Thể của tâm
Luận Đại Thừa Khởi Tín
của ngài Mã Minh nói:
“Thể
của tâm lìa tất cả niệm, nghĩa là vốn vô niệm. Nó như hư không, không chỗ nào
mà chẳng bao trùm khắp. Pháp giới Một Tướng này tức là Pháp thân bình đẳng của
Như Lai, Pháp thân này còn gọi là Bản giác.
Một
niệm tương ưng (với thể của tâm), biết rõ được tâm vô minh sơ khởi, tâm không
còn tướng sơ khởi của vô minh. Vì xa lìa vọng niệm vi tế nên thấy được bản tánh
của tâm. Chứng được tâm vốn thường trụ gọi là Cứu cánh giác.
Bởi
thế trong Khế Kinh nói rằng: ‘Nếu chúng sanh quán vô niệm thì chúng sanh đó đã
hướng về trí Phật’”.
Thể
của tâm, hay bản tánh của tâm, vốn là vô niệm, nghĩa là không có tư tưởng phân
biệt, chia cắt, không có vọng tưởng. Vì vô niệm, nó là thanh tịnh, các tư tưởng
không thể đạt đến và phá hư bản tánh của tâm. Trong nghĩa đó, nó không thể bị
nhiễm ô bởi những tư tưởng. Nó còn được gọi là Pháp thân, Bản giác, Chân Như,
Phật tánh…
“Tâm
này từ xưa đến nay, tự tánh vốn thanh tịnh. Chân tâm thì vốn không có phân biệt.
Nhưng bởi có vô minh nên có tâm nhiễm ô. Tuy có tâm nhiễm ô, nhưng bản tánh của
tâm vẫn thường hằng bất biến. Bởi thế chỉ Đức Phật mới thấu rõ nghĩa này. Bản
tánh của tâm thường vô niệm nên gọi là bất biến”.
Tóm
lại, thể của tâm hay bản tánh của tâm là tánh Không. Nói theo sự lập tông của Lục
Tổ Huệ Năng, nó là Vô niệm, Vô tướng, và Vô trụ.
Nhưng
nó không phải là một cái không có gì cả, một cái hư không vô tri; Luận Đại Thừa Khởi Tín ví nó như tấm
gương sáng và có đủ tất cả các công đức:
“Lại
nữa, tự thể và tự tướng của tâm Chân Như, ở nơi tất cả các phàm phu, Thanh Văn,
Duyên Giác, Bồ-tát, chư Phật, từ xưa đến nay chưa hề tăng giảm, chẳng phải trước
kia thì sanh, về sau thì diệt. Nó rốt ráo thường hằng như vậy. Từ xưa nay, tánh
Chân Như vốn tự sẳn đủ tất cả công đức. Như là:
- Đại
trí huệ quang minh
- Chiếu
soi khắp pháp giới
- Chân
thật rõ biết
- Tự
tánh của tâm vốn thanh tịnh
- Thường,
Lạc, Ngã, Tịnh
- Tự
tại trong mát không biến đổi”.
Thể
của tâm, hay bản tánh của tâm, vốn vô niệm, các tư tưởng không thể làm nhiễm ô,
biến chất nó được. Cái vốn giải thoát đó có sẵn và đầy đủ nơi mỗi chúng ta. Hiện
giờ chúng ta đang có nó, đây là Nền Tảng cho mọi sự thực hành của chúng ta.
Tất
cả các pháp tu, dù đó là Chỉ, Quán, Chỉ Quán song tu, mọi hạnh cho đến niệm Phật,
trì chú, quán tưởng Bổn tôn… đều y cứ vào Nền Tảng này. Đó là Đại thừa.
Dụng của tâm
Dụng
của tâm là những tư tưởng, những xúc cảm đang khởi lên của chúng ta. Dụng của
tâm là mọi biểu lộ của tâm thành tư tưởng, xúc cảm… có thể cảm nghiệm được. Chỉ
tiếc rằng những tư tưởng, xúc cảm ấy đều bị nhiễm ô, đều bị “cái ta và cái của ta” pha trộn đủ thứ màu sắc
thương ghét, đều bị vô minh làm hôn ám, méo mó, đông cứng, tê liệt. Chính những
cái làm cho nhiễm ô, méo mó này khiến chúng ta đau khổ và lạc lõng trong sanh tử.
