Phật Học Online

Phật giáo không có chuông rung thiên long tam cõi

 “Trong nhà Phật, không hề có chuông nào được gọi là "chuông rung thiên long tam cõi" dùng để thờ phượng hoàng, mà chỉ có chuông bảo chúng, chuông U Minh… được đặt thờ trong các tự viện hiện nay” - Đại đức Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm (Biên Hòa - Đông Nai) cho biết.


 

 
Nhắc về chiếc chuông cổ, lạ có hình Phật, vừa được tìm thấy tại Phú Yên, Đại đức Thích Minh Trí cho rằng điều này khiến không ít người nghi ngờ.
 
Theo Đại đức, 3 vị Phật trên chuông ấy là hình ảnh của ngài Bồ-tát Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen, một tay cầm nhành dương liễu, một tay cầm bình cam lồ.
 
Còn cái được gọi là những "ký tự tượng hình theo tiếng Hán cũ" trên thân chuông thật sự chỉ là bài Bát Nhã Tâm Kinh được viết bằng chữ Hán thông thường. Người nào biết chữ Hán cũng đều có thể đọc được đó. 
 
Bài kinh ngắn này có 260 chữ, nói về Tánh Không của Phật giáo Đại Thừa mà Bồ tát Quán Tự Tại, tức Bồ-tát Quán Âm chứng đắc. Nó cũng là bản kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.
 
Riêng về các hoa văn họa tiết được khắc trên cái chuông này cũng chẳng có gì đặc biệt, thậm chí đúc khá thô thiển. Mầu sắc của chiếc chuông nhìn qua rõ ràng không phải là mầu đồng nguyên thủy, mà chỉ là mầu xi mạ chúng ta thường thấy trên các đồ vật làm giả đồng cổ ngày nay.
 
Về kiểu dáng của "chiếc chuông cổ được cho thuộc hàng đại quý hiếm", theo thầy Minh Trí nhìn khá giống với chiếc đại hồng chung cổ được triển lãm tại một viện bảo tàng của Trung Quốc trước đây, nhất là phần bên dưới của chuông, phần quai treo chuông đã được thay thế bằng hai thỏi vàng giả.
 
Bên cạnh đó, trong nhà Phật, không hề có cái chuông nào được gọi là "chuông rung thiên long tam cõi" dùng để thờ phượng hoàng, mà chỉ có chuông bảo chúng, chuông U minh… (đại hồng chung), dùng để báo tin cho chư Tăng/Ni biết những lúc: Nhóm họp chúng, thọ trai, giờ chấp tác (lao động,làm việc đã được phân công), giờ bái sám trong các tự viện.
 
Các ký tự tượng hình theo tiếng Hán cũ khắc trên chuông lạ, cổ ở Phú Yên (ảnh http://phatgiaovnn.com)
Các ký tự tượng hình theo tiếng Hán cũ khắc trên chuông lạ, cổ ở Phú Yên (ảnh http://phatgiaovnn.com)
 
Từ những phân tích trên thầy Minh Trí nhìn nhận chiếc chuông được cho là cổ, lạ vừa tìm thấy ở Phú Yên có thể chỉ là chiếc chuông nhái đại hồng chung theo kiểu giả cổ.
 
Có thể đây chỉ là chiếc chuông bình thường, bên Trung Quốc người ta vẫn thường bày bán làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Và giá trị thực của chiếc chuông "đại quý hiếm" này không quá vài trăm ngàn đồng. Điều này muốn biết đúng hay sai các nhà khoa học, khảo cổ cứ kiểm tra là rõ.
 
Trước đó, một số phương tiện truyền thông đăng tin ông Nguyễn Bông (SN 1964, trú tại H.Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đang sở hữu một chiếc chuông cổ thuộc hàng quý hiếm.
 
Đó là chiếc chuông có vóc dáng khá nhỏ bằng đồng, chiều cao khoảng 14-16cm, nặng gần 0,5 kg, đường kính lòng chuông khoảng 10cm. Trên thân chuông là 3 vị phật ngồi khoan thai, nối giữa là những ký tự tượng hình theo tiếng Hán cũ, trên đầu chuông có hình một con rồng in nổi. Chuông có màu nâu đỏ trông rất đẹp mắt.
 
Về nhà ông đem chuông đến nhờ các nhà khảo cổ, trong và ngoài tỉnh xem nhằm xác định gốc tích, ký tự, niên đại và giá trị của chuông nhưng do trước đó không một ai thấy chiếc chuông này bao giờ nên không thể giải đáp những thắc mắc của ông.
 
Một số cao tăng qua nghiên cứu sách vở cho rằng, đây đích thị là chiếc “chuông rung thiên long tam cõi” là vật dùng để thờ phượng hoàng thuộc hàng đại quý hiếm.
 
Hoài Lương


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage