TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO NALANDA (427 -1197)
Nalanda là trường đại học Phật giáo quốc tế đầu tiên c ó ký túc xá
cho sinh viên lưu trú. Trường có 8 khu vực đa chức năng và 10 đền thờ.
Thư viện của trường được đặt ở một tòa tháp 9 tầng. Vào thời kỳ hoàng
kim, Nalanda có thể đảm bảo chỗ ở cho 10.000 sinh viên và 2.000 giảng
viên (cứ 5 sinh viên thì có một giảng viên). Đại học Nalanda thu hút rất
nhiều sinh viên và các học giả đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,
Tây Tạng, Indonesia, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ... Tuy nhiên, có 8/10 số thí sinh
bị đánh trượt, và không ít thí sinh phải thi lại rất nhiều lần trước
khi được hội đồng giám khảo công nhận có đủ tư cách nhập học. Hàng trăm
luận sư nổi tiếng của Phật giáo đại thừa như các ngài Vô trước, Thế
Thân, Trần Na, Hộ Pháp, Giới Hiền (Duy Thức luận), Long Thọ, Tịch Thiên
(Trung Quán luận) v.v… gắn với tên tuổi của ngôi trường này.
Những thông tin được phổ biến rộng rãi trên nói đến uy tín và sức hút
của Đại học Nalanda đối với các nhà Phật học thế giới. Tuy nhiên, điều
nổi bật và đáng chú ý là hầu hết các nhà Phật học nổi tiếng thế giới
xuất thân từ ngôi trường này đều được đào tạo từ một đường lối giáo dục
hết sức chuẩn mực theo tinh thần “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Với môi
trường giáo dục nghiêm túc như thế thì đương nhiên không cần phải “đãi
cát tìm vàng” mà vàng đã được tôi luyện ở mức cao nhất để có thể lọc tối
đa các tạp chất.
Phật học không chỉ đóng vai trò là một hệ thống triết học, bởi Phật
học vừa mang lại cho người học những kiến thức, tri thức như bao nhiêu
môn học khác, mà Phật học còn phát huy trực giác, tuệ giác ở cấp độ cao,
để người học Phật có thể trở thành hành giả, trải nghiệm, tự thân chứng
ngộ và giải thoát. Trong khi các khoa học, triết học khác, ở mức đào
tạo cao nhất chỉ đơn thuần đào tạo ra một học giả có khả năng nghiên cứu
độc lập.
Học Phật là một quá trình, và đương nhiên người học Phật thường trải
qua những lớp học sơ cơ theo từng cấp học, để có thể tham dự vào môi
trường Phật học cao hơn như học viện hay trường đại học. Tuy nhiên, sẽ
rất thiếu sót nếu như người học Phật lại không thể được tiếp cận và trải
qua những quá trình tu tập cụ thể ở các tự viện, nơi có những bậc chân
tu khả kính rèn giũa và giúp trải nghiệm giáo lý một cách căn bản. Chính
quá trình tu tập giới, định, tuệ căn bản này mà những hạt nhân Phật học
nảy mầm và phát triển nhanh chóng ở các cấp học Phật học. Thậm chí, ở
những nơi có truyền thống giáo dục sơn môn tốt, dù không phải trường đại
học hay học viện, nhưng vẫn có thể sản sinh ra những học giả, hành giả
đáng kính nể, một khi quá trình tu tập chín muồi để công phu giới, định
có thể phát triển trí tuệ ở mức cao nhất, lợi ích nhất đối với công cuộc
hoằng truyền chính pháp.
Với chuẩn đầu vào cao như Trường đại học Nalanda, rõ ràng các nhà sư
phạm Phật học đã chú ý đến việc làm sao để tăng ni sinh học được cách
học với tư duy độc lập, phát triển trí tuệ, sau đó trải nghiệm và tu
chứng, chứ không phải học chỉ để làm bài kiểm tra tốt nghiệp và có được
một bằng cấp như giáo dục thế tục hiện nay. Sự sai lầm trong giáo dục
Phật học là ngay từ đầu đã để các tăng ni sinh ngộ nhận rằng theo học
tại các trường đại học Phật giáo để sau này có một bằng cấp cao, có cơ
hội thăng tiến như các công dân bình thường khác trong xã hội.
Học viện Phật học không chỉ là một cơ sở vật chất khang trang với đầy
đủ phương tiện kỹ thuật, mà phải là một môi trường học Phật có thảo
luận, chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí là một học viện khép kín từ ăn ở,
sinh hoạt, đến hành trì (theo từng pháp môn) với những hành giả có uy
tín, đức độ. Học viện Phật học, hay trường đại học Phật giáo không thể
chỉ là một cơ sở đào tạo hành chính. Bởi quá trình chung sống, hành đạo
trong một môi trường giáo dục bài bản và được trải nghiệm qua sự thân
giáo của các vị giáo sư Phật học khả kính chắc chắn sẽ mang lại không ít
lợi ích cho các tăng ni sinh. Đại học Nalanda đã làm được điều đó, khi
các vị thân giáo sư và các học giả Phật học từ khắp nơi tìm về đã tạo ra
một môi trường thảo luận đa văn hoá, đa phong cách, đa sắc tộc, ngôn
ngữ. Sinh hoạt nội trú, cùng với sự tu trì nghiệm mật với những kiến
thức uyên bác của các nhà Phật học đã tác động trực tiếp đến ý chí,
nguyện lực của các tăng sĩ. Đồng thời những khó khăn, vướng mắc trong
đời sống tu tập của học giả, hành giả sẽ được tháo gỡ nhanh chóng trong
môi trường tu học có sự tham vấn trực tiếp, nếu không muốn nói là gần
như thường trực. Nếu các cấp học Phật giáo đều có một môi trường tu học
như vậy thì không những đáp ứng được những yêu cầu đổi mới của thời đại,
mà trong quá trình tu học chung, những tác động của các nhân cách Phật
học sẽ giúp tăng ni sinh soi lại chính mình, từ đó có thể điều chỉnh
hành vi, nhận thức Phật học ở điều kiện tốt nhất.
Áp lực về không gian, thời gian đối với tăng ni sinh trong quá trình
theo học, c ộng với môi trường sinh hoạt tín ngưỡng tại những nơi tăng
ni sinh cư trú đã tạo nên nhiều những tác động không mong muốn theo
chiều hướng tiêu cực, cũng như sự phân hoá trong trình độ và thật khó để
có một môi trường giáo dục Phật học trọn vẹn và lý tưởng. Ở đây, chúng
ta có thể tham chiếu sự thành công của mô hình giáo dục tự viện Làng
Mai, bởi bản thân sự giáo dục trong môi trường “pháp môn” như vậy đã có
thể tạo ra những hành giả, đáp ứng tốt các điều kiện hoằng pháp trong
thời hiện đại.
Nếu các vị thân giáo sư không thể có một môi trường nghiên cứu Phật
học và tu hành độc lập tương đối cùng với các tăng ni sinh để dìu dắt
họ, thì đương nhiên, hình ảnh phấn đấu của các tăng ni sinh không phải
để có được một chỗ đứng uy tín trong các trường, viện Phật học mà sẽ là
một tư cách trụ trì với không ít những lợi dưỡng đi kèm. Ngày xưa học
tăng ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc đều muốn tìm đến tu học ở những trung
tâm đào tạo Phật học có tiếng là vì ở đó có sự hiện diện của các vị thân
giáo sư uy tín và đức độ. Tiếng tăm của Nalanda lan truyền thế giới
cũng vì lẽ ở những không gian nhỏ khoảng hơn 2 m2 trong khuôn viên
trường, luôn luôn có sự hiện diện của các bậc hành giả khả kính. Sự hội
tụ và tích hợp của hai hệ thống triết học Nguyên thủy, Đại thừa đã củng
cố và nuôi dưỡng các giá trị Phật giáo, tạo nên các kỹ năng đối thoại,
tư duy phản biện và ý chí học tập, tu dưỡng không ngừng nghỉ của học
tăng.
Dĩ nhiên, hệ thống kinh sách từ các nơi được các vị thân giáo sư và
học tăng chuyển đến cũng đã tạo cho ngôi trường có một thư viện “tự
nhiên” khổng lồ với những đầu sách ở dạng quý, hiếm, thậm chí tinh tuý. Ở
đó không chỉ là những tri thức chắt lọc đã được viết ra thành sách, mà
còn là nơi hội tụ của các tư tưởng Phật học khác nhau. Sự tham chiếu
thông qua sách vở, đối thoại, một lần nữa cung cấp cho học tăng những
trải nghiệm thú vị mà có thể nếu theo một môi trường giáo dục bình
thường khác, họ phải mất rất nhiều thời gian để tiếp cận. Một hệ thống
kinh luật luận, sách vở, giáo trình, kể cả những cảm nhận tu học trong
môi trường tập trung ấy được coi là một “hệ thống tư liệu tham khảo
sống” có vị trí quan trọng trong quá trình giáo dục Phật học. Trong một
mặt bằng khá cao của đầu vào, trải qua quá trình tinh tấn của cá nhân
các học tăng, vai trò của Ban giám hiệu cùng với sự đánh giá của tập thể
các vị thân giáo sư đối với trình độ tu tập của một học tăng nào đó đã
hơn hẳn tất cả mọi thứ bằng cấp, và chúng ta có thể nói một cách tự hào
rằng, tư cách của các học tăng đã được một tập thể học giả, hành giả uy
tín ấn chứng.
Trước tiên cần phải khẳng định giá trị của “hệ thống tư liệu tham
khảo sống” này để các học tăng ý thức tìm học ở một tâm thế phát nguyện
“cầu đạo” thiêng liêng, chứ không phải là một thứ thủ tục bắt buộc mà
tăng ni sinh phải đối phó trong quá trình tu họ c. Bởi chính tâm lý chạy
theo bằng cấp và đối phó với các môn học đã cho ra hình ảnh gian lận,
quay cóp trong thi cử. Như vậy, giáo dục Phật học ở môi trường như
Nalanda, không chỉ được định lượng qua chất lượng thi cử đầu vào mà còn
đinh tính cho nhân cách Phật học của từng học viên, để chỉ cần nghe nói
một ai đó từng theo học ở môi trường này cũng đã trở thành sự thán phục,
ngưỡng mộ của nhiều người. Với lịch sử lâu đời, nhiều trường đại học uy
tín trên thế giới cũng đã và đang làm được đó, thông qua chỉ tiêu chất
lượng hay được khảo sát đánh giá ở mức độ hấp dẫn và cuốn hút.
MÔ HÌNH NÀO CHO HỌC VIỆN PHẬT GIÁO TẠI VIỆT NAM?
Hiện nay, việc phải chạy theo chỉ tiêu của các trường đại học đã cho
ra một sản phẩm giáo dục ở chất lượng thấp. Sự khủng hoảng của nền giáo
dục phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục Phật học tại các
trường Phật học. Không chỉ việc thi cử chưa nghi êm túc, trình độ thẩm
định chưa cao mà ngay cả việc nhờ vào các mối quan hệ gửi gắm, gần như
giáo dục Phật học vẫn cho ra những sản phẩm giáo dục chưa đạt chuẩn.
Nhìn thẳng vào thực tế này để thấy sự mâu thuẫn một khi bằng cấp trở
thành chiếc bình phong để một số người mượn vào đó tìm kiếm danh lợi.
Nói thế để thấy, ngay cả ở môi trường giáo dục Phật học ở nước ngoài,
nếu thiếu một môi trường có chuẩn căn bản thì bằng cấp đó, cho dù được
ghi học vị tiến sĩ thì cũng chỉ là một thứ bằng cấp giả hiệu, nhiều khi
gây áp lực ngay cả đối với người đang nắm giữ bằng cấp ấy. Bởi lẽ chưa
nói đến vai trò tu tập giới định tuệ của một hành giả, trình độ Phật học
dẫu gì cũng phải được tăng ni sinh chứng tỏ qua khả năng nghiên cứu,
đọc viết, thuyết trình… Erasmus, một nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng
cần phải “rèn luyện khả năng diễn đạt tư tưởng hoặc bằng miệng, hoặc
bằng ngòi bút, nghĩa là nghệ thuật nói và viết” [1]
Tất cả các kỹ năng mềm, hay tư cách nghiên cứu khoa học, dù được
tiếp cận bởi các phương pháp luận nghiên cứu du nhập từ các môn học thế
tục, hay do khả năng đặc biệt tự nghiên cứu, thì mỗi tăng ni sinh cũng
phải có khả năng độc lập trong tư duy và nghiên cứu. Danh xưng và tư
cách đào tạo của một học viện, viện nghiên cứu đến từ giá trị của của
các công trình nghiên cứu Phật học chuyên sâu, với một chất lượng giáo
dục toàn diện. Giá trị của các công trình nghiên cứu Phật học đáng để
giới trí thức, khoa học tìm đến tham khảo, bao giờ cũng cao hơn giá trị
có được từ trong giảng dạy truyền miệng. Vì thế tìm đến với các học
viện, viện nghiên cứu Phật học là tìm đến những tác phẩm nghiên cứu có
giá trị, độc đáo, có nhiều khám phá thú vị, mới mẻ. Thật lạ lùng, nếu
một học viện, viện nghiên cứu Phật học mỗi năm không thể tổ chức được
một hội nghị khoa học chuyên sâu, và không thể cho ra đời các tác phẩm
nghiên cứu Phật học có giá trị.
Một môi trường hội tụ các chuyên gia Phật học không thể không cho ra
đời các tác phẩm Phật học có giá trị. Trong khi đó, ngay cả việc dịch
Đại tạng kinh, thì công tác này cũng liên quan đến nỗ lực của các cá
nhân nhiều hơn là sự kết tinh của trí tuệ tập thể. Theo các nhà chuyên
môn, riêng các công trình khảo cứu, càng tập trung trí tuệ tập thể càng
có giá trị học thuật. Vì thế, để thu hút các chuyên gia với các lĩnh vực
chuyên môn cao, đòi hòi, các nhà quản lý giáo dục Phật học phải có con
mắt tinh đời, cân bằng giữa hai mục tiêu đào tạo, đó là đào tạo ra học
giả và đào tạo ra hành giả.
Nếu tất cả các cấp học đều có một quy trình đạo tào căn bản như vậy,
thì tự bản thân nó đã có sự chắt lọc từ các cấp nhỏ, làm giảm áp lực về
trình độ đầu vào cho các cấp cao hơn. Với mục tiêu này, yêu cầu các vị
thân giáo sư giảng dạy đại học và sau đại học Phật học không nên đứng
lớp ở các trình độ từ trung cấp trở xuống. Nếu có chỉ là các buổi chia
sẻ ngoại khoá để tăng cường thêm nhận thức cũng như lý tưởng của việc
học Phật. Điều này sẽ không tạo ra sự nhàm chán do quá quen thuộc với
phong cách và phương pháp giảng dạy ở các cấp học của vị thân giáo sư từ
nơi các tăng ni sinh. Chúng ta có một lực lượng tăng ni trẻ có trình độ
đáng kể có thể đảm trách công tác giáo dục từ trung cấp trở xuống. Thực
tế “sơ cấp Phật học” cần phải được gọi đúng tên là “cơ bản Phật học”,
vì tất cả những nghi quỹ, phép tắc thiền môn cơ bản như học giới, học
oai nghi cảnh sách, học nghi lễ như tụng kinh, hành thiền, bái sám phải
khởi điểm từ việc đi đứng sao cho trang nghiêm, gõ tiếng chuông cho tròn
tiếng, cắm cây nhang cho thẳng, chưng bình hoa cho đẹp, trải cái chiếu
cho ngay… Đó là một quá trình rèn luyện thân khẩu ý qua những bài học
làm người cơ bản như giữ gìn ngũ giới, thập thiện.
Nếu giáo dục Phật học không thể tạo ra một môi trường giáo dục đặc
thù, thì một thời gian không xa nó sẽ đi vào bế tắc, thậm chí khủng
hoảng nếu cứ tiếp tục đi theo mô hình của giáo dục thế tục. Bởi đi theo
mô hình đó, đơn thuần chỉ là sự bổ sung các kiến thức và hợp thức hoá
bằng cấp cho đầu ra, như vậy giáo dục Phật học không khác gì thể hiện
một sự nguỵ thiện, lấy cái học đa văn thế tục làm thành một thứ Phật học
giả hiệu, không đến nơi đến chốn.
Nội dung nghiên cứu, đào tạo ở các “khoa”, “ban” của Học viện Phật
giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cũng ở
tại TP. Hồ Chí Minh[2] phần nào cho thấy những chồng chéo, bất cập
trong công tác nghiên cứu, giáo dục Phật học. Đó là chưa kể đến Ban
Hoằng pháp Trung ương còn mở các lớp giảng sư Cao, Trung cấp để đào tạo
hoằng pháp viên. Ở bên ngoài, vai trò của viện nghiên cứu tương đương
với các trường đại học, thậm chí lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học
phần nào còn rộng hơn.
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh có 10 ban: 1.
Ban Phật học chuyên môn, 2. Ban Hán Nôm, 3. Ban thiền học, 4. Ban Phật
giáo Nam Tông, 5. Ban Phật giáo Việt Nam, 6. Ban Phật giáo thế giới, 7.
Ban in ấn, 8. Ban thư viện, 9. Ban bảo trợ, 1 0. Ban phiên dịch anh ngữ. Trong khi đó Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh thì có 9 khoa: 1.
Khoa Hoằng pháp học, 2. Khoa Triết học Phật giáo, 3. Khoa Phật giáo thế
giới, 4. Khoa Phật giáo Trung Quốc, 5. Khoa Pali, 6. Khoa Phạn Tạng, 7.
Khoa Phật giáo Việt Nam, 8. Khoa Phật pháp Anh ngữ, 9. Khoa Phật pháp
Hoa ngữ, và các chương trình học đại cương. Trong các khoa trên,
Khoa Phật thế giới đã bao gồm nội hàm Phật giáo Trung Quốc, vì thế không
nhất thiết phải có một khoa riêng về Phật giáo Trung Quốc.
Không kể các học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, Cần Thơ (còn quá
thiếu chuẩn), chỉ nhìn vào thực tế Học viện Phật giáo, Viện Nghiên cứu
Phật học tại TP. Hồ Chí Minh, chúng ta thấy các ban, khoa tại trường
viện tăng nhanh về quy mô lẫn số người học, số người tham gia, nhưng lại
khá mất cân đối trong việc xác định mục tiêu giáo dục cho từng khoa,
nhằm đáp ứng những đòi hỏi thực tế cuộc sống. Chúng ta vẫn chưa có một
mô hình chuẩn từ nội dung giảng dạy đến các hình thức nghiên cứu khoa
học.
Chẳng hạn như Khoa Hoằng pháp học, đối tượng chính nhẽ ra phải là các
vị trụ trì, hay những tăng ni trong tương lai đi theo con đường làm trụ
trì. Vì thực tế hiện nay, vai trò “hoằng pháp” chủ yếu nằm trong tay
các vị trụ trì. Hoằng pháp đòi hỏi những kiến thức đa ngành mà một vị
trụ trì tương lai phải nắm vững. Trong khi đó, hàng năm Ban Hoằng pháp
Trung ương cũng đào tạo ra một lượng không nhỏ những giảng sư hoằng
pháp. Rõ ràng đây là một sự chồng chéo khá lãng phí thời gian và công
sức trong đào tạo, dẫn đến lượng nhiều chất ít, cái thiếu vẫn thiếu cái
thừa thì quá thừa. Chúng ta chưa tập trung trí tuệ, chưa có những tham
khảo sâu rộng từ các chuyên gia, các học giả cho vấn đề này. Do đó thực
tế người cầm trong tay bằng cấp với chuyên môn “hoằng pháp” lại rất
thiếu điều kiện và khả năng để hoằng pháp, nếu không đồng thời giữ vai
trò là một vị trụ trì, hay có các trách vụ trong bộ máy hành chính Giáo
hội.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của các trường, viện Phật học là phải
chú trọng đào tạo ra những nhà lãnh đạo Phật giáo tương lai. Vì thế cần
phải có những chuyên khoa đào tạo về lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu của
một tổ chức hành chính sự nghiệp. Đồng thời với sự mở rộng quy mô cơ sở
giáo dục từ các lớp cao đẳng, trung cấp, sơ cấp trên khắp các tỉnh
thành hiện nay, t hì chí ít trong các học viện Phật giáo cần phải có
Khoa Sư phạm Phật giáo. Vì các cử nhân Phật học tốt nghiệp từ khoa này
sẽ được chọn làm hạt nhân cho công tác giảng dạy tại các cấp Phật học
trên cả nước. Thực tế cho thấy, không phải cứ có bằng tiến sĩ chuyên môn
Phật học là có thể tham gia vào công tác giảng dạy.
Khoa Hán - Nôm Phật học cũng cần phải được chú trọng, vì tất cả những
đứt gãy, thiếu khuyết của nền văn hoá, văn học Phật giáo Việt Nam phải
nhờ vào lực lượng các chuyên gia này hàn gắn. Có như vậy, các thế hệ đi
sau mới có điều kiện hiểu thêm về giá trị văn hoá, tư tưởng của tiền
nhân. Nhiều trường viện bên ngoài, có đào tạo ngành Hán - Nôm ở cấp tiến
sĩ, nhưng thực sự những quan tâm về di sản tư liệu Phật giáo ở mức khá
giới hạn, thậm chí có nhiều thiếu sót trong các công tác phiên dịch,
giảng dạy. Sở dĩ chúng ta không nhận thức đầy đủ điều này, nên thông
thường biết chữ Hán - Nôm chỉ phục vụ cho mục đích cúng bái. Tăng ni
sinh theo học ngành này rất cần những chuyến khảo sát thực địa. Hàng
năm, học viện Phật giáo cần phải ra thông báo Hán - Nôm học, hay mở các
hội nghị khoa học liên quan đến Hán - Nôm, vì một lượng tư liệu rất lớn
trong các kho thư tịch Hán - Nôm chưa được tiếp cận. Ngay cả tư liệu rải
rác ở khắp các tự viện trong cả nước cũng chưa được phân loại hay hệ
thống lại một cách đầy đủ, khoa học. Trong khi có một thực tế khác, một
số tăng ni giỏi chữ Hán lại chỉ quan tâm đến việc dịch kinh chữ Hán,
thậm chí không ít bộ kinh có nhiều người dịch, nhưng vẫn được dịch đi
dịch lại, trong khi chỉ cần một khảo cứu, biện chính đối với các bản
dịch xem nó còn sai sót, giới hạn ở điểm nào.
Chúng ta gần như chưa có công trình Hán - Nôm nào của tăng ni về các
thư tịch khảo cổ, cụ thể qua việc hệ thống hoá, hay mã hoá các tư liệu
như bi ký, minh văn, đối liễn, mộc bản… trước khi nó mất đi theo thời
gian (như nạn trộm cắp, thiên tai, hỏa hoạn…). Trong khi chúng ta có các
trường, viện nghiên cứu và đào tạo Phật học, thế mà lại để giới nghiên
cứu bên ngoài làm thay phần việc của chính chúng ta. Tuy nhiên, ở bên
ngoài, họ có kiến thức ngôn ngữ, nhưng lại thiếu kiến thức Phật học, nên
những chú giải, biện chính có nhiều điểm còn sai lệch, thiếu chính xác.
Nếu các trường, viện Phật học của chúng ta không thể làm được những
điều như vậy, thì khoan nói về giá trị của tấm bằng đại học mà chỉ nói
đến việc giữ gìn di sản tinh thần của ông cha để lại cho đúng đạo lý
cũng đã là một khiếm khuyết.
Một phân khoa khác cũng cần được chú ý đó là Khoa Phật giáo và các
lĩnh vực công. Phân khoa này sẽ đáp ứng được các nhu cầu tiếp cận của
tăng ni về y tế, giáo dục, từ thiện, môi trường… Bên cạnh đó, cần mở
thêm Khoa văn hoá và truyền thông. Khoa này có mục đích hướng tới đào
tạo nguồn nhân lực cho hai ban quan trọng của Giáo hội, đó là Ban văn
hoá và Ban Truyền thông. Trong thời đại toàn cầu hoá, chúng ta vẫn chưa
đánh giá đúng “sức mạnh mềm” của văn hoá Phật giáo và lợi thế của truyền
thông đa phương tiện, bởi hai lĩnh vực văn hoá và truyền thông, nếu
được đầu tư tốt sẽ đáp ứng nhân sự cho các ban trị sự tỉnh, thành và ban
đại diện cấp quận, huyện, đồng thời quảng bá tốt hình ảnh của Phật giáo
Việt Nam cũng như giáo lý của đạo Phật.