Thật ra, cái trói buộc chúng ta chính là những tư tưởng và xúc cảm bị méo mó của
chúng ta. Sanh tử chính là những tư tưởng và xúc cảm bị méo mó của chúng ta, chứ
bản thân sanh tử không hề có.
Thế
nên, chúng ta phải chuyển hóa chúng, tịnh hóa chúng khỏi bị nhiễm ô, đưa chúng
trở lại thật thể và thật dụng của nó. Nói theo hệ thống Duy Thức, sự chuyển hóa
ấy là: A-lại-da thức chuyển thành (hay chuyển trở về, chuyển lại) Đại viên cảnh
trí, Mạt-na-thức chấp ngã chuyển thành Bình đẳng tánh trí, ý thức phân biệt
chuyển thành Diệu quan sát trí, và năm thức giác quan chuyển thành Thành sở tác
trí. Đây là sự chuyển giả về chân, chuyển vọng về thật… của Đại thừa. Nền tảng
và kết quả của sự chuyển hóa này y cứ trên sự thật là thể và dụng chỉ là một,
như sóng và nước đại dương là một, như bóng trong gương và gương là một.
Ai
cũng có dụng của tâm, phàm cũng như thánh. Nhưng không biết (vô minh) dụng ấy của
tâm sẽ đưa chúng ta vào sanh tử khổ đau. Còn tịnh hóa được nhiễm ô, thấu rõ được,
thì những dụng của tâm ấy sẽ đưa chúng ta trở lại thật tướng của sanh tử là Niết-bàn
an lạc.
Về
thật dụng của tâm, Luận Khởi Tín nói:
“Thể
và tướng (hay dụng) của tánh giác này đồng như hư không, giống như tấm gương
sáng sạch.
Gương
này có nghĩa Như Thật Bất Không, tất cả cảnh giới thế gian đều hiện trong đó,
chẳng ra chẳng vào, không mất không hoại. Đó là Nhất Tâm thường trụ, trong đó tất
cả các pháp chính là thật tánh vậy”.
“Tất
cả cảnh giới, từ xưa đến nay, vốn là Nhất Tâm, lìa tất cả mọi tưởng niệm. Chỉ
vì chúng sanh mê vọng thấy ra cảnh giới, cho nên tâm có phân biệt, chia cắt. Vì
vọng khởi các tưởng niệm, chẳng tương ưng với pháp tánh, nên mê mờ chẳng thể thấu
hiểu rõ ràng.
Chư
Phật Như Lai đã lìa mọi cái thấy, mọi tưởng, nên tâm không chỗ nào không
hiện
diện. Tâm chân thật ấy là tánh của tất cả các pháp. Tự thể chiếu soi rõ
suốt tất
cả các pháp, có đại trí dụng vô lượng phương tiện, tùy chúng sanh hợp
với chỗ hiểu nào đều có thể khai thị mọi nghĩa của Pháp, cho
nên được gọi là Nhất thiết chủng trí”.
Cũng
một thể và dụng của Nhất Tâm , nhưng chúng sanh thì biết một cách sai lầm, sử dụng
một cách sai lầm, mà càng lúc càng lạc xa khỏi thật tánh của tất cả các pháp
chính là Nhất Tâm ấy.
“Thế
nên, tất cả chúng sanh không được gọi là Giác, bởi vì từ xưa đến giờ niệm niệm
tương tục, chưa từng lìa niệm, đó gọi là vô minh vô thủy.
Nếu
được vô niệm thì biết tướng sanh trụ dị diệt của tâm (của các niệm) đồng với vô
niệm. Thật ra bản giác vô niệm này không khác với thủy giác. Chỉ do bốn tướng
sanh trụ dị diệt cùng lúc nương nhau mà có, đều không tự lập (đều vô tự tánh).
Tâm (vô niệm hay hữu niệm) xưa nay vốn bình đẳng, đồng một tánh Giác”.
Niệm
sanh trụ dị diệt đều duyên sanh vô tự tánh, thấy được sự vô tự tánh của tất cả
các niệm thì ngay đó niệm vốn giải thoát.
Nói
cách khác, niệm sanh trụ dị diệt đồng với vô niệm, niệm đồng với vô niệm thì niệm
vốn giải thoát.
“Tất
cả các pháp đều từ tâm mà khởi, từ vọng tâm mà sanh. Thế nên tất cả phân biệt
là phân biệt trong tâm và của tâm. Nhưng tâm thì không thể thấy, không có hình
tướng gì để có thể đắc. Phải biết tất cả cảnh giới của thế gian đều do vọng tâm
vô minh của chúng sanh mà tồn tại. Thế nên tất cả pháp, như bóng trong gương,
không có thật thể để đắc, chỉ là tâm hư vọng. Tâm sanh thì mọi thứ pháp sanh,
tâm diệt thì mọi thứ pháp diệt”.
Tất
cả tướng và tưởng là do phân biệt sanh, sự vọng sanh này là của tâm và ở trong
tâm. Nhưng tâm “không có tướng gì để đắc”, nên tất cả các tướng và tưởng cũng
không có tướng gì để đắc. Tâm vô tự tánh, vô tướng nên tất cả các tướng và tưởng,
dù chân hay dù vọng, là vô tự tánh và vô tướng, nghĩa là chúng vốn giải thoát.
Tâm
sanh thì mọi thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt. Nhưng tâm vốn là vô
sanh, nên các tướng và tưởng cũng là vô sanh. Thể của tâm vốn là giải thoát, thế
nên dụng của tâm cũng vốn là giải thoát.
Như
vậy, những pháp môn của Phật giáo, dù chỉ, quán, chỉ quán song tu hay các
Ba-la-mật, các hạnh, các thực hành khác… đều nhằm mục đích thấy được thật thể
và thật dụng của tâm, hay dùng một thuật ngữ khác, thấy cho được thật tánh và
thật tướng của tâm. Chính cái thấy này đưa chúng ta đến giải thoát và giác ngộ.
Về
vấn đề này, Guru Padmasambhava, trong bối cảnh của Đại Toàn Thiện (Dzogchen),
thừa cao nhất trong hệ thống Mật giáo của ngài, đã nói như sau:
Quả thật, bản tánh của tâm thì trống
không và không có nền tảng nào cả.
Tự tâm con thì không chất thể như bầu
trời trống không.
Chỉ để những tư tưởng ở trong thật
tướng của chúng,
Không cố gắng sửa sang chỉnh trị
chúng, thế là đủ.
Bởi vì sự sanh khởi của những tư tưởng
và sự được giải thoát của chúng xảy ra đồng thời.
Những hình tướng trống không trong
chính chúng, trở nên tự giải thoát:
Tịnh quang và tánh Không bất khả
phân là Pháp thân.
Bản thân những hình tướng thì không
có lầm lỗi, nhưng do bởi sự bám níu của con vào chúng, mà có những lầm lỗi.
Nhưng nếu con biết rằng những tư tưởng
bám lấy sự vật ấy là tâm, bấy giờ chúng sẽ được giải thoát bởi tự chúng
Mọi sự xuất hiện chỉ là một biểu lộ
của tâm.
Quả thật tất cả những hình tướng xuất
hiện được giải thoát vào thực tánh của chúng.
Giống như những đám mây trong bầu
trời là tự phát sanh và tự giải thoát.
Giống như những làn sóng và nước đại
dương không phải là hai.
Bất cứ những tư tưởng nào sanh khởi
đều được giải thoát vào trong trạng thái vô niệm tự nhiên của tâm.
(Self-liberation
through seeing with Naked Awareness,
Tự
giải thoát qua sự thấy với tánh Giác trần trụi, của Padmasambhava,
Vajranatha dịch, Snow Lion 2000).
Chính
vì sự bám giữ của chúng ta vào các hình tướng, không để cho chúng theo như bản
chất của chúng là tự giải thoát vào trong thật tánh của chúng, mà có ra sanh tử đối với chúng ta.
Chính vì không để cho những tư tưởng y như chúng là, như những làn sóng vốn là
nước và có sanh có diệt cũng chỉ là nước. Thậm chí sự sanh khởi của chúng và sự
diệt, sự được giải thoát của chúng xảy ra đồng thời. Chính vì không để cho những
đám mây tư tưởng tự giải thoát, tự tan biến trong bầu trời của tâm, mà cứ cố gắng
sửa chữa chỉnh trị hay phá tan chúng mà những đám mây vốn vô tự tánh trở thành
có thực, từ đó sanh tử trở thành có thực.
Một
cách cụ thể, nếu chúng ta luôn luôn an trụ trong bầu trời của tâm, những đám
mây tư tưởng sẽ tự chúng giải thoát, sẽ tự tan biến vào trong bản chất của
chính chúng là bầu trời.
Vì
không tin, không trực tiếp thể nghiệm, cho nên không thấy thể của tâm vốn là vô
niệm, như bầu trời trong sáng mà không một đám mây tư tưởng nào làm nhiễm ô được,
che lấp được, nên chúng ta không sống được Bản giác hay Pháp thân vốn thường trụ
tại đây và bây giờ của chúng ta. Vì không tin cho nên không thấy dụng của tâm
là những tư tưởng mà “sự sanh trụ dị diệt của chúng đồng với vô niệm”, nghĩa là
vốn tự giải thoát, như những đám mây tự sanh tự diệt trong bầu trời, thế nên
chúng ta không sống được cái dụng thanh tịnh của tâm: “tâm định hay không định,
có tướng hay không tướng, xưa nay vốn bình đẳng, đồng một tánh giác”.
Thể
của tâm là tánh Không, dụng của tâm là sắc thọ tưởng hành thức. Trong thật tướng,
dụng và thể là một, “sắc tức thị Không”, “thức tức là Trí”. Nếu không có dụng của
tâm là sắc, nếu không có sắc thì không có gì để học hiểu Không và để Không có
thể hiển bày với chúng ta. Nếu không có dụng của tâm là thức thì không có gì để
thấy Không, hay Trí. Nếu không có bóng (trong gương) thì không có gì để gương tự
hiển bày. Nếu không có sóng thì cũng khó có thể thấy nước của đại dương.
Cái
đầu tiên của số phận con người là kinh nghiệm sanh tử và cũng chính sanh tử là
cái trói buộc con người làm con người luân hồi liên tục không dứt. Nhưng cũng
nhờ chính sanh tử mà con người có thể nhìn thấy thật tướng của sanh tử là Niết-bàn,
và do đó có tự do giải thoát.
Người
theo Đại thừa không vội vã bỏ cái dụng của tâm, không vội vàng bỏ chạy khi thấy
con rắn, mà thực ra chỉ là sợi dây thừng. Người ấy thực hành để dần dần nhìn ra
thể của dụng, thật tánh và thật tướng của dụng, và do đó sử dụng cái dụng này
đúng đắn hơn, rõ biết thật tướng của dụng, để từ đó mà có tự giác, giác tha.
Khi ấy dụng của tâm chính là cái mà Đại thừa gọi là “phương tiện thiện xảo”.
Chúng
ta trở lại với Thiền tông Việt Nam mà cốt lõi của nó là rõ tâm: “cốt chỉ rõ
tâm” (Trần Thái Tông, Phổ khuyến phát Bồ-đề
tâm).
Về
thể và dụng của tâm, chúng ta chỉ trích đoạn đầu trong bài Phật Tâm ca của Huệ Trung thượng sĩ:
Phật! Phật! Phật! Không thể thấy!
Tâm! Tâm! Tâm! Không thể thuyết!
Nếu tâm sanh, đó tức Phật sanh
Nếu Phật diệt, đó tức tâm diệt
Diệt tâm còn Phật làm sao có
Diệt Phật còn tâm bao giờ xong
Muốn biết tâm Phật, tâm diệt sanh
Hãy chờ mai sau Di Lặc quyết.
Xưa không tâm
Nay không Phật
Phàm thánh trời người như ánh chớp
Thể tâm không thị cũng không phi
Tánh Phật chẳng hư cũng chẳng thực
Bỗng nhiên khởi
Bỗng nhiên dừng
Qua lại xưa nay giả vòng vo
Đâu chỉ thừa tổ tông mai một
Lại khiến yêu ma loạn trong nhà.
Muốn cầu tâm
Chớ ngoài tìm
Bản thể như nhiên tự không tịch
Niết-bàn sanh tử buộc ràng suông
Phiền não Bồ-đề không đối địch.
Tâm tức Phật
Phật tức tâm
Diệu chỉ linh minh suốt cổ kim
Xuân đến tự là hoa cười mỉm
Thu về đâu chẳng nước thu trong
Bỏ vọng tâm
Giữ chân tánh
Như người bỏ gương mà tìm bóng
Nào hay bóng hiện ở trong gương
Chẳng biết vọng từ trong chân hiện
Vọng đến không thực cũng không hư
Gương nhận không tà cũng không
chánh…
Văn
Hóa Phật Giáo số 153