nhìn về ăn chay.

Năm nay là năm thứ 4, chùa Bằng tiếp nhận hàng trăm thí sinh và phụ huynh đến ăn ở miễn phí tại chùa trong mùa thi ĐH


Theo tôi, ở miền Bắc nếu muốn phát triển hoạt động ý nghĩa này cần chú trọng vào hai yếu tố: nấu thức ăn chay thật ngon và trình bày món ăn cho đẹp. Vật dụng đựng đồ ăn cũng phải sạch sẽ, tươm tất. Như vậy, khi mới nhìn vào thì thí sinh và người thân của họ sẽ giảm bớt cảm giác bị “khớp” không muốn ăn.

Trong điều kiện tốt hơn, nên tổ chức ăn tập trung ở những ngôi chùa gần các hội đồng thi. Nếu có thể thu xếp được, tốt nhất vẫn là nên tạo điều kiện cho thí sinh và người nhà được ở lại chùa. Như vậy, ngoài việc ăn chay, thí sinh và người thân còn được nghỉ ngơi, trò chuyện. Qua đó có cơ hội hiểu thêm về ăn chay như thế nào.

Nhưng điều kiện về không gian ở miền Bắc không giống như ở Huế, khó có thể tổ chức ăn tập trung. Theo Đại đức, phương án tiếp sức nào là khả thi nhất?

Tôi nghĩ để thay đổi được nhận thức ăn chay đối với các thí sinh và người nhà thí sinh ở miền Bắc không thể một sớm một chiều. Tuy vậy, chúng ta vẫn nên kiên trì và tìm cách khắc phục dần.

Đối với miền Bắc, ban đầu chúng ta có thể làm thí điểm ở một vài chùa gần các hội đồng thi. Nhưng phương án tối ưu vẫn là “tiếp sức nội trú”, tức là tạo điều kiện cho các thí sinh được ăn ở trong chùa.

Xin cảm ơn Đại đức!

Bùi Hiền (thực hiện)

Theo nguồn: KTO


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage