Phật Học Online

Yên Tử sẽ trở thành kinh đô Phật giáo
Trà Vân

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Trưởng Ban Giáo dục Tăng, Ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết UBND tỉnh Quảng Ninh, GHPGVN, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tập trung mọi nguồn lực, công sức phấn đấu làm cho Yên Tử trở thành kinh đô Phật giáo.


Khẳng định Việt Nam là nước tự do tôn giáo, TS Phật học, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cũng đồng thời nhấn mạnh thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo yêu nước của Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế.

 

Thượng tọa Thích Thanh Quyết. Ảnh: VNP

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển (từ năm 1981), GHPGVN đã thực hiện được một công việc rất lớn trong lịch sử GHPGVN đó là hợp nhất các tổ chức giáo hội trong cả nước. "Đây là nét khác biệt của GHPGVN với các giáo hội Phật giáo trên thế giới" - ông nói.  Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, GHPGVN, các Tăng, Ni, Phật tử luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội.
 

Tôn chỉ “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội” được GHPGVN thể hiện rõ trong công tác từ thiện, nhân đạo, cùng với các tổ chức xã hội tham gia vào các phong trào như: “Nếp sống văn hóa”; “Xây dựng gia đình văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới”; “Xóa đói giảm nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Nối vòng tay lớn”… Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều vị Tăng, Ni tiêu biểu như đi dạy cho các trường mồ côi, thuyết giảng đạo lý cho các phạm nhân trong tù, giúp đỡ bồi dưỡng kiến thức cho học sinh nghèo, thành lập 65 tuệ tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa để khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân, chi phí mỗi năm trên 5 tỉ đồng...

Vừa là người giữ trọng trách lớn của Trung ương GHPGVN, vừa là đại biểu Quốc hội, Thượng tọa đã có những hành động cụ thể gì để kết hợp hài hòa giữa lợi ích tôn giáo và lợi ích dân tộc?

 

Là đại biểu Quốc hội, tôi quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục đạo đức, an sinh xã hội. Tôi thấy, cần có những tiếng nói, góp ý cho Quốc hội về vấn đề giáo dục, bởi hiện nay việc tuyên truyền giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường còn hạn chế. Thậm chí, lối sống của một bộ phận giáo viên và học sinh đáng báo động nên dẫn đến các hành vi tội phạm, tệ nạn xã hội đáng lên án. Tôi luôn trăn trở về những vấn đề này, trong khi đó, chỉ riêng ngành Giáo dục sẽ không giải quyết được.

 

Tôi thấy, GHPGVN cần có sự phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp để vận động, tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân quan tâm nhiều hơn nữa đến con em họ, gia đình mình. Bởi chỉ có gia đình ấm no, hạnh phúc thì xã hội mới phát triển bền vững.
 
 

Hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm phá hoại các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Giới chức tôn giáo như Thượng tọa đã tuyên truyền, giải thích cho người dân, các Phật tử về chính sách tự do tôn giáo và tự do không tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta như thế nào?

 

Mỗi người dân Việt Nam có quyền được theo tôn giáo và không theo tôn giáo. Đó là điều pháp luật đã khẳng định.

Hội Yên tử. Ảnh: VNP

Tôi thấy, ở nước ta, tín ngưỡng, tôn giáo rất được tự do, tự do đến mức độ được tôn trọng. So với các nước trong khu vực, tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam ít nhất là không kém, thậm chí còn nhiều mặt cao hơn và thể hiện rõ nhất niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước.

 

Mặc dù, vẫn còn một số người có ý nọ, ý kia, hay có những ý kiến phản đối, đó là do người ta chưa hiểu hết thực tế tình hình tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Bởi, nếu được chứng kiến những dịp Tết, lễ hội thì họ sẽ hiểu khác. Tôi đã được đi một số nước Phật giáo trong khu vực, tôi khẳng định, Nhà nước Việt Nam rất tôn trọng tự do, tín ngưỡng và người dân cũng được thể hiện một cách toại tâm, toại nguyện tín ngưỡng của mình.
Thưa Thượng tọa, Tổ đình Yên Tử là trung tâm lớn của Phật giáo Việt Nam, được coi là khởi nguồn của Thiền phái Trúc Lâm. Ngày nay, trước xu hướng hiện đại hóa Phật giáo, dòng Thiền này có sự thay đổi như thế nào để vừa thu hút tín đồ, vừa bảo đảm tôn chỉ tư tưởng ban đầu của Trúc Lâm Tam Tổ?

 

Với tinh thần Bồ Tát đạo, người con Phật càng phải dấn thân vào cuộc sống, đồng cam cộng khổ với chúng sinh, vui với niềm vui của đất nước, đau với nỗi đau của dân tộc, nhưng khi thanh bình thì vẫn trở về với cuộc sống tu hành thoát tục. Chính Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một Thiền phái mang những đặc điểm ấy.

 

Yên Tử là một tổ đình lớn, nơi phát tích Thiền phái Trúc lâm, cũng là nơi phát tích ra tư tưởng của đạo pháp - dân tộc do Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị lãnh tụ tinh thần thần ấy. Cho nên, hiện nay UBND tỉnh Quảng Ninh, GHPGVN, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tập trung mọi nguồn lực, công sức phấn đấu làm cho Yên Tử trở thành Kinh đô Phật giáo Việt Nam, từng bước xây dựng, quy hoạch, quản lý cho đúng tầm.

Theo: vietnamnet.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage