Đây
là lần đầu tiên chúng tôi được thăm viếng và làm quen quý Phật tử. Qua
lời giới thiệu của Thầy chúng tôi, sáng nay chúng tôi được phép thay
nhọc cho Thầy nói chuyện Phật pháp tại Thiền tự Vạn An cùng quý Phật tử.
Lâu
nay ở quê nhà, có một số Phật tử phát tâm tu học và đủ điều kiện thực
hành công phu tu tập. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết nỗi ưu tư lớn của quí
vị là “Làm sao áp dụng được Phật pháp một cách chín chắn vào đời sống của mình?”.
Phật
tử cũng nhận biết rõ nếu như chỉ hiểu Phật pháp, dù hiểu nhiều, hiểu
sâu sắc, nhưng thiếu phần áp dụng chúng ta cũng không thể gọi là người
thâm nhận hoặc hưởng được giá trị thiết thực của Phật pháp.
Quả
thật như thế, dù chúng ta có để tâm nghiên cứu học hỏi các phương pháp
tu hành thật nhiều, nhưng không có phần hành trì, không hạ thủ công phu,
thì cái hiểu của chúng ta cũng chỉ là hiểu, là kiến giải thôi. Vì vậy
quí Phật tử nên quan tâm đến phần thực hành nhiều hơn. Công phu là công
phu của chính mình, chứ không phải của ai hết. Chúng ta cũng không thể
đợi chờ, ỷ lại vào một vị thầy nào. Ngay bây giờ, điều thiết yếu nhất là
mỗi vị phải áp dụng tu hành. Người xưa dạy: Phật pháp không nhiều,
người bền lâu khó có. Học đạo như tâm ban đầu thì thành đạo hẳn có thừa.
Trước sau không hề đổi, mới thật là người học Phật.
Qua
lời dạy trên chúng ta thấy rõ, hiểu sâu hay nghiên cứu nhiều, mà không
quan tâm đến phần hành, phần tu thì không mong có ngày thành tựu. Phật
pháp không nhiều, quí ở giữ tâm ban đầu, thực hành chuyên nhất, mới thật
là người để tâm tới việc học Phật. Chúng ta nắm được chìa khóa, biết
cách mở cửa, chúng ta có thể mở được cửa vào nhà. Người đủ điều kiện mở
cửa vào nhà mà cứ đi loanh quanh bên ngoài, chưa chịu mở cửa vào nhà,
thì vẫn chịu kiếp lang thang.
Chư
Phật, Bồ-tát, các bậc Thánh hiền, những vị thiện hữu tri thức của chúng
ta đều đã qua các giai đoạn thể nghiệm thật là sâu sắc, đến nơi đến
chốn, do vậy các ngài được an lạc. Những gì các ngài dạy lại chúng ta
đều từ sự thể nghiệm ấy. Người tu Phật không phải là triết gia, không
phải thi sĩ, không phải học giả, mà là một người hành giả. Chúng ta chỉ
có thể căn cứ từ nơi mình mà luận bàn, hơn là cứ tìm tòi chạy kiếm bên
ngoài. Chúng ta nói tu học, nói áp dụng Phật pháp mà không trị được
phiền não, không hết điên đảo lăng xăng, những mê mờ còn đọng lại trong
lòng quá nhiều thì chưa thể gọi là tu Phật. Bởi vậy gặp chướng duyên tập
khí tham, sân, phiền não, ganh tỵ, đố kỵ… dấy khởi lẫy lừng. Cho nên
người con Phật phải quan tâm đến việc tu học của mình.
Người xưa dạy Phật pháp không có nhiều,
tức là pháp Phật nói ra chung quy cũng chỉ có những điểm then chốt, chỉ
mê khai ngộ giúp chúng sanh ta nhổ sạch gốc vô minh, phiền não. Những
ai nhận được, hành trì đúng đắn, thể nghiệm hay sống được với thật pháp,
nhất định có an lạc. Không nhất thiết chúng ta phải hành trì hết cả
loạt những kinh điển đã được học, chỉ cần hành một phần nào trong đó
thôi, cũng đã có an lạc rồi. Có khi ta học nhiều, nhớ thuộc, hiểu biết,
trình bày càng nhiều càng làm loạn tâm thêm. Bởi vì như thế là tăng
trưởng kiến giải, mà tăng trưởng kiến giải thì không thể an định được.
Chúng
ta chỉ cần hiểu những điều chính yếu và khế hợp với căn cơ của mình thì
có thể ứng dụng tu được rồi. Nắm được phương thức đó, nhất định chúng
ta sẽ giác ngộ, giải thoát. Người xưa dạy Phật pháp không nhiều rất hay,
bởi vì nếu Phật pháp nhiều, chúng ta sẽ không hành trì hết. Ta hành trì
pháp thích hợp với mình, còn những phần khác hiểu qua thôi. Ví dụ kiểm
nghiệm lại bản thân mình hay nóng nảy, nhớ lời Phật dạy quán từ bi trị
bệnh nóng nảy thì nhắm thẳng phương pháp đó mà hành, nhất định hành cho
đến nơi đến chốn. Có thế ta mới trị được bệnh nóng nảy của mình.
Học
Phật pháp là để trị bệnh. Bệnh của chúng sanh là bệnh từ nhiều đời, nên
thời gian điều trị không thể mau được. Do chúng ta mê lầm nên bị cuốn
theo dòng thác sanh tử. Những tật xấu, những tập khí, những tham sân
phiền não đã ăn sâu gốc rễ, nếu không bền lòng tận lực thì khó mong hết
nổi. Biết như thế, bây giờ chúng ta nhắm ngay bệnh của mình mà trị.
Chúng tôi rất tâm đắc với lời dạy Phật pháp không có nhiều. Chỉ cần nắm phần chính, phần thực sự khế hợp với mình và quyết tâm hành trì.
Phật
pháp mình hiểu là để áp dụng cho mình, trị bệnh của mình. Những huynh
đệ đồng tu đồng học là những người cùng một lý tưởng, một khuynh hướng,
một nhân duyên với mình. Đối với những vị này chúng ta nên hỗ trợ động
viên để cùng tu cùng học. Thật ra nói cùng tu cùng học chứ thực tình
việc tu học là cho chính mình, chứ không cho ai hết.
Người lâu bền khó có,
là người có kiên tâm, có ý chí hành trì Phật pháp đến nơi đến chốn thật
hiếm. Không phải không có, nhưng rất hiếm. Bản thân chúng ta cũng vậy,
buổi sáng vui buổi chiều buồn, sáng phấn khởi, giữa trưa lại muốn bỏ
cuộc, đại khái như thế. Nghĩa là chúng ta có bệnh bất nhất. Bởi bất nhất
nên phần hành có nhưng quyết tâm bền chí, dũng mãnh tu tập cho đến nơi
đến chốn thì rất ít người được. Người xưa phát tâm tu tập chừng nào bằng
Phật mới vừa lòng, về phần này chúng ta thua người xưa nhiều.
Nghiên
cứu lại lịch sử tu hành của các tổ Trúc Lâm, chúng ta thấy Sơ Tổ Trúc
Lâm, là một ông vua anh hùng của dân tộc. Khi Ngài đi tu đã hành hạnh
đầu đà, đạt đạo dưới rừng trúc nên gọi là Tổ Trúc Lâm. Chúng ta cứ ngỡ
một người quyền uy như thế, hưởng thụ như thế, chắc không tu nổi, mà nếu
có tu cũng dễ rơi vào tình trạng bất nhất của mình. Nhưng không! Ông
vua Việt Nam đi tu, lên rừng trúc tu hạnh đầu đà năm sáu năm trường, ngộ
đạo rồi mới ra hoằng pháp lợi sinh. Cho nên bây giờ mới có hai bài Ngài
viết để lại cho chúng ta là “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền
thành đạo”.
Người
xưa đã làm được thì ngày nay chúng ta cũng làm được. Tổ thời Trần của
tu như vậy, chúng ta cũng tu được như vậy. Các Ngài tu đắc lực, giác ngộ
sáng được việc của mình, hôm nay chúng ta tu cũng giác ngộ, sáng được
việc của mình. Bởi vì tinh thần giác ngộ, siêu thoát đó không dành riêng
cho ai. Nó là thành quả dành cho các hành giả có tâm quyết liệt, khẳng
định trong công phu tu tập. Vì vậy người tu phải có ý chí, kiên tâm bền
bĩ, nhất định tu thành công.
Tâm
ban đầu của chúng ta nếu được gìn giữ bảo quản liên tục, thì không có
khó khăn nào, trở ngại nào ngăn cản bước chân ta nổi. Tâm ban đầu là tâm
giác ngộ, tâm cầu thành Phật. Người tu nếu phát khởi tâm đó rồi, nuôi
dưỡng liên tục trong suốt quá trình tu hành, nhất định tu sẽ thành công.
Quý Phật tử nên nhớ phải phấn chí phát nguyện tu hành chừng nào bằng
Phật mới vừa lòng mình, không thay đổi, không vì một sự duyên gì làm trở
ngại việc tu hành cả. Nếu tất cả những người con Phật phát tâm tu hành,
phát tâm học đạo giữ được tâm ban đầu của mình thì số người thành Phật
rất nhiều.
Chúng
ta có thấy được chỗ thâm yếu, vi diệu của Phật pháp thì mới phát tâm
tin kính hướng về. Tu hành là tự nguyện, chứ không phải ai bắt buộc hết.
Chúng ta phát tâm tìm hiểu, đến với đạo và học đạo. Chắc chắn quí vị
thấy được giá trị đặc biệt của đạo mới đến với đạo. Ở ngoài đời, nếu nói
về danh vị, nhiều Phật tử đã có danh vị, nhưng rõ ràng nó không thật sự
đem đến an lạc, nên quí vị mới hướng về đạo. Khi vào đạo, biết được giá
trị của đạo, chúng ta mới quyết tâm hành trì. Dù công phu có những trở
ngại, nhưng cảm nhạân giá trị của đạo, chúng ta quyết tâm từng bước đi
lên, như thế nhất định sẽ sáng đạo.
Sáng
đạo là gì? Chúng ta có thể sáng đạo được không? Được. Trước nhất nói
đến tinh thần áp dụng đạo vào trong sống. Có người bảo: Đạo lý thì nói
giải thoát mà đời sống là va chạm, phiền não, lăng xăng… Hai con đường
ngược nhau, làm sao áp dụng để đạt đạo? Thưa quý vị, nghe qua thì như
thế, nhưng thực sự đạo lý là để áp dụng vào đời sống. Đời sống có phiền
não lăng xăng mới có chỗ cho chúng ta áp dụng đạo lý chứ. Chính cái mâu
thuẫn ấy mới giúp chúng ta thành tựu được đạo lý trong cuộc đời. Người
tu phải khéo, khéo áp dụng thì lợi lạc của đạo lý nằm trong tầm tay.
Chúng ta có thể nắm được, đến được, sống được đạo lý đó. Và vì thế,
chúng ta có thể an lạc, giải thoát.
Trước
chúng ta có những bậc huynh trưởng, các ngài đã thành tựu. Ngày nay
trên bước đường chúng ta đi, có bản đồ, có sự chỉ dẫn rõ ràng của những
người đi trước, nhất định chúng ta cũng sẽ thành tựu nếu chịu cất bước.
Song, nếu thiếu tâm bền lâu, không có ý chí thì khó mong thành tựu.
Người tuy hiểu đạo nhưng không có tâm bền lâu, không có ý chí, sự hành
trì một nắng mười mưa, bước tới một bước bước lùi ba bước, thì đi tới
đâu. Thành ra ở đây đòi hỏi chúng ta phải có ý chí. Có ý chí làm việc gì
cũng đến nơi đến chốn. Người gặp khó khăn bỏ cuộc, gặp trở duyên nản
lòng sẽ không đi tới đâu.
Khi
thấy được chỗ thâm diệu đặc biệt của giáo pháp, chúng ta học và yên tâm
hành trì, nuôi dưỡng phát huy ý chí. Phải kiên cường, phải bền lâu,
phải vững mạnh. Năm này chúng ta chưa làm được thì cuối năm hoặc đầu năm
tới phải làm được. Ta không bỏ cuộc, không nản lòng, mà kiên tâm dứt
khoát sẽ thực hiện được. Người có công phu hành trì rồi thì lòng sẽ rực
sáng. Chúng ta khắc phục được một phiền não, trị được một cái dở của
mình là bước được một bước trong công phu, trong lòng ta có niềm vui, có
sự phấn khởi. Niềm vui đó sẽ là đà tiến, là cơ hội để chúng ta bước
tới. Niềm vui đó lần lần sẽ tròn đầy, sáng rực trong lòng chúng ta.
Người
tu theo đạo Phật nếu không vững niềm tin, không có niềm vui, sẽ không
tu đến nơi đến chốn. Những niềm vui ấy không phải tìm bên ngoài, mà lưu
xuất từ công phu hành trì của chúng ta. Ví dụ trước khi bắt đầu công
phu, mình có bệnh nghe ai nói trái tai là hờn trong lòng. Hờn rồi tự
nhiên bủn rủn, không muốn tu hành nữa, công phu cũng công phu mà dã
dượi, không có nhuệ khí, không tăng tiến được. Những loại phiền não nho
nhỏ như thế len lỏi trong lòng, chúng ta không có cách đẩy lui, nó sẽ
phát triển. Nó phát triển trong các sự duyên, trong đời sống, trong tiếp
cận hằng ngày của chúng ta. Càng phát triển nó càng làm mình không muốn
tu nữa, cuối cùng tâm Bồ-đề lui sụt và chúng ta mất hết công phu, bỏ tu
luôn.
Tôi
nói những tùy phiền não thôi, không phải những phiền não chính như
tham, sân, si mà còn nguy hại như vậy. Nếu chúng ta không có cách trị
nó, chúng sẽ phát triển. Một hôm nào đó cái buồn sẽ buồn hơn, cái hờn sẽ
hờn hơn v.v... Từ đó chúng ta không còn năng lực tăng tiến trên đường
đạo. Tâm cứ u mê, mờ mờ mịt mịt, buồn thì không buồn hẳn nhưng nghe
phiền phiền trong lòng, dã dượi lười biếng lắm. Nếu chúng ta không quyết
tâm, tùy phiền não khởi lên rất nhiều trong một ngày. Nó ở đâu mình
cũng không biết nữa, nhưng cứ hiện ra một cách u u ám ám vậy. Loại này
nếu không dứt khoát rất khó trị. Cho nên người không sáng suốt, không
quyết tâm đối với Phật đạo khó thực hiện đến nơi đến chốn. Phải mãnh
liệt lên, mình mới vui vẻ, tăng tiến được.
Trong
sinh hoạt hằng ngày, nếu người tu thiếu sự kiểm soát, thiếu tích cực,
chúng ta dễ lạc vào lối dở dở ương ương, không đi tới đâu hết. Thành ra
người tu phải tích cực. Vì đây là tự nguyện, tự phát tâm, không ai bắt
buộc, việc của mình thì mình phải làm, không đợi ai. Dù chúng ta có
trông chờ, cuối cùng mình cũng làm thôi, chứ người ngoài không thể làm
thay được. Như bây giờ chúng ta có Thầy, giả dụ Hòa thượng là người đạt
đạo, dạy chúng ta tu nhưng mình không cố thực hành theo lời Ngài dạy, cứ
để ngoại cảnh len vô phá vỡ sự thanh tịnh của tâm, thì dù Hòa thượng có
thương xót, muốn độ bao nhiêu cũng không độ được. Thầy thành đạo mà đệ
tử không tu cũng khó thành đạo. Vì đó là việc của mình, Thầy thương là
chỉ dạy cặn kẽ phương pháp tu “con phải làm như thế, phải vượt qua như
thế …” Nhưng chúng ta vượt qua, chứ không phải Thầy ban cho. Vì vậy
quyết tâm hay kiên tâm là để trị bệnh ỷ lại, trông cậy, đợi chờ. Sự vật
chung quanh chúng ta luôn đổi thay mau chóng, chúng ta liệu xem có thể
đợi chờ được hay không? Hiểu như vậy, tất cả chúng ta phải gắng gổ, khắc
phục hành trì. Mỗi người chúng ta là những hành giả phải về đến nhà,
hưởng được lợi lạc trong Phật pháp.
Người
học đạo phải là người biết rõ, vừa có ý chí vừa biết rõ. Biết rõ cái
gì? Biết rõ tâm đạo của mình, biết rõ Phật đạo mình học, biết rõ chỗ đến
của sự hành trì. Biết rõ để làm gì? Để chúng ta là chủ nhân ông quyết
định cho sự tăng tiến của mình. Học đạo thì tiến cũng mình mà thoái cũng
mình. Cho nên người tu Phật phải có tri thức, phải kiên tâm, biết một
cách chắc thật mọi việc như thế. Ở đây chúng ta phải hiểu pháp tu, phải
hiểu chúng ta. Hiểu được như thế, nhận rõ như thế mới hy vọng Kiến Tánh.
Nói
đến từ “kiến tánh”, có khi quý vị nghĩ “chắc điều này chỉ để cho mấy
ông tổ, còn mình không kiến tánh nổi”. Không phải thế. Chúng ta tu phải
là người vững tin nơi mình có sẵn tánh giác. Đã có sẵn thì việc nhận lại
đâu phải quá tầm tay của mình. Người kiến tánh là người thấy được cái
thật của mình. Thế thôi. Chúng ta thấy được khả năng tu hành có thể
thành Phật của mình. Hoặc trái lại, mình biết bệnh một cách rõ ràng để
trị liệu cho mạnh khoẻ trở lại. Chữ Tánh là gì? Tánh là không thay đổi,
là chắc thật. Mình thấy được lẽ thật của các pháp, lẽ thật của chính
mình, gọi là kiến tánh. Người kiến tánh là người tu hành bảo đảm, chắc
chắn không lui sụt nữa. Như vậy có gì đáng sợ lắm đâu, tại sao chúng ta
không dám nhận khả năng có sẵn của mình?
Có
thể nói, chúng ta tu thì phải kiến tánh. Ở trên tôi nói chúng ta phải
hiểu biết, phải thấy rõ. Bây giờ đã hiểu biết, đã thấy rõ thì phải kiến
tánh, phải thấy được lẽ thật. Phật dạy: Chúng ta có khả năng làm Phật. Chúng ta có khả năng giác ngộ.
Tất cả chúng sanh, không riêng ai hết đều có khả năng đó. Mình nắm chắc
như thế, từ đó mà khởi xướng công phu. Chúng ta đến với đạo bằng cái
thấy, cái biết của mình, hành đạo cũng từ cái thấy, cái biết ấy tức là
cái kiến tánh của mình. Như thế công phu tu tập cũng từ kiến tánh mà
sáng đạo. Cái đó mình có thể làm được, thực hiện được, đạt được ngay
trong đời này.
Tu
thiền không đăït nặng vấn đề tu chứng. Sở dĩ không nói là vì sợ chúng
ta lầm chấp, chưa được mà nghĩ đã được. Ở đây với người tu thiền nêu lên
tinh thần kiến tánh để chúng ta mạnh mẽ, chuẩn bị công phu tu hành, làm
sao sáng được việc của mình. Sáng được việc của mình gọi là người sáng
đạo. Người sáng đạo là người thấy được chất Phật, thấy được khả năng làm
Phật của mình. Nếu quí vị đi chùa học Phật mà phát nguyện “Con đời đời
làm chúng sanh” thì thôi, tu chi cho mệt! Tu mà nguyên xi như thế thì có
lợi lạc gì đâu?
Chúng
ta biết chất Phật lâu nay mình có sẵn, nhưng chưa có cơ hội để nhận và
sống được. Bây giờ mình có thầy có bạn, có Phật pháp chỉ đường, chúng ta
phải gột rửa tất cả những gì bu bám xung quanh tánh Phật đó từ lâu nay,
để hằng sống được với tánh giác. Đó là việc mình có thể thực hiện được.
Trong công phu hằng ngày, có khi thầy chúng ta dạy một phương pháp rất
bình thường, nhưng nếu khéo hành trì, chúng ta có thể sáng được việc của
mình. Ví dụ hôm trước nhớ tới việc gì quí vị lao theo, tức là bị duyên
dẫn đi. Bây giờ việc đó hiện ra, quý vị nhớ tới nhưng bỏ ngay, không lao
theo. Đó là nhờ có học Phật, có hiểu Phật pháp, có hành trì, có ngồi
thiền, mình biết những thứ đó là vọng tưởng không thật. Do vậy dù nó có
hiện ba đầu sáu tay, mình cũng bái bái, không chạy theo nó, không để cho
nó kéo mình đi. Vì thế mình dửng dưng bình thường đối với tất cả. Công
phu ấy nếu được hành trì liên tục, quý vị sẽ được định tuệ, sẽ là người
sáng được việc của mình. Từ đó Phật đạo hiện thành.
Người
tu Phật, hành trì theo lời Phật dạy thâm niên, dù không nói sáng đạo
hoặc sống đạo, mà tự nhiên bên trong có được Phật chất bình an, nó sẽ
biểu hiện ra ngoài. Sự biểu hiện đó cho thấy người ấy rất an lạc, rất
bình thản bởi các sự duyên chung quanh. Trong đời sống chúng ta dễ bị
động bởi việc này việc kia, cho nên việc tu tập thiền định rất cần
thiết. Người dễ bị động là người trong tâm chưa vững hoặc chưa sáng, nên
cần phải hành trì Phật pháp nhiều hơn nữa. Nếu kiểm nghiệm thấy mình
chưa chủ động được các việc, bên trong chưa sáng chưa vững, thì phải sắp
xếp tu tập như thế nào cho vững sáng. Tu tập ở đây không có cách nào an
toàn hơn làm sao thấy rõ, biết rõ, chủ động, đừng để mắc míu bởi bất cứ
thứ gì. Bị kéo lôi bị mắc míu bởi một cái gì thì sẽ mất mình. Cố gắng
làm sao làm chủ được, giữ được sự tỉnh sáng của mình là điều thiết yếu
của một hành giả tu thiền.
Chúng
ta mỗi người đều có một thói quen sâu dày riêng, nhà Phật gọi là
nghiệp. Muốn trị được những thói quen ấy, phải dùng công phu. Muốn trị
được thói quen, trước nhất chúng ta phải là người bình tĩnh. Có bình
tĩnh mới sáng suốt mà trị được tập nghiệp của mình. Hòa thượng thường
dạy phải tỉnh, phải giác. Làm sao lúc nào mình cũng tỉnh cũng giác,
nghĩa là an nhiên, bình thường khi tiếp cận tất cả sự việc. Có tỉnh
giác, có sáng suốt thì đối với thói quen mình có thể trị được, có thể
làm chủ được, không bị nó dẫn đi.
Thói
quen là nghiệp. Như người có thói quen hút thuốc, khi hành công phu, họ
tự dặn mình phải bớt hút thuốc hoặc bỏ hẳn. Trong điều kiện thuận tiện,
không tiếp duyên với thuốc, họ dễ bỏ. Nhưng khi gặp duyên, gặp bạn
ghiền thuốc, tự nhiên thói quen cũ hiện ra. Cũng như là người thích
nhạc, đi ngang quán nhạc tự nhiên muốn đứng lại nghe hát. Cho nên muốn
trị được những tập khí cũ, chúng ta cố gắng làm chủ được mình. Trong
công phu chúng ta phải cố gắng, phải phấn đấu mới làm chủ được. Người
biết tu như vậy, công phu liên tục trong mọi hoàn cảnh sẽ sáng được việc
của mình không khó.
Nếu
có công phu, chúng ta sẽ nhận ra được chất Phật của mình, trí tuệ sẽ
hiện tiền. Từ đó mọi tập khí không làm gì được chúng ta. Thật ra tập khí
sâu dày lắm, tuy mình có công phu, nhưng trị được những hơi hướm đó đòi
hỏi phải quyết tâm. Để cho tập khí có cơ hội dấy khởi hoặc phát triển
thì công phu hành trì của chúng ta sẽ găïp trở ngại. Nhiều vị hành trì
công phu nhiều năm mà thành quả không được bao nhiêu, bởi vì họ không
làm chủ được những tập khí. Mỗi người có mỗi khuynh hướng nghiệp tập
khác nhau, không ai giống ai cả. Ta tự biết mình có nghiệp tập gì thì
nhắm thẳng cái đó mà tu.
Một
khi gột rửa được tập khí rồi, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, an lạc, giải
thoát. Bấy giờ không nói thành đạo, sáng đạo nhưng chúng ta đạt được tất
cả những điều đó. Người xưa có những phương thức hành trì thực tiễn,
các ngài đã chỉ dạy lại cho chúng ta. Điển hình như những thiền sư thời
Trần, các ngài dạy chúng ta phải nhìn lại mình, không chạy theo bên
ngoài. “Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc.” Nhìn lại mình,
soát xét lại mình, không bị những thứ bên ngoài kéo lôi, việc này ai
cũng có thể làm được. Chỉ là mình không gan dạ, không làm liên tục nên
không thành tựu. Nếu chúng ta gan dạ cố gắng hành trì liên tục như thế,
nhất định sẽ đạt được thành quả xứng đáng.
Chúng
tôi mong mỏi dù trong hoàn cảnh nào, các Phật tử cũng có thể nắm vững
yếu lý Phật dạy và áp dụng được. Lâu nay chúng ta bỏ quên, nên việc tu
mất nhiều thời gian, chưa nếm được lợi lạc. Bây giờ chúng ta thấy rõ
phương pháp tu, nhất định sẽ đến được chỗ sáng suốt, sống được với giác
tánh của mình, không bị những tập khí làm trở ngại. Đời sống thanh thản,
giải thoát là đời sống của người con Phật. Thiền Phật giáo Việt Nam,
qua kinh nghiệm của các vị tổ sư, các Ngài đã chỉ dạy lẽ thật đó.
Mong
tất cả quí Phật tử lưu tâm và cố gắng áp dụng những gì Phật Tổ đã chỉ
dạy. Chúng ta đủ duyên hiểu và hành đến nơi đến chốn thì sẽ hưởng được
những giá trị an lạc thiết thực nhất trong Phật pháp.
_____________________________
HỎI:
-
Kính bạch Thầy! Con là một thiền sinh, có thắc mắc thế này: Chúng ta có
cái biết thường hằng, bất sinh bất biến, nhưng khi chúng ta bị một tai
nạn làm bất tỉnh, chẳng hạn như chúng ta bị chụp thuốc mê để giải phẫu,
thì chẳng hiểu cái biết thường hằng đó nó đi đâuễin Thầy hoan hỷ giải
thích cho. Cám ơn Thầy.
ĐÁP:
Đây
là câu hỏi trúng ngay cái ưu tư của tôi. Quý vị biết, sở dĩ sức khỏe
tôi yếu là vừa rồi tôi cũng mới qua lần giải phẫu, bị chụp thuốc mê.
Quãng thời gian chụp thuốc mê, tôi hoàn toàn không có cảm nhận gì hết,
không biết gì hết. Khi nằm trong phòng giải phẫu, bác sĩ vừa vỗ tôi một
cái, ông lấy cái gì chụp lên mũi tôi, lúc đó tôi quên bẵng đi cho tới
hồi nghe có người cũng vỗ mình, biểu phải mở con mắt ra, rồi kêu uống
nước, chừng đó tôi mới sực tỉnh. Thời gian từ khi chụp thuốc mê cho tới
hồi kêu dậy, tối thiểu cũng phải hai tiếng đồng hồ hoặc nhiều hơn nữa.
Tôi nhớ lại trong kinh Phật cũng nói Bồ-tát cách ấm còn phải lo. Cách ấm
tức là khi mình bỏ thân này cho tới lúc nhận được thân sau, trong quãng
đó chúng ta quên hết chuyện đời trước.
Ở
đây nói riêng với người tu thiền thì thế này, chủ trương của người tu
thiền là trí tuệ, tỉnh táo, sáng suốt. Cho nên chủng Phật phải được phát
huy để trí tuệ luôn phát sáng. Ngay khi chúng ta còn mạnh khoẻ, nếu
không cố gắng nhận cho được trí tuệ chân thật không sanh không diệt của
mình thì khi các căn đóng lại, ta sẽ không còn cơ hội nhận kịp nữa. Do
vậy, trong trường hợp bị chụp thuốc mê là các căn tạm thời đóng lại, nên
tánh biết không có chỗ hiển lộ ra ngoài. Song không có nghĩa là nó
không có. Chỉ vì chúng ta chưa nhận và sống được với nó nên thân căn
khép lại, ta có cảm giác mình không biết gì nữa. Đối với người đạt đạo,
nếu lìa rời thân tứ đại, tánh giác hòa cùng hư không trùm khắp. Chỗ này
phải thân chứng, không thể dùng suy luận mà biết được. Nó không mất, chỉ
không đủ duyên thì không hiển lộ ra thôi. Điều này có thể minh chứng
được, vì khi thuốc mê hết, có người lay dậy chúng ta liền biết. Nếu tánh
biết không sẵn có, làm sao mình biết được? Nó là cái chủ đạo, cái sẵn
có của mình, luôn hiển lộ qua sáu căn. Nếu sáu căn tạm thời dừng hoạt
động hay dừng hẳn thì tánh biết ấy sẽ trở về thể không lặng của nó, khi
nào đủ duyên nó sẽ phát ra.
Chúng
tôi chỉ có thể tạm giải thích như vậy, nhưng thật ra điều này chúng ta
phải thân chứng mới biết một cách đích thực, không thể suy nghĩ mà hiểu
được. Suy nghĩ tức không đúng.
Thích Nhật Quang
(Thiền viện Thường Chiếu)