Nếu mở các khoa gắn cụ thể với các ban, ngành của Giáo hội thì công
tác đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương sẽ thiết thực và hiệu quả
hơn. Vấn đề chính là xây dựng các nội dung chương trình cho từng môn học
cụ thể. Thực tế các khoa như Pali, Phạn Tạng, Phật pháp Anh ngữ, Phật
pháp Hoa ngữ cũng cần thiết, nhưng nếu chuyển sang đào tạo tại Viện
Nghiên cứu Phật học thì sẽ phù hợp hơn. Các học viện Phật giáo nên tập
trung hệ thống lại các phân khoa, dưới sự phân tích và nghiên cứu đầy đủ
về các tác động xã hội và môi trường vùng miền để phát huy thế mạnh và
hiệu quả. Ngoài các phân khoa kể trên, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương,
nên bổ sung và giao cho mỗi học viện đào tạo một khoa riêng như: Lịch sử
Phật giáo Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh), Văn học Phật giáo Việt Nam (Huế),
Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam (Hà Nội)… Đã là các học viện Phật giáo
Việt Nam thì những nội dung đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu thực tiễn
trong các công tác trọng điểm của Giáo hội. Thứ nữa, quá trình mở rộng
đào tạo ra cấp quốc tế, trong tương lai nếu các du học tăng đến Việt Nam
mà không biết gì về văn học, lịch sử, nghệ thuật Phật giáo Việt Nam thì
sẽ là một thiếu sót lớn.
Đối với các ngành khoa học, điều đầu tiên và bắt buộc của tất cả mọi
cuộc thử nghiệm là phải “quan sát đối tượng”, dùng tất cả những tri thức
để quan sát và phân tích. Khi đã xác định đối tượng một cách cụ thể thì
mới có thể đặt tên đối tượng thông qua những đặc điểm nổi bật nhất. Do
đó, cần nhìn lại hệ thống giáo dục Phật giáo khi một số khoa được mở ra
chưa tương thích với thực tế đời sống, chưa đáp ứng cho công việc của
các ban, ngành viện trung ương. Đã có những mô hình giáo dục Phật học
thành công trên thế giới để chúng ta tham khảo, kế thừa. Vấn đề là chúng
ta gia giảm liều lượng sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn Việt
Nam.
Giáo dục Phật học tương quan cụ thể đến đường hướng giáo dục của một
dân tộc. Trước tiên, cần phải nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Việt Nam
thông qua các vị danh tăng, danh nhân văn hoá lịch sử, các thư tịch khảo
cổ…, từ đó đánh giá mức độ ảnh hưởng và các trào lưu tư tưởng Phật học
từ quá khứ đến hiện tại. Chúng ta vẫn chưa thấy một sự nhập cuộc thực sự
của trí tuệ tập thể cho một mô hình giáo dục Phật học có chuẩn trong
tương lai gần. Giáo dục Phật học cần được nhìn ở một tổng thể những giá
trị tương quan, ảnh hưởng bởi các quy tắc ứng xử trong xã hội. Làm sao
nhìn và các biểu hiện phong phú, đa dạng đó mà thấy được tính cách và
bản sắc của một quốc gia với đa số người dân ảnh hưởng bởi văn hoá Phật
giáo, đồng thời khẳng định rằng nền giáo dục Phật học chính là nền giáo
dục Tâm học, có khả năng bổ sung các giá trị giáo dục nhân văn cho nền
giáo dục quốc gia.
THÍCH THANH THẮNG
Uỷ viên Ban Văn hoá Trung ương GHPGVN
[1] Trần Thị Phương Hoa, Giáo dục trong mối quan hệ với triết học - quan điểm từ châu Âu, www.viet- studies.info.
[2] Tham khảo từ website của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học
viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh - Nguồn:
http://vncphathoc.net/; http://www.vbu.edu.vn/